Đề dẫn


 

Tranh chấp chủ quyền ở biển Đông nói chung và ở quần đảo Trường Sa nói riêng đang trở thành vấn đề an ninh được quan tâm hàng đầu hiện nay không chỉ ở Đông Nam Á mà còn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Philippin là một trong sáu bên có tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Để hiểu về quá trình tranh chấp chủ quyền của Philippin ở quần đảo Trường Sa, chúng ta cần phải làm rõ nhiều khía cạnh khác nhau như quá trình yêu sách và tranh chấp chủ quyền, các giải pháp tuyên bố chủ quyền cũng như phân tích cơ sở lịch sử, cơ sở pháp lý…tranh chấp của phía Philippin. Tuy nhiên, trong giới hạn của một bài tham luận hội thảo, chúng tôi chỉ tập trung tìm hiểu quá trình yêu sách chủ quyền của nước này đối với quần đảo Trường Sa và phân tích cơ sở pháp lý của nó. Trước khi đi vào các nội dung chính của bài tham luận, chúng ta sẽ tìm hiểu một số nét về thực trạng chiếm giữ đảo hiện nay của Philippin ở quần đảo này.

1. Thực trạng Philippin chiếm giữ các đảo ở quần đảo Trường Sa


 

Hiện nay, nhiều nguồn tin cho rằng Philippin đang chiếm 8 đảo, đảo thấp hoặc bãi đá trong quần đảo Trường Sa[1] là: 1. Kota hay Loaita Island (Việt Nam gọi là đảo Loại Ta); 2. Lawak hay Nansham Island (đảo Vĩnh Viễn); 3. Likas hay West York Island (đảo Bến Lạc, đảo Dừa); 4. Panata hay Lamkiam Cay (Cồn San hô Lan Can/cồn An Nhơn); 5. Pag-asa hay Thitu Island (đảo Thị Tứ); 6. Parola hay North East Cay (đảo Song Tử Đông); Patag hay Flat (đảo Bình Nguyên); và 8. Rizal hay Commodore Reef (đá Công Đo).

Trong khi đó, Bách khoa toàn thư mở Wikipedia bản tiếng Việt về Quần đảo Trường Sa[2] lại đưa ra các dữ liệu cho rằng Philippin hiện đang chiếm 7 đảo (Patag hay Flat (đảo Bình Nguyên), Panata hay Lamkiam Cay (Cồn San hô Lan Can/cồn An Nhơn), Kota hay Loaita Island (đảo Loại Ta), Lawak hay Nansham Island (đảo Vĩnh Viễn), Parola hay North East Cay (đảo Song Tử Đông), Pag-asa hay Thitu Island (đảo Thị Tứ) và Likas hay West York Island - đảo Bến Lạc, đảo Dừa); 2 bãi đá chìm (Commodore Reef - đá Công Đo; Irving Reef - đảo Cá Nhám); và một đảo nhỏ (Shira Islet). Tính về diện tích thì có 5 đảo trên 5 hecta (đảo Thị Tứ 37,2 ha, đảo Dừa 18,6 ha, đảo Song Tử Đông 12,7 ha, đảo Vĩnh Viễn 7,93 ha và đảo Loại Ta 6,45 ha. Tất cả 7 các đảo đều sự hiện diện của các loại cây và sinh vật biển, có các công trình quân sự và dân sự. Đặc biệt, đảo Thị Tứ, đảo lớn nhất trong tất cả các đảo mà Philippin chiếm đóng (và là đảo lớn thứ hai ở quần đảo Trường Sa) đã trở thành thủ phủ của quần đảo Kalayaan, có khá đông cư dân sinh sống. Hai bãi đá ngầm và một đảo nhỏ còn lại mặc dù không có cây cối nhưng đều có sự hiện diện về quân sự của Philippin.

Ngoài ra, Philippin dù không có hiện diện quân sự nhưng vẫn đang kiểm soát một số bãi đá ngầm và bãi cát ngầm ở quần đảo Trường Sa, cụ thể là Bombay Shoal, Boxall Reef, Brown Reef, Carnadic Shoal, Glasgow Bank, Half Moon Shoal, Hardy Reef, Hopkins Reef, Investigator Northeast Shoal, Iroquois Reef, Leslie Bank, Lord Auckland Shoal, Lord Auckland Shoal, Pensylvania South Reef, Reed Tablemount, Royal Captain Shoal, Sandy Shoal, Seahorse Shoal và Templar Bank[3].

2. Quá trình yêu sách chủ quyền của Philippin đối với quần đảo Trường Sa.

Trong suốt thời kỳ là thuộc địa của Tây Ban Nha (thế kỷ XVI đến năm 1898) và sau đó là Mỹ từ 1989 (1898-1946), các chính quyền cai trị ở Philippin chưa bao giờ tuyên bố quần đảo Trường Sa hay bất cứ bộ phận nào của quần đảo này thuộc chủ quyền của Philippin.

Mãi tới “ngày 17 tháng 5 năm 1950, Tổng thống Philippin Quirino tuyên bố với giới báo chí rằng quần đảo Trường Sa thuộc về Philippin nhưng tuyên bố đó của Tổng thống Quirino lại bị người phát ngôn của chính phủ Philippin lúc đó bác bỏ”[4]. Tại Hội nghị San Francisco ngày 7 tháng 9 năm 1951, phái đoàn Philippin do Bộ trưởng Ngoại giao Carlos Romulo đứng đầu đã không có phản ứng gì khi Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa Trần Văn Hữu khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Cơ sở chiếm hữu của Philippin đối với một phần của quần đảo Trường Sa mới chỉ thực sự bắt đầu với sự kiện Tomas A. Cloma cùng 40 người khác đổ bộ lên một vài đảo nhỏ ở Trường Sa, cắm cờ và đặt tên cho cho khu vực được họ chiếm đóng là Freedomland (trong tiếng Filipino là Kalayaan). Tháng 5 năm 1956, chính phủ Philippin nhận được một lá thư của Cloma kể về việc ông đã phát hiện ra một nhóm đảo nằm cách đảo Palawan 400 km về phía Tây. Cloma tuyên bố sở hữu khu vực “bao gồm các đảo, các bãi cát, các bãi san hô và nơi đánh bắt cá với diện tích khoảng 64.976 dặm vuông”. Tuy nhiên, trong thư gửi chính phủ Philippin, Cloma cũng nhấn mạnh rằng tuyên bố của họ thuộc về các công dân Philippin chứ không nhân danh chính phủ Philippin bởi các công dân không được quyền làm vậy. Cloma cũng không quên yêu cầu chính phủ Philippin ủng hộ và bảo vệ tuyên bố của mình. Trong thư trả lời Cloma vào tháng 12 năm đó, chính phủ Philippin đã không có câu trả lời cụ thể, rõ ràng nào đối với các yêu cầu của Cloma và cũng như không có tuyên bố chủ quyền của mình về khu vực mà Cloma gọi là Kalayaan này[5].

Ngày 17/6/1961, Philippin ban hành Đạo luật Cộng hòa số 3064[6] xác định đường cơ sở lãnh hải của nước này. Điều 1 của Đạo luật xác định 64 đường cơ sở lãnh hải của Philippin nhưng chiếu theo tọa độ địa lý, góc phương vị và độ dài của các đường cơ sở này thì quần đảo Trường Sa không nằm trong các đường lãnh hải của Philippin. Ngày 18 tháng 9 năm 1968, Philippin ban hành Đạo luật Cộng hòa số 5446[7] quy định sửa đổi Điều 1 của Đạo luật 3064 nhưng về cơ bản vẫn không có những điều chỉnh lớn về tọa độ địa lý của 64 đường cơ sở.

Yêu sách chính thức của Philippin về chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa được đưa ra ngày 10 tháng 7 năm 1971 khi Tổng thống Ferdinand Marcos chính thức tuyên bố chủ quyền đối với một phần của quần đảo (Trường Sa). Tuyên bố ra đời với ba lý do: thứ nhất, do sự gần kề của đảo Ba Bình, sự hiện diện của các đạo quân Đài Loan ở đảo này đe dọa lợi ích quốc gia của Philippin; thứ hai, chính phủ Philippin tái khẳng định rằng quần đảo Trường Sa đã được thừa nhận là thuộc sự ủy trị thực tế của Đồng minh (Allied Powers); và thứ ba, khẳng định 53 (có nghiên cứu nói là 33 đảo) đảo thuộc Freedomland do công dân Philippin là Cloma phát hiện và chúng được coi là vô chủ. Tuyên bố của Tổng thống Marcos nhấn mạnh thêm rằng chính phủ Philippin đã thực sự “chiếm đóng và kiểm soát thực tế” đối với các đảo này, trong đó bao gồm các đảo được cho là đã được nước này đã chiếm đóng vào năm 1968 như đảo Thị Tứ (Pagasa - Thitu Island), đảo Vĩnh Viễn (Lawak - Nanshan Island) và đảo Bình Nguyên (Patag - Flat Island)[8].

Tiến thêm một bước trong các nỗ lực tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, ngày 11 tháng 6 năm 1978, Tổng thống Ferdinand Marcos đã ký “Sắc lệnh Tổng thống số 1596 - Tuyên bố một phần khu vực thực tế của lãnh thổ Philippin và hình thành chính quyền và hành chính”[9]. Sắc lệnh xác định rõ tọa độ của “Nhóm đảo Kalayaan” và khẳng định chúng có vai trò sống còn đối với an ninh và kinh tế của Philippin. Sắc lệnh này khẳng định đáy biển, tầng đất cái (subsoil), thềm lục địa và vùng trời nằm trong khu vực thuộc Nhóm đảo Kalayaan thuộc chủ quyền của Philippin. Khu vực này từ đây có tên gọi chính thức là Kalayaan, một chính quyền tự trị thuộc tỉnh Palawan nhưng lại được giám sát bởi Bộ Quốc phòng. Cũng trong ngày 11 tháng 6 năm 1978, Tổng thống Marcos còn ký thêm “Sắc lệnh Tổng thống số 1599 thành lập vùng kinh tế đặc quyền và các mục đích khác”[10]. Sắc lệnh xác định vùng đặc quyền kinh tế, các quyền về chủ quyền, đặc quyền và quyền thực thi được luật pháp quốc tế thừa nhận.

Để củng cố yêu sách chủ quyền của mình đối với khu vực Kalayaan ở quần đảo Trường Sa, Philippin đã tổ chức cuộc bầu cử đầu tiên ở Kalayaan vào ngày 30 tháng 1 năm 1980. Aloner M. Heraldo được bầu làm thị trưởng đầu tiên. Đến năm 1980, Philippin đã tiến hành chiếm thêm một số đảo, bãi đá ngầm…, đưa con số các đảo và bãi đá của Philippin lên con số như hiện nay.

Trong một động thái khác, ngày 25 tháng 4 năm 1982, Thủ tướng Philippin Cesar Virata đã đến thăm một số nơi mà họ gọi là Kalayaan. Đặc biệt, chuyến đi này của Thủ tướng Philippin được đưa tin công khai ở Philippin và đây được coi như là một nỗ lực củng cố yêu sách về chủ quyền của Philippin  đối với quần đảo này.

Sau tranh chấp giữa Philippin và Malaysia ở quần đảo Trường Sa vào năm 1988, Philippin đã không ngừng tăng cường lực lượng ở các đảo và bãi đã chiếm đóng, đồng thời xây dựng thêm cơ sở hạ tầng ở một số đảo. Tháng 2/1993, Tổng thống Fidel V. Ramos chỉ thị cho Bộ trưởng Du lịch Philippin cho xây dựng cơ sở du lịch trên quần đảo và đến tháng 5/1993, Tổng thống Philippin ra lệnh cho quân đội nước này mở rộng đường băng trên đảo Thị Tứ.

Sự kiện Trung Quốc đưa tàu và người đến bãi Vành Khăn (Mischief Reef) và xây dựng các cơ sở trên bãi này vào đầu năm 1995 (sự kiện Vành Khăn) đã làm cho Philippin mạnh tay hơn trong các biện pháp tuyên bố chủ quyền. Ngoài công tác ngoại giao như thông báo sự kiện cho các đại sứ ASEAN và phản đối ngoại giao đối với chính phủ Trung Quốc, Philippin đã tăng cường sự có mặt của hải quân ở khu vực, tăng cường máy bay giám sát và thậm chí cho máy bay ném bom phá hủy các cột mốc do Trung Quốc đặt trên một số bãi đá và cho người đặt các cột mốc thay thế.

Năm 1999, nhận thấy Malaysia đang tiến hành xây dựng công trình trên bãi Investigator và bãi đá Barque Canada, Philippin đã gửi công hàm phản  đối Malaysia.

Ngày 10 tháng 3 năm 2009, chính phủ Philippin ban hành Đạo luật số 9522 – Đạo luật sửa đổi các điều khoản của Đạo luật 3046, như đã được sửa đổi bởi Đạo luật 5446, nhằm xác định đường cơ sở quần đảo của Philippin và nhằm các mục đích khác[11]. Ngày 11/3/2009, Tổng thống Philippin đã ký ban hành luật này. Đạo luật ra đời như một nỗ lực của Philippin trong việc đảm bảo sự công nhận của quốc tế đối với đường cơ sở của nước này. Đạo luật tái khẳng định “Nhóm đảo Kalayaan” như trong Sắc lệnh Tổng thống 1596. Đạo luật đặt Kalayaan dưới “Chế độ quần đảo” theo Điều 121 của Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) như một bước đi nhằm nâng cấp vai trò hành chính của Kalayaan để Philippin có cơ sở khẳng định chủ quyền không chỉ trong khu vực Kalayaan mà còn các khu vực khác ở quần đảo Trường Sa.

Đầu tháng 4/2011, sau khi một tàu tìm kiếm thăm dò dầu khí nước này thông tin về việc bị hai tàu tuần tra của Trung Quốc “quấy nhiễu”, Philippin một mặt cho quân đội triển khai hai máy bay chiến đấu tới khu vực xảy ra vụ việc, mặc khác gửi công hàm chính thức đến Liên hợp quốc để phản đối Trung Quốc về vấn đề chủ quyền Biển Đông. Trong công hàm gửi tới Ban phụ trách các vấn đề Đại dương và Luật biển của Liên hợp quốc, Philippin tuyên bố nhóm đảo Kalayaan là một phần không thể tách rời của Philippines, nước này có chủ quyền với vùng biển xung quanh hoặc tiếp giáp theo quy định của luật pháp quốc tế, cũng như theo UNCLOS. Công hàm cũng bác bỏ yêu sách đường "Lưỡi bò 9 đoạn" mà Trung Quốc đã đệ trình lên Liên hợp quốc vào năm 2009.

3. Cơ sở pháp lý của các tuyên bố chủ quyền của Philippin ở quần đảo Trường Sa (cơ sở thụ đắc lãnh thổ)

 

Nhìn chung, việc Philippin tuyên bố chủ quyền ở Trường Sa có những điểm mạnh cũng như các hạn chế.

Điểm mạnh:

 

- Lý lẽ thuyết phục nhất của Philippin là dựa trên cơ sở từ bỏ chủ quyền của nước khác (của nước chiếm đóng Philippin trước đó). Trên thực tế, Nhật Bản đã từ bỏ chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa trong cả Hòa ước với các nước Đồng minh 1951 và Hòa ước song phương với Cộng hòa Trung Hoa. Trước đó, gần như ngay sau khi giành được độc lập vào đầu năm 1947, Bộ trưởng Ngoại giao Philippin đã đưa yêu sách rằng “Quần đảo mới ở phía Nam” mà Nhật Bản chiếm đóng trong thế chiến thứ hai phải được trao (given) cho Philippin[12].

- Một lý lẽ cũng không kém phần quan trọng là nguyên tắc chiếm giữ và kiểm soát thực tế. Hiện nay Philippin đã chiếm đóng một số đảo, bãi đá…cũng như kiểm soát về mặt quân sự đối với nhiều bãi như chúng tôi đã đề cập ở mục 1. Đặc biệt, ở các đảo và bãi thuộc khu vực mà nước này gọi là Kalayaan, các cơ sở quân sự và dân sự đã được xây dựng và quan trọng hơn Kalayaan hiện nay đã trở thành một cơ sở hành chính với thủ phủ được đặt trên đảo lớn nhất của Kalayaan là Pagasa (Thị Tứ).

- Một lý lẽ khác cũng có thể coi là một thuận lợi của Philippin, đó là sự gần kề. Trên thực tế, trong số các bên có tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa thì Philippin là quốc gia gần với quần đảo này nhất.

Các điểm hạn chế:

 

- Thực tế Hiến pháp 1935 của Philippin chưa làm rõ chủ quyền của nước này đối với quần đảo Trường Sa.

Điều 1 Hiến pháp Philippin 1935 viết: “Philippin bao gồm tất cả lãnh thổ được nhượng lại cho Mỹ theo Hiệp định Paris giữa Mỹ và Tây Ban Nha ngày 10 tháng 12 năm 1898, ranh giới được đề cập trong hiệp định này cùng với tất cả các đảo được nêu ra trong hiệp định tại Washington giữa Mỹ và Tây Ban Nha vào ngày 7 tháng 11 năm 1900, và trong hiệp định giữa Mỹ và Anh ngày 2 tháng 1 năm 1930, và tất cả lãnh thổ mà Chính phủ Quần đảo Philippin hiện nay đang thực thi quyền lực pháp lý”.

Tuy nhiên trên thực tế, không hiệp định nào trong 3 hiệp định trên khẳng định Trường Sa thuộc lãnh thổ của Philippin. Đặc biệt, Điều 3 của Hiệp định Paris giữa Mỹ-Tây Ban Nha[13] năm 1898 đã xác định cụ thể tọa độ phạm vi lãnh thổ của Philippin và theo Điều này thì Trường Sa không thuộc Philippin. Hiệp định Washington giữa Mỹ và Tây Ban Nha năm 1990[14] có đề cập đến các đảo nằm ngoài các đường vạch ra như trong Điều 3 của Hiệp định năm 1898 nhưng không nói rõ cụ thể là những đảo nào.

- Nếu tính tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Philippin vào năm 1947 có hiệu lực với cả quần đảo Hoàng Sa thì Philippin đã thiếu đi cả cơ sở chiếm đóng và kiểm soát thực tế lẫn cơ sở chiếm đóng liên tục. Haydee B. Yorac trong bài nghiên cứu đăng trên Tạp chí luật Philippin năm 1983 đã nhấn mạnh, sau tuyên bố năm 1947, Philippin đã không có thêm sự quan tâm nào cũng như không có khẳng định thực tế quyền thực thi pháp lý của mình[15].

- Một điểm hạn chế khác trong yêu sách chủ quyền của Philippin đối với quần đảo Trường Sa là áp dụng nguyên tắc vô chủ (res nullius) như trong lý giải của Philippin về sự kiện Cloma năm 1956 thuộc yêu sách đòi chủ quyền mà Philippin đưa ra năm 1971 dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos. “Năm 1956, Tomas Cloma ra ‘Tuyên bố với toàn thế giới’ về việc khẳng định quyền sở hữu (ownership) nhờ phát hiện và chiếm đóng lãnh thổ gồm ‘33 đảo, đảo cát thấp nhỏ (sands cays), cồn cát ngầm (sands bars), các dải đá ngầm san hô (coral reefs) và các bãi đánh cá (fishing grounds) ở Trường Sa trải dài trên diện tích 64.976 dặm vuông’. Tuyên bố này đã làm cho Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Việt Nam Cộng hòa đưa ra tuyên bố phản đối”[16].

Ngoài ra, Philippin cũng thiếu nhiều lý lẽ thuyết phục khác trong việc khẳng định chủ quyền của mình trên quần đảo Trường Sa như trong các phản đối Đài Loan và Việt Nam Cộng hòa vào các năm 1971 và 1974, Philippin đều đưa ra lý lẽ rằng Kalayaan không thuộc quần đảo Trường Sa. 

*   *   *

 

Philippin, một trong 6 bên có tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa đã thực thi nhiều biện pháp để khẳng định chủ quyền của họ ở quần đảo này. Tuy nhiên, bên cạnh các điểm mạnh như sự gần kề về địa lý cũng như kiểm soát thực tế một số đảo ở quần đảo Trường Sa, Philippin lại thiếu nhiều cơ sở pháp lý quan trọng để có thể khẳng định quần đảo này thuộc về họ nếu đưa vấn đề này ra phân xử tại tòa án quốc tế.

Võ Xuân Vinh, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á

Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập NCBĐ.



[1] Xem South China Sea, Country Analysis Briefs, US. Department of Energy, March 2008, p.2, http://www.eia.doe.gov/EMEU/cabs/South_China_Sea/pdf.pdf; Territorial claims in the Spratly and Paracel Islands, Globalsecurity.org, http://www.globalsecurity.org/military/world/war/spratly-claims.htm

[2] Quần đảo Trường Sa, http://vi.wikipedia.org/wiki/Qu%E1%BA%A7n_%C4%91%E1%BA%A3o_Tr%C6%B0%E1%BB%9Dng_Sa, xem ngày 23 tháng 4 năm 2011

[3] Quần đảo Trường Sa, http://vi.wikipedia.org/wiki/Qu%E1%BA%A7n_%C4%91%E1%BA%A3o_Tr%C6%B0%E1%BB%9Dng_Sa, xem ngày 23 tháng 4 năm 2011

[4] Daniel J. Dzurek, Clive H. Schofield, The Spratly Islands Dispute: Who is an first, Maritime Briefing, Volume 2, No.1, 1996, p.14.

[5] Xem Chi-Kin Lo, China’s Policy Towards Territorial Disputes: The Case of the South China Sea Islands, London and New York, Routledge, 1989, pp.139-141.

[6] Republic Act 3046: An Act to define the baselines of the territorial sea of the Philippines, 17 June 1961, http://verafiles.org/docs/ra3046.pdf

[7] Republic Act 5446: An Act to Amend Section One of Republic Act numbered Thirty Hundred and Forty-Six, entitled “An Act to Define the Baselines of the Territorial Sea of the Philippines”, 18 September 1968, http://verafiles.org/docs/ra5446.pdf.

[8] Chi-Kin Lo, China’s Policy Towards Territorial Disputes: The Case of the South China Sea Islands, London and New York, Routledge, 1989, pp.143-144.

[9] Presidential Decree No. 1596 – Declaring Certain Area Part of the Philippine Territory and Providing for their Government and Administration, 11 June 1978, http://www.verafiles.org/docs/pd1596.pdf

[10] Presidential Decree No. 1599-Establishing An Exclusive Economic Zone and for Other Purposes, 11 June 1978, http://www.verafiles.org/docs/pd1599.pdf

[11] Republic Act No. 9522 – An Act to Amend Certain Provisions of Republic Act No.3046, as amended by Republic Act No.5446, to Define the Archipelagic Baseline of the Philippines and for other Purposes, March 10, 2009, http://www.lawphil.net/statutes/repacts/ra2009/ra_9522_2009.html

[12] Tao Cheng, “The Dispute Over the South China Sea Islands,”. Texas International Law Journal, Vol. 10, 1975, pp. 265, 270.

[13] Treaty of Peace Between the United States and Spain; December 10, 1898, http://avalon.law.yale.edu/19th_century/sp1898.asp.

[14] Treaty between Spain and The United State for Cession of Outlying Islands of the Philippines, November 7, 1900.

[15] Haydee B. Yorac, Philippine Claim to the Spratly Islands Group, Philippin Law Journal, Vol.58, 1983, p.45

[16] Haydee B. Yorac, Philippine Claim to the Spratly Islands Group, Philippin Law Journal, Vol.58, 1983, pp.44-45