Sự quan tâm của các nhà lãnh đạo Ấn Độ và ASEAN đối với sự kiện này, diễn ra đúng thời điểm tổ chức Hội nghị cấp cao kỷ niệm 20 năm quan hệ đối thoại ASEAN-Ấn Độ, là dấu hiệu mới nhất cho thấy việc tăng cường quan hệ giữa nền dân chủ lớn nhất thế giới và các nước trong khối ASEAN. Cả Ấn Độ và ASEAN, đang lo ngại về sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng lớn của Trung Quốc, đều mong muốn xây dựng lại mối quan hệ có nguồn gốc lịch sử sâu sắc nhưng khá hời hợt trong thời kỳ hiện đại này. Mỹ và Nhật Bản, hai nước cũng rất quan ngại về sự nổi lên mạnh mẽ của Trung Quốc và những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với phần lớn khu vực Biển Đông, đã hoan nghênh những động thái tăng cường quan hệ giữa Ấn Độ và ASEAN. Về mặt kinh tế và chiến lược, sự kết hợp giữa Ấn Độ và ASEAN không phải là vấn đề nhỏ. Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN-Ấn Độ, Thủ tướng Manmohan Singh cho biết ASEAN và Ấn Độ có dân số là 1,8 tỷ người, chiếm 1/4 tổng dân số trên thế giới. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của hai bên đạt 3.800 tỷ USD. Kim ngạch thương mại hai chiều vẫn còn khiêm tốn nhưng tăng trưởng với tốc độ nhanh trong một thập kỷ qua. Ấn Độ và ASEAN cũng đã thông qua lần cuối Hiệp định thương mại về dịch vụ và đầu tư nhằm bổ sung cho Hiệp định về hàng hóa và đề ra mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều hơn 100 tỷ USD vào năm 2015.Việc Mianma, nước nằm ở biên giới phía Đông của Ấn Độ, gần đây tái hòa nhập với thế giới đã thúc đẩy tiến trình đàm phán đang được mong chờ nhằm xây dựng tuyến đường bộ nối liền Ấn Độ với Mianma và Thái Lan, cũng như tới Lào và Campuchia. Tuy nhiên, định hướng chiến lược và đặc biệt là lĩnh vực liên quan đến biển trong mối quan hệ Ấn Độ-ASEAN mới là vấn đề cấp bách kể từ khi Trung Quốc bắt đầu đưa ra những tuyên bố chủ quyền gây tranh cãi ở Biển Đông.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Ấn Độ hồi tuần trước, ông Singh nhấn mạnh: "Quan hệ Ấn Độ-ASEAN khởi đầu với trọng tâm đặt vào lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, mối quan hệ này đang trở thành mối quan hệ chiến lược. Ấn Độ và các quốc gia ASEAN cần phải tăng cường quan hệ vì an ninh, an toàn và tự do hàng hải, nhằm giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp trên biển theo đúng luật pháp quốc tế". Đây không phải là những lời nói suông. Trước đó gần ba tuần, Đô đốc D.K. Joshi - Tư lệnh Hải quân Ấn Độ - đã tuyên bố Ấn Độ đang chuẩn bị cử tàu chiến tới bảo vệ các lợi ích của nước này ở Biển Đông, nơi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Ấn Độ (ONGC) đang tham gia các hoạt động thăm dò dầu khí trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Từ lâu, cả Ấn Độ và ASEAN đều biết rằng cần phải đa dạng hóa các mối quan hệ đối tác thương mại và quan hệ đồng minh để tránh bị phụ thuộc quá nhiều vào nền kinh tế Trung Quốc, hoặc để tránh bị tổn thương quá lớn trước sức mạnh quân sự đang trỗi dậy mạnh mẽ của nước này. Những căng thẳng gần đây trên Biển Đông đã mang lại động lực mới để ên thúc đẩy mối quan hệ hợp tác song phương. Cựu Ngoại trưởng Ấn Độ Shyam Saran nhận định: "Tình hình trở nên gay go hơn sau những gì đã xảy ra trong một năm rưỡi qua. Rõ ràng, các nước ASEAN đang rất lo lắng". Trong số các nước thành viên ASEAN, chỉ có Việt Nam và Philíppin dám công khai chỉ trích những gì mà hai nước này cho là đe dọa từ phía Trung Quốc. Trong khi đó, Ấn Độ khá cẩn trọng, tránh chọc tức nước láng giềng Trung Quốc. Tuy nhiên, khi Thủ tướng Singh đề cập đến "những câu hỏi chưa được trả lời và những vấn đề chưa được giải quyết trong khu vực của chúng ta", và khi ASEAN và Ấn Độ thiết lập mối "quan hệ đối tác chiến lược", cùng kêu gọi thúc đẩy "tiến trình thương mại tự do theo luật pháp quốc tế" thì chắc chắn các nước này đang nhằm vào Trung Quốc.

Theo Financial times (ngày 24/12)

Viết Tuấn (gt)