Hai nước trở thành đồng minh chính thức sau khi ký Hiệp ước Phòng thủ chung năm 1951. Hai nước cũng trở thành thành viên của Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á năm 1956. Nhưng quan trọng nhất trong số các thỏa thuận quốc phòng song phương là hiệp ước phòng thủ chung bắt buộc của hai nước có tên “Hiệp định Căn cứ Quân sự Philíppin-Mỹ năm 1947”, theo đó tạo điều kiện cho Mỹ xây dựng các căn cứ hải quân và không quân trên lãnh thổ Philíppin. Các căn cứ quân sự của Mỹ ở Philíppin gồm căn cứ hải quân Subic và căn cứ không quân Clark nhằm mở rộng sự yểm trợ hậu cần quan trọng cho lực lượng Mỹ triển khai tuyến trước ở Đông Nam Á, Ấn Độ Dương và thậm chí Vùng Vịnh trong Chiến tranh Lạnh.

Hơn nữa, các tài sản của lực lượng không và hải quân Mỹ trên thực tế là nhằm thực hiện nhiệm vụ chống lại các mối đe dọa đối với Philíppin, bởi vì quân đội Philíppin chủ yếu tiến hành các hoạt động an ninh nội bộ. 

Tháng 9/1991, Thượng viện Philíppin không phê chuẩn Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Philíppin-Mỹ năm 1991 (PACT), hiệp ước nhằm cung cấp cơ sở pháp lý cho việc kéo dài các căn cứ quân sự của Mỹ trên lãnh thổ Philíppin sau năm 1992. Được thúc đẩy bởi tư tưởng chống Mỹ và sự phẫn nộ trước việc bồi thường kinh tế và quân sự không thỏa đáng liên quan đến các căn cứ, đa số thượng nghị sĩ Philíppin bỏ phiếu chống hiệp ước này. Do Mỹ rút tất cả các cơ sở quân sự khỏi Philíppin vào năm 1992, liên minh chuyển sang hình thức khác trước đây. Quan hệ an ninh Philíppin-Mỹ không hoạt động do Manila chủ yếu tập trung vào Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Trong khi đó, Mỹ chuyển ưu tiên chiến lược từ Đông Nam Á sang Đông Bắc Á. Cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu của Mỹ bắt đầu năm 2001 và các căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung sau năm 2008 đã giúp khôi phục mối quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Philíppin. Mối quan hệ an ninh giữa hai nước được khôi phục và liên minh thực hiện 2 mục tiêu chính trị và chiến lược gồm: Thứ nhất, Manila nhận được sự ủng hộ của Mỹ trong các chiến dịch chống khủng bố và chống nổi dậy ở miền Nam; thứ hai, Washington tăng cường liên minh với Manila không những nhằm mục đích cô lập các nhóm khủng bố, mà còn chống lại ảnh hưởng chính trị và kinh tế ngày càng tăng của Bắc Kinh tại Philíppin. Hiện nay, Mỹ thường xuyên tăng cường huấn luyện kỹ thuật và viện trợ quốc phòng cho Lực lượng vũ trang Philíppin (AFP) để củng cố quan hệ đối tác an ninh Mỹ-Philíppin nhằm đối phó với sức mạnh quân sự và sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Gần đây nhất, căng thẳng giữa Philíppin và Trung Quốc tại bãi Hoàng Nham vào tháng 4/2012 khẳng định thực tiễn: sức mạnh hải quân Trung Quốc đang bao phủ bóng đen đối với Philíppin, nước ở vị trí tuyến đầu trong các tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc. Rõ ràng, Trung Quốc đang tập trung chống Philíppin bằng một trò chơi chính sách bên miệng hố chiến tranh. Do tình trạng yếu kém của quân đội, chính quyền của Tổng thống Benigno Aquino III rất cần Mỹ ủng hộ về mặt ngoại giao và viện trợ quân sự trong tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc. 

Quân đội Philíppin lạc hậu nhất ở Đông Nam Á 

Sau khi giành được độc lập vào năm 1946, các lực lượng nổi dậy trong nước thường xuyên quấy rối chính quyền. Hơn 6 thập kỷ qua, chính phủ chủ yếu tập trung mọi nỗ lực và nguồn lực để ngăn chặn các nhóm phiến quân và ly khai, trong đó có các cuộc nổi dậy của những phần tử theo chủ nghĩa Mao và những kẻ ly khai người Hồi giáo ở Mindanao. Mối lo ngại an ninh nội bộ ở Philíppin được thể hiện rõ nhất dưới thời Tổng thống Arroyo. Tháng 1/2002, AFP công bố một kế hoạch an ninh nội bộ được gọi là “Bantay Laya”, trong đó khẳng định họ kiên quyết đánh bại các phần tử vũ trang nổi dậy ở Philíppin trong 5 năm. Nhưng trọng tâm chiến lược xoay quanh các phần tử nổi dậy trong nước làm cho AFP không còn thời gian hoặc ngân sách để phát triển các khả năng trên không và trên biển để có thể ngăn chặn Trung Quốc chiếm đóng các hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Báo cáo đánh giá Khả năng của AFP tháng 9/2007 cho biết tình trạng vũ khí trang bị yếu kém của AFP đã có ảnh hưởng bất lợi đến hiệu quả của quân đội trong các chiến dịch chống nổi dậy. Tệ hơn nữa, các cuộc xung đột cường độ thấp đã chuyển hướng sự chú ý và các nguồn lực của quân đội ra khỏi các dự án hiện đại hóa quốc phòng. Về khả năng quân sự thông thường của AFP, báo cáo khẳng định hải quân Philíppin “thiếu các trang thiết bị để tiến hành các hoạt động tuần tra khu vực lãnh hải, bởi vì không có khả năng phòng không và không thể tiến hành các hoạt động chống tàu ngầm và chống mìn”. Khả năng chiến đấu hạn chế đó của hải quân được thể hiện rõ nhất ở Nhóm đảo Kalayaan thuộc quần đảo Trường Sa, nơi AFP không thể ngăn chặn và đối phó với việc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Philíppin hoặc thể hiện quyết tâm bảo vệ các khu vực tuyên bố chủ quyền lãnh hải. Vì vậy, Chính phủ Philíppin không có lựa chọn nào khác ngoài đề nghị hợp tác ngoại giao và an ninh với Trung Quốc và các nước tuyên bố chủ quyền khác ở Biển Đông để thúc đẩy xây dựng lòng tin và tăng cường các thỏa thuận hợp tác quân sự song phương trong các hoạt động tuần tra và diễn tập trận trên biển. 

Đối mặt với thách thức của Trung Quốc... 

Sau khi trở thành Tổng thống vào tháng 7/2010, ông Aquino tuyên bố Philíppin phải hiện đại hóa AFP để đối phó với các thách thức an ninh mới. 

Thực hiện chỉ đạo của tân Tổng thống, Cục Lực lượng Đặc nhiệm Quốc phòng chung của AFP đã xây dựng Kế hoạch Phát triển khả năng lâu dài của AFP. Kế hoạch yêu cầu AFP nhanh chóng chuyển đổi từ an ninh nội bộ sang bảo vệ lãnh thổ. Kế hoạch cũng phát triển khả năng răn đe vừa phải để bảo vệ các đường biên giới biển rộng lớn của đất nước cũng như các tuyên bố chủ quyền lãnh hải đối với một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Cụ thể, kế hoạch đề nghị phát triển các khả năng tình báo, hải giám và nâng cấp khả năng của hải quân Philíppin để tham gia các hoạt động hải giám, phòng thủ và ngăn chặn chung trên Biển Đông. Yêu cầu đối với AFP nhanh chóng thay đổi từ an ninh nội bộ ra bên ngoài được nhấn mạnh vào tháng 3/2011, khi hai tàu tuần tra Trung Quốc quấy rối một tàu khảo sát của Bộ Năng lượng Philíppin ở Bãi Cỏ Rong ở phía Đông và cách quần đảo Trường Sa khoảng 150 dặm và ở phía Tây cách đảo Palawan của Philíppin 40 dặm. Phản ứng trước việc Bắc Kinh không chấp nhận phản đối chính thức của Manila , Chính phủ Philíppin tăng cường hiện diện quân sự ở biên giới phía Tây của nước này sát Biển Đông. Tương tự, Manila chi 18,4 triệu USD sửa chữa đường băng hiện có trên một trong những hòn đảo đang chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa và mua sắm các trang thiết bị cho hải quân và không quân để theo dõi các hoạt động của đối phương dọc biên giới hàng hải rộng lớn của đất nước. Trong một cuộc tập trận chung giữa Philíppin và Mỹ ở Luzon, Tổng thống Aquino ra lệnh chi 22,5 triệu USD, không kể phần ngân sách quốc phòng chi cho mua sắm hàng năm, để mua ngay lập tức các tàu tuần tiễu, máy bay trực thăng và vũ khí hiện đại cho AFP. 

Chính sách an ninh quốc gia năm 2011-2016 của Chính quyền Aquino cũng yêu cầu nâng cao khả năng phòng thủ kéo dài từ lãnh hải của Philíppin đến các vùng biển tiếp giáp lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Do đó quân đội Philíppin phải phát triển một hệ thống phòng thủ lãnh thổ và hàng hải toàn diện trên cơ sở các khả năng giám sát, ngăn chặn ở mức vừa phải và tuần tra biên giới. Mục tiêu này trở thành chính sách khi Chính phủ Philíppin tuyên bố vào tháng 9/2011 rằng Manila sẽ chi khoảng 1,1 tỷ USD từ ngân sách quốc gia hàng năm cho các hệ thống hậu cần và yểm trợ căn cứ cũng như mua sắm tàu chiến có sức chịu đựng cao và 6 máy bay trực thăng cho lực lượng hải quân và không quân để quân đội Philíppin có thể thiết lập một vành đai an ninh mạnh mẽ ở khu vực Bãi Cỏ Rong, Nhóm Đảo Kalayaan và Palawan. 

...Dẫn đến Liên minh Philíppin-Mỹ 

Việc Manila tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ nhằm giải quyết mối đe dọa Trung Quốc được thúc đẩy bởi một thực tế là liên minh Philíppin-Mỹ đã hồi sinh sau các cuộc tấn công ngày 11/9. Trong thập kỷ qua, Manila và Washington đã hợp tác với nhau trong việc ngăn chặn các nhóm khủng bố và nổi dậy khác nhau ở Philíppin. Năm 2002, quân đội hai nước thành lập Lực lượng đặc nhiệm tác chiến đặc biệt chung Mỹ- Philíppin (JSTOF-P) để chống khủng bố xuyên quốc gia đặt căn cứ tại Philíppin. Thông qua JSTOF-P, Lầu Năm Góc huấn luyện 3 đội phản ứng được trang bị vũ khí hạng nhẹ để cuối cùng tạo thành Nhóm Lực lượng đặc biệt thứ nhất của AFP. JSTOF-P hoạt động cùng với AFP nhằm nâng cao khả năng tác chiến của AFP trong cuộc chiến chống khủng bố và chống nổi dậy. JSTOF-P cũng đang huấn luyện và trang bị hơn 2 đội phản ứng được trang bị vũ khí hạng nhẹ và 4 tiểu đoàn bộ binh cho lục quân Philíppin, đồng thời tăng cường khả năng thực hiện nhiệm vụ bay đêm của các phi công lái máy bay trực thăng UH-1 của không quân Philíppin. Hải quân Mỹ cũng cung cấp cho AFP một tàu chiến hoạt động đặc biệt lớp Cyclone đã được tân trang nhằm tăng cường các khả năng ngăn chặn và trinh sát của hải quân Philíppin dọc khu vực bờ biển và các vùng lãnh hải.

Ngoài việc hỗ trợ các chương trình của AFP để cải thiện khả năng an ninh nội bộ, Lầu Năm Góc còn cung cấp cho quân đội Philíppin các thiết bị quan trọng như phụ tùng thay thế của xe chiến đấu bọc thép V-150 và V-300, máy bay trực thăng UH-1,…các thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị quan sát ban đêm, áo chống đạn, huấn luyện chiến đấu. Lầu Năm Góc cũng tăng cường các thỏa thuận tiếp cận với Chính phủ Philíppin. Ví dụ, năm 2007, hai đồng minh đổi mới Thỏa thuận Hỗ trợ Hậu cần Quân sự được ký năm 2002. Thỏa thuận này cho phép lực lượng Mỹ mua các nguồn như thực phẩm, nhiên liệu, đạn và thiết bị của nước chủ nhà để giảm bớt chi phí của hợp tác liên minh bằng cách giảm thiểu các chi tiêu hành chính và phát triển khả năng phối hợp hành động của các đồng minh trong các hoạt động chung, nhiệm vụ gìn giữ hòa bình và các đợt triển khai quân sự đa phương khác của Liên Hợp Quốc.

Thực tế, Lầu Năm Góc đã thiết lập các căn cứ hoạt động tiền phương nhỏ và tạm thời ở phía Nam Philíppin và nhiều trung tâm hợp tác an ninh ở các khu vực chiến lược của Philíppin để lực lượng Mỹ có thể sử dụng nếu xảy ra khủng hoảng ở Đông Á. 

Hai nước đồng minh cũng đang thực hiện dự án “Theo dõi Bờ biển phía Nam ” Philíppin. Dự án này bao gồm lắp đặt các trạm thông tin liên lạc và nghe trộm dọc bờ biển Mindanao để thông báo cho các máy bay của không quân và tàu tuần triễu của hải quân Philíppin đang hoạt động trong vùng biển Sulu và Sulawesi. Nhưng từ năm 2009, sự quyết đoán của Trung Quốc trên Biển Đông là mối lo ngại ngày càng tăng của các cơ quan như: Hội đồng Phòng thủ Chung Mỹ-Philíppin, cơ quan liên lạc và cơ quan tham vấn chuyên theo dõi sức mạnh phòng thủ của Philíppin-Mỹ chống lại các mối đe dọa bên ngoài. Hội nghị thường niên của Hội đồng Phòng thủ Chung tháng 8/2010 đã thảo luận các thách thức an ninh của hai đồng minh như: chủ nghĩa khủng bố, lực lượng nổi dậy trong nước và mối quan tâm an ninh hàng hải, cũng như các điểm nóng tiềm tàng như tranh chấp lãnh thổ gây tranh cãi ở Biển Đông. Mỹ và Philíppin quyết định bổ sung các khả năng quân sự lẫn nhau để tăng cường phối hợp tác chiến giữa các lực lượng vũ trang hai nước và tăng cường khả năng bảo vệ lãnh thổ của AFP với sự hỗ trợ an ninh hữu hiệu của Mỹ. Do đó, trong thời kỳ đỉnh điểm của cuộc tranh cãi lãnh thổ giữa Philíppin với Trung Quốc tháng 6/2011, Chính quyền Aquino nhận thấy Philíppin rất cần hỗ trợ về ngoại giao và viện trợ quân sự của Mỹ. Đại sứ Mỹ tại Philíppin Harry Thomas cam kết sẵn sàng ủng hộ Philíppin. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ Manila . Trong cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Philíppin Albert Del Rosario tại Washington, bà Clinton bày tỏ sự thận trọng của Mỹ trước sự xâm nhập của Trung Quốc ở EEZ của Philíppin và tuyên bố Mỹ sẽ tôn trọng Hiệp ước Phòng thủ chung năm 1951 và liên minh chiến lược với đồng minh Đông Nam Á. Bà cũng tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với Philíppin, thậm chí Mỹ sẽ cung cấp vật chất và trang thiết bị cần thiết để cho phép AFP bảo vệ đất nước. 

Vai trò của Liên minh Philíppin-Mỹ 

Rõ ràng quân đội Philíppin rất cần các loại vũ khí và trang thiết bị mới để phát triển khả năng bảo vệ lãnh thổ. Hiện nay Mỹ đã chuyển giao cho AFP 3 tàu lớp Hamilton bảo vệ bờ biển cũ. Sau khi được chuyển giao cho Philíppin, các tàu chiến này sẽ là loại tàu lớn nhất để thay thế các tàu khu trục hộ tống của Philíppin được sản xuất trong Chiến tranh Thế giới Thứ Hai hiện vẫn đang được hải quân Philíppin sử dụng để tuần tra các vùng biển quốc tế. Tương tự, AFP sẽ tiến hành các cải cách trước khi có thể dành sự quan tâm và các nguồn lực để bảo vệ lãnh thổ. Những cải cách đó sắp được tiến hành để phát triển chức năng bảo vệ lãnh thổ trong chương trình phòng thủ trung hạn.

Thực tế, nhiệm vụ quan trọng trước mắt của Mỹ và Philíppin là thảo luận triển vọng an ninh và cơ cấu lại chi tiêu quốc phòng của AFP. Nhưng không hỗ trợ kỹ thuật và vật chất nào của Mỹ có thể cho phép Philíppin đối đầu với một Trung Quốc quyết đoán ở Biển Đông. Do khả năng quân sự hạn chế, Manila đề nghị Washington cam kết mạnh mẽ về quốc phòng và an ninh theo quy định của Hiệp ước Phòng thủ chung năm 1951. Cam kết hỗ trợ đồng minh của Mỹ thực tế đã được thử nghiệm trong thời gian diễn ra cuộc đối đầu ở bãi Hoàng Nham năm 2012 giữa Philíppin và Trung Quốc. 

Trong thời gian xảy ra đối đầu, Philíppin kêu gọi Mỹ ủng hộ ngoại giao và quân sự. Đáp lại, Mỹ phái tàu chiến USS North Carolina, một tàu ngầm tấn công nhanh lớp Virginia đến Vịnh Subic ngày 13/5/2012. Một tháng sau, hải quân Mỹ tiếp tục phái một tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân có tên “USS Louisville” đến Vịnh Subic. Thực tế mục đích của các chuyến thăm công khai của các tàu hải quân Mỹ là nhằm khẳng định Mỹ sẽ không đứng yên nếu đồng minh hiệp ước bị Trung Quốc đe dọa xâm lược bằng vũ lực. Sau cuộc đối đầu, Tổng thống Aquino đề nghị Mỹ bảo đảm an ninh chắc chắn cho Philíppin khi ông gặp Tổng thống Barack Obama tại Washington tháng 6/2012. Trong cuộc hội đàm, Tổng thống Obama tuyên bố Mỹ sẽ tuân thủ nghĩa vụ của mình theo Hiệp ước Phòng thủ chung năm 1951. Nhưng khả năng đảm bảo phòng thủ bên ngoài cho Philíppin của Mỹ phụ thuộc vào việc lực lượng Mỹ phải được triển khai trước trên lãnh thổ Philíppin để sẵn sàng hỗ trợ trực tiếp và kịp thời. 

Hơn nữa, Mỹ chỉ có thể bảo vệ hiệu quả đồng minh Philíppin nếu lực lượng Mỹ có quyền ra vào các căn cứ gần Biển Đông để có thể phản ứng kịp thời trong trường hợp xảy ra một cuộc đối đầu vũ trang. Để đạt được mục đích đó, trong hội nghị của Hội đồng Phòng thủ chung và Hội đồng Can dự An ninh Philíppin-Mỹ, hai nước nhất trí mở rộng khuôn khổ hợp tác về an ninh song phương và đa phương. Hội đồng đã xem xét các biện pháp như: hiện diện luân phiên của các tài sản phòng thủ trên biển của hải quân Mỹ ở Philíppin để hỗ trợ các hoạt động của Hội đồng Phòng thủ chung và Hội đồng Can dự An ninh, đồng thời AFP phát triển khả năng để bảo vệ lãnh thổ, tăng cường các hoạt động an ninh hàng hải song phương chung ở Biển Đông; phát triển các cơ sở hỗ trợ an ninh hàng hải sử dụng chung; cải thiện chia sẻ thông tin giữa lực lượng Mỹ và Philíppin và thực hiện các sáng kiến an ninh hàng hải đã thống nhất liên quan đến Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ và AFP. Washington cũng cam kết phát triển khả năng của Manila để theo dõi và bảo vệ lãnh hải thông qua các cuộc diễn tập quân sự và các nỗ lực xây dựng năng lực. Tháng 1/2012, trong Cuộc Đối thoại An ninh Song phương Philíppin-Mỹ tại Washington, các quan chức ngoại giao và quốc phòng Philíppin khẳng định quân đội Mỹ cần tăng cường hiện diện tại Philíppin nhằm đối phó với khả năng của hải quân và sự quyết đoán của Trung Quốc ở Đông Á và phù hợp với định hướng chiến lược của Chính quyền Obama, tái cân bằng cơ cấu lực lượng và đầu tư của Mỹ để giải quyết các mối đe dọa tiềm tàng và thường xuyên tại châu Á-Thái Bình Dương và Trung Đông, và thúc đẩy khả năng duy trì và tăng cường sức mạnh toàn cầu. Hai nước đồng minh hiện cũng đang phát triển khái niệm về sự hiện diện luân phiên ngày càng tăng của quân đội Mỹ tại Philíppin. Điều này có thể liên quan đến việc đồn trú của một trung đoàn máy bay chiến đấu chiến của Mỹ tại một căn cứ không quân Philíppin trong 6 tháng, sau đó sẽ được thay thế bằng một trung đoàn máy bay ném bom chiến đấu của hải quân Mỹ đồn trú tại một căn cứ khác của Philíppin trong 6 tháng nữa. Hiện nay Lầu Năm Góc đang triển khai một chương trình 3 năm nhằm tăng cường sự hiện diện trên các vùng biển của Philíppin thông qua sự hiện diện luân phiên. Chương trình này đòi hỏi Philíppin phải cải thiện cơ sở hạ tầng bến cảng, nâng cấp thiết bị, phát triển thông tin liên lạc nhằm cho phép khả năng phối hợp tác chiến hơn nữa giữa quân đội Mỹ với AFP và giúp đỡ Philíppin lập kế hoạch tác chiến và phối hợp giữa hai bộ quốc phòng. Nhưng việc thâm nhập chiến lược hơn nữa của Mỹ tại Philíppin chắc chắn sẽ bị các nhân vật chính trị dân tộc chủ nghĩa và các tổ chức cánh tả quân sự ở Philíppin phản đối. Chính quyền Aquino cũng sẽ phải đối mặt với sự bất bình của đa số công chúng do chính phủ phụ thuộc quá nhiều vào đồng minh chiến lược Mỹ. Hơn nữa, quan hệ an ninh thân thiện hơn với Mỹ cũng sẽ hạn chế hoạt động ngoại giao của Philíppin trong đàm phán với Trung Quốc để tìm kiếm một giải pháp cho các cuộc tranh chấp lãnh hải cũng như ảnh hưởng xấu đến quan hệ thương mại Philíppin-Trung Quốc. Vì vậy Chính quyền Aquino phải tập hợp sức mạnh chính trị để khắc phục sự phản đối rộng rãi và các hậu quả kinh tế do sự hiện diện chiến lược của Mỹ ở Philíppin có thể tạo nên. 

Tóm lại, bất chấp tình trạng yếu kém của quân đội, chính quyền Aquino đã thực hiện một chính sách cân bằng với Trung Quốc. Gữa năm 2011, Chính phủ quyết định theo đuổi chương trình hiện đại hóa AFP, đồng thời tiếp tục chú trọng các hoạt động an ninh nội bộ nhằm chống lại các nhóm nổi dậy trong nước. Việc khôi phục liên minh Philíppin-Mỹ sau ngày 11/9 đã tạo ra cơ hội cho Mỹ giúp đỡ đồng minh đối mặt với các thách thức của Trung Quốc.

Hiện nay, Mỹ đang tăng cường hỗ trợ về kỹ thuật, vật liệu và tài chính để phát triển khả năng của AFP về giám sát và tuần tra trên biển. Về lâu dài, Mỹ cũng phải giúp quân đội Philíppin xóa bỏ tình trạng quan liêu hiện đang hạn chế chức năng bảo vệ lãnh thổ. Sự hỗ trợ như vậy của Mỹ đòi hỏi AFP phải phối hợp phòng thủ bên ngoài trong kế hoạch an ninh và cải thiện chi tiêu quốc phòng, trong đó ưu tiên các khoản chi phí cho quân nhân. Hơn nữa, Mỹ cũng phải đảm bảo với Philíppin tuân thủ các nghĩa vụ theo Hiệp ước Hiệp ước Phòng thủ chung năm 1951 khi Manila đối mặt với những hành động quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông./. 

Theo “Tạp chí Chính trị Thế giới” của Mỹ

 Thuỳ Anh (gt)