Mối quan hệ phức tạp của Trung-Mỹ-EU về vấn đề biến đổi khí hậu 

Quan hệ ba bên Trung-Mỹ-EU về vấn đề biến đổi khí hậu chủ yếu là chỉ mối liên hệ, vai trò và ảnh hưởng qua lại của lập trường chính sách ba bên về vấn đề giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. Chủ yếu có ba yếu tố cơ bản tạo thành mối quan hệ ba bên này. 

Một là, về vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, Trung Quốc, Mỹ và EU đều là bên chịu trách nhiệm khiến người ta chú ý nhất , và đều là các bên thải ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất trên thế giới. Trong đó, Mỹ là nước thải ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất thế giới trong lịch sử và hiện tại. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu tài nguyên thế giới ( WRI), lượng thải ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Mỹ từ năm 1850 đến nay chiếm tỷ trọng số 1 thế giới trong tổng lượng thải ra của toàn cầu. Theo báo cáo công bố tháng 12/2009 của Cục Quản lí tin tức nguồn năng lượng Mỹ, lượng thải ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Mỹ đạt 7,0526 tỉ tấn khí CO­­ 2 tương đương ­ , trong đó lượng khí thải CO­­ 2 là 5,839 tỉ tấn. Theo dự tính của báo cáo này, đến năm 2030, lượng khí thải CO­­ 2 liên quan với các nguồn năng lượng của Mỹ sẽ đạt 6,207 tỉ tấn, đến giờ Mỹ vẫn là một trong những quốc gia thải ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất trên thế giới. Các nước thành viên EU cũng là nguồn thải ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính chủ yếu của thế giới, lượng thải ra của các nước này từ năm 1850 đến nay luôn đứng thứ hai thế giới. Trong năm 2008, tổng lượng thải ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính của 27 nước EU đạt đến 4,9712 tỉ tấn, đứng thứ ba trên thế giới. Mặc dù, những năm gần đây, EU nỗ lực không ngừng cắt giảm khí thải, tổng lượng thải ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính của EU chiếm tỷ trọng trong tổng lượng của thế giới có chiều hướng hạ xuống, nhưng trong khoảng thời gian tương đối dài trong tương lai vẫn sẽ đứng vị trí hàng đầu thế giới. Từ năm 1850 đến nay, lượng thải ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Trung Quốc chiếm tỷ trọng tổng lượng của thế giới ít hơn rất nhiều so với Mỹ và EU, nhưng từ xu thế thải ra của hiện tại và trong tương lai, lượng thải ra của Trung Quốc sẽ rất được người ta chú ý. Theo số liệu của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), trong năm 2007, lượng khí thải CO­­ 2 của Trung Quốc khoảng 6 tỉ tấn, chiếm 21% tổng lượng khí thải CO­­ 2 của thế giới, trở thành quốc gia thải ra khí CO­­ 2 liên quan với các nguồn năng lượng nhiều nhất trên thế giới. “Triển vọng năng lượng thế giới năm 2009” do cơ quan này công bố đã đưa ra, đến năm 2030, trong 11 tỉ tấn khí thải CO­­ 2 mới tăng trên toàn cầu có liên quan với các nguồn năng lượng, ¾ trong số đó đến từ Trung Quốc. 

Hai là, Trung-Mỹ-EU là ba bên lợi ích liên quan quan trọng của vấn đề biến đổi khí hậu, điều này đã quyết định mối quan hệ ba bên này là một kiểu quan hệ hợp tác và cạnh tranh cùng tồn tại. Một mặt, Trung Quốc, Mỹ và EU đều có động cơ hợp tác mạnh mẽ, có thể cùng được lợi từ trong quá trình hợp tác ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu. Vấn đề này cũng là vấn đề chung mà tất cả các nước bao gồm cả ba bên này đều đang phải đối mặt, ứng phó với những ảnh hưởng bất lợi do vấn đề này đem đến là phù hợp với lợi ích của tất cả các quốc gia. Đồng thời, sự phức tạp và liên quan rộng rãi của vấn đề này, khiến cho bất kỳ quốc gia nào đều không thể đơn độc giải quyết. Chỉ có các nước bao gồm cả Trung Quốc, Mỹ và EU cùng hợp tác mới có thể giảm thiểu hoặc thích ứng với những ảnh hưởng bất lợi do biến đổi khí hậu đem đến. Mặt khác, Trung Quốc, Mỹ và EU lại đang tồn tại sự cạnh tranh về việc làm thế nào để ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu. Trọng tâm của kiểu cạnh tranh này là ba bên với tư cách là chủ thể giải quyết quan trọng nhất, làm thế nào phân chia công bằng trách nhiệm và nghĩa vụ trong việc ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu trên trường quốc tế. Biểu hiện của sự cạnh tranh này là ba bên đang tồn tại bất đồng rất lớn về nguyên tắc và quy tắc giải quyết. Thực chất của sự cạnh tranh này là cuộc tranh giành giữa các nước đối với quyền và không gian phát triển đất nước. Ảnh hưởng của sự cạnh tranh này lại liên quan đến việc thay đổi cục diện quyền lực của hệ thống quốc tế. Vì vậy, các hành vi như chính sách biến đổi khí hậu, lập trường đàm phán và thải ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính của bất kỳ bên nào trong ba bên này đối với các nước khác đều rất được chú ý, do vậy đã nảy sinh sự dựa vào nhau nào đó giữa ba bên này. 

Ba là, Trung-Mỹ-EU là ba bên xây dựng quan trọng nhất chế độ khống chế biến đổi khí hậu toàn cầu, đều có ảnh hưởng tương đối lớn đối với nội dụng và tiến trình giải quyết biến đổi khí hậu. Mỹ đã dựa vào thực lực chính trị kinh tế vượt trội của mình, thử lựa chọn một cách linh hoạt giữa hành động đa phương và hành động đơn phương trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu. Khi Mỹ cho rằng lợi ích của nước mình có thể chịu sự đe dọa của cơ chế đa phương, có thể họ sẽ đứng ngoài kiểu tiế n trình đa phương này , chuyển sang sử dụng hành động đơn phương, thậm chí thi hành quyền phủ quyết, là bên gây trở ngại sự hợp tác khí hậu quốc tế. Vì vậy, Mỹ vừa có thể thúc đẩy và lãnh đạo hợp tác khí hậu quốc tế, vừa có thể gây cản trở và trì hoãn tiến trình này, gây ảnh hưởng đến hành vi của các quốc gia khác. EU là một nhân vật then chốt khác trong việc giải quyết vấn đề khí hậu toàn cầu. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, việc ứng phó với một loạt thách thức toàn cầu bao gồm cả vấn đề biến đổi khí hậu, đã trở thành một mặt quan trọng trong chính sách đối ngoại của EU. Với bối cảnh này, EU quan tâm cao độ đến vấn đề biến đổi khí hậu, tích cực tham gia tiến trình đàm phán khí hậu toàn cầu. Từ EU cho thấy, rất nhiều vấn đề môi trường quan trọng mang tính quốc tế, chỉ có thông qua con đường đa phương mới có thể ứng phó một cách hiệu quả. Trên thực tế, từ những năm 90 của thế kỷ 20 đến nay, EU luôn là bên thiết lập chương trình nghị sự và là lực lượng thúc đẩy quan trọng tiến trình đàm phán khí hậu toàn cầu. Trung Quốc là bên tham gia tích cực nhưng thận trọng trọng trong hệ thống giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. Từ những năm 90 của thế kỷ 20 đến nay, hầu như Trung Quốc đã tham gia tất cả các hội nghị biến đổi khí hậu quốc tế quan trọng, có thái độ vô cùng cởi mở đối với các cuộc đàm phán khí hậu quốc tế, tích cực đối thoại và trao đổi với cộng đồng quốc tế. Nhưng bên cạnh đó, sự tham gia của Trung Quốc lại rất thận trọng, nó đã phản ánh và ảnh hưởng đến lập trường và chính sách của rất nhiều nước đang phát triển khác. Có thể nói, trong hệ thống giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu vị thế và cấp bậc của Trung Quốc, Mỹ và EU cơ bản là nhau ngang nhau. 

Tóm lại, trước bối cảnh lớn của việc giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, quan hệ ba bên Trung-Mỹ-EU về vấn đề biến đổi khí hậu là một kiểu quan hệ đa phương được sinh ra bởi ba yếu tố chủ yếu: bên trách nhiệm, bên lợi ích liên quan và bên xây dựng chế độ về vấn đề khí hậu. 

Quan hệ Trung-Mỹ-EU xoay quanh những thay đổi về vấn đề biến đổi khí hậu 

Cùng với tiến trình đàm phán về sự biến đổi khí hậu toàn cầu không ngừng thay đổi, trong các giai đoạn khác nhau có các biểu hiện hình thái khác nhau, quan hệ ba bên Trung-Mỹ-EU về vấn đề biến đổi khí hậu có thể chia thành bốn giai đoạn cụ thể. 

Giai đoạn thứ nhất, thời kỳ đầu của tiến trình Kyôtô, tổng thể của ba bên Trung-Mỹ-EU về vấn đề biến đổi khí hậu có sự hợp tác, nhưng mức độ hợp tác giữa EU và Mỹ cao hơn so với sự hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ, Trung Quốc và EU. Ba bên này đều đã tham gia các cuộc đàm phán về khí hậu toàn cầu trong thời gian này, việc đạt được “Nghị định thư Kyôtô” có nghĩa là giữa ba bên đang tồn tại khuôn khổ hợp tác trên cấp độ đại đa phương, và đã thực hiện được quan hệ hợp tác tổng thể. Tuy giữa EU và Mỹ còn tồn tại bất đồng, nhưng quan hệ của họ chặt chẽ hơn nhiều so với quan hệ Trung-Mỹ và Trung-EU. Bất đồng giữa EU và Mỹ được thể hiện trong vấn đề phạm vi, mục tiêu và thời gian biểu của việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính của các nước phát triển. EU chủ trương đến năm 2010, sẽ giảm mức thải của ba loại khí thải gây hiệu nhà kính là CO2, mêtan, ôxít nitơ xuống mức thấp 15% so với mức thải ra của năm 1990; Mỹ thì chủ trương từ năm 2008 đến năm 2012, sẽ giảm bớt sáu loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính, và hạ thấp chỉ tiêu cắt giảm khí thải, nước này còn yêu cầu quy định nội dung “thương mại khí thải” và “thực hiện hiệp ước chung” trong Nghị định thư. Những bất đồng này giữa EU và Mỹ không hề ảnh hưởng đến sự nhất trí về lập trường của họ trong hai vấn đề sau: một là, xuất phát từ những tính toán về giá thành, hiệu suất của việc cắt giảm khí thải, đề xuất vận dụng các cơ chế linh hoạt như “thương mại khí thải”, “thực hiện hiệp ước chung”; h ai là, chủ trương “các nước đang phát triển chủ yếu tự nguyện cam kết nghĩa vụ cắt giảm khí thải, đồng thời khởi động một vòng đàm phán mới, để quy định các nước đang phát triển phải tham gia “hạn chế thải khí thải”. Ở giai đoạn này, Trung Quốc đã áp dụng mô hình “nhóm 77 quốc gia+Trung Quốc” tham gia đàm phán, nhưng do tốc độ phát triển nhanh của kinh tế Trung Quốc cũng như sự tăng lên của lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nên Trung Quốc nhận được sự “quan tâm đặc biệt” của Mỹ và EU. Vì vậy, tại Hội nghị Kyôtô năm 1997, khi các nước phát triển như Mỹ thực thi gây sức ép các nước đang phát triển, Trung Quốc và Ấn Độ là đối tượng bị gây sức ép chủ yếu . Đại biểu Chính phủ, Quốc hội Mỹ, chủ tịch đại hội đã nhiều lần gặp gỡ đại diện của Trung Quốc và Ấn Độ, yêu cầu Trung Quốc và Ấn Độ chấp nhận điều khoản cắt giảm khí thải tương quan. Tuy EU không đứng đầu, nhưng cũng phối hợp với hành động của Mỹ. Trung Quốc đã ngăn chặn ý đồ của các nước phát triển khác như Mỹ và EU, bởi điều này đe dọa đến lợi ích căn bản của Trung Quốc trong việc phát triển kinh tế và nguồn năng lượng. Trung Quốc chủ trương nghiêm chỉnh dựa theo “Sự ủy quyền Béclin”, phản đối các quy định về nghĩa vụ mới cho các nước đang phát triển, cản trở việc khởi động “hậu tiến trình Kyôtô”, ngăn cản điều khoản “cam kết tự nguyện”. Trung Quốc còn đưa ra “Trước khi đạt đến mức quốc gia phát triển trung bình, Trung Quốc không thể gánh vác nghĩa vụ cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính; sau khi đạt đến mức quốc gia phát triển trung bình, Trung Quốc sẽ nghiên cứu kỹ việc gách vác nghĩa vụ cắt giảm khí thải. Nhưng trước đó, Chính phủ Trung Quốc sẽ căn cứ theo chiến lược phát triển bền vững của mình, nỗ lực giảm dần mức tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính”. Ngoài ra, Trung Quốc phản đối việc xác lập cơ chế “thương mại khí thải” trong Nghị định thư. Trung Quốc còn trao đổi và hợp tác thân thiết với Ấn Độ, hai nước quyết định không nhượng bộ trong ba vấn đề “cam kết tự nguyện”, “thương mại khí thải” và “hậu tiến trình Kyôtô”, nhưng trong “thực hiện hiệp ước chung” và “Cơ chế phát triển sạch”, hai nước đã xem xét tới yêu cầu của các nước phát triển, do đó đã đánh bại được mưu đồ đổ trách nhiệm của các nước như Mỹ và Nhật Bản.

Giai đoạn thứ hai, trong thời gian tiến trình Kyôtô. Bên cạnh việc Trung-Mỹ-EU duy trì mối quan hệ hợp tác tổng thể, mức độ hợp tác Trung-EU được nâng cao, đã vượt qua sự hợp tác của Mỹ-EU và Trung-Mỹ, và những bất đồng giữa Mỹ với Trung Quốc và EU ngày càng rõ ràng. Sau Hội nghị Kyôtô, sự bất đồng giữa Mỹ và EU về vấn đề làm thế nào để trung hòa lượng khí thải thực tế của các bên kí hiệp định, bằng khả năng hút CO 2 của rừng rậm và thực vật hiện có được lộ rõ, làm cho Hội nghị các bên kí hiệp ước “Công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC)” lần thứ 6 kết thúc mà không thu được kết quả. Mục tiêu của Mỹ trong đàm phán quốc tế tan vỡ, cộng thêm các nhân tố chính trị trong nước, đã dẫn đến vào tháng 3/2001, Chính quyền Bush con tuyên bố Mỹ rút khỏi “Nghị định thư Kyôtô” đã kí kết. EU và Trung Quốc tỏ rõ sự phản đối và chống lại hành động này của Mỹ. Về khách quan, hành vi đơn phương của Mỹ đã thúc đẩy EU và các nước đang phát triển bao gồm cả Trung Quốc xích lại gần nhau hơn. Cùng với việc EU và Trung Quốc phê chuẩn “Nghị định thư Kyôtô”, nghị định thư này chính thức có hiệu lực vào tháng 2/2005. Như vậy, đặc trưng tổng thể quan hệ ba bên Trung-Mỹ-EU về vấn đề biến đổi khí hậu không nảy sinh những thay đổi căn bản (Trung-Mỹ-EU với tư cách là bên ký hiệp ước của “UNFCCC”, trên cấp độ đại đa phương nền tảng cơ chế hợp tác trong tầng nấc đa phương vẫn tồn tại), nhưng tiến trình hợp tác giữa Trung Quốc và EU được nâng cao nhanh chóng, Mỹ ở trong tình trạng có sự cạnh tranh rõ rệt với EU và Trung Quốc. Ở giai đoạn này, Trung Quốc và EU đã xây dựng quan hệ đối tác về biến đổi khí hậu. Hai bên nhấn mạnh hợp tác quốc tế của hậu tiến trình Kyôtô, nhất định phải tiến hành dưới khuôn khổ đa phương của Liên Hợp Quốc, nên lấy mục tiêu, nguyên tắc và mô hình hợp tác mà “UNFCCC” và “Nghị định thư Kyôtô” đã xác lập làm nền tảng pháp luật. Về các đề tài đàm phán cụ thể, Trung Quốc và EU đều cho rằng hậu tiến trình Kyôtô, các nước phát triển nên tiếp tục đảm nhiệm chỉ tiêu cắt giảm lượng khí thải, lập trường chung này cũng được thể hiện trong Hội nghị diễn ra tại Bali tháng 12/2007. Ngoài ra, Trung Quốc và EU đều cho rằng việc giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu quốc tế của hậu tiến trình Kyôtô, nên kiên trì nguyên tắc “trách nhiệm chung nhưng có sự khác biệt”. Mỹ rút khỏi “Nghị định thư Kyôtô” có nghĩa là họ không tán thành vị thế nền tảng pháp luật của nghị định thư này, điều này tạo thành sự bất đồng lớn nhất giữa Trung Quốc và EU với Mỹ. Hai bên này đều đã tỏ ra phản đối việc Mỹ sau khi rút khỏi “Nghị định thư”, phát động cơ chế hợp tác tách khỏi các cuộc đàm phán của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu. Sự bất đồng này kéo dài mãi đến sau Hội nghị Bali. Tóm lại, trong giai đoạn này, Mỹ ở vào hoàn cảnh tương đối cô lập, và sự trầm trọng hơn của bất đồng Mỹ và EU, trên mức độ nhất định đã nâng cao vị thế của Trung Quốc trong quan hệ ba bên. 

Giai đoạn thứ ba, sau Hội nghị Bali và trước Hội nghị Côpenhaghen, quan hệ ba bên Trung-Mỹ-EU đã nảy sinh những thay đổi mới, đã xuất hiện trạng thái quan hệ “ba bên cùng chung sống tốt đẹp” trên cấp độ song phương, Mỹ và EU cùng cạnh tranh với Trung Quốc trên cấp độ đại đa phương. Từ cấp độ song phương cho thấy, quan hệ ba cặp song phương giữa Trung-Mỹ-EU về tổng thể đều đã thực hiện hợp tác, và mức độ hợp tác giữa Trung Quốc với Mỹ, Trung Quốc với EU là ngang nhau. Trong đó, mối quan hệ Trung-Mỹ về vấn đề biến đổi khí hậu đã giành được động lực hợp tác mới. Xu thế này được thể hiện rõ ràng sau khi Chính quyền Bush con lên cầm quyền, và được tăng cường sau khi Chính quyền Obama lên cầm quyền. Sau khi nhậm chức, Obama tỏ rõ mong muốn sẽ thúc đẩy rõ rệt hợp tác Trung-Mỹ về môi trường và biến đổi khí hậu. Phía Trung Quốc cũng chú ý đến việc Chính phủ Mỹ có xu hướng tích cực trong việc ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu, đồng thời cho rằng việc tăng cường đối thoại và hợp tác song phương Trung-Mỹ, sẽ có lợi cho sự phát triển của quan hệ song phương cũng như sự hợp tác và hành động của cộng đồng quốc tế khi ứng phó với biến đổi khí hậu. Dưới bối cảnh này, Mỹ đã phái rất nhiều quan chức chính phủ đến thăm Trung Quốc: tháng 2/2009 Ngoại trưởng Hillary Clinton, tháng 5/2009 Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi , tháng 6/2009 đặc phái viên của tổng thống về vấn đề biến đổi khí hậu Todd Stern , tháng 11/2009 Tổng thống Obama. Trong các chuyến thăm này, vấn đề biến đổi khí hậu đều bị đưa vào đề tài thảo luận chính của hàng loạt cuộc gặp mặt song phương Trung-Mỹ. Ngoài ra, sau hội đàm ở Bắc Kinh, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cầm Đào và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công bố “Tuyên bố chung Trung-Mỹ”, hai bên sẽ cùng dốc sức đạt được thỏa thuận pháp luật cuối cùng tại Hội nghị Côpenhaghen sắp được tổ chức. Đồng thời, sự hợp tác kỹ thuật của hai nước về lĩnh vực biến đổi khí hậu và nguồn năng lượng cũng được tăng cường, và trong các hạng mục hợp tác cụ thể cũng đạt được tiến triển rõ ràng. 

Cùng với việc hợp tác Trung-Mỹ về biến đổi khí hậu có những tiến triển mới, xu thế của hợp tác Trung-EU vẫn đang được tiếp tục và tăng cường. Từ năm 2005 xác lập mối quan hệ đối tác biến đổi khí hậu đến nay, Trung Quốc và EU đã mở rộng một loạt hạng mục hợp tác kỹ thuật về nguồn năng lượng và khí hậu, không ngừng trao đổi về các vấn đề như bảo đảm chế độ, bố trí nguồn vốn, hợp tác kỹ thuật. Tháng 11/2009, trong “Tuyên bố chung” sau hội nghị các nhà lãnh đạo Trung Quốc và EU lần thứ 12, hai bên đồng ý thông qua tăng cường điều tiết và hợp tác hơn nữa để làm vững chắc “Tuyên bố chung Trung-EU về biến đổi khí hậu ”, đồng ý nâng cao mối quan hệ đối tác về vấn đề này. Ngoài ra, EU cũng chú trọng lập trường điều tiết với Trung Quốc trước Hội nghị biến đổi khí hậu Côpenhaghen. Ngày 13/7/2009, sau khi đoàn đại biểu của Mỹ đến thăm Trung Quốc không lâu, EU cũng cử ra đoàn đại biểu đến thăm Trung Quốc. Một trong những mục tiêu của chuyến thăm này là hy vọng Trung Quốc có thể đạt được nhận thức chung tương quan với EU, đẩy nhanh tiến trình đàm phán biến đổi khí hậu toàn cầu. Trong cuộc gặp mặt giữa các lãnh đạo Trung Quốc và EU lần thứ 11, 12 năm 2009, hai bên đều cho rằng trong Hội nghị Côpenhaghen có thể có không gian hợp tác rất lớn, mong muốn cùng nhau thúc đẩy Hội nghị Côpenhaghen đạt được “kết quả toàn diện, công bằng và to lớn”. 

Cùng với đó, sự điều tiết và nhận thức chung giữa Mỹ và EU về vấn đề biến đổi khí hậu cũng có phần tăng cường. Dấu hiệu cải thiện của mối quan hệ EU-Mỹ về vấn đề này được xuất hiện sau thời kỳ của Chính quyền Bush con, và Obama lên cầm quyền đã tạo ra động lực mới cho mối quan hệ này. Tại Hội nghị cấp cao Mỹ-EU diễn ra tại Praha tháng 4/2009, hai bên tỏ rõ muốn thông qua tăng cường hợp tác về mặt biến đổi khí hậu và nguồn năng lượng, để thúc đẩy các nước công nghiệp hóa và các nước thị trường mới nổi chủ yếu cùng tham gia đàm phán, làm cho Hội nghị Côpenhaghen giành được kết quả tốt. Trong Hội nghị thượng đỉnh thường niên của nhóm các nước công nghiệp phát triển G-8 diễn ra tại L’Aquila, Italia tháng 7/2009, Mỹ và các nước thành viên khác công bố tuyên bố cho rằng đến năm 2050, các nước phát triển nên giảm thiểu 80% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Đồng thời, Mỹ sẵn sàng cùng với tất cả các nước thực hiện mục tiêu giảm một nửa khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu, khống chế nhiệt độ trái đất không vượt quá 2 độ C . Trong “Tuyên bố chung” được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-EU tháng 11/2009, hai bên sẽ cùng nỗ lực để thúc đẩy Hội nghị Côpenhaghen đạt được một hiệp định quốc tế “toàn diện và to lớn”. 

Song, trên cấp độ đại đa phương toàn cầu của các cuộc đàm phán biến đổi khí hậu, xu thế lập trường chung của Mỹ và EU đã làm sâu sắc hơn sự bất đồng với Trung Quốc. Tuy về mục tiêu cắt giảm lượng khí thải mà các nước phát triển đảm nhận, EU và Mỹ vẫn còn tồn tại bất đồng, nhưng lại có xu thế lập trường và thái độ chung trong 3 vấn đề sau: giảm nghĩa vụ cắt giảm lượng khí thải của các nước phát triển; yêu cầu Trung Quốc đảm nhiệm nghĩa vụ cắt giảm lượng khí thải; có thái độ trì hoãn trong vấn đề chuyển giao kỹ thuật và nguồn vốn cho các nước đang phát triển. Hầu như Trung Quốc đều tồn tại bất đồng với Mỹ và EU về mỗi một vấn đề nêu trên. Trong Hội nghị tại Băng Cốc năm 2008, EU và Mỹ cùng yêu cầu các nước đang phát triển gánh vác trách nhiệm nhiều hơn nữa về vấn đề biến đổi khí hậu, thậm chí còn yêu cầu các nước này đưa ra cam kết cắt giảm khí thải. C ác nước đang phát triển như Trung Quốc bày tỏ sự phản đối đối với yêu cầu này của EU và Mỹ, đồng thời, yêu cầu các nước phát triển cung cấp nguồn vốn đầy đủ để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Trong Hội nghị tại Bonn tháng 6/2008, các nước như Trung Quốc, Mêhicô đưa ra kiến nghị về vốn liên quan đến ngân sách và chuyển giao kỹ thuật, không được EU và Mỹ đáp ứng. Trong Hội nghị tại Gana tháng 8/2008, các nước phát triển như EU và Mỹ đề nghị áp dụng sự phân loại mới đối với trách nhiệm cắt giảm khí thải của các nước đang phát triển. Kiến nghị đưa các nước đang phát triển có GDP bình quân đầu người cao vào “Công ước” đính kèm — “các nước công nghiệp hóa”, điều này đã gặp phải sự phản đối của “nhóm 77 quốc gia+Trung Quốc”; kiến nghị xây dựng một cơ chế tài chính mới dưới khuôn khổ “Công ước” do “nhóm 77 quốc gia+Trung Quốc” đưa ra, cũng gặp phải sự nghi ngờ của các nước phát triển như EU và Mỹ. Trong hội nghị các bên ký hiệp ước “UNFCCC” lần thứ 14 và hội nghị các bên ký hiệp ước “Nghị định thư Kyôtô” lần thứ 4 tháng 12/2008, sự bất đồng giữa Trung Quốc, Mỹ và EU được tập trung thể hiện ở vấn đề là liệu tiếp tục kiên trì nguyên tắc “trách nhiệm chung nhưng có sự khác biệt” hay không. Trước kia, EU đồng ý nguyên tắc này, nhưng nay đã xuất hiện khuynh hướng đi ngược lại. Ví dụ, nhằm vào Trung Quốc và Ấn Độ, EU đưa ra dưới tình trạng như hiện nay, các nước đang phát tri ển chủ yếu phải cắt giảm từ 15-30% lượng khí thải gây hiệu nhà kính. Tương tự, Mỹ cũng yêu cầu các nước đang phát triển nên đưa ra cam kết cắt giảm lượng khí thải của mình. Về vấn đề cắt giảm khí thải, Trung Quốc đang phải đối mặt với hai nguồn áp lực lớn đến từ EU và Mỹ. Trước Hội nghị Côpenhaghen, cộng đồng quốc tế đã tổ chức 5 cuộc đàm phán, nhưng trong hai vấn đề then chốt là mục tiêu cắt giảm khí thải giữa kỳ của các nước phát triển và viện trợ vốn đối với các nước đang phát triển, cuối cùng vẫn không có được tiến triển. Xét từ góc độ quan hệ ba bên Trung-Mỹ-EU cho thấy, một sự thay đổi quan trọng là lập trường của EU đối với “Nghị định thư Kyôtô” đã nảy sinh thay đổi. Do EU tin chắc rằng Mỹ sẽ không trở lại khuôn khổ của “Nghị định thư Kyôtô”. Vì vậy, trong Hội nghị đàm phán tại Băng Cốc được tổ chức vào tháng 10/2009, họ đã đề nghị lập ra một thỏa thuận về biến đổi khí hậu mới bao gồm cả điều khoản “Nghị định thư Kyôtô”. Trong Hội nghị đàm phán tại Barcelona vào tháng 11/2009, EU vẫn giữ vững quan điểm này, và tìm cách kéo Mỹ vào sự sắp xếp cơ chế có tính ràng buộc mới. Sự thay đổi về lập trường của EU, chắc chắn là đã phá vỡ lập trường chung một thời tồn tại giữa EU và Trung Quốc về vấn đề vị thế của “Nghị định thư Kyôtô”. 

Giai đoạn thứ tư, trong Hội nghị biến đổi khí hậu tại Côpenhaghen được tổ chức vào tháng 12/2009, mối quan hệ ba bên Trung-Mỹ-EU đã xuất hiện những thay đổi mang tính bi kịch: trước thời gian diễn ra hội nghị, tình hình hợp tác giữa Mỹ và EU được tăng cường, cùng gây áp lực đối với Trung Quốc. Trong các vấn đề trọng tâm, Trung Quốc còn tồn tại sự bất đồng với EU và Mỹ; trong thời gian cuối của hội nghị, Mỹ đã thực hiện hợp tác với “Bốn nước Basic” (gồm Trung Quốc , Nam Phi, Braxin, Ấn Độ), còn EU rơi vào cảnh bị gạt sang bên lề. Ở giai đoạn trước Hội nghị Côpenhaghen, sự bất đồng rõ ràng giữa Trung Quốc và EU được xoay quanh mấy vấn đề sau. Một là, Trung Quốc chủ trương kiên trì song song hai kiểu đàm phán là “UNFCCC” và “Nghị định thư Kyôtô”, nhưng EU lại hy vọng Hội nghị Côpenhaghen có thể đạt được một thỏa thuận pháp luật mang tính tổng hợp rộng rãi hơn so với phạm vi của “Nghị định thư Kyôtô”, đồng thời sẽ thu nạp các nước đang phát triển vào trong đó. Hai là, quan điểm của Trung Quốc và EU đối với mục tiêu cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà Trung Quốc chủ động cam kết khác nhau. Mục tiêu của Trung Quốc là đến năm 2020, lượng khí thải CO 2 của các đơn vị tổng sản phẩm quốc nội giảm xuống 40-45% so với năm 2005, nhưng EU lại cho rằng mục tiêu này “tương đối dè dặt”, “tỏ ra không lấy gì là to lớn”. Ba là, EU đề ra đến năm 2020 lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của mình phải giảm thiểu 20% so với lượng thải ra của năm 1990. Đại biểu đàm phán cấp cao nhất của Trung Quốc Tô Vĩ nêu ra, mục tiêu cắt giảm khí thải hàng năm của EU chỉ là 1,05%, còn không bằng một nửa mục tiêu cắt giảm 2,48% khí thải hàng năm trong giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2012 mà EU đã từng cam kết trong “Nghị định thư Kyôtô”, điều này làm cho người ta cảm thấy rất thất vọng. Cùng thời gian này, bất đồng Trung-Mỹ được thể hiện ở mấy mặt sau. Một là, quan điểm về vấn đề Nghị định thư dưới “UNFCCC” khác nhau, Mỹ đề xuất lập ra một thỏa thuận mới khác với “Nghị định thư Kyôtô”, Trung Quốc tỏ ra phản đối, nhấn mạnh nên tập trung thực hiện nghĩa vụ hiện có của công ước và Nghị định thư, đồng thời, dưới “Lộ trình Bali” đạt được một kết quả vô cùng to lớn. Hai là, đối với mục tiêu cắt giảm khí thải trong nước do Trung Quốc chủ động đưa ra, Mỹ cho rằng Trung Quốc cần phải làm nhiều hơn nữa, và nhấn mạnh lượng khí thải CO 2 đến năm 2030 của nước này dự tính sẽ nhiều hơn 60% so với Mỹ. Ngoài ra, Mỹ còn yêu cầu đưa cam kết cắt giảm khí thải của Trung Quốc vào thỏa thuận quốc tế. Ba là, đối với mục tiêu đến năm 2020 giảm thiểu 17% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với năm 2005 mà Mỹ đưa ra, đại biểu đàm phán của Trung Quốc cho rằng “không lí tưởng”, các quốc gia khác thì cho rằng con số của Mỹ còn có thể nâng cao hơn nữa. Bốn là, vấn đề “sự minh bạch”, đây chính là vấn đề trọng tâm của bất đồng giữa hai bên. Mỹ yêu cầu tất cả các bên ký công ước nên báo cáo thường xuyên và chấp nhận sự thẩm tra của quốc tế đối với việc cắt giảm lượng khí thải nhà kính, và coi thẩm tra là một trong những tiền đề để Mỹ viện trợ vốn cho vấn đề khí hậu; nhưng Trung Quốc lại cho rằng căn cứ theo nguyên tắc của “Kế hoạch hành động Bali”, các nước đang phát triển nên chủ động cắt giảm khí thải, không có nghĩa vụ phải chấp nhận sự thẩm tra quốc tế của nguyên tắc “ba có thể” (có thể giảm sát, có thể báo cáo, có thể thẩm tra). Từ quan hệ EU-Mỹ cho thấy, sự bất đồng của hai bên vẫn như trước. Ví dụ, EU hy vọng đạt được một thỏa thuận “có tính ràng buộc về pháp lý”, “bao hàm tất cả các yếu tố cơ bản của ‘Nghị định thư Kyôtô’”, nhưng Mỹ lại hy vọng đạt được một thỏa thuận chính trị; EU cũng tỏ ra không bằng lòng đối với mục tiêu cắt giảm khí thải mà Mỹ cam kết, cho rằng phải thúc đẩy Mỹ hướng tới mục tiêu cắt giảm khí thải lớn hơn nữa. Nhưng trong một số vấn đề then chốt, hai bên vẫn đang giữ vững lập trường chung, đều chủ trương lập ra một thỏa thuận mới khác với “Nghị định thư Kyôtô”, yêu cầu Trung Quốc cam kết nghĩa vụ cắt giảm khí thải nhiều hơn. Về vấn đề viện trợ kỹ thuật và nguồn vốn đối với các nước đang phát triển, hai bên cũng có lập trường giống nhau, còn Trung Quốc có sự bất đồng rõ ràng với lập trường của EU và Mỹ về những vấn đề này. 

Đến hậu kỳ của Hội nghị Côpenhaghen, dưới tình hình các cuộc đàm phán dường như rơi vào bế tắc, hai lần gặp gỡ và tham gia hội nghị của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đóng vai trò thúc đẩy trực tiếp khiến cho hội nghị đạt được thành quả. Trong cuộc gặp giữa hai bên lần thứ nhất, lãnh đạo hai nước đều cho rằng phải tăng cường sự hiểu biết và hợp tác, cùng thúc đẩy Hội nghị Côpenhaghen giành được kết quả tốt. Hai bên đều tán thành đại hội phải nhanh chóng đạt được một thỏa thuận chính trị. Thủ tướng Ôn Gia Bảo còn cho rằng Trung Quốc mong muốn tích cực mở rộng giao lưu, đối thoại và hợp tác quốc tế về việc công bố các tin tức có liên quan, còn phía Mỹ tỏ ra khen ngợi đối với sự minh bạch tin tức của Trung Quốc trong việc tăng cường chủ động cắt giảm khí thải. Điều này có nghĩa là trong những bất đồng quan trọng, Trung Quốc và Mỹ đều đã thể hiện được tính linh hoạt của mình. Để thúc đẩy hội nghị đạt được thỏa thuận, Obama đã chủ động tìm kiếm các lần gặp gỡ khác với các nước đang phát triển như Trung Quốc. Khi Ôn Gia Bảo với các lãnh đạo cấp cao của ba nước Ấn Độ, Nam Phi, Braxin họp bàn điều tiết lập trường, sự tham gia của Obama làm cho cuộc đàm phán giữa bốn nước trở thành cuộc đàm phán giữa năm nước. Thông qua bàn bạc, “Bốn nước Basic” đã đạt được nhất trí với Mỹ trong mấy vấn đề quan trọng đã trình bày trong thỏa thuận trên, điều này đã đặt nền tảng vững chắc cho mục tiêu cuối cùng đạt được của “Hội nghị Côpenhaghen”. Sở dĩ Trung Quốc và Mỹ có thể thực hiện hợp tác trong hội nghị này, là do hai bên đều hy vọng hội nghị có thể giành được kết quả tốt, và áp dụng các sách lược thiết thực. Với tư cách nước lớn đang phát triển mới nổi, Trung Quốc hy vọng sẽ thể hiện được hình tượng trách nhiệm của nước lớn trong Hội nghị Côpenhaghen, phát huy vai trò quan trọng trong quá trình soạn ra các quy tắc giải quyết vòng biến đổi khí hậu toàn cầu mới. Do Trung Quốc đang phải đối mặt với hai nhiệm vụ quan trọng là phát triển kinh tế và khống chế lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nên nước này cố gắng tránh những quy định nghĩa vụ cắt giảm khí thải mang tính ràng buộc đối với các nước đang phát triển trong hiệp định mới. Từ phía Mỹ cho thấy, Obama hy vọng có thể phá vỡ cục diện bế tắc của các cuộc đàm phán, thúc đẩy Hội nghị Côpenhaghen đạt được thỏa thuận, từ đó thực hiện cam kết “phải làm cho nước Mỹ phát huy được vai trò chủ đạo” của mình. Nhưng do chịu sức ép của quốc hội, Mỹ đã không đưa ra cam kết viện trợ vốn và cắt giảm khí thải nhiều hơn nữa trong hội nghị, mà nghiêng về việc muốn hội nghị đạt được thỏa thuận quốc tế mang tính chính trị, không có tính ràng buộc về pháp lý. Vì vậy, tháng 6/2009, chính sách nguồn năng lượng mới của Chính quyền Obama miễn cưỡng được Hạ viện thông qua, nhưng gặp phải sự thẩm tra của Thượng viện. Sự tiếp cận cũng như hiểu ngầm giữa Trung Quốc và Mỹ đối với mục tiêu cùng mong muốn trong Hội nghị Côpenhaghen, làm cho hai bên đã thực hiện hợp tác trong thời gian cuối của hội nghị, và mỗi bên đều thu được lợi ích. 

Trong quá trình quan hệ qua lại Trung-Mỹ, EU bị rơi vào cảnh ngộ gạt sang bên lề, nguyên nhân chủ yếu có hai mặt. Một mặt, sự mong đợi của EU đối với Hội nghị Côpenhaghen là quá cao — hy vọng hội nghị này có thể đạt được một thỏa thuận mới có tính ràng buộc, rộng khắp và có tính tổng hợp về pháp lý, có thể khiến cho Mỹ và Trung Quốc tuyên bố lại kế hoạch cắt giảm khí thải nhiều hơn nữa trên cơ sở con số đã từng tuyên bố, Mỹ và Trung Quốc lại tồn tại bất đồng với EU về vấn đề nêu trên. Có thể nói, nội tuyến các cuộc đàm phán của EU với Trung Quốc và Mỹ thiếu sự tìm hiểu thật sự. Mặt khác, ảnh hưởng có thể gây ra của EU đối với kết quả và tiến trình Hội nghị Côpenhaghen là vô cùng có hạn. EU hy vọng thông qua biện pháp đi đầu trong việc xác lập mục tiêu cắt giảm khí thải của mình để kéo các nước khác đi theo, nhưng kết quả cho thấy, EU chỉ biết theo ý mình. Trong vấn đề viện trợ vốn đối với các nước đang phát triển, hình tượng các nhà lãnh đạo có đạo nghĩa mà trước kia EU đã gây dựng nên, đã bị mất đi là do các nhà lãnh đạo EU chia các nước đang phát triển thành các nước tương đối phát triển và các nước kém phát triển nhất, cấu kết với các nước có thực lực kinh tế để phân phối nguồn vốn, nên đã dẫn đến sự thất vọng của Trung Quốc, lại cộng thêm mâu thuẫn chồng chất và bất đồng nghiêm trọng trong nội bộ về vấn đề cung cấp nguồn vốn và mục tiêu cắt giảm khí thải, đã càng làm hạn chế việc phát huy vai trò lãnh đạo và điều tiết của EU. 

Kết luận 

Trong lĩnh vực biến đổi khí hậu toàn cầu, về tổng thể, quan hệ ba bên Trung-Mỹ-EU là một kiểu quan hệ đa phương mang tính hợp tác. Điều này chủ yếu được thể hiện giữa ba bên có nguyện vọng hợp tác tương đối mạnh, nội dung hợp tác rộng rãi và sự bảo đảm chế độ vững chắc. Sự thực của nguyện vọng hợp tác mạnh mẽ giữa ba bên này được bắt nguồn từ lợi ích chung của ba bên, cũng như đồng thời với tư cách là bên trách nhiệm, bên lợi ích liên quan và bên xây dựng chế độ chủ yếu trong lĩnh vực biến đổi khí hậu . Nội dung hợp tác chủ yếu được thể hiện ở việc ba bên đang dốc sức cùng thúc đẩy tiến trình giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, xây dựng và hoàn thiện cơ chế biến đổi khí hậu toàn cầu có hiệu quả, đồng thời đã hình thành và thông qua quan niệm cơ bản, nguyên tắc và quy chế hóa tổng thể của việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Sự bảo đảm của hợp tác là ở sự tồn tại nhận thức chung giữa họ về con đường và chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu, và đã hình thành sự sắp xếp mang tính cơ chế nhất định, điều này vừa bao gồm cơ chế biến đổi khí hậu trên cấp độ đại đa phương toàn cầu, vừa bao gồm khung hợp tác khí hậu trên cấp độ song phương. Những sắp xếp mang tính cơ chế này có lợi cho sự mong muốn hợp tác ổn định lẫn nhau giữa Trung Quốc, Mỹ và EU trong lĩnh vực biến đổi khí hậu toàn cầu, và đã đẩy mạnh hơn nữa hợp tác ba bên. 

Nhưng kiểu quan hệ ba bên này lại có tính cạnh tranh rõ ràng, kiểu cạnh tranh này được bắt nguồn từ sự quan tâm đến lợi ích tương đối của ba bên cũng như sự khác biệt về lập trường và chính sách của từng bên trong lĩnh vực biến đổi khí hậu. Nội dung của kiểu cạnh tranh này, chủ yếu bao gồm những bất đồng còn tồn tại giữa ba bên về việc làm thế nào để phân chia công bằng trách nhiệm và phí tổn trong việc ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu. Biểu hiện của sự cạnh tranh là Trung Quốc, Mỹ và EU liên tục không ngừng tiến hành mặc cả xoay quanh vấn đề phân chia trách nhiệm cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính , hình thức cam kết cũng như phí tổn và chuyển giao kỹ thuật trong quá trình đàm phán khí hậu quốc tế . Thực chất của sự cạnh tranh là cuộc tranh giành giữa ba bên về không gian và quyền phát triển của đất nước. Trong khoảng thời gian ngắn cho thấy, ảnh hưởng của sự cạnh tranh sẽ làm chậm lại tiến triển giải quyết biến đổi khí hậu toàn cầu; trong khoảng thời gian dài cho thấy, ảnh hưởng này liên quan đến sự phân chia quyền lực khi soạn ra các quy tắc giải quyết mang tính quốc tế. 

Ngoài ra, quan hệ ba bên Trung-Mỹ-EU trong lĩnh vực biến đổi khí hậu còn có tính lưu động tương đối mạnh. Trong đó, hình thái thường xuất hiện là dưới mô hình duy trì hợp tác tổng thể, Mỹ và EU liên kết để cạnh tranh với Trung Quốc. Nhưng hình thái này lại không trước sau như một, giữa ba bên cũng đã luôn xuất hiện các hình thái quan hệ khác nhau. Ví dụ, mức độ hợp tác Trung Quốc-EU vượt qua mức độ hợp tác của Trung-Mỹ, Mỹ-EU. Việc Trung Quốc và Mỹ liên kết thực hiện hợp tác đã khiến cho EU rơi vào cảnh bị gạt sang bên lề, thậm chí cũng đã từng xuất hiện hình thái Trung Quốc cùng bị Mỹ và EU “theo đuổi”. Điều này đã phản ánh tính lưu động rất cao của quan hệ ba bên Trung-Mỹ-EU trong lĩnh vực biến đổi khí hậu toàn cầu. 

Quan hệ ba bên Trung-Mỹ-EU về vấn đề biến đổi khí hậu đã và sẽ tiếp tục nảy sinh ảnh hưởng quan trọng đối với việc giải quyết biến đổi khí hậu toàn cầu. Đặc trưng của hợp tác tổng thể quan hệ ba bên Trung-Mỹ-EU sẽ bảo đảm cho các cuộc đàm phán biến đổi khí hậu toàn cầu tiếp tục được đẩy mạnh, còn đặc trưng mang tính cạnh tranh của quan hệ ba bên này có nghĩa là thời gian gần đây, cộng đồng quốc tế rất khó giành được tiến triển mang tính thực chất về mục tiêu cắt giảm khí thải trong thời gian trung hạn của các nước phát triển, và sự sắp xếp cơ chế cắt giảm khí thải của các nước đang phát triển, càng có thể có phần phá vỡ các vấn đề như “ba có thể”, viện trợ vốn cũng như hợp tác kỹ thuật. Về lâu dài cho thấy, nếu ba bên có thể xây dựng cơ chế đối thoại và điều tiết có hiệu quả, thực hiện hợp tác trong các vấn đề trọng tâm, mối quan hệ hợp tác ba bên này mới có thể thúc đẩy tiến trình đại đa phương của việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu giành được tiến triển vượt bậc. Nếu tính cạnh tranh của mối quan hệ ba bên này được thể hiện quá mức, thì tiến trình giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ gặp phải sự cản trở./.

  Theo Tạp chí “Chính trị quốc tế” (Trung Quốc)

 Lê Sơn (gt)