Bài phát biểu mang tựa đề: “Hướng tới sự cân bằng chiến lược mới của khu vực châu Á-Thái Bình Dương" kéo dài 30 phút này đã mở màn cho diễn đàn an ninh hàng đầu của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Thưa ngài Lý Hiển Long, Thủ tướng Singapore; Tiến sĩ John Chipman, Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS); thưa các vị khách quý cùng toàn thể quý vị. 

Sawasdee Krub (Xin kính chào quý vị). Tôi thực sự cảm thấy vinh dự khi nhận được lời mời của Thủ tướng Chính phủ Singapore và Tổng giám đốc của IISS đến phát biểu tại Hội nghị Đối thoại Shangri-La năm nay. Sự thành công của các cuộc thảo luận và trao đổi ý tưởng trong suốt 15 năm qua chứng minh rằng Đối thoại Shangri-La đóng một vai trò mang tính xây dựng trong việc thúc đẩy hợp tác an ninh khu vực.

Hơn thế, tôi rất vui mừng được trở lại Singapore một lần nữa. Tôi đã đến đây năm ngoái để tham dự lễ kỷ niệm 50 năm Ngày độc lập của Singapore. Singapore là một tấm gương sáng về một đất nước không chỉ phát triển thành công, mà còn đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy an ninh khu vực. 

Mười bốn năm trước, ngài Lý Quang Diệu, người sáng lập Singapore và là Thủ tướng đầu tiên của đất nước, là nhà lãnh đạo đầu tiên trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã có bài phát biểu dẫn đề cho cuộc đối thoại đầu tiên tại Shangri-La. Các nhận định của ông Lý về tình hình an ninh khu vực tới nay vẫn có nóng hổi. Các nhân tố chủ chốt phần lớn vẫn như xưa, nhưng tình hình an ninh đã trở nên phức tạp hơn, kết nối với nhau hơn và đầy thử thách. Ông Lý dự đoán rằng nhiều nước sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong khu vực và sẽ có một sự lây lan ngày tăng của chủ nghĩa khủng bố quốc tế. 

Thế giới chúng ta phải đối mặt với vô số thách thức trong suốt nhiều thế hệ, từ thế giới hai cực của thời kỳ Chiến tranh Lạnh đến thế giới đa cực, mà chúng ta sống trong đó ngày hôm nay. Sự an toàn của tất cả các cộng đồng, quốc gia và khu vực được kết nối với nhau. Chúng ta sống trong một thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau. Chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng có ảnh hưởng đến sự ổn định toàn cầu, cho dù đó là các mối đe dọa truyền thống như các cuộc xung đột ở Biển Đông và trên bán đảo Triều Tiên, hay các mối đe dọa phi truyền thống vốn là một mối quan tâm chung toàn cầu, chẳng hạn như các xung đột chính trị, kinh tế và xã hội; thách thức đối với dân chủ, đặc biệt là việc thiếu nền quản trị tốt; an ninh năng lượng và lương thực; thảm họa thiên nhiên; bệnh truyền nhiễm; chủ nghĩa khủng bố quốc tế; buôn bán ma túy; biến đổi khí hậu; khói mù; tội phạm công nghệ cao; đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; buôn người; di cư không kiểm soát; và xã hội lão hóa. 

Bởi vì tất cả điều này, duy trì trạng thái cân bằng an ninh đã trở nên ngày càng khó khăn. Thái Lan là ví dụ của một quốc gia đã có thể đã bị mất cân bằng trong nhiều năm qua, mặc dù từng thành công trong việc duy trì tốt một sự cân bằng, ngay cả trong các giai đoạn chiến tranh và khủng hoảng. Nhưng giờ đây, thông qua sự hợp tác giữa các bên cả trong nội bộ đất nước và quốc tế, tôi tin rằng Thái Lan đang ngày càng trở lại quỹ đạo, mặc dù vẫn còn phải giải quyết một số thách thức. 

Chúng ta đang sống trong một thế giới toàn cầu hóa không biên giới, bởi vì những tiến bộ trong công nghệ giao thông vận tải và thông tin liên lạc có thể kết nối chúng ta trong vòng vài giây. Điều này có thể vừa gây ra các khủng hoảng và vừa mang lại cơ hội. Những thách thức mà chúng ta phải đối mặt ngày càng mang tính xuyên quốc gia. Vì vậy, từ bây giờ, chúng ta thật sự phải chia sẻ không chỉ trong niềm hạnh phúc và thành công của nhau, mà còn trong các thách thức và khổ nạn của nhau. Và vì điều này, cộng đồng quốc tế đang dần chuyển từ cách tư duy "Một quốc gia, một vận mệnh" sang "Một thế giới, một vận mệnh". Tất cả các nước do đó nên cộng tác với nhau để xem xét làm thế nào để giải quyết vấn đề và giải quyết những thách thức mà chúng ta gặp phải trên cơ sở lợi ích công bằng, nhằm tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau và niềm tin. 

Thưa các quý vị!

Cấu trúc khu vực ngày nay thiếu sự cân bằng thích hợp. Việc cùng nhau giải quyết các thách thức an ninh trong khu vực đòi hỏi chúng ta phải có sẵn một cấu trúc khu vực tốt. Sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh đã mang lại những thay đổi trong cấu trúc khu vực, tạo ra một tình hình đa cực không có quy tắc và quy định rõ ràng, điều này đã dẫn đến sự bất ổn lớn hơn và là một thách thức ngày càng tăng đối với tất cả các nước trong khu vực, đặc biệt đối với các nước nhỏ và đang phát triển. 

Hiện nay, an ninh và các tiềm năng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương là những yếu tố thúc đẩy nhiều nước mở rộng vai trò của họ trong khu vực trên các mặt chính trị, kinh tế và xã hội. Mỹ có chính sách tái cân bằng và chính sách thúc đẩy Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó Thái Lan đã bày tỏ sự quan tâm và đang xúc tiến quá trình xem xét thông qua nghiên cứu và điều trần công khai về tất cả các lĩnh vực. Tôi hy vọng rằng các thành viên TPP cũng sẽ giúp xem xét một số tác động có thể có của TPP, điều sẽ giúp nhiều quốc gia đẩy nhanh quyết định tham gia. Ngoài ra, Trung Quốc có chính sách "Một vành đai, một con đường" và đang tìm cách thúc đẩy tự do thương mại thông qua Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong khi Nga có một chính sách tập trung vào châu Á và Liên minh kinh tế Á-Âu, và Ấn Độ có chính sách “Hành động phía Đông". 

Theo quan điểm của tôi, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản vẫn là quốc gia đóng vai trò quan trọng nhất trong khu vực, trong khi Ấn Độ, Nga, Úc, Hàn Quốc và các nước ASEAN đang ngày càng trở nên quan trọng hơn. Đối với Trung Quốc, trong khi nước này cho rằng tăng trưởng kinh tế và việc phát triển năng lực an ninh của họ đang được thực hiện một cách hòa bình và mang tính xây dựng, nhiều nước vẫn lo ngại rằng những diễn biến này sẽ ảnh hưởng đến sự cân bằng quyền lực và an ninh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tôi tin rằng ASEAN phải đoàn kết và tăng cường vai trò của nó trong việc xây dựng một sự cân bằng chiến lược mới trong khu vực để hỗ trợ cho bầu không khí hòa bình và cho phép tất cả các bên tuân theo các nguyên tắc, quy định và các giá trị được chấp nhận rộng rãi là mang tính xây dựng. Đã gần nửa thế kỷ kể từ khi ASEAN thành lập, và ASEAN đã chứng minh rõ ràng rằng tổ chức này có thể tạo ra một khu vực hòa bình giữa các thành viên, một số trong đó từng có xung đột trong quá khứ, và đã đạt được những mục tiêu mà những người sáng lập tổ chức vạch ra để trở thành một cộng đồng năng động. 

Đây là thách thức mà tôi tin rằng các chuyên gia tại cuộc họp này có thể tìm thấy một giải pháp hoặc trạng thái cân bằng thích hợp cho khu vực, bằng cách đưa ra những cách thức và phương tiện để hợp tác chung trong việc thiết lập những cơ sở, tiêu chuẩn và quy tắc ứng xử cũng như khởi xướng các hoạt động chung mang tính xây dựng nhằm giúp thu hẹp khoảng cách và tạo ra sự cân bằng trong cấu trúc khu vực, và phải sớm làm như thế để dẫn đường cho các nước trong khu vực hướng tới an ninh và ổn định bền vững mà không để lại bất cứ nước nào phía sau. Đó là vì lợi ích chung của chúng ta cũng như của những thế hệ mai sau. 

Thưa các quý vị! 

Vậy chúng ta cần phải có những sự chuẩn bị gì? Có phải chúng ta đã sẵn sàng? Tất cả các nước phải bắt đầu từ một nền tảng của an ninh và ổn định trong mọi khía cạnh. Không một quốc gia nào có thể một mình đối mặt được với những thách thức. Suy nghĩ chỉ trên phương diện an ninh quốc gia không còn có thể đủ để giải quyết những thách thức mà chúng ta chính thức đối mặt. Chúng ta phải mở rộng suy nghĩ của mình ra cả an ninh khu vực và toàn cầu, bao gồm cả an ninh kinh tế, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng, an ninh mạng. 

Tất cả những gì mà tôi đã nói cho đến nay đề cập đến các vấn đề an ninh. Tôi tin rằng chúng ta nên đến với nhau để cùng suy nghĩ một cách mang tính xây dựng, kết nối các phần khác nhau của trò chơi ghép hình để tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn cho con em chúng ta và các quốc gia của chúng ta càng sớm càng tốt. 

Thưa các quý vị! 

Chúng ta sẽ cùng nhau giải quyết các vấn đề khác nhau có ảnh hưởng đến an ninh toàn cầu như thế nào? Hãy bắt đầu với những điều cơ bản: Đầu tiên là thông qua sự hiểu biết; thứ hai, thông qua hợp tác; thứ ba, thông qua hỗ trợ và khuyến khích; và thứ tư, thông qua việc tạo cơ hội và hỗ trợ cho các nước đang phải đối mặt với các vấn đề nội bộ để họ có thể giải quyết vấn đề trong nước của mình. Nếu không có sự khuyến khích bên ngoài để giải quyết các vấn đề nội bộ, những vấn đề mà những nước này phải đối mặt có thể trở nên phức tạp hơn, khiến tình hình rơi vào vòng xoáy không thể kiểm soát và cuối cùng ảnh hưởng đến an ninh của các quốc gia khác, như đã xảy ra và đang xảy ra ở tất cả các khu vực trên thế giới. 

Chúng ta cần phải tìm kiếm một sự cân bằng thích hợp càng sớm càng tốt để giải quyết vấn đề hiện tại, nếu không chúng ta - những người có trách nhiệm trực tiếp để duy trì an ninh - sẽ thất bại. Trong quá trình tìm kiếm một trạng thái cân bằng mới, chúng ta cần phải có những mục tiêu chung cho an ninh khu vực cũng như an ninh toàn cầu. Tôi tin rằng có 4 mục tiêu như vậy: một là đảm bảo hòa bình; hai là tăng trưởng bền vững; ba là thịnh vượng chung; và bốn là bảo tồn hành tinh. 

Chúng ta cần phải thiết lập nền tảng chung để đạt được các mục tiêu chung của chúng ta. Vì vậy, chúng ta phải tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác, đặt sang một bên những khác biệt của chúng ta càng nhiều càng tốt. Mỗi quốc gia phải thực hiện một sự thay đổi chủ thuyết, từ đối đầu sang hợp tác trong ý niệm về việc trở nên "cùng nhau vững mạnh hơn." Quan trọng nhất, chúng ta không được bỏ lại bất cứ nước nào. Chúng ta phải chuyển từ xung đột sang gắn kết và hài hòa, từ lợi ích chung sang các giá trị được chia sẻ, và từ tư duy kẻ thắng-người thua sang tư duy hợp tác tích cực. 

Tôi thích thú khi nghĩ về mô hình mới này được xây dựng trên một nền tảng của "3 chữ M", cụ thể là: tin tưởng lẫn nhau (mutual trust), tôn trọng lẫn nhau (mutual respect) và cùng có lợi (mutual benefit).

Tôi tin rằng việc đảm bảo sự cân bằng và xây dựng an ninh bền vững trong khu vực phụ thuộc vào một môi trường thuận lợi. Theo quan điểm của tôi, một môi trường như thế có 7 đặc điểm quan trọng sau: 

Thứ nhất, việc thúc đẩy lòng tin và sự tin tưởng giữa các nước trong khu vực vốn đòi hỏi thời gian và việc vun đắp cho sự gần gũi. Do đó, các quốc gia nên tiếp tục hợp tác với nhau, phù hợp với văn hóa "cho" ở châu Á, có nghĩa là bạn càng cho đi, bạn càng nhận được trở lại. Vì vậy, càng nhiều sự tín nhiệm và tin tưởng chúng ta dành cho mỗi nước khác, chúng ta càng có được nhiều an ninh hơn.

 Thứ hai, tạo ra quan hệ đối tác bình đẳng và hỗ trợ thông qua các tổ chức khu vực hoặc đối tác ba bên. Quan hệ đối tác có thể được hình thành giữa các quốc gia có mức độ phát triển trung bình; hoặc giữa các quốc gia có mức độ phát triển cao và những nước có trình độ phát triển thấp hơn; hoặc thông qua việc các nước lớn hỗ trợ các nước có mức độ phát triển khác nhau trên cơ sở khả năng của mỗi nước để lấp đầy các khoảng cách phát triển và sự bất bình đẳng trong mọi lĩnh vực. 

Thứ ba, tránh cái bẫy của việc phải chọn bên hoặc tham gia sự chia rẽ phe cánh. Thế giới ngày nay là đa cực. Các quốc gia nhỏ và trung bình phải can dự thân thiện với các nước xung quanh họ và hợp tác để cùng nhau xây dựng một sự cân bằng thích hợp. Hơn hết, không nước nào muốn bị buộc phải chọn bên. Chúng tôi trông chờ thiện chí và sự hiểu biết của tất cả các bạn bè của chúng tôi.

Thứ tư, thúc đẩy hợp tác giữa các cường quốc. Các quốc gia chủ chốt của khu vực nên tìm cách hợp tác để xây dựng sự cân bằng lớn hơn. Điều này không chỉ có lợi cho họ, mà còn có lợi cho các nước trong khu vực nói chung. Và điều này sẽ giúp cho các nỗ lực của chúng ta nhằm tạo ra một thế giới thực sự công bằng. 

Thứ năm, các nước trong khu vực nên suy nghĩ về chủ quyền theo cách ít truyền thống hơn để hỗ trợ an ninh tập thể trong dài hạn. Các nước tất nhiên sẽ tiếp tục xem trọng các chính sách quốc phòng của họ. Các ví dụ về sự thành lập của ASEAN cách đây 49 năm, và sự thành lập các tổ chức quốc tế trên toàn cầu đã chỉ rõ rằng có những lựa chọn tốt hơn. Sự lựa chọn của việc cùng nhau thúc đẩy an ninh, cùng có lợi, tôn trọng pháp quyền và luật pháp quốc tế. Điều này, theo ý kiến của tôi, là con đường tiến bước của an ninh thật sự trong tương lai, chứ không phải là xung đột ngày càng tăng. 

Thứ sáu, thúc đẩy phát triển song song với an ninh. An ninh là nền tảng để xây dựng sự thịnh vượng về kinh tế, xã hội và văn hóa. Nhưng mặt khác, thách thức đối với an ninh con người cũng có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và khu vực. Do đó Thái Lan chú trọng vào việc giải quyết các nguyên nhân gốc rễ và tập trung vào phát triển từ bên trong. Chính phủ Thái Lan đã đặt ra một nền tảng an toàn và bền vững, cho dù là về mặt chính trị, kinh tế và xã hội, cũng như khởi xướng chính sách "Pracharat 4Ps" (Đối tác công-tư-nhân dân) để tất cả các tầng lớp của xã hội đều tham gia quá trình phát triển của đất nước . 

Trong tất cả các chính sách này, chúng tôi được hướng dẫn bởi Triết lý Kinh tế vừa đủ của Nhà Vua, dựa trên các kinh nghiệm về phát triển mà ngài đã tích lũy được trong quá trình 40 năm và đặt người dân ở trung tâm. Thật vậy, năm nay là năm kỷ niệm lần thứ 10 Nhà Vua được trao tặng giải thưởng "Thành tựu trọn đời vì phát triển con người của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP)" hồi năm 2006, phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, và phù hợp với Chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc . 

Bởi Thái Lan là chủ tịch của G-77 tại thành phố New York trong năm 2016, đề xuất của tôi và Chính phủ Thái Lan tại cuộc họp này không chỉ vì lợi ích riêng của Thái Lan, mà còn hỗ trợ những nỗ lực để giảm sự chênh lệch giữa các quốc gia phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Quan trọng nhất, đó là một cách để giải quyết vấn đề thông qua hợp tác phát triển, việc tìm kiếm tiềm năng của mỗi nước và tạo thuận lợi cho sự hợp tác, mà không bỏ lại bất cứ nước nào. Điều đó cũng sẽ hỗ trợ hợp tác ASEAN và hợp tác với các cộng đồng khác để chúng ta có thể có được sự tôn trọng trên trường quốc tế. 

Là một cựu sĩ quan, từng phục vụ trong quân đội hơn 30 năm qua, tôi tin rằng những người lính không nên chỉ hạn chế vai trò của mình trong việc bảo vệ chủ quyền của đất nước, mà cũng nên đóng một vai trò trong việc hỗ trợ sự phát triển của đất nước bằng cách đặt những nền tảng cho an ninh bền vững, một vai trò được ghi nhận trong tất cả các bản Hiến pháp Thái Lan. Do đó Thái Lan đã tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại các nước khác nhau, bao gồm Timor Leste, Burundi và Sudan. Các binh lính gìn giữ hòa bình Thái Lan không chỉ tham gia nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ những quốc gia này, mà còn giúp phát triển sinh kế của người dân ở những quốc gia này. 

Cuối cùng, hòa bình và ổn định trong khu vực và thế giới là vì lợi ích chung của tất cả các nước. Thái Lan ủng hộ và sẵn sàng hợp tác để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực và thế giới thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế phù hợp với các nghĩa vụ của chúng tôi. 

Có bảy thách thức an ninh mà tôi tin rằng cần phải được thảo luận tại cuộc họp này nhằm tìm ra một sự cân bằng mới. 

Đầu tiên là những căng thẳng ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Thái Lan tin rằng ASEAN phải đoàn kết về vấn đề này, vì hòa bình và ổn định trong vùng biển của khu vực sẽ có lợi cho tất cả. Tất cả các bên phải công nhận tầm quan trọng của cuộc tranh chấp biển đối với việc duy trì hòa bình và ổn định ở biển Hoa Đông và Biển Đông; tự do hàng không và tự do hàng hải; cũng như hỗ trợ giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Thái Lan cho rằng thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) sẽ tạo ra một bầu không khí thuận lợi cho các cuộc đàm phán để giải quyết vấn đề một cách hòa bình giữa tất cả các bên liên quan. Chúng tôi ủng hộ sớm hoàn thành việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Do đó, các quốc gia có yêu sách chủ quyền phải tận dụng mọi cơ hội và sử dụng mọi nền tảng và cần có ý chí chính trị để giải quyết vấn đề này. 

Vấn đề trong các vùng biển của khu vực không nên trở thành một trò chơi được mất ngang nhau, vì điều này sẽ phá hủy mối quan hệ tốt đẹp lâu dài và cuối cùng chẳng có lợi cho ai. 

Các quốc gia cần có cách tiếp cận cùng thắng đối với tình hình tại các vùng biển của khu vực. Thái Lan đề xuất rằng tất cả các nước trong khu vực, cho dù các bên tranh chấp hoặc không có yêu sách, tham gia các hoạt động chung mang tính xây dựng vì lợi ích chung của họ, vốn nên tập trung vào việc đạt được kết quả cụ thể và được thực hiện phù hợp với luật pháp quốc tế. Chúng ta nên xem xét làm thế nào để các hoạt động chung như vậy có thể được thực hiện một cách xây dựng, và song song với các cuộc đàm phán, để tuyên bố chủ quyền không thể trở thành chướng ngại vật, và các biên giới giữa chúng ta trở thành biên giới của sự hợp tác. 

Thứ hai là tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Chương trình hạt nhân của Triều Tiên tiếp tục tạo ra căng thẳng và là nguyên nhân chính cho mối quan tâm trong khu vực. Đàm phán Sáu bên nên được khôi phục để hỗ trợ lòng tin và giảm bớt căng thẳng thông qua các kênh ngoại giao. Ngoài ra, tất cả các nước tham gia nên xem xét tăng hỗ trợ nhân đạo cho người dân Triều Tiên và duy trì các kênh thông tin liên lạc với Chính phủ Triều Tiên để tạo ra một bầu không khí thuận lợi cho đối thoại. Triều Tiên cũng nên thay đổi hành vi của mình để tương thích hơn với cộng đồng quốc tế và không tự cô lập mình. 

Thứ ba là chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan. Bởi các hành vi đó diễn ra ở nhiều quốc gia đã dẫn đến sự công nhận rằng chủ nghĩa khủng bố quốc tế là một mối đe dọa khu vực và phải được nhanh chóng giải quyết thông qua sự hợp tác nhằm ngăn chặn sự lây lan của nó cũng như sự lây lan của chủ nghĩa cực đoan. Điều này liên quan cả đến các giải pháp phát triển và các giải pháp quân sự, chia sẻ kinh nghiệm và theo đuổi con đường ôn hòa, phổ biến kiến thức và sự hiểu biết giữa các tôn giáo và sắc tộc, lẫn giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, chẳng hạn như mất cơ hội kinh tế và xã hội, nghèo đói, nạn đói, vi phạm nhân quyền và bất công. Nếu những vấn đề này không được giải quyết, chúng có thể dẫn đến các tình trạng bất ổn ở nhiều nước. 

Thứ tư, việc mua sắm các loại vũ khí quân sự nên diễn ra một cách hạn chế, chỉ cần thiết để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia, và không nên được sử dụng để tấn công hoặc đe dọa các nước khác. 

Thứ năm, vấn nạn di cư không kiểm soát là trách nhiệm chung của các quốc gia xuất xứ, các nước quá cảnh và các nước đích đến. Trách nhiệm không phải là gánh nặng của bất kỳ quốc gia nào. Cách thích hợp để giải quyết vấn đề này là tập trung vào các nguyên nhân gốc rễ, bằng cách giúp đỡ phát triển chất lượng cuộc sống nhằm giảm sự bất bình đẳng kinh tế và loại bỏ bất công trên cơ sở nhân đạo và phù hợp với nhân quyền. Theo cách này, Thái Lan đã đóng một vai trò trong việc giải quyết vấn đề và đã tổ chức hai cuộc họp đặc biệt về di cư bất hợp pháp ở Ấn Độ Dương để tất cả các bên có thể cùng nhau giải quyết. Nếu vấn đề này không được giải quyết trong tất cả các khía cạnh, các nước quá cảnh sẽ mặc nhiên trở thành nơi phát sinh các mạng lưới buôn người. 

Thứ sáu là an ninh mạng. Trong việc tăng cường an ninh mạng, mỗi quốc gia phải thiết lập một cơ quan chuyên trách để theo dõi an ninh mạng và bảo đảm rằng có những điều luật xử lý vấn đề này bằng cách sử dụng các tiêu chuẩn tương thích, bao gồm hỗ trợ hợp tác chia sẻ thông tin và công nghệ, cũng như nguồn nhân lực phát triển và liên kết đào tạo. Làm thế nào để chúng ta cân bằng quyền con người với nhu cầu an ninh trong việc thực thi pháp luật? 

Và cuối cùng là biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai. Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sự thịnh vượng và phát triển bền vững của khu vực và thế giới. Hạn hán và lũ lụt ảnh hưởng đến nông nghiệp và an ninh lương thực. Về vấn đề này, các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường là những tài sản toàn cầu và chúng ta nên hợp tác để bảo tồn và bảo vệ chúng dù chúng ta đang sống ở đất nước nào. Trong vấn đề giảm nhẹ tác động của thiên tai và các mối nguy hiểm đối với cộng đồng, các nước trong khu vực cần tăng cường hợp tác, chia sẻ các công nghệ và kiến thức thực hành tốt nhất trong các lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn như quân y, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, phát triển quân sự. 

Thưa các quý vị! 

An ninh của mỗi quốc gia và khu vực đang hòa quyện vào nhau. Do đó tương lai của Thái Lan sẽ được kết nối với sự ổn định, thịnh vượng của chúng tôi và an ninh khu vực. Thái Lan sẵn sàng là đối tác và đóng một vai trò xây dựng trong việc đặt nền móng cho an ninh bền vững của khu vực. Đồng thời, sự ổn định của Thái Lan sẽ có tác động đến sự ổn định của ASEAN và khu vực. Vì vậy, tôi muốn chia sẻ với quý vị một số kinh nghiệm và ý tưởng nhìn từ quan điểm của Thái Lan. 

Thái Lan đang trong giai đoạn quá độ tới một nền dân chủ mạnh mẽ và bền vững. Chúng tôi đang phải đối mặt với nhiều thách thức phức tạp về an ninh. An ninh quốc gia của Thái Lan đã bị ảnh hưởng bởi nghèo đói, sự chênh lệch xã hội, bẫy thu nhập trung bình, giảm sản lượng nông nghiệp do hậu quả của hạn hán, và giá cả hàng hóa giảm do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. 

Thái Lan cũng đã và đang trải qua tình trạng bất ổn tại các tỉnh biên giới phía Nam, vốn là một vấn đề nội bộ và không phải là một cuộc xung đột bắt nguồn từ căng thẳng tôn giáo hoặc có sự can dự của nước ngoài. Chúng tôi đang giải quyết vấn đề này thông qua các đạo luật và quy trình bình thường của công lý, cũng như thông qua việc phát triển và vun đắp sự hiểu biết của tất cả các phương diện. 

Ngoài ra, Thái Lan đang gặp nhiều khó khăn với vấn đề di cư không kiểm soát và nhu cầu lao động nhập cư nước ngoài, hiện đã lên con số hàng triệu người và điều này đã dẫn đến nhiều vấn đề xã hội, nạn buôn người và đánh bắt cá bất hợp pháp và không kiểm soát, trong đó có cả tội phạm và vi phạm nhân quyền và Thái Lan đang xúc tiến quá trình giải quyết những vấn đề này càng sớm càng tốt. 

Tuy nhiên, vấn đề nghiêm trọng của chúng tôi gần đây là xung đột chính trị và chia rẽ chưa từng có ở trong nước. Ngân sách công đã được sử dụng cho mục đích chính trị. Chủ nghĩa dân túy không hiệu quả và nạn tham nhũng tràn lan dẫn đến xung đột chính trị không thể được giải quyết thông qua tiến trình dân chủ. Có những bế tắc của pháp luật và các cuộc biểu tình rầm rộ của các bên xung đột. 

Có cả sự thao túng của các phương tiện truyền thông để chia phe cánh, sự leo thang của bạo lực, sự phá hủy các quy tắc của luật pháp và cuối cùng, việc sử dụng các loại vũ khí trong cuộc xung đột. Không có trật tự trong xã hội, ngày càng được đặc trưng bởi đòi hỏi các quyền không giới hạn và tự do xâm phạm hòa bình và quyền lợi của các thành viên khác trong cộng đồng. Điều này đòi hỏi một sự can thiệp để chấm dứt tình trạng thù địch, ngăn chặn xung đột hơn nữa, và đưa đất nước hướng tới một kỷ nguyên mới của cải cách. Nếu cứ mặc kệ, Thái Lan sẽ bị mất đi sự cân bằng của nó và rơi vào tình trạng bất ổn dân sự chưa từng có và thậm chí là nội chiến. Không có cách nào khác hơn là can thiệp và khôi phục hòa bình và trật tự trong xã hội và xây dựng lại nền dân chủ mạnh mẽ hơn và bền vững hơn. Tôi xin nói thêm rằng cho đến hiện nay, vẫn còn có những cá nhân người Thái có động cơ chính trị ở trong và ngoài nước đang lợi dụng phương tiện truyền thông xã hội để bóp méo sự thật. 

Thách thức hiện nay của Thái Lan là tìm ra cách giải quyết những vấn đề này và giúp cộng đồng quốc tế hiểu biết về tình hình của chúng tôi. Chúng tôi không có bất kỳ ý định vi phạm nhân quyền nào, hoặc hạn chế các quyền cơ bản và tự do, nhưng quân đội cần phải kiểm soát tình hình để ngăn chặn sự leo thang của bạo lực và xung đột, và để khôi phục pháp quyền và trật tự xã hội chỉ trong một thời gian nhất định. Vì điều này, tất cả các biện pháp của chúng tôi đã được dựa trên nguyên tắc của pháp luật, việc áp dụng sự bình đẳng của pháp luật và thực thi pháp luật. Chúng tôi đã thực thi pháp luật chỉ trong các tình huống khi luật lệ bị vi phạm. Hành động trong những tình huống đó không nên bị coi là vi phạm bất kỳ quyền con người nào, mặc dù điều này rất khó có thể được phân biệt. 

Chính phủ Hoàng gia Thái Lan hiện nay cam kết duy trì hòa bình và trật tự, giải quyết các vấn đề chính trị thông qua việc tăng cường dân chủ, vun đắp sự hòa giải, giải quyết các vấn đề kinh tế, khôi phục niềm tin cho các nhà đầu tư và cộng đồng quốc tế, chống tham nhũng, cải cách và hiện đại hóa luật pháp, cải cách nền hành chính công, thể chế hóa trật tự xã hội, giảm thiểu sự chênh lệch, phát triển đất nước để có một sức mạnh thâm sâu thông qua việc áp dụng Triết lý Kinh tế vừa đủ của Nhà Vua trong quản trị quốc gia, với cách tiếp cận Pracharat (Nhà nước Nhân dân) để hợp tác giảm sự bất bình đẳng xã hội và tiến bộ đất nước hướng tới một “Thái Lan phiên bản 4.0” thông qua hỗ trợ hiện đại hóa của 5 ngành công nghiệp hiện có và hỗ trợ xây dựng năng lực cho 5 ngành công nghiệp mới của đất nước. 

Thưa các quý vị! 

Để tạo ra một trạng thái cân bằng mới cho Thái Lan, trước tiên phải giải quyết nhiều vấn đề. Tuy nhiên, không phải tất cả các vấn đề đều có thể được giải quyết trong một thời gian nhất định, do đó, một kế hoạch chiến lược quốc gia 20 năm và lộ trình bao gồm các giai đoạn một, hai và ba là cần thiết. Bất cứ điều gì mà không thể được hoàn thành trong chính quyền này sẽ được bàn giao cho chính quyền kế nhiệm lên nắm quyền thông qua bầu cử. Nhưng ở giai đoạn đầu tiên này, cần phải tạo ra hòa bình và ổn định cho đất nước để có thể thực hiện được các nội dung cải cách khác. Tôi có thể đảm bảo với quý vị rằng Thái Lan sẽ trở lại nền dân chủ theo đúng lộ trình và Thái Lan sẽ tuân thủ tiến trình dân chủ và tất cả các nghĩa vụ quốc tế của chúng tôi với tư cách là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, như chúng tôi đã luôn luôn thực hiện. 

Trạng thái cân bằng và sự vững mạnh của Thái Lan sẽ giúp duy trì và bảo vệ trạng thái cân bằng của ASEAN, điều sẽ có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc tạo ra một trạng thái cân bằng chiến lược mới ở châu Á-Thái Bình Dương. Xây dựng an ninh bền vững trong khu vực sẽ cần có thời gian và đòi hỏi sự tin tưởng và ý chí chính trị từ tất cả các nước, vì lợi ích chung của chúng ta và dựa trên sự tôn trọng chủ quyền lẫn nhau và luật pháp quốc tế, cũng như việc không đặt một hệ tư tưởng nào đó là một điều kiện hoặc điều kiện tiên quyết cho sự hợp tác. Người ta chỉ có thể thấy được bản chất của vấn đề nếu có cái nhìn khách quan và chỉ giải quyết được vấn đề bằng các giải pháp xuất pháp từ thực tế trong nước. 

Một nền an ninh có trạng thái cân bằng và bền vững cần phải có an ninh quân sự đi đôi với an ninh cho phát triển, đặc biệt là cho sự ổn định, an toàn và thịnh vượng của tất cả các dân tộc chúng ta. 

Tất cả các nước chúng ta trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương có cơ hội hợp tác để xây dựng sự cân bằng mới này và cùng nhau tiến bộ. Thái Lan sẵn sàng là đối tác và đóng vai trò xây dựng trong việc xây dựng sự ổn định, thịnh vượng và phát triển bền vững trong khu vực, không bỏ lại bất kỳ quốc gia nào. 

Cuối cùng, tôi tin rằng Hiến chương UNESCO đã có sự khẳng định một cách thích hợp nhất đối với tất cả những gì chúng ta phải thực hiện ngay từ bây giờ để hiện thực hóa nền an ninh bền vững. Bản hiến chương đã khẳng định như sau: "Bởi chiến tranh đã bắt đầu từ trong tâm trí của con người, chính từ đây chúng ta phải xây dựng các thành lũy bảo vệ hòa bình”. 

Xin cảm ơn các quý vị!.

Theo IISS

Trần Quang (gt)