Xứ sở của thần Héc-Quyn đang lâm nạn

 

Từ mấy tháng nay, sự quan tâm của thế giới đang đổ vào Hy Lạp, nơi mà núi nợ đã đè sụn lưng thần Héc-quyn và đang đẩy nền kinh tế nước này vào nguy cơ sụp đổ với tổng số nợ công lên tới 300 tỷ euro (chiếm 124 % GDP năm 2009) và mức thâm hụt ngân sách hai con số, trong khi tăng trưởng kinh tế tiếp tục âm. Hiện nay, Hy Lạp là nước có mức nợ công thuộc loại nhiều nhất tại châu Âu so với quy mô nền kinh tế và được ví như “một người bệnh đang trong thời kỳ nguy kịch”. Mức độ tín nhiệm tài chính của nước này đã bị tụt xuống hạng BBB-. Điều này đồng nghĩa với khả năng đi vay tiền từ bên ngoài trở nên khó khăn. Trong khi đó, từ nay đến cuối năm, Hy Lạp cần có thêm 54 tỷ euro và cần ngay 23 tỷ euro trong tháng 4 và tháng 5/2010 để trả nợ. Nếu không trả được, Hy Lạp sẽ trở thành nước bị vỡ nợ, các chủ nợ sẽ tìm cách siết nợ, và như vậy, nền kinh tế nước này sẽ rơi vào khủng hoảng khi mà các nhà đầu tư tìm cách tháo chạy khỏi Hy Lạp.

 

Và không chỉ có một mình Hy Lạp

 

Tình trạng nợ công chồng chất không chỉ là hiện tượng đơn lẻ diễn ra ở Hy Lạp hay Băng Đảo và Đu-bai gần đây, mà đã trở thành hiện tượng khá phổ biến trên thế giới.  Không riêng các nước đang phát triển mới đi vay, mà cả những nước phát triển giàu có cũng mắc nợ.

 

Hiện nay, Mỹ là con nợ lớn thuộc loại hàng đầu thế giới với tổng số nợ lên tới 13.000 tỷ USD, chiếm khoảng 93% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Mức thâm hụt ngân sách của Mỹ năm 2010 dự kiến là - 9,9%. Điều này báo hiệu núi nợ của Mỹ sẽ tăng lên tới mức xấp xỉ 100% GDP vào cuối năm nay. 

 

Kể cả Nhật Bản, đã từng có thời người ta tưởng có thể sẽ “mua hết nước Mỹ”, ấy vậy mà bây giờ cũng trở thành một con nợ “cỡ bự” với mức nợ tương đương với 227 % GDP và thâm hụt ngân sách dự kiến -10,2 % năm 2010.

 

Rồi đến Trung Quốc, nước hiện được coi là chủ nợ nước ngoài lớn của Mỹ và nhiều nước khác với nguồn dự trữ quốc gia trên 2000 tỷ USD, song cũng không phải là không mắc nợ. Theo Giáo sư Victor Shih từ trường Đại học Northwestern của Mỹ, các chính quyền địa phương của Trung Quốc đã vay mượn tổng cộng trên 11 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương với 1,68 nghìn tỷ USD Mỹ) từ năm 2004 cho tới cuối năm ngoái và Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với thâm hụt ngân sách khổng lồ, chiếm hơn 10% GDP trong năm nay.

 

Ấn Độ, một nền kinh tế lớn đang lên ở châu Á cũng đang đối mặt với tình trạng nợ công nặng nề. Tỷ lệ nợ so với GDP năm 2009 lên tới  88,9% và mức thâm hụt ngân sách năm 2010 dự kiến là - 6,8%. Hiện Ấn Độ bị xếp hạng tín dụng quốc gia BBB- giống như Hy Lạp.

 

Trong liên minh châu Âu (EU), chẳng nước nào thoát khỏi nợ nần. Ngay cả Đức, nền kinh tế mạnh nhất châu Âu, cũng đẫm mình trong nợ với mức 84,5% GDP. Nợ công của Pháp cuối năm 2009 đã lên xấp xỉ 1500 tỷ euro, tương đương với 82,6 % GDP, mức thâm hụt ngân sách -7,6 % và dự kiến còn tiếp tục với mức -7,1% năm 2010. Tình hình của Italy lại còn đáng buồn hơn với mức nợ công lên tới 120 % GDP năm ngoái và dự kiến thâm hụt ngân sách -5,6% năm 2010, trong khi tăng trưởng kinh tế tiếp tục khó khăn (-2,3%).  Một số nước như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Băng Đảo, Ai-ơ-len cũng đang lâm tình cảnh nợ lần bi đát. Các nước này đều có tỷ lệ nợ gần ngang, thậm chí có nước còn lớn hơn GDP và thâm hụt ngân sách vượt xa mức quy định (-3%) của EU, trong khi triển vọng tăng trưởng kinh tế rất ảm đạm.  Trường hợp Tây Ban Nha rất đáng lo ngại và đã được nhiều chuyên cảnh báo là “con bài domino lớn kế tiếp” Hy Lạp, bởi vì “sao chiếu mệnh” rất xấu của nước này đã xuất hiện, với ngân sách bị thâm hụt ngang mức 11,4% GDP, tổng nợ công và tư tương đương 300% GDP - những con số này trầm trọng hơn của Hy Lạp rất nhiều. Trong khi đó, thất nghiệp của Tây Ban Nha cũng rất cao, tới 20% (4,5 triệu người) và nhất là hệ thống ngân hàng rất mong manh.

 

Tình trạng nợ gia tăng đến mức “sởn gai ốc” ở nhiều nước như vậy báo hiệu một triển vọng không mấy sáng sủa của kinh tế thế giới. Một số ý kiến cho rằng, không loại trừ khả năng khủng hoảng nợ xảy ra tại một trong số mắt xích xung yếu nhất hiện nay sẽ dẫn đến một cuộc suy thoái kinh tế  mới có thể lan rộng. Nếu châu Âu không cứu Hy Lạp bây giờ thì “con mồi” vỡ nợ kế tiếp sẽ là Tây Ban Nha, Băng Đảo và có thể cả Italia nữa.

 

Nguồn gốc của tình trạng nợ công lan tràn hiện nay

 

Tình trạng nợ công hiện nay ở các nước do nhiều nguyên nhân và có thể không hoàn giống nhau. Tuy nhiên, truớc hết đây là vấn đề mất cân đối giữa thu và chi ngân sách quốc gia. Nhu cầu chi nhiều quá, trong khi thu không đáp ứng nổi, chính phủ đi vay tiền thông qua nhiều hình thức như phát hành công trái, trái phiếu, hiệp định tín dụng,… để chi, từ đó dẫn đến tình trạng nợ. Thâm hụt ngân sách kéo dài làm cho nợ công gia tăng. Nợ không trả sớm, để lâu thành “lãi mẹ đẻ lãi con” và ngày càng chồng chất thêm.  Đương nhiên, có nhiều nguyên nhân dẫn đến mất cân đối ngân sách quốc gia và làm gia tăng nợ. Ở mỗi nước và tuỳ từng thời kỳ lại có các nguyên nhân khác nhau, song tình trạng nợ công hiện nay ở nhiều nước đều có chung những nguyên nhân cơ bản sau:

 

Thứ nhất, gia tăng mạnh chi tiêu từ ngân sách nhà nước (lương và chi phí hoạt động của bộ máy nhà nước ở các cấp có xu hướng ngày càng phình to,  các chương trình kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, y tế, an ninh, quốc phòng, đầu tư phát triển có sở hạ tầng không ngừng tăng …), đặc biệt là hậu quả to lớn của cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu vừa qua đã buộc nhiều nước phải chi rất nhiều để khắc phục.

 

Thứ hai, sự kiểm soát chi tiêu và quản lý nợ của Nhà nước kém, không chặt chẽ, thậm chí bị buông lỏng, cộng thêm với tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư và chi tiêu, cùng với tệ tham nhũng phát triển ở nhiều nước.

 

Thứ ba, các nguồn thu (chủ yếu từ thuế) tăng không kịp với nhu cầu chi, thậm chí một số loại thuế chịu áp lực phải cắt giảm do nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc biệt như thuế quan và phí hải quan của hầu hết các nước phải cắt giảm hoặc loại bỏ phù hợp với các quy định của WTO  và các thoả thuận thương mại khác mà họ tham gia. Trong khi đó, vấn đề quản lý các nguồn thu, nhất là từ thuế, gặp không ít khó khăn ở nhiều nước do tình trạng trốn thuế, tệ tham nhũng, hối lộ, kiểm soát không chặt và xử lý không nghiêm của các cơ quan chức năng.

 

Giải pháp và tình thế lưỡng nan, khó xử

 

Để tránh bị rơi sâu vào khủng hoảng nợ và cứu vãn nền kinh tế khỏi sụp đổ, Chính phủ của Thủ tướng Papandreou ở Hy Lạp đã phải thực hiện hàng loạt biện pháp với  trọng tâm là các chính sách “thắt lưng buộc bụng”, giảm lương công chức (kể cả lương hưu), cắt giảm chi tiêu (gồm cả những chương trình an sinh xã hội, an ninh, quốc phòng), đẩy mạnh tiết kiệm, tăng cường kiểm soát thu chi, tích cực chống tham nhũng và chốn thuế, tăng một số sắc thuế và các nguồn thu khác, thậm chí tính tới khả năng có thể bán cả tài sản quốc gia như một số hòn đảo du lịch cho nước ngoài, tiếp tục vay thông qua phát hành công trái để trả nợ trước mắt, đồng thời kêu gọi EU, IMF và Mỹ giúp đỡ.

 

Nhiều biện pháp khắc phục khủng hoảng nợ mà Hy Lạp đã và đang tiến hành giống như con dao hai lưỡi. Tăng thuế và giảm chi tiêu, siết chặt tín dụng, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và bản thân nền kinh tế Hy Lạp đang hết sức khó khăn do suy thoái, thì lại càng đẩy nền kinh tế vào khó khăn lớn hơn và có thể tiếp tục lún sâu vào suy thoái. Điều này cũng đồng nghĩa với sản xuất đình đốn, thất nghiệp gia tăng, đời sống khó khăn hơn và bất ổn xã hội cũng nhiều hơn. Mặt khác, tăng thuế và giảm chi tiêu, đặc biệt là việc cắt giảm lương của người lao động, huỷ bỏ và thu hẹp các chương trình an sinh xã hội, trực tiếp đánh vào nhiều tầng lớp nhân dân, đương nhiên sẽ gặp phải sự phản ứng, thậm chí là chống đối mạnh mẽ từ các tầng lớp bị thiệt hại, từ đó làm cho tình hình xã hội trở nên căng thẳng và có nguy cơ dẫn đến những xáo trộn lớn. Thực tế cho thấy, nhiều người Hy Lạp đã phản ứng dữ dội trước các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” của chính phủ. Trên đất nước Hy Lạp đã xảy ra nhiều cuộc biểu tình phản đối chính sách của chính phủ và đã dẫn đến tình trạng xô xát bạo lực giữa những người biểu tình với các lực lượng cảnh sát.

 

Trông vào sự giúp đỡ từ bên ngoài, đó là giải pháp cần thiết và cấp bách để giải cứu, tránh sự đổ vỡ trước mắt của nền kinh tế, song không dễ chút nào. Thứ nhất, không phải ai cũng có sẵn tiền cho vay. Thứ hai, nếu có tiền thì người cho vay cũng phải tính toán liệu người vay có đáng tin cậy không, khả năng trả nợ của người đó thế nào và việc cho vay ảnh hưởng ra sao tới lợi ích của họ, v.v… Thứ ba, để được vay, đương nhiên người đi vay phải chấp nhận những điều kiện nhất định mà không ít trong số đó sẽ làm cho người đi vay “phải trả giá”. Và cuối cùng là những hậu quả lâu dài của việc đi vay thêm vẫn đeo đẳng, bởi vì gánh năng nợ nần vẫn tiếp tục chồng chất thêm, và nếu việc quản lý nợ kém, kinh tế đất nước sa sút, thì nguy cơ vỡ nợ còn lớn và nguy hiểm hơn, các thế hệ sau sẽ còn chịu hậu quả nặng nề hơn.

 

Trường hợp Hy Lạp hiện nay là một tấm gương nhãn tiền, không phải là duy nhất, cho những quốc gia vay nợ. Vì không có khả năng trả nợ, Chính phủ Hy Lạp đã buộc phải đề nghị EU cho vay tiền để trả các khoản nợ trước mắt trị giá nhiều chục tỷ ơ-rô. Liên minh châu đã xem xét, thảo luận gay gắt trong nội bộ một kế hoạch giải cứu. Một số nước, đặc biệt là Đức, không sẵn sàng chấp nhận kế hoạch giải cứu này, vì Đức không muốn việc EU rộng lượng đối với Hy Lạp, một “học trò xấu” đã bất chấp kỷ luật của khối và tiếp tục cố tình vi phạm, mặc dù đã nhiều lần bị cảnh cáo, sẽ khuyến khích các thành viên khác trong khối noi theo gương xấu đó. Tuy nhiên, EU đứng trước một áp lực rất lớn là nếu không cứu Hy Lạp thì sự sụp đổ của nền kinh tế nước này sẽ kéo theo tai hoạ dây chuyền trong EU, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều thành viên khác của EU cũng đang ở tình trạng báo động đỏ về nợ. Mặt khác, nếu để mặc Hy Lạp, thì đương nhiên nước này sẽ cầu cứu Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Đây sẽ là điều chớ trêu, vì “anh em trong nhà lại không giúp nhau mà để người ngoài giúp” và khi điều đó xẩy ra thì không những bị “bẽ mặt” mà EU và cả Hy Lạp cũng sẽ bị đặt vào tình thế khó xử do phải chấp nhận những điều kiện ràng buộc của IMF, thậm chí là không tương thích với những quy định hiện hành của EU.

 

Từ chuyện người nghĩ đến ta: Đừng để các thế hệ con cháu chúng ta phải trả nợ thay cha ông chúng!

 

Những năm qua, để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, Nhà nước ta đã vay một lượng vốn lớn từ trong và ngoài nước. So với nhiều nước, tỷ lệ nợ công của ta trên GDP chưa phải là cao, song với xu thế phát triển của tình hình trong thời gian gần đây và những năm tới, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu vừa qua gây nhiều tác động tiêu cực, chính phủ thực hiện nhiều biện pháp kích thích kinh tế và có phần nơi lỏng kiểm soát tín dụng (thậm chí là không kiểm soát nổi), việc vay nợ của chính phủ từ trung ương đến địa phương tăng lên nhanh chóng. Đây là con dao hai lưỡi đối với ta. Nếu ta không kiểm soát tốt và có những biện pháp hạn chế thích hợp, thì nguy cơ gia tăng nợ sẽ đẩy nước ta vào tình thế khó khăn mà nhiều nước đã hoặc đang gặp phải. Vay nợ để phát triển là cần thiết, đặc biệt khi đất nước ta còn nghèo và kém phát triển. Nhưng vay nợ cần được kiểm soát chặt chẽ và quản lý tốt từ khâu lập kế hoạch, phê duyệt và triển khai thực hiện. Điều quan trọng là phải bảo đảm việc sử dụng tiền vay thật hiệu quả, tránh thất thoát, tham ô, lãng phí và đừng để các thế hệ con cháu chúng ta oán hận vì phải thay cha ông chúng trả gánh nợ nặng nề ./


TS. Phạm Quốc Trụ, Học viện Ngoại giao