Chiến lược "tái cân bằng" gần đây của Washington cho thấy sự tập trung chú ý tương tự như vậy. Trong bối cảnh châu Á phát triển mạnh mẽ, mỗi chính phủ đều thấy được các cơ hội lớn lao. Vấn đề chưa rõ ràng là liệu Mỹ và Ôxtrâylia đã cân nhắc toàn bộ những mối đe dọa và thách thức đang nổi lên tại châu Á cũng như đã chuẩn bị biện pháp phối hợp ứng phó hay chưa. Với tư cách là các đồng minh lâu dài, hai nước này đã chuẩn bị tốt cho các tình huống bất ổn quân sự khác nhau. Tuy nhiên, các nhà phân tích của cả hai nước đã chỉ ra ít nhất bốn thách thức trong quá trình phát triển trong khu vực. 

Thứ nhất, vấn đề đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn nước, năng lượng và lương thực là một ưu tiên hàng đầu đối với châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Lượng nước sụt giảm đột ngột tại vùng đồng bằng phía Bắc Trung Quốc đòi hỏi phải có những biện pháp xử lý quyết liệt. Nhu cầu năng lượng của Trung Quốc được dự báo sẽ nhanh chóng phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt. Một thảm họa khác là gánh nặng tăng trưởng của các thành phố châu Á, nơi việc cung cấp nước và năng lượng không thể đáp ứng đủ nhu cầu. Trong bối cảnh người dân châu Á ngày càng giàu có hơn và có xu hướng tập trung tại các đô thị, nhu cầu về lương thực, đặc biệt là thịt và cá tăng mạnh, giá cả cũng tăng vọt theo. 

Với may mắn có nguồn lương thực, năng lượng và nguyên liệu dồi dào cũng như nguồn nước phong phú, người dân Mỹ và Ôxtrâylia có thể không nhận ra những thách thức an ninh phi truyền thống tiềm ẩn này. Người Mỹ thường hiểu "an ninh" mang nghĩa an ninh quân sự. Tuy nhiên, đối với người tiêu dùng thì việc đảm bảo tiếp cận nguồn nước, lương thực và năng lượng đồng nghĩa với các nguồn cung ở giá có thể chấp nhận, được vận chuyển an toàn và đáng tin cậy. Để trở thành một nhà cung cấp đảm bảo cần đáp ứng yêu cầu có thể dự báo, quản lý minh bạch cũng như các điều kiện chính trị giúp xây dựng lòng tin của thị trường. 

Nhu cầu an ninh chính đáng của châu Á đối với nguồn nước, lương thực và năng lượng cần nhận được sự quan tâm chú ý của tất cả các cường quốc châu Á-Thái Bình Dương. Nếu các biện pháp ứng phó với những thách thức này trên cơ sở thị trường không đủ thì liệu Mỹ và Ôxtrâylia có cân nhắc thay đổi chính sách và hành động của mình vì an ninh khu vực hay không? Họ đã bắt đầu làm như vậy để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu nhưng phải mãi sau một cuộc tranh luận công khai kéo dài. Tương tự, liệu họ có thể ủng hộ các biện pháp quản lý phi thị trường trên phạm vi toàn khu vực để bù cho các biện pháp thị trường tự do hay không? Một ví dụ là kế hoạch chia sẻ lương thực hoặc năng lượng khẩn cấp toàn châu Á, gần giống với Các biện pháp phối hợp ứng phó khẩn cấp về dầu mỏ (CERM) của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Thỏa thuận về một kế hoạch như vậy phù hợp với châu Á mặc dù hiện là không thể nhưng là có thể trong tương lai. 

Thứ hai, việc quản lý và lãnh đạo khu vực hiện vẫn không đồng nhất. Cả Trung Quốc và Nhật Bản đều không đủ sức trở thành lãnh đạo toàn cầu thực thụ. Các thể chế hoặc là yếu kém, hoặc là cần cải tổ hoàn toàn. Đối với quyết tâm của Trung Quốc, Diễn đàn Khu vực ASEAN tránh thảo luận về các vấn đề nghiêm trọng nhất gây căng thẳng trong khu vực. Hội nghị G7 không hành động đủ để giải quyết các vấn đề kinh tế toàn cầu. Hội nghị G20 mà Ôxtrâylia sẽ là chủ tịch năm 2014, có lượng quyền bỏ phiếu lớn hơn cho châu Á và có thể có vai trò lớn hơn trong Quyền Rút vốn Đặc biệt (SDR). 

Theo quan sát của Colin Bradford, các cường quốc hạng trung như Ôxtrâylia có thể bù lấp khoảng trống lãnh đạo vì họ "đại diện cho nhiều hơn cả lợi ích bản thân". Họ quan tâm tới chủ nghĩa đa phương, áp dụng phương pháp tiếp cận thực dụng đối với các vấn đề và giúp làm dịu xung đột giữa các nước lớn. 

Thứ ba, quá trình chuyển dịch của Trung Quốc vào trật tự khu vực và toàn cầu cần được xử lý thận trọng. Tin đồn về hội nghị "G2" giữa Mỹ và Trung Quốc là vô lý. Mục tiêu của Tập Cận Bình về "quan hệ cường quốc mới" không phải là thống trị thế giới mà là quản lý quan hệ Mỹ-Trung và bác bỏ giả thuyết cho rằng một cường quốc đang nổi chắc chắn sẽ gây chiến với một cường quốc khác. Tuy nhiên, mục tiêu của Trung Quốc đối với khu vực là không rõ ràng. 

Đối với các vấn đề mới đây như an ninh mạng, quản lý biển, biến đổi khí hậu và không gian, nơi không có thể chế phương Tây nào chi phối, người Trung Quốc cảm thấy dễ chịu hơn nhưng họ sẽ không từ bỏ quyết tâm tăng trưởng của mình. 

Thứ tư, trật tự khu vực hình thành từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai và Chiến tranh Triều Tiên có thể thay đổi theo chiều hướng không mong đợi. Chính phủ Bắc Triều Tiên có thể sụp đổ, dẫn tới kết quả một bán đảo Triều Tiên thống nhất có vũ khí hạt nhân. Nhật Bản có thể thành công trong khi Trung Quốc vấp ngã. Khả năng thành công của "học thuyết Abe" có thể nâng cao sức mạnh của Nhật Bản, trong khi Trung Quốc có nguy cơ chỉ tăng trưởng rất thấp, chịu siêu lạm phát và bạo loạn quy mô lớn ở trong nước. Một lãnh đạo Đông Nam Á năng động có thể xuất hiện và tìm kiếm biện pháp thay đổi trật tự hiện tại. Mỹ và Ôxtrâylia cần thảo luận những khả năng này và so sánh biện pháp cảnh báo sớm cũng như giải quyết vấn đề. 

Cuối cùng, Ôxtrâylia cần nhận thức rằng học thuyết "thế kỷ châu Á" không được Washington thực sự chú ý. Quan điểm của Ôxtrâylia là riêng biệt và phức tạp nhưng các nước khác gắn thuật ngữ này với các kế hoạch kinh tế thuần túy và ảnh hưởng chính trị của khối GDP lớn (đối lập với GDP trên đầu người, các chỉ số xã hội, "quyền lực mềm" và các chỉ số khác). Học thuyết trên có thể một lần nữa khơi dậy ý tưởng "giá trị châu Á" khác biệt và cao hơn so với "giá trị phương Tây". Học thuyết này cũng có thể dẫn tới sự tự hào giả tạo và ảo tưởng đối với thế hệ thanh niên châu Á. 

Tuy vậy, gạt bỏ những lời nói đó thì Canberra và Washington cần hợp tác để tận dụng lợi thế từ sự trỗi dậy của châu Á theo hướng mang lại lợi ích cho toàn bộ khu vực. Ôxtrâylia có vị trí đặc biệt tại Đông Nam Á và Mỹ có sức mạnh khá lớn tại Đông Bắc Á. Mỹ tiếp tục là một cường quốc đáng tin cậy tại Thái Bình Dương nhưng việc thoát ra khỏi các cuộc xung đột tốn kém tại Trung Đông cần có thời gian. Hiện Ôxtrâylia đang có cơ hội lớn mang lại sự khác biệt tại châu Á với sự hỗ trợ của Mỹ. Không phải Mỹ "lãnh đạo từ phía sau" mà là hỗ trợ tích cực với sự phối hợp chiến lược và chiến thuật sâu sắc./.

Bài của Tác giả Ellen L. Frost thuộc Đại học Quốc phòng Mỹ đăng trên Tạp chí Diễn đàn Đông Á.

Thuỳ Anh (gt)