Tập Cận Bình đã giành chiến thắng thứ nhất trước tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhưng phần căng thẳng giữa hai cường quốc thế giới thì vẫn còn đó. Dưới áp lực của Bắc Kinh, Tổng thống khó đoán Donald Trump cuối cùng đã thừa nhận nguyên tắc bất khả xâm phạm "một Trung Quốc", theo đó Mỹ không còn duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan kể từ năm 1979; trước đó, Mỹ cho biết đã sẵn sàng để phá vỡ nguyên tắc này. Tuy nhiên, các nhà chức trách Trung Quốc vẫn luôn giữ thái độ cảnh giác, đặc biệt là bởi Mỹ đã trách người khổng lồ Trung Quốc về chủ đề các quần đảo tranh chấp mà Trung Quốc chiếm ở Biển Đông; và Mỹ để ngỏ khả năng xử phạt đối với hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc. Đây là những mối đe dọa một cách nghiêm túc với Trung Quốc bởi Tập Cận Bình không thể xuất hiện với một vị thế yếu trước thời điểm đại hội lớn của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang cận kề. 

Liệu rủi ro về kinh tế có thật sự lớn đối với Bắc Kinh? 

Donald Trump, người cáo buộc Trung Quốc phá giá đồng tiền của mình để thúc đẩy xuất khẩu (thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc lên tới 347 tỷ USD trong năm 2016), đã đe dọa (trong chiến dịch tranh cử tổng thống) tăng thuế các sản phẩm Trung Quốc lên đến 45%. Chính quyền Bắc Kinh đã bất lực trong nỗ lực làm chậm sự sụp đổ của đồng nhân dân tệ so với đồng USD thời gian gần đây (tỉ giá đồng nhân dân tệ so với USD đã giảm 7% trong năm 2016), bởi lẽ phía Trung Quốc nghi ngờ ông chủ mới của Nhà Trắng có thể thực hiện các tuyên bố của mình liên quan đến khả năng làm tăng giá đồng nhân dân tệ. Trung Quốc chắc chắn có phương tiện để trả đũa Mỹ, bằng cách xử phạt các công ty lớn của Mỹ đã thâm nhập sâu vào thị trường Trung Quốc, như nhà sản xuất ô tô General Motors. Dù sao Trung Quốc, với kim ngạch xuất khẩu đã giảm 7,7% trong năm 2016, cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Mỹ chiếm gần 1/5 lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc. 

Nhưng các mối nguy hiểm còn vượt qua vấn đề hải quan. Theo chuyên gia kinh tế Mahamoud Islam của Trung tâm nghiên cứu Euler Hermes có trụ sở tại Hong Kong thì "Ưu đãi thuế cho đầu tư vào Mỹ, cùng với sự thắt chặt mạnh mẽ của chính sách tiền tệ của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), có thể thúc đẩy dòng vốn rút khỏi Trung Quốc nhanh hơn nữa". Lượng vốn bị rút khỏi Trung Quốc năm 2016 được ước tính khoảng 725 tỉ USD. Vấn đề là, những dòng vốn bị rút khỏi Trung Quốc càng gây thêm sức ép giảm giá đối với đồng nhân dân tệ, điều này lại có tác động làm tăng chi phí nhập khẩu và, như một vòng tròn luẩn quẩn xấu xa, càng làm chảy vốn lớn hơn khỏi Trung Quốc... Những cuộc tấn công như vậy từ phía Mỹ gây khó khăn cho Bắc Kinh trong những kế hoạch phục hồi kinh tế của họ, nhất là trong bối cảnh tăng trưởng năm 2016 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1990 (+ 6,7%/năm, theo số liệu chính thức). Bắc Kinh đang cố gắng để tránh một cuộc chiến thương mại bằng cách cho rằng nó sẽ làm suy yếu cả hai quốc gia và đưa ra dấu hiệu thiện chí trong lĩnh vực tiền tệ. 

Khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh ở Biển Đông? 

Ông Donald Trump đã gây sốc Bắc Kinh bằng cách chấp nhận một cuộc gọi từ Tổng thống Đài Loan vào đầu tháng 12/2016 và sử dụng quy chế của hòn đảo này là một con bài mặc cả để đạt được những nhượng bộ trong lĩnh vực thương mại. Trung Quốc cấm các nước có quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh thiết lập quan hệ ngoại giao với Đài Bắc. Dù Donald Trump đã vừa phải lùi một bước, nhưng Trung Quốc không thể nào quên sự sỉ nhục này. Vì vậy, Trung Quốc theo dõi chặt chẽ các mối quan hệ không chính thức - hợp tác, mua bán vũ khí ... - của những doanh nhân với Tổng thống Đài Loan, mà Trung Quốc nghi ngờ thúc đẩy khát vọng độc lập. 

Trung Quốc cũng đang rất căng thẳng bởi sự thay đổi giọng điệu của Mỹ ở Biển Đông. Trung Quốc yêu sách chủ quyền gần như tất cả các vùng biển của Biển Đông mà trong đó nhiều quốc gia láng giềng có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở một số đảo. Nhưng cuối tháng 1 vừa qua, Nhà Trắng loan báo Mỹ sẽ không để cho Trung Quốc kiểm soát các đảo trong vùng biển "quốc tế". Trước khi nhậm chức, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson thậm chí đe dọa sẽ chặn không cho Trung Quốc tiếp cận các đảo tranh chấp. Ông Tillerson đã giảm nhẹ quan điểm của mình trong tiến trình thực hiện, bởi nó có thể dẫn đến một cuộc xung đột vũ trang. 

Theo Valérie Niquet, người đứng đầu bộ phận Châu Á của Tổ chức nghiên cứu chiến lược (FRS), thì người Trung Quốc đặc biệt lo lắng về người đối thoại không thể đoán trước Donald Trump bởi Trung Quốc "không thể đủ khả năng để giành chiến thắng trong một cuộc xung đột vũ trang với Mỹ, mặc dù khả năng của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã được tăng cường đáng kể". Bắc Kinh, luôn áp dụng một thái độ/quan điểm rất chú ý, cố gắng tìm cách nhân rộng các chương trình phô trương lực lượng quân sự để ngăn cản, từ đó khuất phục Mỹ.

Liệu những áp lực này có làm rối loạn chính sách đối nội của Trung Quốc? 

Giai đoạn hỗn loạn này diễn ra vào thời điểm khi các nhà chức trách Trung Quốc muốn ổn định để tập trung vào phục hồi kinh tế và chuẩn bị Đại hội lần thứ XIX ĐCSTQ dự kiến diễn ra vào nửa cuối năm 2017. Nhân dịp sự kiện lớn này, diễn ra 5 năm một lần, các vận động chính trị cũng gia tăng và căng thẳng, nhà lãnh đạo số 1 của Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ tiếp tục thêm 5 năm và nhiều quan chức của ĐCSTQ sẽ được gia hạn. 

Theo nhận định của nhà chính trị Willy Lam tại Đại học Trung Quốc ở Hong Kong, Tập Cận Bình, người muốn đạt được điều đó trong một vị trí vững chắc để sắp đặt các phụng sự trung thành của mình, "phải cứng rắn và chặt chẽ trong con bài với Mỹ bởi ông không thể để bị mất mặt, không để có ấn tượng về sự nhượng bộ trước Hoa Kỳ". Nhà lãnh đạo của Trung Quốc sẽ phải chịu trách nhiệm cho một sự sỉ nhục, đặc biệt là về vấn đề toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. Bằng cách thể hiện không thể lay chuyển về vấn đề Đài Loan và nhận được sự nhượng bộ của Trump trước đòi hỏi của mình, Tập Cận Bình đến nay đã ghi điểm, nhưng chắc chắn là vẫn luôn cảnh giác. 

Những rủi ro bên ngoài cũng ảnh hưởng đến khả năng của chính quyền trong việc cải cách nền kinh tế. Trong khi ngành thép đang chịu sức ép nặng nề do dư thừa công suất (trên 300 triệu tấn/năm), và Bắc Kinh vẫn chưa thực sự sẵn sàng, trong những thời điểm khó khăn, để đưa ra những biện pháp mạnh mà nó có thể tước đi việc làm của hàng chục nghìn công nhân mà từ đó có thể gây ra tình trạng bất ổn xã hội nghiêm trọng. 

Trump, một con bài quan trọng để Tập Cận Bình củng cố quyền lực? 

Mặc dù Chính quyền Trump gia tăng áp lực lên vai Tập Cận Bình, nhưng Chủ tịch Trung Quốc lại có thể sử dụng nó để giành chiến thắng chính trị trong bối cảnh này. Ông Juliette Genevaz, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc tại viện IRSEM của Pháp nhận định trong khi chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình, được phát động từ khi ông nhậm chức vào cuối năm 2012, đã đem lại sự tâp trung quyền lực của ông nhưng cũng gây ra nhiều thù hằn trong ĐCSTQ, thì các mối đe dọa của Mỹ "có thể giúp tăng cường sức mạnh của Tập Cận Bình thay vì làm suy yếu ông ". Còn ông Jean-Pierre Cabestan, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học tại Hong Kong thì cho rằng tình hình căng thẳng này có thể cho phép Tập Cận Bình có cớ để kiềm chế đối thủ nội bộ của mình trong bối cảnh khi "an ninh, trật tự và ổn định xã hội là ưu tiên". 

Sự thù địch với Mỹ cũng phục vụ lợi ích của Tập Cận Bình bởi bối cảnh ấy nuôi dưỡng hình ảnh một lãnh đạo dân tộc/yêu nước của Tập, người đã hứa thực hiện "giấc mơ Trung Hoa". Ông Willy Lam nói cụ thể hơn: Trong bối cảnh suy thoái kinh tế, niềm tự hào yêu nước đã thực sự trở thành "trụ cột duy nhất về tính hợp pháp của ĐCSTQ". 

Một cơ hội để Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng? 

Ngược lại, các bài phát biểu về chủ nghĩa biệt lập và hiếu chiến của Donald Trump có thể giúp Tập Cận Bình khẳng định là một nhà lãnh đạo có trách nhiệm trên toàn cầu. Đảo ngược các mô hình/kịch bản dự kiến, nhà lãnh đạo Trung Quốc tự giới thiệu mình một nhà tiên phong của thương mại tự do tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos vào tháng 1/2017. Và cho dù thực tế có thể khác đi, Tập Cận Bình đã thành công trong hoạt động truyền thông của mình. Việc lấp đầy khoảng trống bỏ lại của Mỹ, đặc biệt là trong mắt của châu Âu, Trung Quốc đã làm như một đối tác đáng tin cậy và có thể ảnh hưởng đến quản trị toàn cầu. 

Song song đó, khi Donald Trump, như đã hứa, đã hủy bỏ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Bắc Kinh tận dụng cơ hội này để làm sống lại hiệp định khu vực riêng của mình và thúc đẩy "con đường tơ lụa mới", một đề án lớn kết nối cơ sở hạ tầng Trung Quốc với châu Âu qua Trung Á. Đây là một cách để Trung Quốc không chỉ xuất khẩu hàng hóa và năng lực sản xuất dư thừa của mình, mà còn mở rộng ảnh hưởng đối với khu vực. Cho đến nay, Tập Cận Bình đã biết cách để chống lại đối thủ Mỹ vốn không thể đoán trước. Vấn đề là làm sao để chiến thắng trong các ván bài tiếp sau…

Theo Le Figaro (Pháp)

Hương Lan (gt)