Xi(1).jpg

Trong số những thách thức mà tổng thống đắc cử Mỹ sẽ phải đối mặt, thách thức nghiêm trọng nhất sẽ là việc đối phó với Triều Tiên. Sự hiện diện của các lực lượng Mỹ trên bán đảo Triều Tiên là ngòi nổ chiến tranh tiềm ẩn trong khi Bình Nhưỡng thì đang ra sức tìm kiếm cơ hội phát động tấn công Mỹ. Mặc dù giới chức Mỹ thường xuyên khẳng định rằng họ sẽ không bao giờ công nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân, nhưng trên thực tế điều này đã trở thành sự thực. Washington dường như bất lực trước những hành vi của Bình Nhưỡng.

Đối với những quan chức và các nhà phân tích đang tìm kiếm giải pháp đột phá với Triều Tiên, Trung Quốc được xem là hy vọng cuối cùng. Là đồng minh duy nhất và là quốc gia bảo trợ cả về ngoại giao lẫn kinh tế cho Bình Nhưỡng, Bắc Kinh là nơi duy nhất có khả năng gây ảnh hưởng lên chế độ của Triều Tiên. Chính vì thế, Mỹ sẽ luôn phải tìm cách hợp tác với Trung Quốc trong vấn đề này. Trong vài năm gần đây, mặc dù quan hệ Trung-Triều có khuynh hướng suy giảm nhưng Bắc Kinh vẫn duy trì quan hệ gần gũi với Bình Nhưỡng, và thậm chí còn nới lỏng một số kiểm soát về kinh tế sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên vào đầu tháng 9. Để thuyết phục Trung Quốc thay đổi chính sách đối với Triều Tiên, chính quyền mới ở Mỹ nên thử cách tiếp cận khác: giải tỏa những quan ngại chính của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng.

Chính sách sai lầm của Washington

Có thể nói chính sách của Washington đối với Bình Nhưỡng là một thảm họa. Khi lần đầu tiên phải đối mặt với nguy cơ Triều Tiên có thể sở hữu công nghệ hạt nhân cách đây hơn 2 thập kỷ, Mỹ đã hy vọng cơn ác mộng này sẽ không bao giờ trở thành hiện thực. Các nhà lãnh đạo Mỹ lập luận rằng “thể chế không ai thừa nhận này” sẽ không thể tồn tại mãi và Triều Tiên phải thay đổi sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, cũng giống như đã xảy ra ở các quốc gia cộng sản khác tại Đông Âu. Giới chức Mỹ tin rằng bán đảo Triều Tiên sẽ tái thống nhất, hoặc nếu không Trung Quốc sẽ không để Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân. Họ cũng nghĩ có thể mua Bình Nhưỡng bằng các khoản viện trợ và rất nhiều lợi ích khác. Chính vì thế nên trong hơn 1/4 thế kỷ qua, chính sách của Mỹ luôn bị xáo trộn giữa đe dọa, mua chuộc và cô lập Triều Tiên.

Những hy vọng về một sự chuyển biến hay đổi thay ở Triều Tiên đã bị đặt sai chỗ. Kể từ những năm 1990, Triều Tiên đã trải qua hai triều đại tiếp nối mà không có thay đổi gì lớn. Các chế độ lãnh đạo ở Triều Tiên, đặt dưới sự bảo trợ của Trung Quốc, đã tồn tại qua nạn đói khủng khiếp và suy thoái nghiêm trọng của thể chế nhà nước. Ngày nay, kinh tế của Triều Tiên, mặc dù vẫn còn lạc hậu, nhưng đang dần phát triển và trong xã hội đã bắt đầu hình thành tầng lớp có tài sản, bất chấp các lệnh cấm vận quốc tế. Hệ thống xã hội “một mình một kiểu” ở nước này không hề có dấu hiệu bị tan rã và nhà lãnh đạo Kim Jong Un - sản phẩm mới nhất của chế độ quân chủ cộng sản ở nước này - vẫn ung dung tồn tại sau hàng loạt hoạt động thanh trừng và các vụ đào tẩu liên miên. Không chỉ thế, Triều Tiên dưới sự dẫn dắt của Kim Jong Un, còn đẩy mạnh phát triển các vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Lần đầu tiên nước này cho thử nghiệm đầu đạn hạt nhân là năm 2006.

Thực ra Triều Tiên muốn được công nhận là một quốc gia hạt nhân. Đầu năm nay, Bình Nhưỡng đã thông báo với Bắc Kinh họ không có ý định từ bỏ vũ khí hạt nhân. Kho hạt nhân của nước này ngày càng mở rộng. Theo ước tính của Rand Corporation, Triều Tiên có thể sẽ đạt tới khả năng sở hữu khoảng 100 vũ khí hạt nhân vào năm 2020. Khi Triều Tiên phát triển tên lửa đạn đạo, Hàn Quốc sẽ không phải là quốc gia duy nhất trở thành mục tiêu bị tấn công. Triều Tiên muốn đặt Mỹ vào trong phạm vi tấn công của mình.

Mỹ không thể kiểm soát Triều Tiên

Điều trớ trêu là cho đến nay nước Mỹ vẫn chưa tìm được chiến lược hiệu quả nào để ngăn chặn Triều Tiên. Nhiều người muốn sử dụng cơ chế đàm phán, nhưng đáng tiếc tiến trình này đã bị đình trệ từ năm 2003 sau sự đổ vỡ của “Thỏa thuận khung” về phi hạt nhân hóa mà các bên đạt được dưới thời của Tổng thống Bill Clinton. Nhưng cũng cần nhớ rằng ngay kể cả khi thỏa thuận này có thể mua chuộc được Bình Nhưỡng từ cách đây hơn một thập kỷ, cũng chẳng có gì đảm bảo và không ai tin rằng chế độ này lại sẵn sàng từ bỏ thành quả mà họ có được bằng những cái giá quá đắt. Suy cho cùng, các vũ khí hạt nhân có thể bảo vệ Bình Nhưỡng trước mọi âm mưu của Mỹ muốn làm thay đổi chế độ ở Triều Tiên, khiến cho cộng đồng quốc tế phải tôn trọng và nể sợ, đồng thời gây được sức ép với các nước láng giềng và tạo ra sức mạnh quân sự nổi trội bằng kho vũ khí hạt nhân.

Một cách thức khác mà Mỹ cũng có thể thực hiện là áp đặt các biện pháp trừng phạt Triều Tiên, nhưng ngưỡng chịu đựng trừng phạt của Bình Nhưỡng rất tốt do từ lâu chính quyền này đã áp dụng phương thức độc tài toàn trị và tương đối biệt lập. Việc Bắc Kinh không sẵn sàng gia tăng thêm các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng cũng là một bài toàn khác phải tính đến, một phần do Trung Quốc lo ngại sẽ xảy ra những bất ổn khó lường dọc con sông Áp Lục nằm giữa hai nước. Trung Quốc lo sợ nếu chế độ ở Triều Tiên sụp đổ sẽ gây ra xung đột phe phái, dòng người tị nạn lũ lượt tràn sang Trung Quốc, trong khi nguyên liệu hạt nhân bị phát tán. Nhưng Trung Quốc không phải là bên duy nhất muốn tiếp tục duy trì triều đại nhà họ Kim.

Do thất bại của các biện pháp trừng phạt nên một số nhà phân tích muốn Mỹ tiến hành tấn công quân sự phòng ngừa nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên. Một trong số đó là Ashton Carter, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Chính quyền Bill Clinton. Hành động này sẽ phải trả giá bằng sinh mạng của hàng triệu người. Khi Mỹ tiến hành tấn công, Chính quyền Kim Jong-un có thể sẽ phải hạ giọng do lo ngại kích động chiến tranh sẽ dẫn đến chế độ sụp đổ. Tuy nhiên, Triều Tiên sẽ không quá nhún mình vì nếu không giữ thế sẽ khó thoát khỏi nguy cơ bị lật đổ, giống như Mỹ vẫn thường làm với các chế độ mà họ không ưa. Bình Nhưỡng đã rút ra được bài học cần thiết cho mình: Đó là phải luôn nắm thế chủ động và sẵn sàng chủ công nếu như biết không thể tránh khỏi một cuộc chiến tranh toàn diện. Mặc dù Triều Tiên có thể sẽ thua, nhưng một cuộc chiến như vậy, nếu xảy ra, chắc chắn sẽ gây thương vong rất lớn, nhất là cho người dân Hàn Quốc.

Trong bối cảnh cả biện pháp can thiệp quân sự và trừng phạt kinh tế đều không đem lại kết quả, Trung Quốc nổi lên là một lựa chọn khả thi. Trung Quốc hỗ trợ rất lớn cả về đầu tư và thương mại cho Triều Tiên. Thực phẩm và năng lượng của Trung Quốc là những mặt hàng thiết yếu, đảm bảo sự tồn tại của Bình Nhưỡng. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ từ lâu đã hối thúc Trung Quốc siết chặt các hoạt động này nhưng bị Bắc Kinh từ chối. Năm 2013, Thượng nghị sĩ Kelly Ayotte của đảng Cộng hòa, đại diện vùng New Hampshire, từng cho rằng: “Chúng ta cần phải cho Trung Quốc hiểu rõ hơn về những gì chúng ta cần (từ Triều Tiên), bởi vì đây cũng là một mối nguy hiểm đối với họ”. Trước đó, năm 2010, Thượng nghị sĩ John McCain, đại diện vùng Arizona, cũng phàn nàn: “Thật khó hiểu được lý do tại sao Trung Quốc không gây áp lực mạnh hơn (với Triều Tiên)”.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không phải là những kẻ ngốc và quan điểm của họ không quá khó hiểu. Từ lâu Trung Quốc luôn phải nghe giới chức Mỹ thúc ép hành động nhiều hơn với Bình Nhưỡng. Cái chính là Trung Quốc không cho rằng họ sẽ đạt được lợi ích quốc gia nào đó khi làm như vậy với Triều Tiên. Cần nhớ rằng, Triều Tiên là đồng minh quân sự duy nhất của Trung Quốc vào thời điểm Bắc Kinh bị các đối tác của Mỹ bao vây với mưu đồ biến Trung Quốc thành mục tiêu của hệ thống ngăn chặn kiểu Chiến tranh Lạnh. Bắc Kinh không thể để Triều Tiên - vùng đệm của mình - thống nhất với Hàn Quốc, bởi làm vậy sẽ không khác gì hành động tự sát, mở đường cho đồng minh của Mỹ và các lực lượng quân sự Mỹ áp sát biên giới của nước này. Nếu Triều Tiên sụp đổ, xung đột sẽ nổ ra, vũ khí hạt nhân sẽ tạo ra những nguy cơ tiềm ẩn, trong khi Trung Quốc sẽ phải đau đầu xử lý cuộc khủng hoảng người di cư. Với một viễn cảnh như vậy, liệu có lý do gì để Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hay bất kỳ nhà lãnh đạo nào khác của nước này đồng ý với yêu cầu của Washington?

Cân nhắc giữa hai lựa chọn chính sách

Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ chỉ có 2 lựa chọn thực tế: ép buộc hay thuyết phục Trung Quốc. Ép buộc xem ra khó mang lại hiệu quả, nhất là khi áp dụng với một chính phủ mới nổi theo đường lối dân tộc chủ nghĩa như Trung Quốc. Bắc Kinh đã quyết tâm sẽ vượt qua cái mà họ gọi là nhiều thập kỷ, thậm chí “một thế kỷ nhục nhã” dưới bàn tay của các cường quốc phương Tây. Vì thế, Mỹ khó có thể tạo được sức ép với Trung Quốc. Một ví dụ cho điều này là khi Hàn Quốc quyết định cho phép Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ của mình, Trung Quốc đã chọn cách phản ứng mạnh mẽ là trừng phạt Seoul và xích lại gần Bình Nhưỡng. Chính quyền Barack Obama đang xem xét áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với một số ngân hàng và công ty Trung Quốc có giao dịch với Triều Tiên, nhưng việc phát động chiến tranh kinh tế với Trung Quốc vì vấn đề Triều Tiên sẽ còn tệ hại hơn, thậm chí có thể còn hủy hoại toàn bộ quan hệ song phương. Thực ra, ép buộc chỉ càng đẩy Bắc Kinh xích lại gần hơn với Bình Nhưỡng.

Vậy lựa chọn thứ hai sẽ là thuyết phục Trung Quốc. Cách thức này chưa chắc sẽ đem lại thành công nhưng dù sao cũng còn tốt hơn các lựa chọn khác. Để làm được điều này, Washington cần lắng nghe và thấu hiểu những quan ngại của Bắc Kinh. Các quan chức Trung Quốc cho rằng chính chính sách thù địch của Mỹ đã buộc Triều Tiên phải theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân và rằng, Bắc Kinh không phải chịu trách nhiệm về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Bởi vậy, thay vì đối đầu với Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên, Mỹ nên hợp tác với Hàn Quốc và Nhật Bản đưa ra gói đề xuất tổng thể tập trung vào mục tiêu phi hạt nhân hóa và tìm kiếm sự ủng hộ của Trung Quốc đối với gói đề xuất này.

Gói đề xuất như vậy sẽ đòi hỏi Washington phải đưa ra một số nhượng bộ với Bắc Kinh. Mỹ cần phải xóa bỏ một trong những quan ngại lớn nhất của Trung Quốc là nước này sẽ phải gánh chịu thiệt hại và chi phí nếu như Triều Tiên sụp đổ. Mỹ cần phải đưa ra phương án chia sẻ trách nhiệm đối với dòng người di cư từ Triều Tiên đổ sang Trung Quốc, chấp nhận cho quân đội Trung Quốc tạm thời can thiệp vào tình hình ở Triều Tiên khi cần thiết (học thuyết hiện nay giả định phương án Hàn Quốc sẽ đánh chiếm Triều Tiên trước khi chính thức tái thống nhất bán đảo). Ngoài ra, do Trung Quốc và các doanh nghiệp của nước này đã đầu tư đáng kể vào Triều Tiên nên Mỹ, và đặc biệt là Hàn Quốc, phải cam kết bảo vệ các hoạt động đầu tư của Trung Quốc.

Cần hiểu rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ tham gia một cuộc chơi tự làm khó cho chính mình, nên sẽ kiên quyết phản đối thay đổi chế độ ở Triều Tiên chừng nào Hàn Quốc còn là đồng minh của Mỹ. Vì thế, gói đề xuất của Mỹ phải cam kết rằng sau khi Bình Nhưỡng sụp đổ, Washington sẽ rút toàn bộ lực lượng khỏi bán đảo Triều Tiên để đổi lấy cái gật đầu của Bắc Kinh đối với phương án tái thống nhất hai miền. Mỹ sẽ không lập ra một chính thể bù nhìn ở miền Bắc. Trong khi đó, Hàn Quốc phải cam kết giữ quan điểm trung lập quân sự. Những điều này nghe có vẻ như một nhượng bộ lớn của phía Mỹ nhưng trên thực tế, khi Triều Tiên không còn thì Mỹ cũng chẳng có lý do gì để biện minh cho sự hiện diện quân sự của mình (ngoại trừ ý đồ ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc). Việc Hàn Quốc gần đây xích lại gần Trung Quốc cho thấy Seoul sẽ không tham gia một liên minh chống Bắc Kinh. Washington và các đồng minh sẽ phải quyết định xem điều gì là quan trọng hơn đối với họ: phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên hay liên minh Mỹ-Hàn.

Điều cuối cùng, Washington nên chơi một ván bài quốc tế, trong đó nêu rõ nếu Triều Tiên tiếp tục mở rộng kho vũ khí hạt nhân thì Mỹ phải xem xét lại quan điểm của mình đối với kho vũ khí hạt nhân của Hàn Quốc và Nhật Bản. Trung Quốc tất nhiên không muốn giải giáp kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, nhưng khi không thể có được lựa chọn tốt nhất, họ sẽ phải tự cân nhắc giữa việc nên để hai quốc gia láng giềng thân Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc có thêm vũ khí hạt nhân, hay để cho Triều Tiên tiếp tục lấn tới. Đối với Bắc Kinh, việc Nhật Bản và Hàn Quốc tăng cường tiềm lực hạt nhân sẽ bất lợi cho họ hơn nhiều so với việc duy trì kho vũ khí của Bình Nhưỡng. Với quan điểm kiên quyết phản đối Nhật Bản tái vũ trang dù ở quy mô khiêm tốn nhất, Bắc Kinh chắc chắn sẽ phản ứng rất mạnh trước viễn cảnh Tokyo cũng yêu cầu được trang bị vũ khí hạt nhân.

Hiện tại sẽ chưa thể có ngay được một thỏa thuận Trung-Mỹ cho vấn đề Triều Tiên. Hơn nữa, Bắc Kinh có lẽ cũng sẽ không tin Washington thực thi các cam kết của mình nếu như có một thỏa thuận như vậy vào thời điểm này. Cả Trung Quốc và Triều Tiên đều đã chứng kiến bi kịch với nhà lãnh đạo Libya Muammar al-Gaddafi sau khi ông này loại bỏ kho vũ khí hạt nhân và tên lửa của mình dưới áp lực của Mỹ. Vì thế, ngay kể cả khi Bắc Kinh muốn theo Mỹ đoạn tuyệt với Bình Nhưỡng, chế độ nhà họ Kim cũng sẽ không chấp nhận đầu hàng. Bình Nhưỡng sẽ ngày càng trở nên biệt lập và thù địch hơn.

Nhưng điều đó không có nghĩa là Mỹ sẽ bỏ lỡ bất kỳ lựa chọn nào. Trung Quốc chắc chắn sẽ không song hành cùng Mỹ nếu như Washington không có ý định giải tỏa những quan ngại của Bắc Kinh. Nhìn từ quan điểm của Trung Quốc, nước này không dại gì đối đầu với Triều Tiên khi chưa đạt được thỏa thuận đáng kể nào đó với Mỹ về những bước cần làm tiếp theo. Chính phủ tiếp theo tại Mỹ, vì thế, không thể phớt lờ tình hình bán đảo Triều Tiên, với hy vọng vấn đề Triều Tiên sẽ tự lắng xuống. Trong 4 năm tới, Bình Nhưỡng chắc chắn sẽ trở thành một cường quốc hạt nhân và đã đến lúc Washington cần chạm đến lá bài Trung Quốc./.

Theo "Foreign Affairs” (ngày 1/11)

Vũ Hiền (gt)