rtx2w5mv.jpg

Điều này cho chúng ta lý do để “háo hức” chờ đợi kết quả của Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc khi Chủ tịch Tập Cận Bình bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm lần thứ hai với quyết tâm thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc và giành lấy vị thế nền kinh tế lớn nhất thế giới từ tay Mỹ. Đại hội Đảng là cơ quan quyền lực tối cao, đại diện cho cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản. Sự kiện này diễn ra 5 năm một lần. Khi Đại hội kết thúc, Ủy ban Trung ương trở thành cơ quan lãnh đạo. Các nhà lãnh đạo thế giới đang theo dõi sát sao sự kiện lớn này, dự kiến bắt đầu vào ngày 18/10 tới, tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, chủ yếu là để xem khả năng xảy ra các thay đổi lớn trong việc kiện toàn bộ máy lãnh đạo hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đa số thành viên trong Ban thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc (cơ quan quyết định các chính sách hàng đầu) sẽ đến tuổi nghỉ hưu khi Đại hội Đảng diễn ra.

Trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Bắc Kinh năm 2016, ông Duterte nói rằng ông muốn đảng Dân chủ Philippines-Quyền lực Nhân dân (PDP-Laban) của ông rèn luyện các đảng viên theo cách của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Duterte cũng tuyên bố rằng ông là một người theo tư tưởng chủ nghĩa xã hội.

Ông Duterte đã 2 lần tới thăm Trung Quốc vào tháng 10/2016 và tháng 5/2017. Ông đã tham dự Diễn đàn Vành đai và Con đường hồi tháng 5/2017 cùng 29 nhà lãnh đạo châu Á khác. Ông nói rằng ông muốn học hỏi hơn nữa về các nền kinh tế của các nước khác và cách họ vận hành để thúc đẩy sự kết nối lẫn nhau. Theo ông, diễn đàn này sẽ đóng vai trò là nền tảng để các nước học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế và trao đổi quan điểm về một số vấn đề. Ông Duterte cũng nói rằng sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc phù hợp với kế hoạch phát triển của Philippines trong giai đoạn 2017-2022, đặc biệt trong việc phát triển cơ sở hạ tầng và mở ra các khả năng hợp tác to lớn cho cả hai quốc gia.

Mặc dù Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ vẫn tiếp tục cầm quyền trong vòng 5 năm tới nhưng liệu thành phần mới trong Ban thường vụ Bộ Chính trị sẽ tỏ ra quyết liệt hơn hay sẽ mềm mỏng hơn trong quan hệ với các nước láng giềng châu Á như Philippines? Liệu quan điểm của họ về vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Philippines sẽ vẫn kiên định hay sẽ mềm mỏng hơn trước phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Haye đưa ra hồi năm 2016? Trong cuộc họp báo mới đây tại Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Bắc Kinh với sự tham gia của 25 nhà báo châu Á, Shi Guohui - Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Ngoại giao của Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, nói rằng Đại hội XIX là sự kiện rất quan trọng bởi Đại hội sẽ giới thiệu các quan điểm, tư tưởng và chiến lược mới để điều hành quốc gia 1,3 tỷ dân này.

Tại Đại hội Đảng, hai mục tiêu thế kỷ của Trung Quốc sẽ được trình bày cùng các thành tựu trong 5 năm qua dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình. Các thành tựu này bao gồm việc khôi phục Con đường Tơ lụa Trên biển thời cổ đại và sáng kiến Vành đai và Con đường nhằm phát triển và công nghiệp hóa thị trường nội địa Trung Quốc, đồng thời kết nối Trung Quốc với thế giới thông qua một loạt hệ thống đường sá, cầu, đường sắt và sân bay. Mục tiêu quốc gia quan trọng nhất đó là đạt được cái mà Chủ tịch Tập Cận Bình gọi là “Giấc mơ Trung Hoa”, đem lại “sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa”. Mục tiêu này hướng đến một “Cộng đồng Chung Vận mệnh”, hài hòa giấc mơ phát triển và thịnh vượng của Trung Quốc với các mục tiêu của các nước khác, đặc biệt là các nước láng giềng. Trung Quốc đang hướng tới đạt được các mục tiêu chính sách trong nước và chính sách đối ngoại, thực hiện chiến lược ngoại giao theo nhiều tầng để có được một môi trường bên ngoài thuận lợi thông qua chiến lược “ngoại giao láng giềng” nhằm thúc đẩy tình hữu nghị, sự chân thành, lợi ích chung và tính toàn diện.

Trung Quốc mới đây đã tỏ ra ráo riết trong việc theo đuổi chính sách ngoại giao kinh tế (thương mại, đầu tư và cơ sở hạ tầng) và chính sách đa phương, như sáng kiến Vành đai và Con đường cũng như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB). Có vẻ như Bắc Kinh đã thành công trong việc thuyết phục ông Duterte ủng hộ mục tiêu vượt nền kinh tế Mỹ, nếu xét tới những lời tuyên bố của Tổng thống Duterte phản đối Mỹ và sự phụ thuộc của Philippines vào viện trợ kinh tế và quân sự Mỹ. Sau đó, Trung Quốc cũng lôi kéo ông Duterte về phía mình trong cuộc tranh chấp lãnh thổ kéo dài trên Biển Đông, khiến ông gạt sang một bên phán quyết của Tòa Trọng tài vốn bác bỏ các yêu sách quyền lịch sử của Trung Quốc trong khu vực. Mặc dù Philippines có thể học hỏi rất nhiều từ các kinh nghiệm của Trung Quốc, đặc biệt trong chiến lược công nghiệp hóa khiến họ trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, nhưng việc từ bỏ chủ quyền tại vùng lãnh thổ được vạch ra theo quy định quốc tế lại là một vấn đề khác.

Theo “Manilatimes

Vũ Hiền (gt)