Hơn 25 năm sau ngày Bức tường Berlin sụp đổ, thì một cuộc đối thoại nghiêm túc và mang tính xây dựng giờ đây trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Những thay đổi lịch sử – dường như bất ngờ đối với những người đương thời có thể về sau lại được cho là những điều tiền định và không thể tránh được. Tuy nhiên, sẽ là hữu ích khi hồi tưởng lại bối cảnh của tất cả những gì đã xảy ra, và xem tiến trình thay đổi đã vấp phải sự cản trở và diễn ra nhanh chóng đến mức nào. Kết quả đó – sự thống nhất nước Đức một cách hòa bình – đã chỉ có thể đạt được khi nó đã được chuẩn bị bởi những thay đổi quan trọng trên chính trường quốc tế và trong ý thức của các dân tộc.

Những thay đổi này đã được khởi xướng bởi chính sách cải tổ (perestroika) ở Liên Xô. Một khi đã dấn thân vào tiến trình cải cách, công khai và tự do, chúng ta không thể khước từ chính con đường này ở các nước Trung và Đông Âu. Như vậy, chúng ta đã vứt bỏ học thuyết Brezhnev, thừa nhận nền độc lập của những nhà nước này cũng như trách nhiệm của họ đối với chính dân tộc họ. Đó là những gì tôi đã giải thích với các nhà lãnh đạo của các nước này trong cuộc gặp đầu tiên của chúng tôi tại Moskva.

Trong khi, dưới ảnh hưởng của những thay đổi ở Liên Xô, các tiến trình chính trị trong nước đã lan rộng tới các nước láng giềng. Các công dân của nước Cộng hòa Dân chủ Đức đã đòi hỏi có những cải cách, và sau đó, nhanh chóng đòi thống nhất nước Đức, ban lãnh đạo Liên Xô đã đối mặt với những lựa chọn khó khăn. Ở Liên Xô, và cả ở nhiều nước châu Âu khác, tiến trình thống nhất đất nước đã gợi lên những sự hoài nghi và lo sợ. Những nghi ngờ của Margaret Thatcher, Francois Mitterand và nhiều nhà lãnh đạo khác ở thời kỳ đó là hoàn toàn dễ hiểu. Suy cho cùng, thảm kịch của Chiến tranh thế giới thứ hai vẫn còn sống động trong ký ức mọi người. Nhưng cũng có những lý do khác lý giải thái độ ngờ vực của họ. Người dân Liên Xô, từng chịu đựng những đau thương lớn nhất trong cuộc xâm lăng của Hitler, cũng có những lý do để lo lắng. Cùng thời điểm đó, những sự kiện nối tiếp nhau với một tốc độ ngày càng tăng ở hai nước Đức, khi nhân dân với vai trò là tác nhân chính đòi hỏi một sự thay đổi và khẳng định mong muốn được sống trong một đất nước thống nhất: "Chúng tôi là một quốc gia".

Trong một cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo Xôviết hồi tháng 1/1990, chúng tôi đã thảo luận về diễn biến của tình hình, và chúng tôi đã đi đến kết luận rằng Liên Xô không cản trở tiến trình thống nhất này, nhưng nó phải được thực hiện phù hợp với những lợi ích của toàn thể châu Âu và của Liên Xô cũng như của chính những người dân Đức. Nếu chúng ta né tránh một sự đánh giá mang tính thực tế và có trách nhiệm, hay nếu chúng ta đưa ra một quyết định khác, các sự kiện có lẽ đã diễn ra theo một chiều hướng rất khác, có thể là thảm kịch. Việc sử dụng vũ lực có thể đã dẫn đến một cuộc tắm máu quy mô lớn. Chúng ta đã đi theo con đường đòi hỏi phải có những quyết định chính trị và một đường lối ngoại giao tích cực. Cơ chế 2+4 (diễn đàn gồm Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Dân chủ Đức + Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp) đã được thiết lập nhằm xử lý những vấn đề bên ngoài tiến trình thống nhất nước Đức. Vấn đề khó khăn nhất là việc nước Đức thống nhất gia nhập Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tôi ủng hộ một nước Đức trung lập. Tổng thống George Bush đã phản đối tôi: "Tại sao? Các ông sợ người Đức ư? Do vậy, họ phải "có chân" trong NATO". Và tôi đập lại ông ta: "Người ta có thể nói rằng chính các ông sợ họ".

Chúng tôi đã bàn luận về nhiều khả năng khác nhau. Cuối cùng, chúng tôi nhất trí đi đến kết luận rằng nước Đức thống nhất sẽ có thể tự quyết định về việc gia nhập NATO của họ, nhưng những lợi ích an ninh của Liên Xô phải được coi trọng. Điều đó cần đến các cuộc thương lượng đặc biệt. Cuối cùng, những quy định sau đây đã được xây dựng trong Hiệp ước thống nhất nước Đức: quân đội Liên Xô có mặt trên lãnh thổ của nước Đức trước thống nhất trong giai đoạn chuyển tiếp; quân đội NATO không được đóng trên lãnh thổ Đức sau giai đoạn chuyển tiếp; không được triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ này; phải cắt giảm ít nhất 50% quân số trong các lực lượng vũ trang của Cộng hòa Liên bang Đức. Đó là những quy định bắt buộc quan trọng cần phải được tuân thủ trong suốt thời kỳ tiếp sau đó. Trong những năm tháng này, người Đức đã chứng tỏ cam kết của họ về hòa bình và dân chủ, và Chính phủ Đức đã hướng tới một trường quốc tế nói chung mang tính xây dựng và trách nhiệm. Lịch sử sẽ đánh giá tích cực những nhà lãnh đạo chính trị đã hành động ở thời điểm đó.

Việc thống nhất nước Đức đã là một giai đoạn chủ yếu trong tiến trình kết thúc Chiến tranh Lạnh. Khi đó, nhiều triển vọng đã được mở ra cho thế giới, và đặc biệt cho châu Âu. Bóng dáng của một châu Âu mới đã hiện hình kể từ bản Hiến chương Paris – được ký kết bởi các nhà lãnh đạo của tất cả các nước châu Âu cũng như Mỹ và Canada. Khi đó, châu Âu có lẽ đã xuất hiện như là một hình mẫu cho các khu vực khác bằng cách tạo dựng một hệ thống tương trợ an ninh vững chắc và trở thành người lãnh đạo trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu. Tuy nhiên, các sự kiện đã diễn ra theo một chiều hướng khác. Nền chính trị châu Âu và quốc tế đã không vượt qua được sự thử thách của những điều kiện mới của quá trình toàn cầu hóa sau Chiến tranh Lạnh. Kể từ khi thành lập Diễn đàn năm 2003, chúng tôi chưa bao giờ gặp nhau trong một bối cảnh căng thẳng và nặng nề như vậy. Các cuộc tắm máu ở châu Âu và Trung Đông, trên bối cảnh của việc cắt đứt đối thoại giữa các cường quốc lớn, là rất đáng lo ngại. Thế giới đang đứng trên bờ vực của một cuộc "Chiến tranh lạnh" mới. Một số người cho rằng nó thậm chí đã bắt đầu.
Và tuy nhiên, trong khi tình hình đã trở nên tồi tệ, cơ quan quốc tế chủ yếu – Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc – không đóng vai trò gì dù là nhỏ nhất hoặc không thực thi một sáng kiến cụ thể nào. Họ đã làm gì để chấm dứt các cuộc đánh nhau và tàn sát? Lẽ ra họ đã phải quyết tâm hành động để đánh giá tình hình và phát triển một chương trình hành động chung. Nhưng điều này đã không được thực hiện, và vẫn không được thực hiện. Vì lý do gì?

Những tháng gần đây, lòng tin được xây dựng một cách vất vả từ những nỗ lực chung trong tiến trình chấm dứt Chiến tranh Lạnh đã sụp đổ. Không có lòng tin, các mối quan hệ quốc tế trong thế giới toàn cầu sẽ không thể được hình thành. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm khi gắn thực trạng này chỉ với những sự kiện mới xảy ra gần đây. Thực vậy, lòng tin không phải mới bị xói mòn ngày hôm qua, mà từ trước đó rất lâu, và trên thực tế những căn nguyên của tình hình hiện tại bắt nguồn từ các sự kiện của những năm 1990. Sự kết thúc Chiến tranh Lạnh chỉ là khởi đầu của một con đường hướng tới một châu Âu mới và một trật tự thế giới vững chắc hơn. Tuy nhiên, thay vì xây dựng những cơ chế và thể chế an ninh châu Âu mới, và theo đuổi tiến trình phi quân sự hóa các chính sách châu Âu trên quy mô lớn – như đã hứa hẹn trong tuyên bố London của NATO ngày 6/7/1990, phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đã tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Lạnh. Các nhà lãnh đạo phương Tây bị choáng ngợp bởi sự hưng phấn và hiếu thắng. Lợi dụng sự suy yếu của Nga và việc không có đối trọng, họ đã xem thường những lời cảnh báo, đòi độc quyền lãnh đạo và thống trị thế giới.

Những sự kiện trong thời gian gần đây là hậu quả của những chính sách thiển cận, của sự ham muốn áp đặt ý chí và những việc đã rồi bất chấp những lợi ích của các đối tác. Một danh sách ngắn các vấn đề sau đây cũng đủ nói lên điều đó: mở rộng NATO, vấn đề Nam Tư, đặc biệt là vấn đề Kosovo, các dự án phòng thủ chống tên lửa, vấn đề Iraq, Libya và Syria. Nói một cách ẩn dụ: "Một nốt phỏng da cũng có thể trở thành một vết thương chảy máu và mưng mủ". Và ai phải chịu tổn thất lớn nhất từ những gì đã xảy ra? Câu trả lời thật rõ ràng: châu Âu, ngôi nhà chung của chúng ta. Thay vì là nhà lãnh đạo của sự thay đổi trong thế giới toàn cầu, châu Âu đã trở thành một vũ đài của những cơn chấn động chính trị, của sự tranh giành giữa các phạm vi ảnh hưởng và, cuối cùng, là của sự xung đột vũ trang. Hậu quả không tránh khỏi là châu Âu trở nên suy yếu vào thời điểm mà các trung tâm quyền lực và ảnh hưởng khác lại nổi lên. Nếu châu Âu tiếp tục như vậy, thì châu lục này sẽ không còn có một tiếng nói mạnh mẽ trong các vấn đề thế giới và sẽ dần dần bị loại khỏi cuộc đua. Tất cả điều này cũng có một tác động tiêu cực lên các mối quan hệ giữa Nga và Đức. Việc duy trì thực trạng hiện tại có thể gây những tổn thất lâu dài cho các mối quan hệ từng được coi là mẫu mực cho tới thời điểm đó. Không có quan hệ đối tác Nga-Đức, sẽ không thể có an ninh ở châu Âu.

Tìm một lối thoát cho tình hình này bằng cách nào? Kinh nghiệm của những năm 1980 cho thấy một lối thoát ngay cả trong những trường hợp tưởng như không còn hy vọng. Tình hình thế giới ở thời kỳ đó không phải là ít cấp thiết và ít nguy hiểm hơn bây giờ. Tuy nhiên, chúng ta đã đảo ngược được tình hình, không chỉ qua việc bình thường hóa các quan hệ mà còn chấm dứt được sự đối đầu và Chiến tranh Lạnh. Các nhà lãnh đạo chính trị của giai đoạn đó đáng được biết ơn vì điều này. Tất cả điều đó được thực hiện trước hết thông qua việc nối lại đối thoại.

Những xu hướng tiêu cực có thể và phải được ngăn chặn và đảo ngược. Muốn vậy, chìa khóa cần có là ý chí chính trị và việc xác định các ưu tiên. Ưu tiên thứ nhất trong bối cảnh hiện tại là khởi động lại đối thoại và qua đó, tìm lại được khả năng tương tác và lắng nghe lẫn nhau. Những dấu hiệu đầu tiên của việc nối lại đối thoại từ nay đã trở nên rõ rệt. Những kết quả, dù còn ít ỏi và mong manh, đã đạt được với thỏa thuận ngừng bắn Minsk và một tiến trình giải ước quân sự ở Ukraine, các thỏa thuận ba bên về khí đốt giữa Nga, Ukraine và Liên minh châu Âu (EU), và việc ngừng leo thang các đòn trừng phạt lẫn nhau. Trong bối cảnh này, cần thiết lưu ý đến những phát biểu gần đây của Vladimir Putin tại câu lạc bộ Valdai. Dù có những lời chỉ trích gay gắt phương Tây, và đặc biệt là Mỹ, trong bài phát biểu của mình, Putin vẫn thể hiện mong muốn tìm thấy một con đường hướng tới việc giảm bớt căng thẳng và, trong tương lai, xây dựng một nền tảng mới cho quan hệ đối tác. 

Điều cần làm – và càng sớm càng tốt, đó là chuyển từ các cuộc cãi vã và tố cáo lẫn nhau sang việc tìm kiếm những điểm đồng nhất và dỡ bỏ dần các biện pháp trừng phạt đang gây ra những tổn thất cho cả hai bên. Trước hết, cái gọi là các biện pháp trừng phạt cá nhân nhằm vào các nhân vật chính trị và các nghị sỹ châu Âu phải được dỡ bỏ để họ có thể tham gia tiến trình tìm kiếm các giải pháp có thể chấp nhận được với các bên. Một trong những không gian tương tác này có thể giúp Ukraine vượt qua những hậu quả của một cuộc chiến tranh "huynh đệ tương tàn", và tái thiết những khu vực bị thiệt hại.

Sẽ không dễ dàng đạt được những mục tiêu ngắn hạn này. Nhưng, chúng ta đồng thời phải tiếp tục một cách tích cực những nỗ lực trong tất cả các lĩnh vực khác của chương trình hành động chung của chúng ta. Đối thoại có một tầm quan trọng sống còn đối với hai trong số những nước đã gánh chịu nhiều tổn thất. Trước hết, đó là xây dựng quan hệ hợp tác nhằm vượt qua những thách thức của thế giới và sau đó, xây dựng nền an ninh chung châu Âu. Các vấn đề thế giới – như chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, kể cả mang tính chất sắc tộc; tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng; ô nhiễm môi trường, vấn đề tài nguyên và các làn sóng di cư; các dịch bệnh – ngày càng trở nên nghiêm trọng. Và dù khác nhau, chúng có chung một điểm: không cần đến giải pháp quân sự. Nhưng các cơ chế chính trị để giải quyết chúng vẫn còn thiếu hoặc trục trặc, không thể theo kịp tốc độ xấu đi của tình hình. Những bài học từ cuộc khủng hoảng thế giới hiện nay có lẽ đã thuyết phục chúng ta tìm kiếm một mô hình mới cho phép đảm bảo tính bền vững về mặt chính trị, kinh tế và môi trường. Đó là một vấn đề cần được xử lý không chậm trễ.
Về vấn đề an ninh châu Âu, lại một lần nữa chúng ta có chứng cứ cho thấy rằng đó phải là vấn đề mang tính tổng thể của châu Âu. Những dự định giải quyết vấn đề an ninh ở châu Âu thông qua việc mở rộng NATO hay thông qua một chính sách quốc phòng châu Âu không thể mang lại những kết quả tích cực. Quả thực, chúng còn phản tác dụng. Do vậy, chúng ta phải bắt đầu lại từ đầu và hành động dựa trên những kế hoạch nhằm xây dựng một hệ thống an ninh châu Âu có thể mang lại một sự an tâm và những đảm bảo cho tất cả các bên tham gia. Chúng ta cần có những thể chế và các cơ chế vận hành vì lợi ích của tất cả các bên. Cần phải thừa nhận rằng Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), mà người ta đã kỳ vọng, đã không làm tốt nhiệm vụ của nó. Liệu điều đó có nghĩa là tổ chức này cần phải được loại bỏ và thay thế bằng một điều gì khác hoặc chưa từng có hay không? Tôi không nghĩ như vậy, bởi OSCE từ nay có những chức năng giám sát quan trọng ở Ukraine. Nhưng đó là một tòa nhà đòi hỏi phải có những sửa chữa lớn và thêm một vài công trình mới.

Trong thời đại của mình, Hans Dietrich Genscher, Brent Scowcroft và các nhà ra quyết định chính trị khác đã đề nghị thành lập một hội đồng bảo an hay một ban lãnh đạo cho châu Âu. Tôi ủng hộ quan điểm này. Cũng với tinh thần này, Dmitry Medvedev, trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, đã hé mở một sáng kiến thành lập một cơ chế ngoại giao phòng ngừa ở châu Âu và tham vấn bắt buộc trong trường hợp có sự đe dọa tới nền an ninh của một bên. Nếu như một cơ chế như vậy được thành lập, thì những kịch bản xấu nhất của các sự kiện Ukraine có lẽ đã tránh được. Tuy nhiên, những ý tưởng này và những "ý tưởng châu Âu" khác đã bị xếp xó. Đương nhiên, các nhà lãnh đạo có thể bị xem như là những người chịu trách nhiệm, song mỗi người trong số chúng ta cũng vậy: bao gồm tầng lớp chính trị châu Âu, các thể chế của xã hội dân sự và giới truyền thông. Chúng ta cần phải tính đến một sáng kiến phi chính phủ nhằm khởi động lại việc xây dựng một ngôi nhà chung châu Âu. Tôi gợi ý rằng chúng ta hãy nghĩ tới diện mạo của một sáng kiến như vậy.

Tôi thực sự không bi quan, và tôi luôn được nhìn nhận là một người lạc quan. Nhưng cần phải thừa nhận rằng rất khó để lạc quan trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không khuất phục sự sợ hãi và thất vọng, hay cam chịu thụ động tiêu cực. Điều đó có thể dẫn chúng ta tới một vòng xoáy không lối thoát. Kinh nghiệm cay đắng của những tháng gần đây phải được chuyển thành một ý chí nối lại đối thoại và hợp tác. Đó là điều mà tôi đã kêu gọi các nhà lãnh đạo Nga, và tất cả các bạn. Chúng ta hãy cùng nhau suy nghĩ, đề xuất và hành động.

Mikhail Gorbachev, Tổng thống đầu tiên của Liên Xô cũ. Bài viết được đăng trên tạp chí La revue internationale et stratégique, (Pháp) số 97/2015.

Hương Lan (gt)