Biên giới Trung - Ấn vẫn có tranh chấp, sự tham dự của Ấn Độ trong đối đầu ngày càng tăng tại biển Đông và chính sách Mỹ quay lại châu Á đã đẩy những động lực Trung - Ấn theo hướng cạnh tranh. Đồng thời, những thay đổi sâu sắc trong cân bằng sức mạnh kinh tế và chính trị cũng mở ra những lĩnh vực quan trọng mới trong hợp tác.

Những diễn biến gần đây đã cho thấy đang có mâu thuẫn ngầm trong quan hệ song phương hai nước. Đối thoại cấp cao tại Bắc Kinh giữa hai cường quốc đã kết thúc vào cuối tuần qua liên quan tới biên giới tranh chấp giữa hai nước được xem là dấu hiệu thúc đẩy tích cực. Hàng loạt đàm phán đã diễn ra kể từ 2005 nhưng giai đoạn hiện nay của đàm phán tập trung vào xây dựng khuôn khổ ngoại giao để có thể phân định đường biên giới cuối cùng.

Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Shivshankar Menon lạc quan nhưng cẩn trọng về đàm phán: về tổng thể khi nhìn vào quan hệ Trung - Ấn và nhìn về vấn đề biên giới, Trung - Ấn thực sự đã đạt được tiến triển đáng kể và xử lý tốt quan hệ. Biên giới hòa bình và chúng tôi đã đạt được tiến bộ trong giải quyết vấn đề này.

Đới Bình Quốc khi trả lời phỏng vấn truyền thông Ấn Độ cho biết “không gì là không thể nếu có quyết tâm. Nếu chúng ta nỗ lực ở bên những người bạn mãi mãi, không bao giờ đối xử với nhau như kẻ thù, theo đuổi hòa bình lâu dài, cùng tồn tại hữu nghị và thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác cùng thắng, chúng ta sẽ có khả năng tạo điều kỳ diệu vì lợi ích của nhân dân hai nước và toàn thể nhân loại”. Những ngôn từ lạc quan như vậy cho thấy lợi ích chiến lược sâu của Trung Quốc trong duy trì quan hệ hữu nghị với Ấn Độ. Trung Quốc rất muốn lôi kéo Ấn Độ nhằm tránh để Ấn Độ xây dựng liên minh với Mỹ, Nhật và Philippines chống Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc muốn cải thiện quan hệ với Ấn Độ, giải quyết biên giới phía Tây để có nhiều khả năng hành động chiến lược hơn đối với Nhật và Mỹ ở Thái Bình Dương.

Khi được hỏi về việc Mỹ muốn Ấn trở thành đồng minh khu vực tiềm năng, ông Đới Bình Quốc cho rằng “Ấn Độ là nước có sự độc lập chiến lược và sẽ không bị lôi kéo hoặc chỉ đạo bởi nước nào khác. Là nước tiên phong trong Phong trào không liên kết và nền kinh tế đang nổi lớn với sự gia tăng ảnh hưởng quốc tế, Ấn Độ sẽ kiên trì chính sách đối ngoại độc lập truyền thống và góp phần vào hòa bình, phát triển của khu vực và thế giới.

(1) Đối đầu khu vực

Tuy nhiên, cùng với những đàm phán đầy hứa hẹn mà có thể dẫn tới giải quyết tranh chấp lãnh thổ Trung - Ấn, sự cứng rắn về khu vực mới của Trung Quốc đã tạo phản ứng cạnh tranh đặc biệt của Ấn Độ trên mặt trận khác. Dù không phải là bên tuyên bố chủ quyền trong tranh chấp biển Đông nhưng Ấn Độ lại có lợi ích đặc biệt tại khu vực này. Tập đoàn Dầu khí quốc gia Ấn Độ (ONGC) có chương trình phát triển với chính phủ Việt Nam về khai thác dầu khí tại vùng nước tranh chấp và đã đầu tư 600 triệu USD vào dự án. Do đó nhằm bảo vệ đầu tư của Ấn tại khu vực này, hải quân Ấn Độ cho biết sẵn sàng triển khai lực lượng tại biển Đông. Trung Quốc hẳn không hài lòng trước động thái này của Ấn Độ.

Tuy nhiên, những tuần gần đây, chính phủ Trung Quốc cũng có động thái làm trầm trọng hóa căng thẳng khu vực với Ấn Độ khi hộ chiếu mới của Trung Quốc cũng bao gồm khu vực biên giới tranh chấp chung giữa hai nước, dẫn tới phản ứng của Ấn Độ là cấp visa đặc biệt cho công dân Trung Quốc với bản đồ có in lãnh thổ tranh chấp thuộc Ấn Độ.

Tại sao chính phủ Trung - Ấn lại chĩa mũi nhọn vào nhau khi đang có tiến triển trong giải quyết biên giới tranh chấp?

Trả lời cho những động thái chính sách đối ngoại khá mâu thuẫn này chỉ có thể giải thích bằng yếu tố chính trị nội bộ. Không bên nào có thể tỏ ra yếu trước đối thủ lâu dài của mình. Tại Ấn Độ, ký ức về chiến tranh biên giới Trung – Ấn 1962, cùng với nỗi lo sợ về sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc là nét nổi bật trong giới chính trị Ấn. Hệ thống chính trị Trung Quốc tập trung hơn những cũng mập mờ hơn. Và trong cấu trúc chính trị Trung Quốc cũng có nhiều nhân tố có thái độ diều hâu đặc biệt với Ấn Độ. Những nhân tố này có thể ở đằng sau ủng hộ động thái in hộ chiếu mới bao gồm các khu vực tranh chấp. Cũng có cách giải thích khác là song song với ngôn từ thỏa hiệp và động thái căng thẳng, Trung - Ấn đang sử dụng cây gậy và củ cà rốt nhằm đạt được mục đích ngoại giao.

(2) Hợp tác toàn cầu

Trung - Ấn tiếp tục là đối thủ khu vực nhưng ngày càng tăng hợp tác trên phạm vi toàn cầu. Hai nước chia sẻ quan điểm tương tự nhau liên quan tới thương mại quốc tế, phát triển trong nước và sự nổi lên hệ thống thế giới đa cực. Cường quốc châu Á cũng có sự ủng hộ chính trị lẫn nhau trong một vài lĩnh vực chính như cả hai đều ủng hộ nhau trong lĩnh vực quan trọng như biến đổi khí hậu, hệ thống tài chính quốc tế. Tháng 2/2012, chính phủ Ấn Độ đã đề xuất thiết lập Ngân hàng phát triển BRICS như một lựa chọn khác đối với WB và IMF. Hợp tác tài chính giữa các nền kinh tế đang nổi như Bra-xin, Nga, Ấn, Trung và Nam Phi sẽ là sự thay đổi trò chơi đối với hệ thống tài chính quốc tế. WB và IMF phần lớn do Mỹ và các đồng minh như Nhật thống trị với khả năng bỏ phiếu gấp đôi Trung Quốc tại IMF.

Thứ trưởng tài chính Trung Quốc Zhu Guangyao, rất nhiệt tình với đề xuất của Ấn Độ khi cho rằng “cơ sở hạ tầng kém phát triển vẫn là nút thắt cổ chai đối với sự phát triển kinh tế tại các nền kinh tế đang nổi và cần có nhu cầu hỗ trợ tín dụng lớn. Hy vọng việc thành lập Ngân hàng phát triển BRICS sẽ góp phần hỗ trợ tốt hơn các dự án này. Trong khi thương mại toàn cầu yếu và sẽ chỉ tăng trưởng 2,5% trong năm 2012, đây là nghĩa vụ chung các nước BRICS cần chống chủ nghĩa bảo hộ thương mại và cởi trói cho các tiềm năng”.

Trung - Ấn còn chia sẻ điểm tương đồng là sự phát triển nhanh của các nước đang phát triển trong bối cảnh các nước giàu tiếp tục suy giảm kinh tế. Trung - Ấn đều có mong muốn chung là tăng cường vị thế quốc tế và làm sâu sắc hơn quan hệ đầu tư, thương mại giữa hai nước. Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ.

Thậm chí tại khu vực, Trung - Ấn cũng có quan ngại chiến lược chung. Cả hai cường quốc đều cảm thấy bị bao vậy bởi các quốc gia có thái độ thù địch tiềm ẩn. Ấn Độ cảm thấy bị kiềm chế về địa lý bởi Pakistan và Trung Quốc trong khi Trung Quốc cảm thấy không dễ chịu với Nhật Bản và hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ và của cả Ấn Độ. Cả hai nước đều muốn giành được không gian chiến lược lớn hơn từ việc phân định biên giới chung và duy trì quan hệ hữu nghị.

Trong một số lĩnh vực căng thẳng Trung - Ấn như tiếp cận nguồn năng lượng tại Biển Đông là điều không thể tránh khỏi nhưng cả hai cường quốc phải cẩn trọng để thúc đẩy lợi ích mà không làm bên kia mất mặt, bởi điều đó có thể đẩy quan hệ hai nước sang hướng thù địch. Nếu Trung - Ấn thể hiện đủ tôn trọng lẫn nhau và hợp tác vì lợi ích chung thì hai cường quốc này có thể bảo đảm hòa bình khu vực và thay đổi tích cực cân bằng quyền lực toàn cầu./.

Theo Mạng Atimes (ngày 11/12)

Nhật Linh (gt)