Nga là một quốc gia thần kỳ, có thể gây ảnh hưởng cho thế giới bằng phương thức không ai nghĩ đến, thu hút sự chú ý của mọi người. Như nhà thơ, nhà ngoại giao Nga nổi tiếng thế kỷ 19, Fedor Ivanovich Tyutchev (1803-1873) từng nói: “Lý trí không lý giải được nước Nga, đối với nước Nga, bạn chỉ có thể tin tưởng nó”. 

Năm 2017, Nga xảy ra nhiều sự kiện: nhiều thành phố diễn ra các cuộc biểu tình chống chính phủ quy mô lớn, Saint-Petersburg lại lần nữa xảy ra đánh bom ở tàu điện ngầm, quan hệ Nga-Mỹ lên xuống thăng trầm giữa cải thiện và chuyển biến xấu. Những sự kiện này đều thu hút sự chú ý của thế giới. Trung Quốc là nước láng giềng có chung 4.300 km đường biên giới với Nga, cho dù là trong lịch sử hay thực tại, Nga đều có ảnh hưởng rất lớn đối với Trung Quốc. Người Trung Quốc rất quan tâm đến những gì đã xảy ra ở Nga, tại sao lại xảy ra những sự việc này, trong tương lai Nga sẽ đi về đâu? 

Nhìn nhận khuôn khổ nhận thức của nước Nga

Một sự thực là, cho dù người Trung Quốc rất hứng thú với nước Nga, nhưng cách nhìn đối với nước Nga rất chắp vá. Có người cho rằng Nga vẫn là cường quốc thứ nhất thứ nhì thế giới, vẫn có thể phát uy tầm ảnh hưởng mang tính quyết định đối với các công việc của thế giới. Cũng có người cho rằng Nga đã suy yếu và vẫn sẽ tiếp tục xu thế này trong tương lai, cuối cùng hạ xuống thành một quốc gia mang tính khu vực. Một số người nghĩ rằng Trung Quốc và Nga là đồng minh tự nhiên, Trung Quốc trong tình hình đối mặt với sức ép mạnh mẽ từ Mỹ, đương nhiên cần phải liên minh với Nga để cùng nhau chống lại Mỹ. Nhưng cũng có người cho rằng kể từ khi Trung Quốc và Nga tiếp xúc, Nga đã gây nhiều tổn thương cho Trung Quốc, tạo nên mối đe dọa lớn cho an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. “Nga là một láng giềng xấu, Trung Quốc nên tránh càng xa càng tốt”. 

Những bất đồng ý kiến này cho thấy có sự khác biệt nhận thức rất lớn trên phương diện quan sát các công việc quốc tế của dân chúng. Vì vậy, rốt cuộc chúng ta nên nhìn nhận Nga trong khuôn khổ phân tích như thế nào, khách quan, công bằng hay toàn diện, có bao gồm cả việc đánh giá các công việc quốc tế khác? 

Người xưa của Trung Quốc có không ít câu nói về nhận thức sai lầm, như “bị lá cây che mắt, không nhìn thấy núi Thái Sơn”, “chỉ nhìn thấy cây, không nhìn thấy rừng”, “mò trăng đáy nước”… Có thể nói, cùng một sự vật, nếu bạn quan sát ở các góc độ khác nhau thì rất có thể nhìn thấy sự vật không giống nhau. Điều này đòi hỏi chúng ta phải dựa trên góc nhìn khách quan toàn diện và khuôn khổ phân tích khoa học để quan sát thế giới phức tạp rối ren này. 

Theo người viết, cho dù là đối với Nga, hay là đối với các vấn đề quốc tế khác, đều cần phải đặt nó trong không gian 3 chiều do 3 trục tọa độ hợp thành để quan sát một cách toàn diện. 

Trục tọa độ thứ nhất là trục ngang, chính là những thay đổi của lịch sử quốc gia này, những yếu tố như văn hóa chính trị, cơ cấu kinh tế, phương thức quản lý, bản sắc dân tộc… của nước này rốt cuộc có những thay đổi gì diễn ra trong lịch sử. Trục tọa độ thứ hai là trục thẳng đứng, chính là đặt đối tượng nghiên cứu của chúng ta vào trong cả hệ thống quốc tế, so sánh nó với các nước khác trên thế giới để phân tích điểm mạnh và điểm yếu, và xác định vị trí của nó trong hệ thống quốc tế. Trục thứ 3 quan trọng hơn cả, cho dù đối với bất kỳ vấn đề quốc tế nào, chúng ta đều cần phải coi lợi ích quốc gia của Trung Quốc là một đường tâm quan trọng, xem xét sự vật mà chúng ta quan sát rốt cục có ý nghĩa gì đối với lợi ích quốc gia của Trung Quốc, dẫn đến ảnh hưởng gì. Chỉ có trong không gian 3 chiều chúng ta mới có thể nhìn rõ bản chất của vấn đề. 

Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố như giáo dục truyền thống, cách tư duy của người Trung Quốc đa phần là nhị nguyên, không đen thì trắng, không tốt thì xấu. Chúng ta không giỏi nắm bắt mức độ phong phú và “độ xám” khác nhau của đối tượng trong một thế giới màu xám. Hơn nữa, rất nhiều người chúng ta khi xem xét một sự vật đều thích phán xét giá trị trước, nhận định xem cái này tốt hay xấu, người kia xấu hay tốt. Nhưng thường khi phán xét giá trị, bạn lại bỏ qua nhiều khía cạnh khác của đối tượng. 

Vì vậy tác giả kiến nghị rằng mọi người trong quan sát và suy xét các vấn đề quốc tế phải dùng nhiều hơn một lăng kính, để nó quan sát 7 sắc quang phổ, chứ không phải dùng kính lão, kính cận hay kính viễn vọng chỉ có thể nhìn thấy từng điểm của đối tượng. 

Những thành tựu và thiếu sót của hai vị tổng thống nhiệm kỳ trước Putin 

Trở lại vấn đề chính. Nga rốt cuộc đang xảy ra vấn đề gì? Tương lai sẽ diễn biến theo hướng nào? Đây chính là chủ đề hôm nay chúng ta sẽ cùng thảo luận với mọi người. Như chúng ta đã biết, Putin tiếp quản quyền lực từ tay Boris Yeltsin bắt đầu từ ngày 31/12/1999, cho đến nay đã được 17 năm. Trong 17 năm đó, đầu tiên ông đảm nhận 2 nhiệm kỳ tổng thống, sau đó chuyển sang làm thủ tướng, tiếp theo đó năm 2012 một lần nữa quay trở lại Điện Kremli giữ chức tổng thống. Theo hiến pháp của Liên bang Nga sau khi sửa đổi, nhiệm kỳ tổng thống Nga từ 4 năm kéo dài thành 6 năm, điều này có nghĩa là Putin có khả năng nắm quyền đến năm 2024, cũng có nghĩa là lãnh đạo nước Nga một phần tư thế kỷ. 

Trong thời gian 17 năm Putin lãnh đạo nước Nga, những thay đổi lớn đã diễn ra ở Nga. Chúng ta nhìn xem, rốt cuộc là những thay đổi nào. Trong hai nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, Putin làm rất nhiều việc, ở một mức độ rất lớn đã làm thay đổi cục diện kinh tế suy thoái, chính trị hỗn loạn thời kỳ Tổng thống Boris Yeltsin cầm quyền. 

Về chính trị, ông lựa chọn biện pháp mạnh mẽ, thông qua hàng loạt biện pháp như thành lập khu vực liên bang, cử Đại diện toàn quyền Tổng thống Liên bang Nga… định hình lại hệ thống quyền lực thẳng đứng, chống lại sự can thiệp của giới đầu sỏ chính trị, khiến một số nhân vật đầu sỏ chính trị như Vladimir Gusinsky, Boris Berezovsky không vào tù thì cũng phải lưu vong nước ngoài, ảnh hưởng chính trị giảm đáng kể. Về kinh tế, ông dựa vào chủ nghĩa tư bản nhà nước xây dựng lại sự can thiệp của nhà nước đối với kinh tế, đồng thời dựa vào giá dầu đang lên cao trên thị trường quốc tế để đạt được sự phục hồi tăng trưởng nhanh chóng của kinh tế Nga trong giai đoạn 2000 đến 2008. Trong lĩnh vực an ninh, dùng “bàn tay sắt” để chống chủ nghĩa khủng bố, bao gồm phát động Chiến tranh Chechnya lần thứ hai, khiến tình hình an ninh trong nước từ hỗn loạn mất trật tự chuyển sang an ninh có trật tự. Về mặt quốc tế, ông áp dụng các chính sách thực dụng “cứng rắn nhưng linh hoạt” để ngăn chặn xu thế địa vị quốc tế của Nga không ngừng sụt giảm, tầm ảnh hưởng quốc tế của Nga đã được khôi phục phần nào. 

Đồng thời, chúng ta cũng dễ nhận ra rằng phương thức quản lý của Putin cũng mang lại một số vấn đề mới cho nước Nga. Về mặt chính trị, đã tiêu diệt một số nhân vật đầu sỏ chính trị cũ, nhưng lại xuất hiện một số nhân vật đầu sỏ mới, bao gồm Thống đốc ngân hàng Rossiya Yuri Kovalquk, anh em nhà Rotenberg (Arkady Rotenberg và Boris Rotenberg, hai anh em nhà này cũng là đầu sỏ nhận được hợp đồng xây dựng khu liên hợp thể thao phục vụ thế vận hội Sochi), nhà sáng lập công ty giao dịch dầu lửa Gunvor - tỷ phú Gennady Timchenko… Những đầu sỏ mới này nắm giữ mạch máu kinh tế và tài nguyên chính trị của Nga, có thể nói chủ nghĩa tư bản nhà nước mà Putin khởi xướng ở một mức độ rất lớn đã diễn biến thành chủ nghĩa tư bản đầu sỏ. Trong cơ chế thiếu đi sự cạnh tranh này, quan hệ “ô dù” còn quan trọng hơn đổi mới và sáng tạo, sức sống của doanh nghiệp và xã hội chịu sức ép rất lớn. Tại Nga, chiếm vị trí chủ đạo đều là doanh nghiệp nhà nước, là doanh nghiệp lớn, họ được hỗ trợ bởi các chính sách nhà nước, dựa vào địa vị độc quyền vốn có để kiếm tiền, nhưng lại không mang lại động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế của đất nước. 

Về ngoại giao, cùng với sự xuất hiện của cuộc chiến giữa Nga và Gruzia năm 2008 và cuộc khủng hoảng Crimea năm 2014, quan hệ giữa Nga và phương Tây rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, môi trường quốc tế của Nga nhanh chóng xấu đi. 

Năm 2012, Putin trở lại Điện Kremli, bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống lần thứ 3 của mình. Lần trở lại này thực sự không dễ dàng. Bởi vì bắt đầu từ cuộc bầu cử Duma Quốc gia Nga cuối năm 2011, các cuộc biểu tình quy mô lớn chống chính phủ và phản đối Putin nổ ra trên toàn lãnh thổ nước Nga. Có thể nói rằng từ lúc đó, vòng hào quang trên đầu Putin đã mờ nhạt phần nhiều. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012, tỷ lệ ủng hộ Putin là 63,6%, trong khi tại hai trung tâm chính trị lớn nhất là Moskva và Saint Petersburg, tỷ lệ ủng hộ ông chưa quá bán, điều này cho thấy thái độ của dân chúng Nga đối với ông khi đó đã có sự thay đổi lớn. 

Bản kế hoạch phát triển của nhiệm kỳ tổng thống thứ 3 và sự thất bại của nó

Trước khi trúng cử tổng thống lần thứ 3, Putin đã vạch ra một bản kế hoạch rực rỡ cho sự phát triển của nước Nga trong tương lai. Về kinh tế, đến năm 2020, phải làm cho tổng lượng kinh tế của Nga đứng trong hàng ngũ 5 nước đứng đầu thế giới, GDP bình quân đầu người đạt 35.000 USD, tạo ra 20 triệu vị trí việc làm mới, khiến giá trị sản lượng của ngành công nghiệp công nghệ cao chiếm hơn 50% GDP. Về chính trị, phải hàn gắn sự chia rẽ xã hội mà cuộc bầu cử năm 2012 mang lại, thực hiện ổn định chính trị. Về ngoại giao, cải thiện quan hệ với phương Tây, đồng thời thông qua các biện pháp như thành lập liên minh thuế quan, liên minh kinh tế Á-Âu để thực hiện “tái hội nhập” không gian hậu Xôviết dưới sự lãnh đạo của Nga. 

Về các chính sách kinh tế cụ thể, Putin đề ra 5 trụ cột phát triển kinh tế. Thứ nhất là hiện đại hóa ngành công nghiệp dầu khí. Dầu khí là kho báu thượng đế ban cho nước Nga, Putin không chỉ cần phải thực hiện xuất khẩu dầu khí Nga, mà còn phải nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm dầu khí Nga. Thứ hai, thông qua kế hoạch tái thiết vũ khí quân sự trong 10 năm tổng giá trị 750 tỷ USD để dẫn dắt tái công nghiệp nước Nga. Thứ ba, thông qua việc gây dựng hàng loạt khu khoa học công nghệ để thúc đẩy phát triển và đổi mới nước Nga. Thứ tư, ra sức phát triển vùng Viễn Đông, để Viễn Đông trở thành một Singapore thứ hai. Thứ năm, phát huy ưu thế tài nguyên đất đai phong phú của Nga, phát triển hiện đại hóa nông nghiệp, khiến Nga trở thành nước xuất khẩu lương thực của thế giới. 

Cho đến nay, nhiệm kỳ tổng thống lần thứ 3 của Putin sắp trôi qua. Nhìn lại sự phát triển của Nga vài năm gần đây có thể nói bản kế hoạch mà Putin vạch ra gần như không thể thực hiện, kể cả đến năm 2020 cũng không thể thực hiện. 

Về kinh tế, mặc dù giá dầu quốc tế năm 2012 vẫn duy trì ở mức cao hơn 100 USD, nhưng tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Nga vẫn sụt giảm rõ rệt. Năm 2012 chỉ có 3,4%, và tụt xuống còn 1,3% vào năm 2013. Cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014 dẫn đến sự trừng phạt của phương Tây đối với Nga và giá dầu theo đó cũng sụt giảm, khiến mức tăng trưởng kinh tế của Nga năm đó chỉ đạt mức 0,5%. Năm 2015 và 2016, kinh tế Nga lâm vào suy thoái, mức tăng trưởng kinh tế lần lượt là 3,7% và -1,7%. 

Mặc dù phía Chính phủ Nga cho biết năm 2017 Nga có khả năng thực hiện tăng trưởng không hoặc tăng nhẹ, nhưng bất kể là dựa trên dự đoán của các cơ quan quốc tế như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hay cơ quan Chính phủ Nga, đến năm 2020 mức tăng trưởng kinh tế của Nga tính theo tình hình tốt nhất cũng chỉ 2% đến 3%. Đây là một mức tăng trưởng thấp, thấp hơn mức bình quân tăng trưởng kinh tế của thế giới (theo IMF dự đoán, 2017 là 3,5%, 2018 là 3,6%). Điều này có nghĩa là trong giai đoạn tiếp theo vị thế của Nga trong bố cục kinh tế thế giới sẽ tiếp tục suy giảm. 

Vừa rồi chúng ta nói đến việc Putin đề ra đến năm 2020 Nga phải bước vào hàng ngũ 5 nước đứng đầu thế giới về kinh tế. Dựa theo mục tiêu này, trong 8 năm từ năm 2012 đến năm 2020 mức tăng trưởng kinh tế của Nga cần phải đạt bình quân trên 7,5% năm. Hiện nay có thể chắc chắn rằng mục tiêu này hoàn toàn ngoài tầm với. 

Putin từng muốn dựa vào việc chấn hưng quân sự để kéo theo “tái công nghiệp hóa” nước Nga. Vì sao phải tái công nghiệp hóa? Bởi vì trong 20 năm sau khi Liên Xô tan rã, do các nguyên nhân như thiết bị lạc hậu, thiếu sự đầu tư, chảy máu chất xám…, hệ thống công nghiệp nặng mà thời kỳ Liên Xô để lại về cơ bản đã lạc hậu, nhưng hệ thống công nghiệp mới lại chưa được thiết lập. Có thể nói, trong thời gian hơn 20 năm sau khi Liên Xô tan rã, Nga đã trải qua một quá trình “phi công nghiệp hóa” đau thương. Nhiều nhà kinh tế Nga mong đợi đến “xã hội hậu công nghiệp hóa”, nhưng trên thực tế, nền kinh tế dựa trên tri thức và ngành công nghiệp công nghệ cao của Nga không chỉ chưa phát triển đầy đủ, thậm chí ngay cả hệ thống công nghiệp truyền thống cũng đang tiếp tục suy tàn. 

Vì lý do này, có đến 60% đến 70% lượng hàng hóa nhập khẩu của Nga là sản phẩm công nghiệp. Nhưng nước này xuất khẩu chủ yếu vẫn là các nguyên vật liệu như dầu mỏ, khí đốt, gỗ, kim loại, than…, cũng chính là tài nguyên thiên nhiên mà thượng đế đã ban cho nước Nga. Trong tình hình này, đặc biệt là đang lúc cuộc cách mạng năng lượng mới và cách mạng công nghiệp mới đang tăng tốc, Nga sẽ tham gia cạnh tranh kinh tế thế giới với tư thế gì, chiếm vị trí thế nào trong cơ cấu kinh tế thế giới, làm thế nào mới có thể bước vào hàng ngũ các nước phát triển? Đây là vấn đề lớn mà giới cầm quyền ở Nga phải đối mặt. 

Tình hình ngoại giao khó khăn của Nga sau đó 

Về ngoại giao, trước nhiệm kỳ tổng thống thứ 3, Putin cũng đưa ra nhiều ý tưởng, nhưng chưa thực hiện được đầy đủ. Liên minh kinh tế Á-Âu thực sự được thành lập, từ ba nước thành viên ban đầu (Nga, Belarus và Kazakhstan) phát triển đến hiện nay bao gồm cả Cộng hòa Kyrgyzstan và Armenia. Nhưng liên minh này chưa hoàn toàn thực hiện dòng chảy tự do về đầu tư, hàng hóa, dịch vụ, nhân lực. Ở một mức độ nào đó, liên minh kinh tế này phần nhiều quan tâm đến lợi ích của Nga, chứ không phải lợi ích của tất cả các nước thành viên. Vì vậy các nước thành viên khác mặc dù gia nhập Liên minh kinh tế Á-Âu, nhưng lâu nay vẫn ngầm bất mãn mới Nga. 

Trong quan hệ với phương Tây, mặc dù bắt đầu từ khi Obama nắm quyền năm 2008 Mỹ đã đề ra kế hoạch khởi động lại quan hệ Nga-Mỹ, đặc biệt là Trump lên nắm quyền khiến cho rất nhiều người Nga đặt kỳ vọng vào việc quan hệ Nga-Mỹ nhanh chóng được cải thiện, nhưng chỉ trong một vài tháng chúng ta thấy xu hướng xấu đi của quan hệ Nga-Mỹ chưa thực sự được cải thiện. Giữa Nga-Mỹ không chỉ thiếu sự liên kết mạnh mẽ về kinh tế, mà lập trường trong hàng loạt vấn đề quốc tế lớn cũng khó thỏa hiệp. Quan trọng hơn là, cùng với việc trong nước Mỹ vẫn âm ỉ “nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ”, cũng như bầu cử tổng thống Nga 2018 sắp tới đây, yếu tố chính trị trong nước của hai nước này sẽ tiếp tục kìm hãm sự cải thiện quan hệ song phương. 

Quan hệ Nga-châu Âu cũng vậy, cùng với sự xuất hiện của cuộc khủng hoảng Crimea và chiến sự kéo dài ở khu vực miền Đông Ukraine, châu Âu cảm nhận được sức ép rõ ràng từ Nga. Đối với đa số các nước EU, hành động cứng rắn của Nga là một mối đe dọa cho an ninh châu Âu. Putin từng đề xuất cùng EU thành lập một “đại châu Âu”, cùng châu Âu xây dựng “không gian thống nhất” trong các lĩnh vực kinh tế, luật pháp, an ninh và văn hóa. Nhưng những mục tiêu này về cơ bản đã nhanh chóng tiêu tan. 

Nga đã đạt được một số thành quả trong việc chuyển hướng sang châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là trong việc cải thiện quan hệ với Trung Quốc và Nhật Bản, quan hệ với Ấn Độ cũng đang được điều chỉnh, Nga và ASEAN dự định thành lập khu thương mại tự do. Nhưng nói một cách thực tế, Nga vẫn ở một vị thế tương đối bên lề trong bố cục hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương.

Những hiểu lầm trong quan niệm về chiến lược quốc tế 

Tại sao bản kế hoạch Putin vạch ra hầu như không thực hiện được? Người viết cho rằng ở mức độ rất lớn là bởi vì cách tư duy của Nga chưa bắt kịp với sự phát triển của thời đại mới. Đặc biệt là trong phương diện chiến lược quốc tế, Nga vẫn tồn tại một số vấn đề. 

Thứ nhất, cho đến nay, Nga vẫn coi việc cạnh tranh giữa các nước lớn là cạnh tranh địa chính trị đơn thuần, không phải là cạnh tranh sức mạnh tổng hợp. Dưới sự chỉ đạo của tư tưởng này, Nga càng coi trong địa bàn, vì vậy không thể không giành lấy Crimea. Nga không nhận ra rằng một quốc gia muốn có chỗ đứng trong thế giới hiện nay thì sức mạnh tổng hợp cần phải được phát triển đầy đủ và toàn diện. 

Có thể giải thích bằng nguyên lý thùng gỗ. Nếu chúng ta coi Nga như một cái thùng gỗ, thì trong các mảnh ghép nên thùng gỗ, chỉ có mảnh gỗ quân sự là tương đối dài, trong khi kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học kỹ thuật, kể cả các phương diện quyền lực mềm đều bị thiếu hụt. Chiếc thùng của bạn có quá nhiều mảnh ngắn, như vậy nó rốt cuộc có thể đựng được bao nhiêu nước bạn có thể biết rõ. 

Thứ hai, sức mạnh của Nga không phải là khách quan. Rất nhiều người Nga vẫn cho rằng, Nga là một nước lớn trên thế giới, nên và cần phải giải quyết tất cả các việc lớn ảnh hưởng đến quốc tế. Nhưng nếu đánh giá dựa trên các số liệu và chỉ số, chúng ta sẽ phát hiện rằng cho dù trên phương diện kinh tế hay quân sự, sức ảnh hưởng của Nga hiện nay đều đang suy giảm. Đương nhiên, Nga vẫn là nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhưng thời gian gần đây chúng ta thấy trong các cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc liên quan đến các vấn đề an ninh quốc tế và khu vực quan trọng, Nga phần lớn là bỏ phiếu chống, điều này dẫn đến sự hoài nghi của nhiều quốc gia. 

Thứ ba, Nga cho rằng mình là nước chịu thiệt trong trật tự quốc tế hiện tại. Putin từng nói: “Liên Xô tan rã là một thảm họa địa chính trị”. Rất nhiều người Nga cho rằng Liên Xô tan rã là kết quả của hàng loạt âm mưu mà phương Tây thúc đẩy. Trong tình hình này, việc Nga khôi phục địa vị nước lớn chắc chắn sẽ thách thức trật tự quốc tế hiện có. Vì vậy trong những năm gần đây, chúng ta thấy Nga hoạt động không ngừng, liên tục phát động chiến tranh với Gruzia, khủng hoảng tại Crimea, thậm chí đóng quân ở Syria. Trong con mắt của nhiều người Nga, Nga nhất định phải trở thành nước thách thức trật tự quốc tế mà phương Tây chủ đạo, người Mỹ nói gì cũng không làm theo. 

Thứ tư, Nga hiểu không thấu đáo về cuộc cách mạng năng lượng và cách mạng khoa học kỹ thuật trên toàn thế giới. Khi cuộc cách mạng khí đá phiến của Mỹ phát triển mạnh mẽ và gây ảnh hưởng lớn đến cục diện năng lượng thế giới, rất nhiều người Nga vẫn cho rằng đó là một trò bịp bợm do Mỹ và Saudi Arabia tạo ra, mục đích là thông qua việc trấn áp giá dầu để kiềm chế Nga. Nhưng trên thực tế chúng ta có thể thấy hiện nay Mỹ đã trở thành nước nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất vượt qua cả Saudi Arabia, nước sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới vượt qua cả Nga, và khí đá phiến của Mỹ sau khi trải qua hóa lỏng đã bắt đầu xuất khẩu sang châu Á-Thái Bình Dương (TBD), tương lai sẽ xuất khẩu sang châu Âu. Sự thay đổi mang tính lịch sử này có ảnh hưởng đến tương lai của Mỹ, tác động lớn đến thị trường năng lượng quốc tế, cũng tác động đáng kể đến địa vị năng lượng của Nga. 

Thứ năm, về việc nhìn nhận Các nước cộng hòa thuộc Liên bang Xôviết, Nga cho dù bề ngoài coi các nước này là quốc gia độc lập có chủ quyền, nhưng trong sâu thẳm vẫn coi những nước này thấp hơn một bậc: tôi là anh lớn, bạn là em trai; trong các vấn đề lớn liên quan đến lợi ích của tôi thì bạn phải nghe theo tôi, phải ủng hộ và bảo vệ lợi ích của tôi, không phải lợi ích của bạn. Xét cho cùng, Nga vẫn không có thái độ bình đẳng đối với những nước này. Như người viết vừa đề cập trước đó, liên minh kinh tế Á-Âu tồn tại rất nhiều mâu thuẫn nội bộ. Tại sai như vậy? Có một phần nguyên nhân nằm ở đây. 

Thứ sáu, Nga có thái độ tương đối bi quan đối với nhất thể hóa kinh tế thế giới. Tại sao? Bởi vì Nga ở vị trí bên lề của hệ thống phân công kinh tế thế giới ngày nay. Nước này phần nhiều xuất khẩu nguyên liệu thô, không phát triển kinh tế thông qua nắm bắt công nghệ cao. Vì vậy họ cho rằng mình đang bị bóc lột, xuất khẩu năng lượng sang châu Âu là bị bóc lột, xuất khẩu năng lượng sang Trung Quốc và các nước châu Á-TBD khác cũng là bị bóc lột. Họ không muốn hội nhập quá trình nhất thể hóa kinh tế thế giới. 

Mặc dù Nga đã gia nhập WTO, nhưng nước này vẫn hy vọng thông qua phương thức thành lập Liên minh kinh tế Á-Âu để bảo tồn Liên Xô trước đây. Nga dựng hàng rào xung quanh di sản này, hy vọng không ai xâm phạm vào. Cách tư duy này cũng dẫn tới sự phát triển kinh tế của Nga trên thực tế ngày càng xa rời trào lưu lớn của sự phát triển kinh tế thế giới. 

Hiệu quả của việc gửi quân đến Syria như thế nào?

Dù mắc những sai lầm trong nước và quốc tế kể trên, Nga vẫn không chịu chấp nhận hậu quả. Đất nước này, dân tộc này vẫn có sức sống mãnh liệt, họ hy vọng mình trở thành một dân tộc được mọi người tôn trọng. Vì vậy tháng 10/2015, Nga bất ngờ đưa quân đến Syria, triển khai các hoạt động quân sự nhằm vào IS. 

Các hành động này được thực hiện trong bối quan hệ giữa Nga và phương Tây vô cùng căng thẳng, khủng hoảng Ukraine vẫn chưa kết thúc, phương Tây đang áp dụng biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Nga, nền kinh tế Nga đang chịu thiệt hại nặng nề. Trong bối cảnh khó khăn như vậy, Nga vì sao lại đưa quân đến Syria, mục đích là gì? Theo người viết, Nga đưa quân đến Syria có 6 mục tiêu: Một là, chống chủ nghĩa khủng bố. Sau khi Liên Xô tan rã, Nga chịu tổn hại sâu sắc từ các cuộc tấn công khủng bố. Những năm 1990, Nga đã phát động 2 lần Chiến tranh Chechnya, một trong những nguyên nhân chính là thế lực ly khai bên trong Chechnya đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho an ninh quốc gia Nga. Kể từ thế kỷ mới, các cuộc tấn công liên tiếp của các phần tử khủng bố khiến cho xã hội và dân chúng Nga chịu nhiều đau khổ. Hơn nữa dựa theo số liệu của Cơ quan An ninh liên bang Nga, hiện nay vẫn con hơn 2.000 công dân Nga gia nhập IS ở phía Bắc Iraq và phía Bắc Syria. Nếu những người này trở về sẽ gây thách thức nghiêm trọng cho an ninh trong nước Nga. Do đó, chống khủng bố xuyên quốc gia là một mục tiêu vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ an ninh quốc gia của Nga. 

Hai là, giữ các căn cứ quân sự quan trọng của Nga ở khu vực Địa Trung Hải. Sau khi Liên Xô tan rã, các căn cứ quân sự của Nga ở nước ngoài thu hẹp hàng loạt, đến nay chỉ giữ lại một căn cứ hải quân tại Tartus-Syria. Đối với Hạm đội Biển đen, chỉ khi Nga giữ lại căn cứ quân sự này thì trong tương lai mới có thể đến được Địa Trung Hải, Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương, phát huy vai trò răn đe chiến lược của Nga. Trong lịch sử, để tranh giành lối đi ra Biển Đen, Nga đã thực hiện hàng chục trận chiến kéo dài hàng trăm năm với Đế quốc Ottoman. Đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014, do các nước NATO cảnh giác hơn đối với Nga, quan hệ hai bên ngày một căng thẳng. Nga đối mặt với sức ép ngày càng lớn tại Biển Đen và Địa Trung Hải. Trong hoàn cảnh này, nước Nga cần phải giữ căn cứ quân sự tại Syria. Sau hơn 1 năm trôi qua, Nga không chỉ giữ được căn cứ hải quân Tartus, mà còn giành được căn cứ quân sự tại khu vực Latakia ở miền Bắc Syria. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Nga trong việc bảo vệ lợi ích địa chính trị tại Biển Đen và Địa Trung Hải. 

Ba là, cố gắng duy trì chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Assad. Tại sao? Bởi vì Nga hiện nay ở Trung Đông chỉ có hai đồng minh tương đối đáng tin cậy, một là chính quyền đương nhiệm Bashar Assad của Syria, hai là Iran với phần lớn người Shitte. Quan hệ giữa Nga và các nước như Qatar, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất, cũng như các nước vùng Vịnh khác với chủ yếu là người Sunni không tốt. Trong hoàn cảnh này, duy trì chế độ Assad là có thể bảo vệ lợi ích địa chính trị của Nga ở Trung Đông, đồng thời tạo đòn bẩy cho tình hình địa chính trị của Trung Đông. 

Bốn là, ở một mức độ nhất định đã thỏa mãn niềm tự hào nước lớn của Nga. Mặc dù Liên Xô đã tan rã được một phần tư thế kỷ, dù địa vị quốc tế của Nga sụt giảm nghiêm trọng, nhưng nước này rõ ràng không chấp nhận sự thật này, thậm chí tìm cách chứng minh sự hiện diện của mình với vai trò nước lớn. Họ muốn nói với toàn thế giới rằng mình vẫn là một nước có ảnh hưởng lớn đối với các công việc quốc tế. 

Năm là, chuyển hướng sức ép trong vấn đề khủng hoảng Ukraine. Ngoại giao Nga có nội hàm chiến lược phong phú và truyền thống lịch sử lâu đời. Tư duy của người Trung Quốc luôn là dựa vào hợp tác để theo đuổi hòa bình, dựa vào hợp tác theo đuổi an ninh, dựa vào hợp tác theo đuổi cùng thắng. Nhưng Nga thì luôn là dựa vào đấu tranh để tìm kiếm hòa bình: chỉ có buộc đối phương ngồi vào bàn đàm phán mới có thể có được thứ mà mình muốn. Vì vậy, đúng vào lúc xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine, Nga muốn triển khai cuộc chiến thứ hai để làm suy yếu sức ép của Mỹ và châu Âu đối với mình trong vấn đề Ukraine, buộc Mỹ triển khai hợp tác tương ứng với Nga. Đây gọi là “giương đông kích tây”. 

Sáu là, từ bỏ việc khai thác khí thiên nhiên ở khu vực phía Đông Địa Trung Hải. Giới học giả và truyền thông không mấy quan tâm đến mục tiêu này. Những năm gần đây, khu vực phía Đông Địa Trung Hải, đặc biệt là khu vực thềm lục địa gần Địa Trung Hải của Israel, Jordan, Lebanon, Ai Cập và Syria đã phát hiện trữ lượng lớn khí thiên nhiên. Khu vực này rất gần thị trường châu Âu, nếu lượng khí tự nhiên của Địa Trung Hải này có thể khai thác một cách hiệu quả và xuất khẩu sang châu Âu thì Nga vốn sinh tồn dựa vào việc xuất khẩu khí đốt sang châu Âu sẽ gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt và tổn thất vô cùng lớn. Trong hoàn cảnh như vậy, Nga bất ngờ đưa quân đến Syria, hơn nữa đạt được kết quả mong muốn đáng kể. 

Vì vậy, mặc dù sức mạnh của Nga đang suy giảm, ảnh hưởng đang giảm sút, nhưng nước này vẫn có thể có những hành động đáng kinh ngạc. Trong tương lai, chúng ta vẫn có thể thấy những việc gây bất ngờ như vậy. 

Quan hệ Nga-Mỹ không thể cải thiện trong ngắn hạn 

Trong thời gian tranh cử tổng thống, Donald Trump đã bày tỏ tình cảm mạnh mẽ của mình đối với nước Nga, bày tỏ sự ca ngợi chân thành đối với Putin. Vì vậy, từ cuối năm 2016 đến đầu năm 2017, truyền thông quốc tế và trong nước từng kêu gọi quan hệ Nga Mỹ cần phải cải thiện một cách thực chất. 

Nhưng người viết cho rằng quan hệ Nga-Mỹ không thể có sự cải thiện lớn trong ngắn hạn. Tại sao? Vấn đề là không gian hợp tác Nga-Mỹ vô cùng nhỏ. 

Trên phương diện kinh tế, kim ngạch thương mại giữa Nga và Mỹ chỉ có 20-30 tỷ USD. Điều này đối với hai nước lớn thế giới là một con số vô cùng khiêm tốn, đặc biệt là đối với Mỹ, có thể nói là không đáng kể. Giữa hai nước không có sự gắn kết lợi ích mật thiết, quan hệ xấu đi hay không cũng không ảnh hưởng gì, không tạo thành mối đe dọa quá lớn cho sự ổn định kinh tế trong nước và phát triển kinh tế của mình và đối phương. 

Trên phương diện quân sự, rất nhiều người nói rằng Nga và Mỹ có rất nhiều lợi ích quốc tế chung. Nhưng nếu chúng ta nhìn vào cuộc cách mạng quân sự mới đang diễn ra thì có thể thấy cho dù trong hiện đại hóa vũ khí hạt nhân, hệ thống tấn công nhanh toàn cầu, hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo toàn cầu hay trong lĩnh vực mạng và truyền thông, hai nước đều có sự cạnh tranh khốc liệt. Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lần này, chúng ta cũng thấy cơ quan tình báo Mỹ cáo buộc Nga can thiệp vào chính trị Mỹ thông qua sự tấn công của các hacker mạng. Vì vậy hai bên đã bắt đầu cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực quân sự. 

Trên phương diện an ninh châu Âu, vấn đề Ukraine vẫn chưa được giải quyết, chiến sự ở khu vực phía Đông Ukraine cho dù có phần hạ nhiệt nhưng vẫn chưa kết thúc hoàn toàn. Chúng ta không nên đánh giá thấp vấn đề Ukraine, nó liên quan đến Hiệp ước Helsinki ký kết năm 1975, liên quan đến tiêu chuẩn an ninh của cả châu Âu. Nếu người Mỹ thả lỏng trong vấn đề an ninh châu Âu, thì các nước đồng minh NATO sẽ nảy sinh mối hoài nghi mạnh mẽ về địa vị lãnh đạo của Mỹ trong hệ thống an ninh xuyên Đại Tây Dương. Vì vậy, cho dù Nga hàng ngày chỉ trích NATO triển khai lực lượng quân sự mới tại Đông Âu, nhưng từ quan điểm của NATO, những hành động này là để ngăn chặn Nga gây ra cuộc khủng hoảng Ukraine mới và sự kiện Crimea mới. 

Trong vấn đề Syria, rất nhiều người nói Nga và Mỹ có thể hợp tác trong vấn đề chống khủng bố. Nhưng nếu nhìn lại cuộc chiến Syria gần 8 năm qua có thể thấy cho dù hai bên Nga-Mỹ đều giương cao ngọn cờ chống chủ nghĩa khủng bố ở Syria, nhưng rút cục ai là khủng bố, chống khủng bố như thế nào thì nhận thức của hai bên lại có sự khác biệt. Theo người viết, trong tương lai hợp tác giữa Nga và Mỹ trong vấn đề Syria là rất hạn chế. 

Ngày 6/4/2017, Mỹ tấn công quân đội chính phủ Syria bằng 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk. Đây là lần đầu tiên quân đội Mỹ đánh vào chính diện quân đội chính phủ Syria. Trước đây Mỹ đều thông qua hỗ trợ các lực lượng chống chính phủ của Syria, thông qua hỗ trợ một số đồng minh của Mỹ tại Trung Đông như Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ để can thiệp vào công việc nội bộ của Syria. Nhưng lần này Mỹ muốn thể hiện rõ sức mạnh với Chính phủ Syria, đồng thời cũng là ra đòn cảnh cáo để Nga thấy rằng cho dù nước này đạt được thành quả lớn bằng việc đưa quân đến Syria, nhưng giới hạn về việc Mỹ yêu cầu các bên ở Syria không được sử dụng vũ khí sinh học là không được lay chuyển. 

Về phương diện nhận thức giữa hai nước với nhau, giới chiến lược Mỹ phần nhiều nghiêng về phía coi Nga là một quốc gia hạng hai, Obama từng thẳng thừng nói rằng Nga đã không còn là một nước lớn toàn cầu. Nhưng Nga không nghĩ như vậy, nước này vẫn tự coi mình là một nước lớn thế giới, vẫn muốn ở vị trí ngang hàng với Mỹ trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế. Sự tương phản này không chỉ khiến nhận thức giữa hai nước Nga-Mỹ có sự chênh lệch lớn, mà còn dẫn đến mâu thuẫn lớn giữa hai bên trong các lĩnh vực chính sách cụ thể. 

Từ quan điểm chính trị trong nước, trong nước Nga và Mỹ đều có nhóm lợi ích rất mạnh, họ không muốn quan hệ hai nước nhanh chóng cải thiện, lợi ích của ngành công nghiệp quân sự hai nước có thể chịu thiệt hại do sự cải thiện quan hệ. Hơn thế nữa, hai nước gây nên không ít “thù oán” trong phương diện can thiệp tìn hình nội bộ của nhau: trào lưu chống chính phủ trong nước Nga năm 2011-2012 được Putin cho là cuộc “cách mạng màu” do Mỹ sắp đặt và thao túng, mục đích là ngăn cản Putin quay trở lại điện Kremlin; trong khi người Mỹ nhận định Nga đã can thiệp sâu sắc vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 thông qua tấn công mạng và chiến tranh thông tin, việc này đối với người Mỹ là không thể chấp nhận. Người Mỹ từ khi nào đã bị nước khác can thiệp vào chính trị trong nước, hơn nữa còn gây ảnh hưởng lớn? 

Nhận thức về nhau giữa hai nước Nga-Mỹ hiện nay đều không tốt, coi đối phương là đối thủ thậm chí là kẻ thù. Trong nội bộ hai nước, các lực lượng có thể giúp quan hệ song phương được cải thiện không nhiều. Vì vậy có thể nói trong tương lai cũng không nên đặt hy vọng quá lớn vào việc quan hệ Nga-Mỹ nhanh chóng được cải thiện. 

Dựa vào động lực bên trong để thúc đẩy quan hệ Trung-Nga phát triển bền vững 

Cuối cùng là quan hệ Trung-Nga. Trung Quốc và Nga là nước láng giềng có chung 4.300 km đường biên giới, trong lịch sử, Nga đã có ảnh hưởng sâu sắc đến an ninh, phát triển thậm chí là cả thể chế xã hội của Trung Quốc. Những năm 1960, 1970, quan hệ Trung Quốc-Liên Xô xấu đi, hai nước bày binh bố trận tại đường biên giới, kết quả không chỉ lãng phí nguồn lực lớn, quan trọng hơn là hai nước đã mất đi cơ hội phát triển quan trọng. 

Cá nhân người viết rất tin tưởng rằng quan hệ Trung-Nga chỉ có thể tốt chứ không thể xấu. chi khi Trung Quốc và Nga có một quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác với thì nhau mới có thể khiến hai nước có được môi trường xung quanh tốt đẹp, khiến hai hước đều tập trung sức lực vào việc xây dựng kinh tế và cải thiện cuộc sống cho nhân dân hai nước. 

Quan hệ Trung-Nga hiện nay đang ở trong giai đoạn tốt nhất của lịch sử, chính phủ nói vậy và cá nhân người viết cũng cho là như vậy. Cái gọi là giai đoạn tốt nhất trong lịch sử không phải chỉ việc Trung Quốc và Nga kết liên minh quân sự chống lại Mỹ. Điều quan trọng nhất là sau 400 năm, đặc biệt là sự tìm kiếm vất vả mấy chục năm gần đây, Trung Quốc cuối cùng đã xác định được vị trí lịch sử thực sự của quan hệ Trung-Nga, đó chính là láng giềng hữu nghị, không kết đồng minh, không đối đầu, không nhằm vào bên thứ ba, đây là nguyên tắc cơ bản. 

Những lời này cho dù có vẻ sáo rỗng, những nó chính là tài sản quý giá mà lịch sử để lại. Bất cứ hành vi nào từ bỏ những câu chữ này, bất cứ ý tưởng nào phá hoại quan hệ Trung-Nga hoặc khiến Trung Quốc và Nga kết đồng minh đều không phù hợp với lợi ích hai nước. Hiện nay rất nhiều người nói về quan hệ ba bên Trung-Mỹ-Nga, có người lo lắng sau khi Trump lên nắm quyền sẽ liên minh với Nga chống lại Trung Quốc, có người nhấn mạnh hai nước Trung-Nga cần phải kết đồng minh chống lại Mỹ. Tuy nhiên, người viết phải nhấn mạnh rằng mô hình truyền thống kiểu “2 chọi 1” này là sản phẩm của Chiến tranh Lạnh, đã không còn phù hợp với sự phát triển của quan hệ quốc tế ngày nay. 

Tại sao? Trước tiên, mô hình này chỉ quan tâm đến địa chính trị, nhưng các chương trình nghị sự của quan hệ quốc tế hiện nay vô cùng phong phú, bao gồm hợp tác kinh tế, biến đổi khí hậu, quản lý toàn cầu, đổi mới khoa học kỹ thuật, mà không chỉ lãnh thổ, địa bàn, nước này tốt với nước kia để đối phó với nước thứ ba. Dùng phương thức đon giản để giải quyết vấn đề phức tạp thì không thể đạt được kết quả tốt. Thứ hai, nhìn vào thực tiễn, chúng ta cũng không nhận thấy nếu quan hệ Trung-Nga chặt chẽ hơn hoặc kết đồng minh thì có thể giảm bớt sức ép đến từ Mỹ. Ví dụ, trong những năm gần đây Trung Quốc và Nga từng hợp tác trong đó có cả tập trận chung, nhưng Mỹ không vì thế mà nới lỏng việc tuần tra chiến lược ở Biển Đông, chưa thấy Mỹ vì thế mà từ bỏ việc triển khai quân sự tại Đông Âu. 

Quan trọng hơn cả là đối với Nga và Trung Quốc, một quan hệ Nga-Mỹ tốt đẹp hay một quan hệ Trung-Mỹ tốt đẹp đều hết sức quan trọng. Vì vậy điều người viết muốn đặc biệt nhấn mạnh là, quan hệ Trung-Mỹ-Nga ngày nay không phải là bản sao của quan hệ Trung Quốc-Mỹ-Liên Xô của thời kỳ Chiến tranh Lạnh, không phải là sự đối đầu “2 chọi 1”, mà cần phải phát triển quan hệ ba bên kiểu mới hợp tác, cùng hưởng lợi. Ba cặp quan hệ song phương Trung-Mỹ, Trung-Nga, Nga-Mỹ đều có giá trị riêng, lôgích riêng và vai trò riêng. 

Trong bối cảnh điểm nóng quốc tế không ngừng xuất hiện, phát triển kinh tế thế giới vẫn chưa chưa thoát khỏi tình trạng khó khăn, ba nước Trung-Nga-Mỹ có thể thông qua hợp tác tích cực để thúc đẩy phát triển kinh tế thế giới, bảo đảm sự hòa bình của khu vực và thế giới.

Theo The Paper (Trung Quốc)

Hoàng Lan (gt)