Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng trật tự quốc tế theo hướng phù hợp hơn với lợi ích của họ và để nước này có được một vai trò hàng đầu trong các vấn đề toàn cầu. Vì thế, Trung Quốc đang cần sự hậu thuẫn của Nga và một số quốc gia có ảnh hưởng khác. Để thực hiện được mục tiêu này trong bối cảnh phải đối mặt với sự hoài nghi, thậm chí đối nghịch của Mỹ và các đồng minh của Mỹ, Trung Quốc cần các đối tác có ảnh hưởng, chẳng hạn như các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) và nhất là "người bạn Nga", mặc dù mục tiêu chiến lược của ông Putin khá khác biệt với mục tiêu của ông Tập Cận Bình. Trong bài phát biểu quan trọng về đường lối đối ngoại của Trung Quốc hồi tháng 11/2014, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh đến việc phát triển quan hệ với các nước láng giềng và các cường quốc. Song ông cũng bổ sung thêm các "cường quốc đang phát triển"- trong đó chắc có cả Nga - vào chiến lược ngoại giao của Trung Quốc. 

Cả Trung Quốc lẫn Nga đều rất thận trọng đối với một môi trường quốc tế thù địch do Mỹ chi phối. Nhưng quan điểm của ông Tập Cận Bình về Mỹ mang nhiều sắc thái hơn quan điểm của ông Putin - người coi Mỹ là kẻ thù số một của Nga. Chính phủ Trung Quốc không ngần ngại chỉ trích Mỹ, nhưng họ vẫn không quên rằng Trung Quốc có lẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ quá trình toàn cầu hóa và một trật tự ở châu Á do Mỹ dẫn đầu. Ông Tập Cận Bình nhận thấy một mối quan hệ ổn định với Mỹ, tuy còn nhiều bất đồng, sẽ giúp nuôi dưỡng một môi trường quốc tế thuận lợi cho sự phát triển hòa bình, điều quan trọng có thể giúp ông đạt được “Hai mục tiêu thế kỷ "của mình. 

Các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc thường nhận xét về các phát biểu chống Mỹ gần đây của ông Putin với giọng điệu ôn hòa và ít bình luận. Có vẻ như Trung Quốc đang ngày càng khó chịu với chính sách của ông Putin về Ukraine cũng như về thái độ chống phương Tây của ông, tuy điều đó hầu như không được thể hiện trên mặt báo. Trong khi đó, Trung Quốc đang tiếp tục hưởng lợi từ ưu thế về công nghệ quân sự của Nga. Mới đây, các phương tiện truyền thông Nga đưa tin rằng Nga đã sẵn sàng cung cấp chiến đấu cơ Su-35 cho Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng đã đến thăm Bắc Kinh trong tháng 11 năm ngoái và công bố một kế hoạch tập trận hải quân chung tiếp theo vào năm 2015 - một cuộc ở Địa Trung Hải và một cuộc ở Thái Bình Dương. Hai địa điểm này được lựa chọn nhằm minh chứng cho khả năng tiếp cận toàn cầu của một lực lượng kết hợp Trung-Nga. 

Tuy nhiên, cuộc tập trận mang tên Vostok 2014 (Phương Đông 2014) - gồm các bài huấn luyện chiến đấu có quy mô lớn nhất trong năm 2014 của Nga - được các chuyên gia quân sự quốc tế đánh giá là nhằm kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu chống lại chính Trung Quốc. Động thái này cho thấy ông Putin không tin tường hoàn toàn vào "người bạn mới tốt nhất" của mình. 

Thông điệp liên bang do ông Putin trình bày hồi tháng 12 năm ngoái chỉ đề cập thoáng qua về khu vực châu Á-Thái Bình Dương và nói nhiều về Liên minh Kinh tế Á-Âu (EEU). Việc xây dựng EEU là biểu hiện rõ ràng nhất về sự thất vọng của ông Putin trước sự bành trướng về kinh tế và chính trị của Trung Quốc ở Trung Á. Vị thế của Nga tại khu vực này rõ ràng là đang bị suy yếu trước sự nổi lên của Trung Quốc. Một trong những mục tiêu chính trong chính sách đối ngoại của ông Tập Cận Bình là xây dựng các con đường tơ lụa mới. Việc con đường tơ lụa mới gần như không hướng vào Moskva cho thấy sự thống trị của Trung Quốc ở khu vực Trung Á trong tương lai sẽ không mang lại mấy lợi ích cho kinh tế Nga. Các nhà phân tích cho rằng sự "thắm thiết" trong quan hệ Nga-Trung hiện nay khó có thể trường tồn, do hai nước không có mấy lòng tin về chiến lược của nhau. 

Mạng tin "Diễn đàn Đông Á 

Vũ Hiền (gt)