issue52_0(1).jpg

 

Sách Trắng Quốc phòng Úc năm 2016 hướng sự chú ý chiến lược của Úc đến vấn đề biển ở khu vực Đông Nam Á. Trong khi Sách trắng Quốc phòng năm 2009 và năm 2013 cũng tập trung vào khu vực này, Sách trắng Quốc phòng năm 2016 thẳng thắn bày tỏ mối quan tâm của Úc đối với Biển Đông. Điều này có thể là sự khởi đầu cho một chính sách chiến lược quyết đoán, có khả năng dẫn đến những tác động đáng kể cho an ninh khu vực Đông Nam Á. Trong tài liệu dày 190 trang, Canberra cam kết tăng cường đầu tư vào năng lực phòng thủ từ 9,4 tỷ AUD (7,1 tỷ USD) hiện nay lên đến 23 tỷ AUD (17,4 tỷ USD) trong năm 2025 - 2026. Phần lớn khoản đầu tư này sẽ tập trung chi cho lĩnh vực biển. Vậy khoản đầu tư này sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với khu vực Đông Nam Á và Biển Đông? Sách trắng Quốc phòng năm 2016 phản ánh tính kế thừa của hai Sách trắng Quốc phòng trước đó ở hai khía cạnh quan trọng:

Thứ nhất, Sách trắng Quốc phòng năm 2016 tái khẳng định tính ưu việt của chiến lược biển được nhấn mạnh trong hai Sách trắng trước đó, tập trung vào lỗ hổng trên không và trên biển dọc theo khu vực phía Bắc của Úc. Năng lực biển sẽ là trọng tâm của chiến lược này, đặc biệt tàu ngầm có thể được coi là “một lợi thế chiến lược trong giám sát và bảo vệ các hoạt động trên biển của Úc”.

Thứ hai, Sách trắng Quốc phòng năm 2016 làm nổi bật hai Sách trắng trước đó trong việc coi “vùng biển ở Đông Nam Á sẽ luôn có ý nghĩa đặc biệt đối với an ninh của Úc”. Việc nhấn mạnh đến khu vực Đông Nam Á được nêu bật trong danh sách “những lợi ích chiến lược quốc phòng” của Úc trong Sách trắng Quốc phòng năm 2016. Những lợi ích này bao gồm sự an toàn của các điểm tiếp cận phía Bắc và các tuyến đường giao thông liên lạc trên biển gần kề Úc, một khu vực an toàn bao gồm Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương, và một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương ổn định với một trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ.

Cái khác biệt giữa Sách trắng Quốc phòng năm 2016 so với những Sách trắng trước đó là trọng tâm đặt vào tự do hàng hải ở khu vực này. Theo Sách trắng, “sự phụ thuộc của Úc vào hoạt động thương mại trên biển ở Đông Nam Á có nghĩa là sự an toàn của hoạt động trên biển và các tuyến đường thương mại của Úc trong khu vực này phải được bảo vệ, trong đó có tự do hàng hải và hàng không”. Không nơi nào tự do hàng hải bị thách thức gần với Úc hơn là ở Biển Đông. Trong khi Sách trắng Quốc phòng năm 2013 chỉ đề cập tranh chấp Biển Đông như sự chú ý chiến lược của Úc thì Sách trắng Quốc phòng 2016 nhấn mạnh rằng “Úc không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông, nhưng chúng tôi quan ngại rằng việc cải tạo đất và hoạt động xây dựng của các bên làm tăng căng thẳng ở khu vực, đặc biệt là tốc độ chưa từng thấy về quy mô hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc”.

Một tuyên bố mạnh mẽ như vậy nói lên sự phản ứng quyết đoán tiềm ẩn trong Sách trắng Quốc phòng năm 2016. Với lập trường chiến lược mới này, Úc có thể tiến hành “các chiến dịch tự do hàng hải” ở Biển Đông, cũng như các biện pháp phòng ngừa chống lại nỗ lực hiện đại hóa quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Mối lo ngại của Úc về Trung Quốc có thể giải thích phần nào những gì Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã mô tả như “hiện đại hóa” các năng lực hải quân Úc, bao gồm cả việc mua sắm 12 chiếc tàu ngầm, ba tàu khu trục tác chiến không quân và đóng mới 9 tàu khu trục chống ngầm. Một Úc mạnh hơn có thể giúp khu vực Đông Nam Á làm đòn bẩy lớn hơn đối phó với Trung Quốc trong các tranh chấp Biển Đông. Lợi ích chiến lược của Úc trong khu vực Đông Nam Á cũng có thể tạo ra nhiều cơ hội hợp tác quốc phòng. Các nước trong khu vực có thể chứng kiến cách tiếp cận độc đáo của Úc đối với hệ thống tình báo và công nghệ quốc phòng của Mỹ để bổ sung cho hiện đại hóa quân sự của họ.

Các hoạt động quốc phòng song phương và đa phương của Úc trong khu vực, chẳng hạn như Thỏa thuận Quốc phòng Năm nước (Úc, New Zealand, Anh Quốc, Philippines và Singapore), có thể bắt đầu thực hiện nhiều kịch bản diễn tập phức tạp hơn mà sẽ có lợi cho các đối tác khu vực Đông Nam Á. Về mặt chính trị, với các đối tác Đông Nam Á, vị thế cường quốc bậc trung của Úc được cho là sẽ ít có tính nhạy cảm hơn so với các cường quốc, như Mỹ chẳng hạn.

Bên cạnh những cơ hội, khu vực Đông Nam Á cũng cần phải nhận thức những rủi ro liên quan đi kèm với phản ứng quyết đoán của Úc. Với sự nhạy cảm trước triển vọng phân chia ảnh hưởng khu vực của các nước lớn, Sách trắng Quốc phòng năm 2016 đặt ra câu hỏi: liệu các chính sách chiến lược của Úc chủ yếu dựa trên lý do tồn tại của chính mình hay phần lớn là phản ánh sự tồn tại của đồng minh chủ chốt của nó, là Mỹ. Trong khi các lợi ích chiến lược của một số nước ASEAN có thể gắn kết chặt chẽ hơn với Úc, ASEAN cần tiếp tục thận trọng tránh bị lôi kéo sâu hơn vào cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung, có khả năng làm giảm sự đoàn kết của Khối ASEAN.

Phản ứng quyết đoán của Úc có thể tác động đến an ninh biển Đông Nam Á với những ảnh hưởng sâu rộng. Bị kẹp giữa Úc và Trung Quốc, Đông Nam Á có thể sẽ là khu vực đầu tiên bị ảnh hưởng bởi một tính toán sai lầm liên quan đến lực lượng hải quân Trung Quốc và Úc trong vùng Biển Đông. Kiểm soát sự leo thang trong chiến dịch tự do hàng hải không hề đơn giản.

Cho dù các kế hoạch trong Sách trắng Quốc phòng Úc năm 2016 có thể đạt được hay không, nhưng chúng vẫn sẽ là định hướng chính sách chiến lược của Úc trong tương lai. Sự quyết đoán của Úc không đem đến sự bất ổn hơn cho khu vực Đông Nam Á nhưng ASEAN không nên phản ứng vu vơ trước định hướng chiến lược mới của Úc. Nếu phản ứng quyết đoán của Úc không vì tính đến cả lợi ích của các quốc gia Đông Nam Á, khi đó nó sẽ vẫn là một phần của vấn đề, chứ không phải là giải pháp cho khu vực.

Tiến sĩ Ristian Atriandi Supriyanto là nhà nghiên cứu tại Trung Quốc Nghiến cứu Chiến lược và Quốc phòng tại Đại học Quốc gia Úc. Trước đây ông là học giả tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore.

Theo “East asia forum

Vũ Hiền (gt)