Một lần nữa, khả năng tái cân bằng ngoại giao của Việt Nam sẽ lại được thử nghiệm vào tháng 11 tới, khi các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama trong hai chuyến thăm chỉ cách nhau vài ngày. Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của ông Obama tới Việt Nam, chuyến thăm của ông Tập Cận Bình cũng sẽ là chuyến thăm đầu tiên của ông với cương vị chủ tịch Trung Quốc. Do Việt Nam đã cam kết duy trì mối quan hệ thân mật với cả hai cường quốc này ngay cả trong bối cảnh căng thẳng ngày càng tăng xung quanh các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, nên tháng 11 này sẽ là thời điểm quan trọng, mang tính quyết định về khả năng ứng xử với các cường quốc của Việt Nam.

Quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đã ấm lên đáng kể trong vài năm qua, với nhiều chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước, mối quan hệ tốt đẹp đã đạt đỉnh điểm trong chuyến thăm chưa từng có của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ vào tháng 7 vừa qua. Kết quả của chuyến thăm là bản Tuyên bố lịch sử Tầm nhìn chung Mỹ-Việt, đề ra một khuôn khổ quan trọng để quan hệ Mỹ-Việt có thể tiếp tục phát triển lâu dài. Trong bối cảnh hiện tại, chuyến đi của ông Obama tới Hà Nội cũng sẽ củng cố và làm sâu sắc hơn mối quan hệ này. Tuy nhiên, rõ ràng lần này ông Obama không tới Hà Nội để thúc đẩy Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vì các bên đàm phán đã đạt được thỏa thuận và Quốc hội Việt Nam gần như chắc chắn sẽ phê chuẩn hiệp định này. Hiện tại, khi Trung Quốc đang gấp gáp xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông, và Mỹ tiến hành tuần tra hàng hải trong vùng lãnh hải của các đảo này, thì dường như chắc chắn Trung Quốc và vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông sẽ trở thành vấn đề nổi bật trong các cuộc đàm phán tại Hà Nội. Mặc dù khá lạc quan, nhưng giới chức của Mỹ ở Hà Nội có lẽ sẽ phải thất vọng vì chuyến thăm của ông Obama khó có khả năng dẫn đến bất kỳ thỏa thuận mang tính “bước ngoặt” nào. Việc mong đợi một “liên minh” nào đó giữa Hà Nội và Washington được hình thành trong chuyến đi này lại càng thiếu thực tế hơn, ngay cả khi Trung Quốc đang gia tăng nỗ lực tạo ra một “sự đã rồi” ở Biển Đông.

Cuối cùng, không rõ liệu một liên minh công khai như vậy sẽ mang lại lợi ích cho cả Mỹ và Việt Nam hay không, vì điều này chắc chắn sẽ chọc giận Trung Quốc và sẽ làm cho tình hình thêm mất ổn định. Hơn nữa, Mỹ có vẻ miễn cưỡng trong việc chính thức cam kết liên minh với bất kỳ quốc gia nào mà họ cho là “không thể kiểm soát chính trị” được, như mới đây nước này đã bác bỏ đề xuất hiệp ước phòng thủ chung của các quốc gia vùng Vịnh. Việt Nam chắc chắn không nằm trong danh sách các nước “trong phạm vi ảnh hưởng” của Mỹ.

Trước tình thế hiện tại của Việt Nam, cho dù “ngả” sang bên nào cũng sẽ gây nguy hiểm cho khả năng linh hoạt trong ngoại giao. Bên cạnh đó, dù trong trường hợp nào thì một liên minh có lẽ cũng không thể trở thành “lớp áo giáp” an ninh để đối phó với Trung Quốc, liên minh trước đây của Việt Nam với Liên Xô là một bằng chứng. Tuy nhiên, sẽ hợp lý hơn nếu nói rằng chuyến đi của ông Obama sẽ tăng cường đáng kể quan hệ quốc phòng giữa hai nước, thậm chí có thể dẫn đến việc gỡ bỏ thêm các lệnh cấm bán vũ khí sát thương (đã được nới lỏng) cho Việt Nam. Hơn nữa, ông Obama có thể nhân dịp này để tranh thủ các ủng hộ ngoại giao cho kế hoạch tuần tra của mình bằng cách lôi kéo Việt Nam rời xa khỏi quỹ đạo của Trung Quốc. Nếu một trong số những mục tiêu này trở thành hiện thực, thì chuyến đi của ông ít nhất cũng làm gia tăng vị thế của Mỹ ở châu Á, đồng thời giúp cho Việt Nam có một thế đứng mạnh mẽ hơn để thương lượng tay đôi với Bắc Kinh.

Không giống như chuyến thăm Việt Nam được tính toán trước của ông Obama, chuyến đi của ông Tập Cận Bình diễn ra vào thời điểm quan hệ Việt-Trung có nhiều xáo trộn. Quan hệ giữa hai nước đã xấu đi phần nào trong những năm gần đây khi Trung Quốc trở nên hung hăng hơn trong việc khẳng định quyền kiểm soát các hòn đảo ở Biển Đông. Trong vài năm trở lại đây, ông Tập Cận Bình có lẽ đã thay đổi hiện trạng Biển Đông nhiều hơn những người tiền nhiệm của ông trong hai thập niên qua. Nổi bật nhất, vào tháng 5 năm 2014, Trung Quốc đã triển khai giàn khoan dầu Hải Dương-981 trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ) trước sự phản đối mạnh mẽ của cả chính quyền và người dân Việt Nam. Mặc dù Trung Quốc đã đơn phương rút giàn khoan dầu sau hai tháng, nhưng cuộc khủng hoảng ngoại giao đã làm suy yếu lòng tin chiến lược giữa hai chính quyền và gây ra một cuộc tranh luận nội bộ nghiêm trọng trong giới lãnh đạo ở Hà Nội. Kể từ đó, Trung Quốc chỉ gia tăng nỗ lực khai hoang đảo, xây dựng đường băng trên một số đảo, cuối cùng dùng các công trình này để tuyên bố và áp đặt Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên toàn bộ Biển Đông trong tương lai gần. Những hành động này đã cho Việt Nam thấy rằng Trung Quốc không thành thật tuân thủ các thỏa thuận mà họ đã ký kết như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Trước các sự kiện này, có vẻ như ông Tập Cận Bình sẽ tới Hà Nội với một sứ mệnh gần như bất khả thi: bằng cách nào đó đưa người láng giềng “nhỏ bé” trở về quỹ đạo cũ và tái thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với Việt Nam. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc biết rất rõ rằng Việt Nam sẽ không dễ dàng biến thành Nhật Bản hay Philippines trong một sớm một chiều. Nhưng về lâu dài, trước những gì đang diễn ra ở Biển Đông, không ai có thể đoán trước được Việt Nam sẽ gần gũi với Mỹ nhiều đến mức nào. Và rất khó khăn cho bất cứ vị Chủ tịch Trung Quốc nào, kể cả ông Tập Cận Bình, tại thời điểm này có thể thuyết phục Hà Nội một cách nghiêm túc rằng Trung Quốc chỉ đơn thuần bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình ở Biển Đông và rằng Hà Nội nên đồng hành với Bắc Kinh.

Do đó không ai mong đợi bất kỳ chính sách “quay đầu” nào của Việt Nam đối với Trung Quốc sau chuyến đi của ông Tập Cận Bình. Tuy nhiên, trước mắt, chuyến đi của ông Tập Cận Bình vẫn có thể hàn gắn phần nào mối quan hệ Việt-Trung và có thể chuyển hướng chú ý của Việt Nam ra khỏi các tranh chấp lãnh thổ hiện tại để tập trung vào các cơ hội hợp tác khác giữa hai nước.

Theo chiều hướng này, rất có thể Bắc Kinh sẽ đề xuất một số giao thương kinh tế và các khoản vay ưu đãi cho Việt Nam trong chuyến thăm này của ông Tập Cận Bình. Sau cùng, những ưu đãi về kinh tế như vậy sẽ luôn được hoan nghênh và sẽ khiến Việt Nam ít ra cũng không tiến gần hơn về phía Mỹ trong tương lai gần và tiếp tục chiến lược “đi trên dây” như hiện nay.

Đến nay, Việt Nam vẫn tiến hành chính sách ngoại giao “đi trên dây” giữa hai cường quốc, khéo léo cân bằng bên này với bên kia để gặt hái lợi ích, đồng thời tránh bị mắc kẹt vào ngõ cụt ngoại giao. Nếu mọi việc suôn sẻ trong tháng 11 này, chính sách “đi trên dây” rất có thể sẽ được củng cố như một chiến lược tổng thể được ưa chuộng của Việt Nam trong tương lai gần, và sẽ dẫn tới các lựa chọn chính sách sáng tạo hơn. Về dài hạn, chiến lược này có thể đặt nền móng cho một trật tự khu vực, xung quanh các cuộc thương lượng giữa các tổ chức đa phương và các nước lớn, và điều này có thể đem lại một tương lai đầy hứa hẹn cho các nước nhỏ và trung bình trong khu vực.

Ngô Di Lan, nghiên cứu sinh chính trị tại Đại học Brandeis, chuyên gia chính sách đối ngoại và quan hệ Mỹ-Trung. Bài viết được đăng trên The Diplomat.

Văn Cường (gt)