Việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ đang diễn ra tại Hàn Quốc, và trong động thái phản ứng, các biện pháp trừng phạt không chính thức của Trung Quốc đối với kinh tế Hàn Quốc, đã làm xấu đi mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Seoul. Việc triển khai này cho thấy vấn đề nan giải mà Hàn Quốc gặp phải trong bối cảnh cạnh tranh khu vực Mỹ-Trung: Đảm bảo an ninh cho lãnh thổ và người dân của nước này thông qua liên minh với Mỹ đồng thời duy trì quan hệ tốt với đối tác thương mại hàng đầu và là chủ thể chính trong hồ sơ Triều Tiên, Trung Quốc. 

“Triển khai THAAD là một bông hồng mà Hàn Quốc muốn hái, tuy nhiên, như bao bồng hồng khác, nó có gai”. Nhận xét này của nhà nghiên cứu Hàn Quốc Lee Byong-chul đã tóm tắt đầy đủ tình thế lưỡng nan mà Hàn Quốc phải đối mặt kể từ năm 2015: Trước mối đe dọa Triều Tiên chưa có tiền lệ, Seoul buộc phải đảm bảo an ninh của mình, mà vấn đề này dựa chủ yếu vào liên minh với Mỹ, đồng thời phải duy trì quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, đối tác kinh tế hàng đầu và chủ thể không thể thiếu trong giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. 

Quan hệ Trung-Hàn bị ảnh hưởng nghiêm trọng kể từ khi Hàn Quốc quyết định triển khai THAAD vào tháng 7/2016, đến mức mà các cuộc thăm dò dư luận của Viện Asan nhấn mạnh rằng tại nước này, Nhật Bản có được hình ảnh tích cực hơn Trung Quốc. Thực tế, Bắc Kinh gia tăng các chỉ trích chính thức và các biện pháp trừng phạt không chính thức về kinh tế đối với láng giềng của mình. Sự rạn nứt của mối quan hệ này thực tế có thể làm gia tăng việc Mỹ triển khai THAAD, dàn tên lửa đánh chặn đầu tiên được đưa đến căn cứ Không quân Mỹ ở Orsan vào đầu tháng 3/2017 và trong thời điểm Hàn Quốc tổ chức bầu cử tổng thống trước thời hạn vào ngày 9/5, khiến Trung Quốc mưu đồ gây ảnh hưởng tới chính phủ mới của nước này. 

Sau trình bày ngắn gọn về lịch sử để nhắc lại những diễn biến trong quan hệ Trung-Hàn từ Chiến tranh Triều Tiên tới nay, bài viết này nhằm phân tích những thách thức liên quan tới việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc, những lý do phản đối của Trung Quốc đối với dự án này và chiến lược trừng phạt của Trung Quốc nhằm tìm cách gây ảnh hưởng đối với các chính phủ Hàn Quốc trong hiện tại và tương lai. Một trong những lập luận của tác giả là việc triển khai này vượt qua tầm quan hệ song phương và ảnh hưởng lớn tới quan hệ Mỹ-Trung, cũng như nhấn mạnh tới thế lưỡng nan của Hàn Quốc. Bắc Kinh coi việc triển khai này không chỉ là sự theo đuôi của Seoul đối với Washington, mà còn là quyết tâm của Mỹ nhằm duy trì vị trí hàng đầu của nước này trong khu vực, gây thiệt hại cho Trung Quốc. “Lời khuyên” của Giáo sư Chu Phong đưa ra với Hàn Quốc năm 2014 là “đừng kết hợp sự cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ” cũng đã bao hàm tất cả ý nghĩa của nó. 

Chu kỳ quan hệ Trung-Hàn 

Quan hệ Trung-Hàn đã có những biến chuyển sâu sắc kể từ chiến tranh Triều Tiên tới nay. Việc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai nước nước từ 25 năm nay chỉ làm gia tăng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế. Hệ quả trực tiếp là Hàn Quốc hiện nay đang ở trong tình thế phụ thuộc kép, vào Mỹ về an ninh và vào Trung Quốc về kinh tế. 

Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) hay theo cách gọi chính thức của Trung Quốc “Kháng Mỹ, viện Triều, bảo vệ đất nước và phòng vệ quốc gia”, cho tới nay vẫn là xung đột vũ trang duy nhất giữa Trung Quốc và Mỹ, một cuộc xung đột có “dấu ấn sâu đậm trong ký ức quốc gia của Trung Quốc”. Ngoài những mất mát khổng lồ về người, những thiệt hại về tài chính làm chậm quá trình tái thiết đất nước, vốn bị tàn phá qua nhiều thập kỷ chiến tranh, và “cái giá cuối cùng” đối với sự can thiệp của Mỹ vào cuộc nội chiến của Trung Quốc từ năm 1951 là Chiến tranh Triều Tiên có hệ quả tích tụ từ mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng, và giữa Bắc Kinh và Seoul. Từ đó, Trung Quốc coi “Triều Tiên như đồng minh, và Hàn Quốc như kẻ thù”. 

Tuy nhiên, chính sách của Trung Quốc đối với Hàn Quốc chuyển biến một cách thực dụng sau khi Trung Quốc gia nhập Liên hợp quốc năm 1971, và đặc biệt sau cải cách kinh tế của Đặng Tiểu Bình năm 1978. Vì vậy, ưu tiên của hai bên bờ biển Hoàng Hải là phát triển quan hệ kinh tế. Thương mại song phương bùng nổ, từ 120 triệu USD năm 1983 lên 1,68 tỷ USD năm 1987 và từ năm 1985 vượt qua giá trị trao đổi thương mại của Bắc Kinh và Bình Nhưỡng. Năm 1991, kim ngạch thương mại Trung-Hàn đã gấp gần 20 lần so với kim ngạch thương mại Trung-Triều. 

Mặt khác, Tổng thống Hàn Quốc Roh Tae-woo thực hiện chính sách phương Bắc nhằm bình thường hóa quan hệ với hai cựu thù, Liên Xô và Trung Quốc. Ngoài xích lại gần về kinh tế, hai nước còn tiến hành ngoại giao thể thao. Trung Quốc tham gia Đại hội thể thao châu Á tại Seoul năm 1986, rồi Olympic tại Seoul năm 1988, trong khi Hàn Quốc tham gia Đại hội thể thao châu Á Bắc Kinh năm 1990. Việc Seoul và Moskva thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 30/9/1990, và Hàn Quốc, Triều Tiên đồng thời gia nhập Liên hợp quốc năm 1991, kết thúc bằng việc thuyết phục Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc ngày 24/8/1992. Trái lại, cả Mỹ lẫn Nhật Bản không bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên. 

Kể từ khi bình thường hóa quan hệ, quan hệ chính trị song phương giữa hai nước đã được thúc đẩy. Trong khi Triều Tiên phải đối mặt với khủng hoảng về nhiều mặt - kinh tế, chiến lược, chính trị và nhân đạo - và Kim Jong-il đã không tới Bắc Kinh trước năm 2000, thì các chuyến thăm cấp cao giữa Bắc Kinh và Seoul lại gia tăng. Hơn nữa, kể từ cuối những năm 1990, ngoại giao dưới thời các tổng thống có khuynh hướng tiến bộ Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun chủ yếu là không liên kết với Mỹ đồng thời cam kết với Triều Tiên trong lĩnh vực chính trị và kinh tế, một mối lợi bất ngờ đối với Trung Quốc. Hàn Quốc và đặc biệt là giới doanh nhân nước này trở nên phát sốt với yếu tố Trung Quốc. Trong năm 2004, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Hàn Quốc. Từ năm 2002 tới năm 2009, kim ngạch ngoại thương của Hàn Quốc với Trung Quốc tăng gấp đôi, chiếm gần 25% xuất khẩu của Hàn Quốc. Ngược lại, kim ngạch ngoại thương với Mỹ lại sụt giảm từ 19% xuống 10%. 

Sự trở lại nắm quyền của lực lượng bảo thủ tại Hàn Quốc năm 2008 được đánh dấu bởi quyết tâm của Tổng thống Lee Myung-bak nhằm tăng cường liên minh với Mỹ và thực hiện chính sách cứng rắn đối với Triều Tiên, trong khi đó, Triều Tiên đang phải đối phó với sự bất ổn chính trị tích tụ trong khuôn khổ của tiến trình chuyển giao quyền lực tại nước này. Trước vấn đề được coi là sự bất ổn tại bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc rõ ràng hỗ trợ Bình Nhưỡng để tránh sự sụp đổ của đất nước này, tới mức có nguy cơ xa lánh Seoul. Khi mà quan hệ đối tác hợp tác chiến lược được ký kết năm 2008 giữa Trung Quốc và Hàn Quốc, thì Trung Quốc vẫn bảo vệ Triều Tiên trên phương diện ngoại giao trong suốt năm 2010: Lần đầu tiên sau vụ phóng ngư lôi tàu chiến Cheonan khiến 46 lính Hàn Quốc tử vong, rồi một lần nữa là vụ tấn công đảo Yeonpyeong bằng đại pháo của Triều Tiên khiến hai dân thường thiệt mạng, Bắc Kinh từ chối chỉ trích công khai đồng minh của mình, không thừa nhận trách nhiệm của Triều Tiên và phủ quyết mọi dự thảo nghị quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đúng như lời của một nhà nghiên cứu Hàn Quốc đã gợi lại sự kiện này: “Năm 2010 là một dấu ấn nhắc nhở đối với người Hàn Quốc rằng Trung Quốc có thể có tác động tiêu cực đối với sự thống nhất của bán đảo Triều Tiên”. Theo đó, hình ảnh của Trung Quốc tại Hàn Quốc ở mức thấp nhất và “sự tức giận” của người Hàn Quốc đối với Trung Quốc đã lên tới mức “chưa từng có”. 

Sự ổn định của Triều Tiên là vì thành công của việc kế thừa quyền lực chính trị từ Kim Jong-il sang Kim Jong-un, từ năm 2011, và sự điều chỉnh về ngoại giao của Hàn Quốc tìm cách thể hiện là nước không còn thân Mỹ và từ nay lên án Nhật Bản, được coi là yếu tố tái cân bằng trên bán đảo Triều Tiên. Đây là cơ hội thuận lợi mới của Trung Quốc để triển khai chính sách Hàn Quốc của nước này. Trong khi các chuyến thăm cấp cao tới Triều Tiên ít dần, Bắc Kinh lại thực hiện xích lại gần với Hàn Quốc trong hai cuộc gặp thượng đỉnh vào tháng 6/2013 tại Bắc Kinh và tháng 7/2014 tại Seoul. Khi đó, báo chí Trung Quốc nêu ra “sức hấp dẫn lẫn nhau không thể dừng được”. Các chuyên gia Trung Quốc dường như cũng xét lại các phân tích của họ. Như Môn Hồng Hoa thuộc Trường đảng trung ương Trung Quốc thổ lộ: “Trong khi chúng ta coi Hàn Quốc đơn giản là một thành viên của mạng lưới quân sự của Mỹ, thì từ nay, chúng ta hy vọng có thể có một mối quan hệ gần gũi hơn”. Mong muốn của Hàn Quốc trở thành một đối tác hàng đầu với Bắc Kinh, sự hiện diện của Tổng thống Park Geun-hye tại lễ duyệt binh của Trung Quốc tháng 9/2015 nhân dịp 70 năm kết thúc chiến tranh Trung-Nhật, hoặc sự tham gia của Seoul tại lễ khai trương Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng, góp phần vào sự xích lại gần này. Tuy nhiên, những quyết định này lại bị chỉ trích mạnh mẽ từ phía đồng minh Mỹ và đối tác Nhật Bản, theo đó, quan hệ của Hàn Quốc với những nước này đang ở mức thấp nhất. 

Mặc dù vậy, sự xích lại này như mong muốn của hai nước bị dừng lại đột ngột sau thông báo vào tháng 7/2016 của Hàn Quốc về việc triển khai THAAD. Nếu như quyết định của Tổng thống Park chính thức không liên quan tới Trung Quốc mà là Triều Tiên, chính xác hơn là sự gia tăng của chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng, thì nó cũng đánh dấu giai đoạn bắt đầu suy giảm mới trong quan hệ Trung-Hàn và nhắc lại rằng quan hệ song phương không thể tách rời với quan hệ liên Triều và quan hệ Mỹ-Hàn. 

Từ phòng thủ tên lửa quốc gia tới phòng thủ tên lửa Mỹ 

Triều Tiên có năng lực tên lửa kể từ những năm 1970 sau khi sở hữu tên lửa Scud của Liên Xô nhờ mua của Ai Cập. Tuy nhiên, khối cộng sản đã tan rã vào đầu những năm 1990 và nước này mất đi sự hỗ trợ từ Liên Xô. Sự phát triển năng lực không đối xứng, hạt nhân và tên lửa, để đối phó với liên minh Mỹ-Hàn lâu dài, trở thành ưu tiên quốc gia. Trước mối đe dọa gia tăng từ tên lửa của Triều Tiên, vấn đề triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa tại Hàn Quốc được đặt ra từ đầu những năm 1990. Những tiến bộ mới đây của chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên là nhờ vào nhiều vụ thử hạt nhân kể từ khi Kim Jong-un lên nắm quyền, đã khiến Hàn Quốc phải tăng cường triển khai một hệ thống phòng thủ như vậy. Tuy nhiên, việc triển khai THAAD đánh dấu một bước ngoặt theo hướng đây là một hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, do Mỹ kiểm soát chứ không phải là Hàn Quốc. 

Kể từ năm 1993, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ John Deutch đề xuất với Hàn Quốc tham gia một hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực để chủ yếu bảo vệ hàng chục nghìn lính Mỹ đang đồn trú tại bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, trong bối cảnh khu vực vừa diễn ra cuộc khủng hoảng hạt nhân lần đầu năm 1994, Chính phủ Hàn Quốc đã bác bỏ đề xuất này của Mỹ do lo sợ “mang lại cái cớ” cho Triều Tiên phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này. Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình (1998-2003), Kim Dae-jung cũng bác bỏ mọi kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, vì xem nó không phù hợp với nhu cầu của đất nước. Đường lối này được 2 tổng thống kế nhiệm sau này tiếp tục theo đuổi, trong đó có cựu Tổng thống Lee Myung-bak (2008-2013) thuộc phái bảo thủ, tuy vậy, được xem là người thân Mỹ, ông còn ký thỏa thuận Tầm nhìn chung về liên minh năm 2009 với Mỹ, đặc biệt kêu gọi duy trì liên minh trong trường hợp thống nhất bán đảo Triều Tiên. 

Đổi lại, tất cả được tập trung cho sự phát triển một hệ thống tên lửa quốc gia, Hệ thống phòng thủ tên lửa Hàn Quốc (KAMD), nó không tích hợp vào hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ mặc dù dựa trên công nghệ Mỹ. KAMD được chính thức triển khai năm 2006 sau vụ thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên. Kể từ đó, Hàn Quốc liên tiếp mua sắm các trang thiết bị vũ khí. Tháng 5/2007, hải quân Hàn Quốc tiếp nhận tàu khu trục đầu tiên Sejong-Daewang KDX-III, được trang bị tên lửa Aegis, 2 tàu chiến khác cũng được tiếp nhận năm 2008 và 2011. Ba tàu chiến khác sẽ được đưa vào sử dụng trong khoảng thời gian từ năm 2020-2027, được trang bị tên lửa SM-3. Trong năm 2008, Hàn Quốc mua 48 tên lửa Patriot PAC-2 của Đức, rồi hai radar Green Pine của Israel năm 2012. Trong mỗi đợt mua sắm này, công nghệ là của Mỹ nhưng thiết bị là của quân đội Hàn Quốc và triển khai tác chiến là do Hàn Quốc. 

Sau vụ phóng ngư lôi tàu chiến Cheonan và vụ Triều Tiên nã pháo vào đảo Yeonpyeong năm 2010, Hàn Quốc cũng đã thông qua một chiến lược răn đe tích cực mới trong kế hoạch cơ bản nhằm cải cách về quốc phòng (2014-2030). Kế hoạch chủ trương phát triển một hệ thống tấn công sớm, Kill Chain, kết nối giữa những hệ thống do thám (radar, vệ tinh, máy bay do thám) và những hệ thống vũ khí (đại pháo, các tàu khu trục Aegis, và các máy bay tiêm kích) của Hàn Quốc nhằm phá hủy các cơ sở tên lửa của Triều Tiên, thậm chí trước khi nước này tấn công tên lửa. 

Liên quan đến THAAD, mặc dù có những yêu cầu của Mỹ, ban đầu, các chính phủ khác nhau tại Hàn Quốc đều phản đối. Năm 2007, các nghị sỹ thuộc phe đa số có khuynh hướng tiến bộ từ chối mọi hoạt động “khiêu khích” láng giềng của nước này. Vì thế, Seoul tìm cách hạn chế mọi sự nhập nhằng bằng việc chính thức và thường xuyên nêu ra chủ trương “3 không”: “Không chấp nhận yêu cầu từ Mỹ, không đàm phán với Mỹ và không có quyết định của Chính phủ Hàn Quốc”. Quyết định của Tổng thống Park Geun-hye chính thức thúc đẩy đàm phán với đồng minh Mỹ vào đầu năm 2016, đánh dấu một bước ngoặt mới. 

Sau vụ thử hạt nhân lần thứ 5 của Triều Tiên tháng 1/2016, Chính phủ Hàn Quốc lúc đó có ít công cụ nhằm làm yên lòng dư luận nước này và tạo sức ép với nước láng giềng. Quan hệ liên Triều đã xuống cấp trầm trọng, mặc dù có sự xuất hiện không mong đợi của 3 sỹ quan Triều Tiên tại lễ bế mạc Đại hội thể thao châu Á tại Incheon mùa Thu 2014, trong khi đó căng thẳng đã lên tới đỉnh điểm vào mùa Thu 2013 sau vụ thử hạt nhân lần thứ 3 của Triều Tiên và việc đóng cửa tạm thời khu liên hợp công nghiệp liên Triều Kaesong. Vậy mà, Triều Tiên tiếp tục các hoạt động khiêu khích, trong đó có vụ thử hạt nhân vào tháng 2/2016, dẫn tới việc thúc đẩy đàm phán với Mỹ, ban đầu các cuộc đàm phán này được xem như một công cụ gây sức ép với Triều Tiên và Trung Quốc, tuy nhiên, nó dẫn tới quyết định kiên quyết triển khai THAAD vào tháng 7/2016. Mục tiêu chính thức của Hàn Quốc là tăng cường an ninh đất nước bằng việc hoàn thiện hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia thông qua hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ được cho là bảo vệ các cơ sở của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên và một phần lãnh thổ Hàn Quốc. 

Triển khai THAAD được xem là đi ngược lại các lợi ích quốc gia của Trung Quốc 

Sự phản đối của Trung Quốc đối với mọi hoạt động triển khai THAAD không mới. Những lý do giải thích sự phản đối của Trung Quốc có nhiều và có liên hệ không chỉ tới quan hệ Trung-Hàn mà còn rộng hơn là quan hệ Trung-Mỹ. Có thể xác định 3 lý lẽ chính trong các phân tích và tuyên bố chính thức của Trung Quốc. Thứ nhất, việc triển khai THAAD có hậu quả gây bất ổn đối với bán đảo Triều Tiên, bằng việc khiến Triều Tiên thúc đẩy thêm nữa chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này. Theo một nhà bình luận Trung Quốc, việc triển khai này của Hàn Quốc sẽ dẫn nước này “tới chỗ tự sát trong biển lửa”, một cách nói huênh hoang của Triều Tiên. Vậy mà Trung Quốc xem ưu tiên là cần phải giảm căng thẳng thông qua các sáng kiến ngoại giao và khởi động lại đối thoại liên Triều. 

Thứ hai, là một hệ thống phòng thủ của Mỹ, THAAD do Mỹ kiểm soát và đã được triển khai tại Guam và Nhật Bản, nó có thể tăng cường liên minh Mỹ-Hàn, nhấn mạnh sự hiện diện quân sự của Mỹ tại bán đảo Triều Tiên và gia tăng nguy cơ hình thành liên minh ba bên thay vì song phương như hiện nay của Mỹ với Seoul và Tokyo. Sự lo ngại hình thành một “phiên bản NATO châu Á” không chỉ hướng đến Triều Tiên mà cả Trung Quốc, được tái diễn trong các văn bản của Trung Quốc. Vậy mà, theo Chun Yungwoo, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Lee Myung-bak, từ nhiều năm nay, Trung Quốc tìm cách hạn chế mọi sự hợp tác ba bên, bằng cách “không bỏ lỡ cơ hội nào để kích động quan hệ Nhật Bản và Hàn Quốc, và làm cho mối quan hệ này trở nên xấu nhất có thể”, và ngược lại, tìm cách “thu hút Hàn Quốc và tìm mọi cách chia rẽ nước này với Nhật Bản và Mỹ”. 

Thứ ba, các chuyên gia Trung Quốc lo ngại không chỉ khả năng đánh chặn mà cả khả năng do thám của THAAD, khả năng này có thể được thực hiện thông qua triển khai một radar AN/TP-Y2. Nếu như tác động này không phải về ngắn hạn mà về trung hạn, Bắc Kinh coi THAAD có ảnh hưởng tới năng lực tấn công tên lửa và răn đe hạt nhân của nước này. Theo họ, radar này cho phép nâng cao khả năng tình báo và cảnh báo sớm của Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột hạt nhân Mỹ-Trung và vì vậy, thực sự nâng cao khả năng đánh chặn mọi tên lửa liên lục địa của Trung Quốc được phóng vào lãnh thổ Mỹ. Hơn nữa, các nhà nghiên cứu Trung Quốc coi những lý lẽ của Hàn Quốc đề cập tới hệ thống phòng thủ tên lửa chỉ nhằm bảo vệ các căn cứ của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên là “sai”, và một khi được triển khai, những năng lực mới về do thám của Mỹ sẽ được tích hợp vào hệ thống phòng thủ khu vực của nước này. 

Trừng phạt để gây ảnh hưởng, tăng cường sức ép của Trung Quốc 

Kể từ khi thông báo triển khai THAAD, Trung Quốc không còn hài lòng với việc phản đối bằng lời nói nữa và đã thực hiện một loạt biện pháp trừng phạt để thúc đẩy Chính phủ Hàn Quốc từ bỏ quyết định của mình. Những biện pháp trừng phạt này có nhiều, trong số đó, có biện pháp nhằm vào hoạt động nhập khẩu mỹ phẩm Hàn Quốc của Trung Quốc, mạng lưới phân phối của tập đoàn Lotte tại Trung Quốc - Lotte là doanh nghiệp Hàn Quốc đã bán cho nhà nước Hàn Quốc khu đất mà tại đó sẽ triển khai THAAD, hoặc là lượng khách du lịch Trung Quốc tại Hàn Quốc. Không phải lần đầu Trung Quốc trừng phạt nước láng giềng Hàn Quốc, tuy nhiên, những biện pháp trừng phạt này lại đánh dấu một bước ngoặt mới. 

Thứ nhất, những biện pháp trừng phạt về kinh tế này không chỉ nhằm tác động về kinh tế mà còn là tác động về chính trị đối với Chính phủ Hàn Quốc. Vào đầu năm 2000, Trung Quốc đã thực hiện một loạt biện pháp trừng phạt đối với Hàn Quốc nhằm đảm bảo nước này không thiết lập lại thuế nhập khẩu đối với mặt hàng tỏi và kim chi Trung Quốc. Những biện pháp này dường như đã quá lớn và tìm cách “gây sức ép với Hàn Quốc và chỉ ra ai là sếp” như cựu tham tán công sứ Đại sứ quán Hàn Quốc tại Trung Quốc nhấn mạnh vào thời điểm đó. Tuy nhiên, nó được đưa ra để đáp lại sự bất đồng về thương mại chứ không phải chính trị. 

Thứ hai, những lời kêu gọi trừng phạt trên báo chí Trung Quốc từ giới học giả cũng như chuyên gia quân sự là chưa có tiền lệ bởi cường độ của nó. Trong một bài viết công bố vào tháng 3/2017 trên một diễn đàn, đô đốc La Viện, nhân vật quen thuộc của truyền thông, cựu thành viên Viện hàn lâm khoa học quân sự, đã khuyến nghị Trung Quốc thực hiện 10 biện pháp trừng phạt đối với Seoul. Trong số những biện pháp này, có hai biện pháp hàng đầu và không kém phần quan trọng, đó là thực hiện các cuộc tấn công quân sự đối với hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ hoặc làm nhiễu radar AN/TPY-2. Quân nhân về hưu này cũng đã hô hào gia tăng triển khai tên lửa của Trung Quốc, tăng cường hợp tác quân sự với Nga và không “tôn trọng” các lợi ích an ninh của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc nữa. 

Thứ ba, các biện pháp trừng phạt này rất khác với những biện pháp trừng phạt đã được thực hiện đối với Nhật Bản vào tháng 9/2010, và có thể cho thấy một diễn biến mới trong chiến lược trừng phạt của Trung Quốc. Sau vụ bắt giữ của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản tại lãnh hải của nước này gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đối với thủy thủ đoàn của một tàu cá Trung Quốc, sau đó là xét xử đối với thuyền trưởng tàu này, Trung Quốc đã thực hiện một loạt biện pháp trả đũa về ngoại giao và kinh tế, đặc biệt là lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản. Sự trừng phạt về kinh tế này nhằm vào nguồn sống của nền kinh tế Nhật Bản đã khiến nước này cũng như các nước phương Tây suy nghĩ lại về chiến lược cung ứng đất hiếm của họ. Các biện pháp trừng phạt kinh tế hiện nay nhằm vào Hàn Quốc dường như được điều chỉnh tốt hơn để đồng thời có tác động tương ứng về chính trị. Các biện pháp trừng phạt này vừa nhiều hơn, vừa đa dạng hơn, nhưng cường độ lại nhỏ hơn. Ý định của Trung Quốc dường như là trừng phạt để thúc đẩy chính phủ hiện nay và đặc biệt là chính phủ sắp tới của Hàn Quốc thay đổi quyết định của mình, nhưng không đạt tới mức độ cắt đứt quan hệ, có thể dẫn tới việc tầng lớp chính trị Hàn Quốc thông qua một lập trường chung chống lại Trung Quốc. 

Thứ tư, và điều khác biệt thứ hai với trường hợp Nhật Bản, là Trung Quốc trừng phạt Hàn Quốc vì nước này cho rằng những bất đồng bên trong tầng lớp chính trị Hàn Quốc và sự mất khả năng hợp tác giữa các đảng chính trị, đem lại lợi thế cho Bắc Kinh. Vả lại, lúc này, Chính phủ Hàn Quốc không thực hiện bất kỳ phương cách chống lại nào đối với những biện pháp trừng phạt của Trung Quốc, nếu như đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức thương mại thế giới (WTO) thì vấn đề này cũng mất hàng tháng trời để xem xét. Đảng đối lập chính, Minjoo, phản đối triển khai THAAD qua tiếng nói của Chủ tịch đảng Choo Mi-ae. Bà Choo coi việc triển khai này là không hiệu quả để bảo vệ lãnh thổ Hàn Quốc, thật vô ích khi nó làm hỏng mối quan hệ Trung-Hàn và trước tiên, nó cần đạt được sự chấp thuận của Quốc hội, nơi mà đảng của bà chiếm đa số. Quan điểm của các ứng cử viên chính trong cuộc bầu cử tổng thống còn mơ hồ. Ứng cử viên được ưa thích, Moon Jae-in đã bày tỏ cách đây nhiều tháng bằng việc khẳng định rằng ông sẽ tới Bình Nhưỡng trước khi tới Washington, và khẳng định quyết định cần được tân tổng thống đưa ra (đồng thời ông cũng thừa nhận thật khó để tân tổng thống từ bỏ quyết định này nếu như việc triển khai đã được hoàn thành trước kỳ bầu cử tổng thống). 

Thứ năm, và là sự khác biệt cuối cùng với Nhật Bản, vốn không bị trừng phạt vì đã triển khai THAAD, Trung Quốc coi nước láng giềng của mình bị phụ thuộc quá nhiều vào nền kinh tế Trung Quốc, và đặc biệt, nước này không thể không cần tới Bắc Kinh để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Vậy nên, không có lợi cho Seoul khi có quan hệ đối kháng với Trung Quốc vì “đối với Seoul, con đường tới Bình Nhưỡng phải đi qua Bắc Kinh”. Lập luận này được đa số các chuyên gia Hàn Quốc chia sẻ, họ khẳng định rằng Seoul bằng mọi giá phải tìm đúng trung điểm trong quan hệ với Bắc Kinh và Washington. 

Một chiến lược có khả năng phản tác dụng của Trung Quốc 

Sự trừng phạt này của Trung Quốc có tác động không thể phủ nhận đối với dư luận Hàn Quốc. Trong khi 67% người Hàn Quốc ủng hộ việc triển khai THAAD vào tháng 1/2017, thì số người ủng hộ chỉ còn là 57% vào tháng 3/2017. Hơn nữa, đa số người Hàn Quốc ủng hộ giới chính trị gia theo xu hướng tiến bộ, phản đối THAAD. Tuy nhiên, ít khả năng sự đắc cử của chính trị gia theo xu hướng tiến bộ Moon Jae-in có thể tác động tới việc triển khai này. Thực tế, nếu THAAD được triển khai hoàn toàn trước ngày nhậm chức của tân tổng thống, điều này dường như là mục tiêu của Mỹ, thì cũng thật khó, thậm chí không thể đối với tân tổng thống trong việc rút lui khỏi việc triển khai này mà không làm ảnh hưởng tới liên minh với Mỹ, được xem như sự nhượng bộ đơn phương đối với sức ép từ Trung Quốc và biến Triều Tiên thành chủ thể được hưởng lợi chính từ sự rút lui này. 

Nhìn rộng hơn, vấn đề THAAD thể hiện thế lưỡng nan của một quốc gia phụ thuộc vào Mỹ về an ninh và phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế. Quan điểm chính thức của Chính phủ Hàn Quốc từ năm 1992 tới nay là tìm kiếm một sự thỏa hiệp giữa hai cường quốc này. Như ứng cử viên Park Geun-hye đã tóm tắt vấn đề này trong năm 2012: "Mỹ là đồng minh của chúng ta và Trung Quốc là đối tác của chúng ta. Vấn đề phải lựa chọn một trong hai là không thể". Trong năm 2014, Phó giáo sư Diêm Học Thông, Viện trưởng Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế đương đại, Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh, Trung Quốc), đã tư vấn cho Hàn Quốc theo đuổi nghiêm túc “một chính sách giữ khoảng cách cân bằng” giữa Bắc Kinh và Washington, thậm chí thiết lập một liên minh thực sự với Trung Quốc đồng thời duy trì liên minh sẵn có với Mỹ. 

Tuy nhiên, sức ép của Trung Quốc tìm cách buộc Hàn Quốc thông qua một nền ngoại giao trung lập hơn là một nền ngoại giao thỏa hiệp, trong khi đó, ý thức ngày càng phổ biến tại Seoul là các quyết định của Trung Quốc có tác động tiêu cực đối với an ninh của đất nước, hủy hoại hình ảnh của Trung Quốc trong mắt người dân Hàn Quốc và đặc biệt là thiếu sự hợp tác của Trung Quốc để ngăn chặn mối đe dọa đang gia tăng của chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên, có thể tác động về trung hạn những tính toán chiến lược của Hàn Quốc và đẩy nước này không ở thế trung lập mà rõ ràng đi theo Mỹ và gián tiếp theo Nhật Bản. Để tránh kịch bản tệ hơn này, Trung Quốc chắc chắn phải dự kiến điều chỉnh chính sách đối với Hàn Quốc trong những tháng tới.

Theo Quỹ nghiên cứu chiến lược Pháp

Hương Lan (gt)