Cuộc đối thoại này, với sự tham dự của Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ và Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc Mã Hiểu Thiên, vẫn được xúc tiến bất chấp những căng thẳng gần đây giữa hai nước, trong đó có việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan hồi tháng 9 vừa qua. Phát biểu với các phóng viên, bà Flournoy cho biết ông Mã Hiểu Thiên đã hỏi về ý định của Mỹ khi lên kế hoạch triển khai 2.500 thủy quân lục chiến, các máy bay chiến đấu và tàu hải quân ở một căn cứ tại Darwin (Ôxtrâylia). Trong cuộc họp tại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh, bà Flournoy nói: "Chúng tôi đã khẳng định với Tướng Mã Hiểu Thiên và phái đoàn của ông ta rằng Mỹ không có ý định kiềm chế Trung Quốc. Chúng tôi không coi Trung Quốc là đối thủ. Kế hoạch này của Mỹ là nhằm tăng cường quan hệ với một "đồng minh trung thành và đáng tin cậy. Vì vậy, nó thực sự không liên quan gì đến Trung Quốc. Chúng tôi chỉ muốn đảm bảo rằng Mỹ vẫn hiện diện ở khu vực để đối phó với mọi thách thức, đặc biệt là những thách thức phi truyền thống".

Trong các cuộc hội đàm mà bà Flournoy đánh giá là "tích cực" và "mang tính xây dựng", bà đã nhắc lại với các nhà lãnh đạo quân sự của Trung Quốc rằng các cuộc tuần tra, giám sát của Mỹ gần bờ biển Trung Quốc là "việc làm thường nhật". Bà nói: "Tôi đã nói với Trung Quốc rằng chúng tôi sẽ tiến hành các hoạt động như vậy trên toàn cầu, hay nói đúng hơn là ở mọi khu vực của thế giới, kể cả ở gần bờ biển của các nước bạn bè và đồng minh của chúng tôi". Bà cho biết hai nước hy vọng sẽ lên kế hoạch lại về các cuộc trao đổi quân sự và diễn tập chung về chống cướp biển tại khu vực Vịnh Aden vào năm 2012, vốn bị trì hoãn sau khi Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan - một hòn đảo tự trị mà Trung Quốc coi là một tỉnh ly khai của nước này. Bất chấp những nỗ lực của Oasinhtơn nhằm xoa dịu sự lo ngại của Bắc Kinh, một số người ở Trung Quốc vẫn nghi ngờ Mỹ đang chớp thời cơ để đẩy mạnh lợi ích của riêng mình, gây tổn hại đến Trung Quốc. Trung Quốc lo ngại sau khi giảm bớt gánh nặng chiến tranh tại Ápganixtan và Irắc, Mỹ sẽ tập trung sự chú ý và trở lại châu Á-Thái Bình Dương, bằng chứng cụ thể nhất là việc Mỹ triển khai 2.500 thủy quân lục chiến tại Ôxtrâylia, tăng cường quan hệ quân sự với các đồng minh ở châu Á là Nhật Bản, Philíppin... Theo Bắc Kinh, tất cả những hành động này của Oasinhtơn là nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Thái độ nghi ngờ và giận dữ của Trung Quốc thể hiện rõ qua các phát biểu, bài viết đăng trên các phương tiện truyền thông chính thống của Trung Quốc. Thực ra, tại Mỹ cũng có nhiều lãnh đạo chính trị, nghị sĩ ủng hộ những thay đổi chiến lược của Oasinhtơn nhằm kìm hãm thái độ quyết đoán và hung hăng của Bắc Kinh.

Điều đáng chú ý là một ngày trước khi diễn ra cuộc đối thoại quốc phòng thường niên Mỹ-Trung, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào ngày 6/12 đã kêu gọi hải quân Trung Quốc sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ an ninh tổ quốc. Bộ Quốc phòng Mỹ đã đáp lại rằng Trung Quốc có quyền củng cố sức mạnh quân sự, nhưng phải hành động một cách minh bạch. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn giữ bí mật về các chương trình quân sự, đồng thời hàng năm vẫn tăng ngân sách quốc phòng. Các chuyên gia quân sự cho rằng Bắc Kinh đang nỗ lực đầu tư cho bộ máy quân sự nhằm rút ngắn khoảng cách so với Oasinhtơn và Mátxcơva. Trong cuộc đối thoại quốc phòng ở Bắc Kinh lần này, Mỹ và Trung Quốc không hề đề cập đến việc phát triển công nghệ quân sự, cho dù thời gian gần đây, Trung Quốc đã có một số bước tiến trong lĩnh vực chế tạo tên lửa và hải quân Trung Quốc đã tiến hành chạy thử chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên. Trưởng đoàn của Mỹ cho rằng việc Trung Quốc có hàng không mẫu hạm là điều đã được dự báo từ trước, và Oasinhtơn hy vọng Bắc Kinh sẽ minh bạch mục đích sử dụng chiếc tàu này trong tương lai.

 Theo Reuters

Mỹ Anh (gt)