CrPgZ9em.jpg

Ngay cả bây giờ, dù nhìn lại qua lăng kính đầy thành kiến về những trải nghiệm tiếp sau bài phát biểu tranh cử năm 2008 của Tổng thống Barack Obama ở Berlin, thì đó dường như vẫn còn là một điều rất đặc biệt. Hàng chục nghìn người chủ yếu là thanh niên Đức đã tập trung tại trung tâm thành phố để lắng nghe ứng cử viên tổng thống Mỹ trong bầu không khí mà tờ The Guardian đã mô tả như là "một liên hoan nhạc pop, một sự hội tụ mùa hè của hòa bình, tình yêu và sự chán ghét về George Bush". Các con đường đã được đóng lại cho sự kiện này. Các ban nhạc đã biểu diễn để “hâm nóng” bầu không khí cho đám đông.

Khi cất lời, Obama chỉ nói về những gì mà người Đức và rất nhiều người châu Âu khác muốn lắng nghe. Ông đã tái khẳng định cam kết của Mỹ với châu Âu, gợi lại sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ. Ông đã ca ngợi phẩm giá của "các đồng minh, những người sẽ lắng nghe nhau, học hỏi lẫn nhau, và hầu hết tất cả đều tin tưởng lẫn nhau". Ông đã liệt kê một loạt vấn đề toàn cầu và tuyên bố rằng "không một quốc gia nào, dù lớn mạnh ra sao, có thể một mình đánh bại được những thách thức như vậy". Theo tờ The Guardian, chính cụm từ đó đã tạo ra những tiếng reo hò kéo dài, nồng nhiệt.

Không phải chỉ mình nước Đức sung sướng. Chẳng bao lâu sau khi được bầu làm tổng thống, Obama đã được trao giải Nobel Hòa bình, dường như đơn giản do thực tế rằng ông không phải là George W. Bush. Với những kiểu kỳ vọng phi lý như vậy bao quanh "vương miện" tổng thống của mình, rõ ràng là Obama khó có thể tránh khỏi việc gây thất vọng cho những người châu Âu. Nhìn lại thì điều đáng ngạc nhiên chính là "tốc độ" mà Obama đã làm cho những người châu Âu thất vọng về mình.

Câu chuyện năm 2009

Ba sự cố đầu tiên cho thấy bản chất của vấn đề. Đầu tiên là cái gọi là "cài đặt lại" (quan hệ) với Nga. Vào tháng 3/2009, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã gặp gỡ người đồng cấp Nga của bà là Sergey Lavrov và tặng ông ta một món quà: một "nút cài đặt lại" màu đỏ khổng lồ được chế tạo đặc biệt phục vụ sự kiện này. Mặc dù có một lỗi dịch nhầm đáng tiếc (từ tiếng Nga được in trên món quà này trên thực tế có nghĩa là "bán với giá cao" không phải là "cài đặt lại"), song cả hai đã mỉm cười và cùng nhau ấn nút trước ống kính. Hàm ý của hành động này đã rõ ràng: mối quan hệ Mỹ-Nga, không hiểu vì sao đã bị hủy hoại bởi Chính quyền Bush, giờ đây có thể bắt đầu lại từ đầu. Chắc chắn tại thời điểm đó, không có những khác biệt cơ bản hay chia rẽ căn bản nào không thể được nối lại thông qua đối thoại.

Sự kiện quan trọng thứ hai là Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào tháng 4/2009, đánh dấu kỷ niệm 60 năm của liên minh này. Giống như rất nhiều sự kiện của NATO, hội nghị thượng đỉnh này dường như được thiết kế để "giết" thời gian. Mỗi nước thành viên đã cử người đứng đầu nhà nước của mình đến dự. Tất cả trong số họ cảm thấy mình có quyền thực hiện một bài phát biểu dài, với những ngôn từ thông thường về cam kết, ý nghĩa... Không có gì quan trọng được đề cập hoặc quyết định tại sự kiện này. Một yêu cầu của Mỹ về việc tăng thêm binh lính tại Afghanistan đã hầu như không nhận được sự hưởng ứng nào.

Sự kiện thứ ba là quyết định của Chính quyền Obama vào tháng 9/2009, theo đó hủy bỏ chương trình phòng thủ tên lửa phía Đông châu Âu, chương trình được đề xuất bởi Tổng thống Bush và nó sẽ đòi hỏi lắp đặt "phần cứng" tại Cộng hòa Séc và Ba Lan. Quyết định này hoàn toàn không gây ngạc nhiên vì trước đó Obama đã bày tỏ những nghi ngờ vô cùng hợp lý về giá trị và tính khả thi của chương trình tốn kém này. Tuy nhiên, cách thức công bố quyết định này đã gây ra một số phiền muộn. Phản ứng một cách rõ ràng trước những gì được cho là rò rỉ, các quan chức Nhà Trắng đã đánh thức Thủ tướng Séc vào nửa đêm để nói với ông về quyết định này, còn Thủ tướng Ba Lan đã từ chối nhận một cuộc gọi tương tự. Cả hai chính phủ này đã đầu tư một lượng lớn vốn liếng chính trị vào chương trình này, không phải vì lợi ích của riêng mình mà bởi vì cả hai đều muốn có một sự hiện diện quân sự của Mỹ trên đất nước họ vì mục đích an ninh. Cả hai đều đã không được chuẩn bị cho quyết định này và cảm thấy bối rối vì điều đó.

Nói cách khác, nhìn lại năm 2009, có thể thấy trước các mô hình mà theo đó sẽ định hình mối quan hệ giữa Mỹ, châu Âu và Nga trong 5 năm tiếp theo. Ít nhất cho đến gần nửa cuối nhiệm kỳ thứ hai của ông Obama, bản thân tổng thống hay bất kỳ ai trong nhóm chính sách đối ngoại của ông đều không xem xét vấn đề an ninh của châu Âu một cách nghiêm túc. Lục địa này đã được coi là an toàn và trì trệ, một nơi dành cho các cơ hội chụp hình hơn là các thảo luận thực sự. NATO, tổ chức thậm chí sau đó rất cần sự thay đổi thể chế một cách triệt để, đã bị cho là không đáng chú ý đến mức phải bận tâm đến việc cải cách. Sự từ chối của châu Âu đóng góp thêm binh lính tới Afghanistan đã không tạo ra sự quan ngại mà thay vào đó là một kiểu chán ghét. Những mối lo ngại về an ninh của các nước Trung Âu và các nhà nước Baltic chỉ là điều được nghĩ đến sau, thậm chí không có bất kỳ giá trị nào cho nỗ lực ngoại giao bổ sung. Mặc dù Liên minh châu Âu (EU) đã dần dần phát triển một mối quan hệ sâu sắc hơn với Kiev, song Ukraine vẫn khó tìm thấy chỗ đứng trong tư duy của Mỹ vào thời điểm đó. Bất chấp sự ủng hộ mà những người châu Âu đã dành cho ông Obama trong chiến dịch tranh cử của mình, ông dường như đã nhanh chóng kết luận rằng những nỗ lực thực sự của ông nên đặt vào những nơi khác.

Đối với Nga, phân tích lại rõ ràng. Tất cả các vấn đề trong quan hệ Mỹ-Nga là lỗi của vị tổng thống tiền nhiệm, với lời lẽ hiếu chiến cùng với lá chắn phòng thủ tên lửa của mình. Cuộc chiến năm 2008 của Nga với Gruzia đã được lặng lẽ đổ lỗi cho Tổng thống Gruzia Mikheil Saakashvili. Những khác biệt sâu sắc về tâm lý, triết học và chính sách, điều đã thực sự là nguồn gốc chủ yếu cho sự va chạm giữa các chính phủ Mỹ và Nga trong thập niên trước đó, đã bị bỏ qua hay xem thường.

Tuy nhiên, thậm chí vào đầu năm 2009, những khác biệt đó đã ngày càng trở nên sâu sắc hơn. Với những gì diễn ra sau này, sẽ là đáng giá khi xem lại phát biểu của Ngoại trưởng Nga Lavrov tại Diễn đàn tháng 3/2009 của Quỹ Marshall Đức tổ chức tại Brussels. Nói chuyện với các nhà hoạch định chính sách trong quá khứ và hiện tại mà một vài người trong số đó đã giúp chia cắt khối Hiệp ước Vacsava và mở rộng NATO trong những năm 1990, ông Lavrov đã đề nghị rằng phương Tây cần phải dựa vào Nga, rằng NATO vẫn là một mối đe dọa cho Nga, rằng Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) nên thay thế NATO với tư cách là tổ chức an ninh hàng đầu của phương Tây, và rằng Nga sẽ có rất nhiều khách hàng tiềm năng cho khí đốt của mình ở Đông Á nên khách hàng phương Tây sẽ không bao giờ trở thành vấn đề quan trọng.

Các tín hiệu bị bỏ qua

Không có điều gì trong số đó nghe có vẻ giống như giọng điệu của một quốc gia đã sẵn sàng cho một sự "cài đặt lại", cũng như chiến lược phát triển quân sự của Nga đã không có bất kỳ suy giảm nào. Trong cuộc tập trận quân sự lớn mang tên Zapad 2009 do Nga tổ chức năm 2009, quân đội Nga đã diễn tập một kịch bản đặc biệt hung hăng: phòng thủ một cuộc xâm lược Belarus từ khu vực Baltic và một cuộc chiến tranh với các lực lượng như NATO, đỉnh điểm là lần đầu tiên sử dụng tấn công hạt nhân (giả định) vào Vacsava (Ba Lan). Hoảng sợ trước điều này, Ba Lan và các nước Baltic đã đẩy mạnh vận động hành lang cho một sự hiện diện lớn hơn của NATO tại khu vực. Trong các cuộc trao đổi riêng, nhiều quan chức đã lo ngại rằng Nga sớm muộn sẽ làm những gì mà quân đội của họ đã diễn tập. Đó là điều đã xảy ra ở Gruzia. Tuy nhiên, cả NATO lẫn Chính quyền Obama đều chưa quan tâm một cách nghiêm túc đến các kịch bản cực đoan như vậy. Ý tưởng cho rằng Nga có thể một lần nữa gây ra mối đe dọa quân sự thực với châu Âu dường như vẫn có vẻ vô lý.

Điều này không phải để nói rằng Chính quyền Obama đã được thúc đẩy hoàn toàn bởi sự ngây thơ. Ngay cả vào năm 2009 và 2010, đã có một vài ảo tưởng về bản chất của chế độ Nga. Tháng 7/2009, khi Obama có cuộc gặp đầu tiên với Vladimir Putin, nhà lãnh đạo Nga này đã lên lớp vị Tổng thống Mỹ một cách thô bạo. Cả hai đã trao đổi thẳng thắn về vấn đề phòng thủ tên lửa, Gruzia và những điểm nóng. Tuy nhiên Nhà Trắng vẫn nghĩ rằng họ có thể làm việc xung quanh Putin và giải quyết trực tiếp với Dmitry Medvedev, người mặc dù đang giữ cương vị tổng thống vào thời điểm đó song có rất ít quyền lực. Ban đầu, một quan chức của Chính quyền Obama đã nói với tác giả rằng chính sách của Nhà Trắng là "giả định Medvedev thực sự là tổng thống". Ý tưởng này là nhằm cố gắng thúc đẩy công việc được giải quyết với Nga, trong đó có việc vận chuyển hậu cần cho quân đội Mỹ ở Afghanistan cũng như trợ giúp các cuộc đàm phán với Iran, đồng thời không để dẫn tới các trận giao tranh vô nghĩa.

Điều quan trọng cần chú ý chính là các đồng minh của Mỹ cũng đã làm tương tự. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã rất cố gắng để phát triển một mối quan hệ thực sự với Medvedev, và ngành công nghiệp Đức vào thời điểm đó đã đầu tư mạnh vào Nga. Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi đã dự tiệc với Putin ở Sardinia. Các quốc gia Trung Âu và Baltic đã duy trì mối quan hệ dân sự với Nga trong giai đoạn này và duy trì sự cởi mở trong một loạt mối liên hệ rộng rãi. Bản thân Putin đã có phần bớt gay gắt trong giọng điệu của mình. Năm 2009, ông thậm chí đã tham dự lễ kỷ niệm sự kiện Chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ tại Westerplatte, Ba Lan. Đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Nga đã tới một sự kiện mà chính thức thừa nhận rằng cuộc chiến bắt đầu vào năm 1939 với việc Đức và Liên Xô cùng xâm lược Ba Lan, chứ không phải là năm 1941 khi Đức "trở mặt" và xâm lược Liên Xô.

Tuy nhiên, Chính quyền Obama chắc chắn có thể bị coi là có lỗi vì sự tự mãn. Đằng sau hậu trường, một số nước Trung Âu đã cố gắng cảnh báo người Mỹ rằng đằng sau vẻ bề ngoài đó, vị thế chiến lược của Nga đã thay đổi. Tuy nhiên không ai cảm thấy bất kỳ sự cấp bách hay nhu cầu nào trong việc chuẩn bị, kể cả khi những người Nga tiến hành cuộc tập trận Zapad 2013, một cuộc tập trận tương tự như Zapad 2009, song có mức độ lớn hơn. Khoảng 70.000 binh lính đã tham gia cuộc tập trận đó, quân dự bị từ St. Petersburg đã được huy động. Quy mô của hoạt động này phản ánh "kết quả" mà Nga đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào các lực lượng vũ trang của mình trong suốt bốn năm trước đó.

Hai việc nhằm làm dịu bớt nỗi hốt hoảng của Trung Âu được thực hiện vào thời điểm này là (i) các kế hoạch dự phòng của NATO cho một cuộc xâm lược từ khu sườn phía Đông mới mà không một chính quyền Mỹ nào trước đó hay NATO từng cố gắng để có được, và (ii) một cuộc tập trận của NATO vào mùa Thu 2013 ở miền Đông mới của liên minh này, cuộc diễn tập lớn đầu tiên đã được diễn ra tại đó. Tuy nhiên, cuộc diễn tập Steadfast Jazz đã gây thất vọng. Mỹ đã gửi đến 160 binh sĩ. Đức gửi 55 binh lính. Những đóng góp lớn nhất đến từ Pháp và Ba Lan, với hơn 1.000 binh sĩ mỗi nước. Đây là một nỗ lực lớn hơn bất cứ nỗ lực nào mà NATO đã thúc đẩy kể từ năm 2006, song trong bối cảnh chuyển đổi mạnh mẽ trong học thuyết quân sự của Nga thì nỗ lực này dường như vẫn còn rất yếu.

Trên thực tế, Moskva đã sử dụng các mối quan hệ tương đối tốt của kỷ nguyên "cài đặt lại" cũng như nhiệm kỳ mà Medvedev giữ chức tổng thống để xây dựng lại quân đội của Nga, tăng cường đàn áp nội bộ, đồng thời đầu tư vào truyền thông và các công ty khác trên toàn châu Âu. Các công ty quốc doanh của Nga đã bắt đầu công khai cố gắng gây ảnh hưởng. Gazprom, người khổng lồ trong lĩnh vực năng lượng của Nga, đã đưa cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schröder vào biên chế trả lương của mình. Tuy nhiên về phản ứng, thay vì tập trung vào việc ngăn chặn như đã làm trong quá khứ, NATO với ngoại lệ ở một vài nước lo lắng như Estonia và Ba Lan, đã bắt đầu trở nên rệu rã.

Tuy nhiên, nguyên trạng này có thể đã được duy trì ít nhất là lâu hơn một chút nếu không có hai sự kiện quan trọng sau. Sự kiện thứ nhất là quyết định của phương Tây trợ giúp quân nổi dậy Libya trong cuộc cách mạng năm 2011. Trớ trêu thay, bản thân chiến dịch này lại là sự phản ánh rõ nét thâm hụt ngân sách quân sự của NATO. Đây phần lớn là dự án của Anh và Pháp, theo đó chiến dịch ném bom chỉ vừa đủ để lật đổ chế độ Libya. Đức và Thổ Nhĩ Kỳ đã phản đối chiến dịch này, trong khi một quan chức Nhà Trắng đã mô tả Mỹ như là lãnh đạo thiếu nhiệt tình "từ phía sau". Trong chiến dịch Kosovo năm 1999, NATO đã thực hiện khoảng 800 vụ không kích một ngày, sử dụng 1.200 máy bay. Tại Libya, liên minh này đã "vật lộn", cụm từ được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates sử dụng, để thực hiện 150 phi vụ mỗi ngày sử dụng 250 máy bay. Thậm chí số lượng hạn chế đó chỉ có thể được thực hiện với sự giúp sức của các chuyên gia Mỹ vào phút chót trong việc tìm chọn mục tiêu và công tác tình báo. Một vài nước đã hết đạn dược và phải vay mượn từ các nước khác.

Tuy nhiên, cái mà cuối cùng là một chiến dịch thành công, theo ngôn từ của nó - buộc nhà lãnh đạo Libya Muammar al-Gaddafi phải rời bỏ quyền lực – đã khiến Nga hoảng sợ. Khi Đông Đức sụp đổ vào năm 1989, Putin là một sĩ quan KGB tại Dresden, người đã chứng kiến các đám đông giải tán các trụ sở Stasi. Kể từ đó, ông tỏ ra đặc biệt không thích và lo sợ các cuộc biểu tình đường phố. Sự hoang tưởng đó đã càng được củng cố bởi cuộc Cách mạng Cam ở Ukraine vào năm 2004, khi các đám đông xuống đường để phản đối một cuộc bầu cử tổng thống bị gian lận và cố gắng hủy bỏ kết quả của nó. Cuộc cách mạng Libya cho thấy một viễn cảnh đáng sợ hơn: các tay du côn đường phố được sự hậu thuẫn của phương Tây đã rượt đuổi và sau đó kết liễu một nhà độc tài, người mà chỉ vài tháng trước đó đã dường như hoàn toàn kiểm soát quyền lực.

Không lâu sau đó là các cuộc bầu cử lập pháp cạnh tranh ở Nga và tuyên bố của Putin rằng ông sẽ tìm kiếm một nhiệm kỳ tổng thống thứ ba mập mờ theo hiến pháp, rồi các cuộc biểu tình đáng sợ đã đến. Những đám đông lớn đã xuất hiện trên các đường phố trên khắp nước Nga, tại Moskva, St. Petersburg và hàng chục thành phố khác. Những người biểu tình đã cáo buộc bầu cử gian lận mà chắc chắn có bằng chứng. Các cuộc biểu tình của họ cũng đã phản ánh sự thành công của một chiến dịch chống tham nhũng ngày càng dâng cao do nhà hoạt động Alexei Navalny lãnh đạo cùng với một số người khác. Bản chất cầm quyền bằng cách ăn cắp tài nguyên quốc gia của nước Nga của Putin đã lần đầu tiên bị công khai rộng rãi trên Internet, thông qua các ấn phẩm và các chiến dịch trực tuyến. Putin đã công khai đổ lỗi cho Chính quyền Obama trong việc tổ chức các cuộc biểu tình và tuyên bố rằng Clinton đã cho các nhà hoạt động "một tín hiệu" để họ bắt đầu.

Trên thực tế, các cuộc biểu tình đường phố ở Nga đã dễ dàng bị đàn áp. Phần lớn những người biểu tình thuộc tầng lớp trung lưu khó có thể tạo thành một đa số. Tuy nhiên, việc các cuộc biểu tình này xảy ra ở một nhà nước dường như là bán cảnh sát được kiểm soát chặt chẽ đã giúp giải thích được phản ứng cực đoan của Putin trước những sự kiện ở Ukraine vào tháng 2/2014, khi một đám đông trên đường phố đã khiến Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych phải bỏ chạy khỏi đất nước. Mặc dù các cuộc biểu tình đã được châm ngòi bởi việc Yanukovych từ chối ký một thỏa thuận thương mại với EU, song động lực sâu xa của các cuộc biểu tình này là cùng một kiểu với sự tức giận trước nạn tham nhũng và kêu gọi hành động, điều đã thúc đẩy những người biểu tình ở Nga hai năm về trước. Đây là bằng chứng đủ rõ ràng để Điện Kremlin đi đến quyết định cần phải có một phản ứng có tính áp đảo và gây sốc.

Việc Nga tiếp đó chiếm giữ Crimea, sau đó là cuộc xâm lược của nước này vào Đông Ukraine, đã gây choáng váng cho các nhà lãnh đạo ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương, vẽ lại đường biên giới châu Âu bằng vũ lực, đồng thời đã buộc Chính quyền Obama phải đánh giá lại chính sách của mình với Nga. Khi cuộc xâm lược này tiếp tục và lấn sâu hơn, Nga đã đưa ra một loạt mối đe dọa mới và tiến hành một làn sóng các cuộc tập trận hung hăng mới, đặc biệt nhắm mục tiêu tới khu vực Baltic, không chỉ Estonia, Latvia và Litva, các nước đã gia nhập NATO vào năm 2004, mà cả với Phần Lan và Thụy Điển, những nước không phải là thành viên NATO. Lần đầu tiên kể từ khi Liên Xô sụp đổ, liên minh xuyên Đại Tây Dương này đã buộc phải nghiêm túc xem xét sự an toàn về thể chất của một số quốc gia thành viên của mình, trong đó có khả năng về một cuộc chiến pha tạp đa hình thái, ví dụ như một cuộc nổi dậy giả danh của nhóm người thiểu số gốc Nga tại một trong những nước Baltic, hay một cuộc đấu tranh xung quanh hành lang đường sắt chạy qua Litva giữa Kaliningrad và phần còn lại của nước Nga.

Obama đã phản ứng có tính hoa mĩ và biểu tượng trước những thay đổi này. Ông đã có những bài phát biểu mang tính khuấy động ở cả Tallinn và Vacsava vào mùa Hè 2014. Tại Ba Lan, nơi ông tham dự lễ kỷ niệm 25 năm các cuộc bầu cử tự do đầu tiên ở đây, ông đã tuyên bố rằng ông đến đây không chỉ đại diện cho Mỹ mà còn thay mặt cho liên minh NATO, "để tái khẳng định cam kết không gì lay chuyển của chúng tôi đối với an ninh của Ba Lan". Ông tiếp tục: "Điều 5 là rõ ràng, một cuộc tấn công vào một nước thành viên là cuộc tấn công vào tất cả. Và với tư cách là những đồng minh, chúng tôi có một nghĩa vụ thiêng liêng, một nghĩa vụ ràng buộc theo hiệp ước, là bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của các bạn". Chính quyền Obama cũng đã tiếp tục hậu thuẫn các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm mục tiêu vào giới đầu sỏ chính trị và các ngân hàng của Nga có quan hệ với Putin. Đồng thời, Obama và chính quyền của ông tiếp tục đề cập đến cuộc khủng hoảng Ukraine như là một vấn đề khu vực, điều dường như nhằm nhấn mạnh về khoảng cách giữa Mỹ và châu Âu.

Những điều chỉnh muộn màng

Cho đến nay các biện pháp trừng phạt đã bị mắc kẹt, phần lớn là vì Thủ tướng Đức Merkel đã không dốc lòng ủng hộ. Trên thực tế, bà đang dẫn đầu chính sách của phương Tây đối với Nga. Merkel là nhà thương thuyết chính với Putin tại Minsk vào năm 2014 và đầu năm nay, nơi mà Nga, Ukraine và các nhà lãnh đạo châu Âu đã tìm cách đạt được một lệnh ngừng bắn ở Đông Ukraine, và bà đã duy trì liên hệ với Putin nhiều hơn bất kỳ nhà lãnh đạo nào khác. Bà xứng đáng có được uy tín rất lớn khi làm như vậy, đặc biệt trong bối cảnh bà đã phải chịu rất nhiều áp lực từ các công ty Đức làm ăn kinh doanh ở Nga. Trong một giai đoạn dài, cường quốc kinh tế của châu Âu này đã thực hiện một số trách nhiệm chính sách đối ngoại khá tốt.

Nhược điểm duy nhất đối với vai trò lãnh đạo của Đức là nước này vì những lý do lịch sử dễ hiểu, sẽ không cân nhắc đến việc sử dụng lực lượng quân sự, ngay cả trong trường hợp phòng thủ hay vì mục đích răn đe. Đức đã liên tục chống lại việc chuyển quân và các căn cứ của NATO tới Ba Lan, Romania và các nước Baltic. Tuy nhiên nếu Putin quyết định không dừng lại ở Ukraine, như ông tiếp tục đe dọa sẽ làm, thì khi đó sẽ phải có một phản ứng mà chỉ Mỹ hay NATO có thể đưa ra. Mỹ, Anh và Ba Lan không phải là một phần trong các nỗ lực ngoại giao của bà Merkel. Ba Lan cùng với Thụy Điển trước đó đã dẫn dắt chính sách hướng Đông của châu Âu. Tổng thống Pháp François Hollande đã được nghĩ đến như là thứ yếu. Sự vắng mặt của các đối tác quân sự nghiêm túc đã làm suy yếu đáng kể sức mạnh của bà Merkel, đồng thời nó đã làm xói mòn các cuộc đàm phán Minsk.

Mặc dù muộn song NATO đã bắt đầu thực hiện những điều chỉnh chiến lược, đáng chú ý nhất là việc đặt một số vũ khí hạng nặng tại các nước giáp biên giới với Nga. Sau khi loại bỏ tất cả các xe tăng của mình ra khỏi châu Âu gần một năm về trước, quân đội Mỹ đã đưa một số trở lại đây vào đầu năm 2014. Các nhà lãnh đạo quân sự của cả Mỹ và NATO đã nhiều lần nhắc lại cam kết của liên minh này về phòng thủ tập thể. Tuy nhiên, không thể không đặt câu hỏi rằng liệu một số trong những điều này nên được thực hiện trước đó hay không. Nếu NATO chuyển một số thiết bị hay thậm chí là thiết lập các căn cứ trên khu vực biên giới phía Đông của nó trong suốt thập kỷ qua trước khi các căng thẳng gia tăng, thì có lẽ nó đã có thể ngăn chặn được sự hung hăng của Nga, ít nhất là đối với các quốc gia NATO và thậm chí có thể cả Ukraine.

Thay vào đó, nhiều năm thờ ơ với vấn đề phòng thủ châu Âu, một phần không phải chỉ do Chính quyền Obama mà còn cả Chính quyền Bush và các thể chế chính trị châu Âu, đã lấy đi sức mạnh của nó. Ảnh hưởng của Nga hiện nay đang tăng lên không chỉ trong thế giới thời hậu Xô Viết. Nga ủng hộ về tài chính và các cách thức khác nhau cho một loạt đảng phái chính trị cực tả và cực hữu chống lại EU và NATO ở châu Âu, từ Mặt trận Quốc gia Pháp và Đảng Tự do của Áo, cho tới Jobbik của Hungary và Syriza của Hy Lạp. Các hoạt động phản thông tin tinh vi của Nga hiện đang thâm nhập vào các phương tiện truyền thông chính thống ở nhiều nước châu Âu. Những nỗ lực của Nga trong việc làm suy yếu Ukraine đang tiếp diễn, thảm họa tài chính cũng như nhiều trận chiến hơn có thể sẽ tiếp nối. Trong bầu không khí hiện nay, Nga không cần phải "phát minh" ra các vấn đề của châu Âu. Nước này chỉ cần làm trầm trọng thêm chúng là đủ.

Ngay bây giờ đây, không điều nào trong số những điều kể trên là ưu tiên của bất cứ ai: châu Âu đang bận rộn với cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp, cuộc trưng cầu dân ý ở Anh sắp tới về tư cách thành viên EU, làn sóng người tị nạn vượt qua Địa Trung Hải trong nỗ lực tới châu Âu. Mỹ có một vai trò lớn trong tất cả các cuộc khủng hoảng này. Đặc biệt, những cuộc vật lộn của Hy Lạp đang gây bất ổn cho khu vực Balkan. Nga đang nỗ lực trong việc mở rộng ảnh hưởng của mình ở đó, đáng chú ý nhất là ở Serbia, nơi mà các công ty của Nga đã đầu tư rất nhiều trong ngành công nghiệp năng lượng.

Tuy nhiên, vai trò của Mỹ trong tấn thảm kịch Hy Lạp hầu như chỉ chủ yếu giới hạn ở những lời khuyên thiện chí. Mỹ đã thúc đẩy việc châu Âu giải cứu Hy Lạp, điều nhìn chung đã bị bỏ qua nếu không muốn nói là không được đề cập. Trong mọi trường hợp, Mỹ đã luôn duy trì một ảnh hưởng có giới hạn đối với chính quyền Syriza cực tả, đồng thời Quốc hội Mỹ chắc chắn sẽ chống lại các khoản chi lớn dành cho Hy Lạp, điều nhìn chung được xem như là vấn đề của châu Âu.

Một hình mẫu quen thuộc

Tất nhiên có thể thời gian đang đứng về phía liên minh phương Tây. Nền kinh tế Nga đang suy giảm, phần lớn là do giá dầu thấp, hơn là do hậu quả của các biện pháp trừng phạt. Răn đe và ngăn chặn cũng có thể bảo vệ hiệu quả châu Âu như chúng từng phát huy trong quá khứ trước khi chính sách cũng như giới lãnh đạo Nga chuyển đổi một lần nữa. Điều vĩ đại chưa từng được biết chính là Putin: không hiểu khi ông cảm thấy quyền lực cá nhân của mình đang thực sự bị đe dọa thì ông sẽ phản ứng thế nào? Ông có thể đi đến quyết định rằng ông cần một cuộc khủng hoảng khác, có lẽ là một cuộc khủng hoảng lớn hơn, để động viên công chúng và duy trì quyền lực. Tất nhiên, các kịch bản thảm khốc nhất là những kịch bản mà bản thân người Nga đã và đang chuẩn bị thông qua các cuộc tập trận trong suốt sáu năm qua.

Nhìn lại, thái độ của Obama đối với Nga đã tiến triển theo một quỹ đạo quen thuộc. Tổng thống Jimmy Carter đã bắt đầu bằng sự hòa hoãn và kết thúc bằng việc vũ trang cho các chiến binh thánh chiến ở Afghanistan và tẩy chay Thế vận hội Moskva. Tổng thống Bush đã bắt đầu với việc nhận ra "tâm hồn" của Putin và kết thúc bằng việc hậu thuẫn cho Gruzia trong cuộc chiến của nước này với Nga, ít nhất là bằng những mỹ từ. Tương tự như vậy, Obama đã bắt đầu với một sự "cài đặt lại" và đang gây đau thương bằng các lệnh trừng phạt. Câu hỏi đặt ra cho vị tổng thống kế tiếp của nước Mỹ là liệu họ có thể tránh lặp lại mô hình này và tìm ra những cách thức để can dự với toàn bộ lục địa châu Âu trong dự án dài hạn duy trì liên minh phương Tây và bảo vệ châu Âu trước điều có thể là một kỷ nguyên dài của chủ nghĩa khôi phục lãnh thổ đã mất của Nga./.

Theo Foreign Affairs số tháng 9-10/2015

Lê Quang (gt)