Trong bối cảnh tranh chấp ở Biển Đông diễn biến phức tạp, các quan chức Trung Quốc thường nói rằng hành động của nước này ở Biển Đông xuất phát từ áp lực của công luận trong nước. Vậy người dân Trung Quốc có ủng hộ những hành động cứng rắn, cương quyết, áp đặt của chính phủ nhằm khẳng định chủ quyền ở Biển Đông và Hoa Đông hay không? Các quyết sách của chính phủ Trung Quốc có thực sự bị ảnh hưởng bởi công luận hay không?

Bản khảo sát dư luận Trung Quốc[1] về các tranh chấp ở Biển Đông và Hoa Đông được Trung tâm Mỹ-Á (Perth USAsia Centre) thuộc Đại học Tây Úc công bố vào tháng 11/2014 đã phần nào giải đáp các câu hỏi này. Bản khảo sát được thực hiện vào tháng 3/2013, phỏng vấn hơn 1.400 người dân thuộc nhiều tầng lớp khác nhau ở năm thành phố lớn của Trung Quốc bao gồm Bắc Kinh (286 người), Thượng Hải (286 người), Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông – 290 người), Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên 281 người và Trường Sa (tỉnh Hồ Nam – 270 người). Bản khảo sát đã hé lộ nhiều kết quả đáng chú ý về quan điểm của người dân đối với tranh chấp biển của nước này.

Thứ nhất, đó là trong số 9 vấn đề quan trọng nhất mà Trung Quốc đang phải đối mặt, những người được khảo sát chỉ xếp tranh chấp biển ở vị trí thứ 6 (51,2%), sau tham nhũng (84,3%), chênh lệch khoảng cách giàu nghèo (79,7%), an toàn thực phẩm và thuốc men (73,1%), các vấn đề xã hội và đạo đức (55,1%) và ô nhiễm môi trường (52,9%). Trong đó, Thượng Hải và Bắc Kinh là hai thành phố quan tâm đến vấn đề tranh chấp biển nhất với tỉ lệ lần lượt là 67,1% và 65,4%. Tác giả khảo sát cũng đưa ra nhận định rằng tầng lớp trung lưu và người giàu là thành phần quan tâm nhiều nhất đến tranh chấp vì họ là tầng lớp bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu có xung đột. Về mức độ chú ý đối với tranh chấp biển, tranh chấp ở quần đảo Điếu Ngư giành được sự quan tâm nhiều hơn đối với Biển Đông. 60% người được hỏi chú ý đến tranh chấp Điếu Ngư, trong khi tỉ lệ này ở Biển Đông là 53%.


Biểu đồ 1: Các thách thức nghiêm trọng nhất mà Trung Quốc đang phải đối mặt

Thứ hai, trái với các luồng nhận định bên ngoài về chủ nghĩa dân tộc cực đoan, có phần hiếu chiến của Trung Quốc, những người được khảo sát lại có xu hướng ủng hộ các biện pháp giải quyết hòa bình hơn là dùng vũ lực quân sự. Hai biện pháp nhận được sự ủng hộ thấp nhất là sử dụng quân đội (30,9%) và gác tranh chấp, cùng khai thác (30,2%), trong đó biện pháp được ủng hộ nhiều nhất là tuyên truyền quốc tế (84,9%) sau đó lần lượt đến các biện pháp khác như tiến hành các hoạt động thể hiện chủ quyền, áp dụng cấm vận kinh tế với các nước yêu sách, bày tỏ sự phản đối của công chúng, sử dụng các biện pháp ngoại giao, sử dụng tòa trọng tài Liên Hợp Quốc, nhân nhượng qua đàm phán, và thận trọng chờ thời cơ. Các phân tích cụ thể hơn về độ tuổi và thu nhập đối với câu hỏi này cho thấy những thanh niên Trung Quốc sinh sau năm 1990 (thế hệ sinh ra sau sự kiện Thiên An Môn và chịu ảnh hưởng của Chiến dịch Giáo dục Lòng yêu nước[2]) có thể có xu hướng dân tộc chủ nghĩa hơn nhưng lại không ủng hộ chiến tranh, trong khi những người ở tầng lớp trung lưu (với thu nhập trung bình hơn 10.000NDT/tháng) lại có xu hướng ủng hộ các biện pháp vũ lực.

Thứ ba, đa phần người trả lời khảo sát bày tỏ mức độ hài lòng cơ bản đối với cách xử lý của chính phủ trong vấn đề biển đảo, ở Biển Đông là 3,7/6 điểm và Điếu Ngư là 3,71/6 điểm. Trong số các ý kiến hài lòng, một số đánh giá cao quyết tâm của lãnh đạo trong việc bảo vệ yêu sách của Trung Quốc, bên cạnh đó có nhiều ý kiến ca ngợi nỗ lực của chính phủ trong việc tránh xảy ra xung đột, duy trì hòa bình và an ninh cho khu vực. Tuy nhiên cũng có một bộ phận dân chúng bày tỏ sự bất mãn đối với chính sách của chính phủ, ở Biển Đông là 6% và Điếu Ngư là 9,7%. Tác giả của khảo sát đã chỉ ra rằng những người bất mãn thường là những người hay quan tâm, theo dõi các tranh chấp trên như các công dân có hộ khẩu ở thành thị, những người có thu nhập cao và những người hay sử dụng internet. Ý kiến chung khiến họ bất mãn với chính phủ là vì họ cho rằng chính sách của Trung Quốc chưa đủ mạnh, không hề có một ý kiến nào cho rằng các hành động của Trung Quốc ở khu vực tranh chấp là quá cứng rắn hay phản tác dụng như các nước trong khu vực vẫn lo lắng.


Biểu đồ 2: Mức độ hài lòng của người dân đối với chính sách xử lý tranh chấp biển của chính phủ ở 5 thành phố lớn

Thứ tư, người dân Trung Quốc bày tỏ sự tin tưởng khá lớn vào khả năng của quân đội Trung Quốc trong việc “chiếm lại” các hòn đảo tranh chấp với tỉ lệ ở Điếu Ngư là 87% và ở Biển Đông là 85% (nếu có sự dính líu của Mỹ vào, tỉ lệ lòng tin giảm tương ứng ở từng khu vực là 74% và 72,8%). Tuy nhiên, các ý kiến phần đông đều cho rằng sử dụng sức mạnh quân sự trong các tranh chấp biển không phù hợp với lợi ích quốc gia của Trung Quốc. Hơn một nửa số người được khảo sát cho rằng Trung Quốc nên ưu tiên việc gìn giữ quan hệ đối ngoại bất chấp sự khiêu khích của các bên dù đó là Nhật ở Hoa Đông, hay Philippines và Việt Nam ở Biển Đông. Các kết quả này càng chứng minh thực tế rằng ý kiến dư luận chính thống của người dân Trung Quốc là dựa trên tính toán lợi ích, nhiều hơn là tình cảm nhất thời. Mặc dù sẽ khó dự đoán được phản ứng của công luận sẽ diễn biến như thế nào trong tình huống xảy ra khủng hoảng nhưng số liệu trên cho thấy người dân cũng sẵn sàng chấp nhận các lập luận chống lại chiến tranh, dựa trên tính toán lợi ích quốc gia nếu như Đảng Cộng sản Trung Quốc sẵn sàng muốn xuống thang căng thẳng.

Thứ năm, về độ tin tưởng của người dân đối với các yêu sách của Trung Quốc, đa phần ý kiến trả lời đều bày tỏ sự đồng thuận cao và cho rằng các thực thể tranh chấp như Điếu Ngư, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, bãi cạn Scarborough và đường lưỡi bò đều thuộc về Trung Quốc. Họ xem vấn đề tranh chấp đảo này là vấn đề thể diện quốc gia và sự diện diện của Nhật ở Điếu Ngư, hay Việt Nam và Philippines ở Trường Sa chính là sự kép dài của “thế kỷ ô nhục” đối với Trung Quốc.

Thứ sáu, về phương tiện thông tin đại chúng có ảnh hưởng đến quan điểm của người dân về tranh chấp biển, truyền hình vẫn là phương tiện quan trọng nhất đối với hơn 90% lượng người tham gia khảo sát. Vì truyền hình vẫn chịu sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ nên có thể nói đảng và nhà nước Trung Quốc đang sở hữu các công cụ then chốt để định hình quan điểm dư luận về những vấn đề đối ngoại. Các bài viết trên mạng với xu hướng gây hấn, chỉ trích hành động của chính phủ theo kết quả của khảo sát lại không đại diện cho số đông ý kiến dư luận và chỉ có tác động ảnh hưởng nhất định.

Mặc dù sẽ khó đưa ra bất kỳ dự báo nào về xu hướng tình hình Biển Đông hay Hoa Đông dựa trên các kết luận của khảo sát, tuy nhiên nó đã cung cấp một bức tranh sống động về những quan điểm khác nhau đối với tranh chấp biển trong xã hội Trung Quốc – một điều cho đến nay vẫn còn là ẩn số với nhiều nhà nghiên cứu. Theo Eric Fish, bản khảo sát cho thấy ít nhiểu Chiến dịch Giáo dục Lòng yêu nước đã phát huy hiệu quả đối với thế hệ 9x – những thanh niên xem tranh chấp Điếu Ngư là sự kéo dài của “thế kỷ ô nhục”. Tuy nhiên, cũng giống như đa phần ý kiến người dân, họ không ủng hộ chiến tranh và không xem đó là biện pháp phù hợp với lợi ích quốc gia của Trung Quốc.[3] Tuy không phải không có những ý kiến ủng hộ việc can thiệp quân sự bất chấp các thiệt hại về kinh tế như của tầng lớp trung lưu (và thành phần này của Trung Quốc dự kiện sẽ còn tăng nhanh trong thời gian tới) nhưng tác giả của khảo sát Andrew Chubb cho rằng chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc vẫn là một chủ nghĩa dân tộc duy lý, tức vẫn coi trọng các tính toán lợi ích và không ủng hộ việc gây chiến, ngay cả khi bị các bên khác khiêu khích. Điều này cho thấy dường như không có bằng chứng gì khẳng định người dân Trung Quốc đang đẩy lãnh đạo vào những cuộc chiến không mong muốn và nếu thực sự có ý chí chính trị, các nhà đàm phán Trung Quốc vẫn có thể thuyết phục người dân về việc hợp tác một cách thiện chí với các bên yêu sách khác nhằm giải quyết tranh chấp.

Nguyễn Minh Ngọc

 


[1] Xem nguyên văn bản khảo sát tại địa chỉ http://perthusasia.edu.au/publications/Maritime-Consciousness-Attitudes-Report

[2] Chiến dịch này do Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động, chuyển trọng tâm từ việc nhấn mạnh các thành tựu của chủ nghĩa xã hội và cuộc đấu tranh giai cấp sang giáo dục các thế hệ thanh niên về những nỗi thống khổ mà Trung Quốc đã phải gánh chịu dưới ách thực dân, kéo dài từ Cuộc chiến tranh Nha phiến năm 1893 cho đến Chiến tranh Xâm lược của Nhật Bản vào thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ hai.

[3] Eric Fish, “A Glimpse Into Chinese Nationalism”, The Diplomat, 7/11/20104, xem tại http://thediplomat.com/2014/11/a-glimpse-into-chinese-nationalism/