scm_news_focus-0602_art_1(1).jpg

 

Các dự án thuộc Con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc (MSR) tại Nam Á trải dài trong một khu vực từ Đông Nam Á đến Trung Đông. Nhìn chung, các dự án này đưa đến những thách thức chiến lược khác nhau cho 5 nước Nam Á ven biển gồm Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh và Maldives. MSR tại Nam Á phải được nhìn nhận trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Với những lợi ích khác nhau của 5 nước nói trên thì tiến triển của MSR tại khu vực rõ ràng là điều không dễ dàng đối với Trung Quốc.

Những thách thức chiến lược khác nhau

Pakistan đóng một vai trò then chốt đối với MSR của Trung Quốc. Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) là một dự án trọng điểm nằm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) và giữ vai trò cầu nối giữa “Con đường tơ lụa trên biển” và “Vành đai trên bộ” trong tổng thể chiến lược BRI của Trung Quốc.

Cảng Gwadar của Pakistan được Trung Quốc tài trợ kinh phí, xây dựng và vận hành nằm ở vị trí hợp lưu giữa Vịnh Oman và biển Ả Rập, cung cấp cho Trung Quốc quyền tiếp cận tới vị trí quan trọng tại Ấn Độ Dương. Theo kế hoạch, hành lang kinh tế 3.000 km này kéo dài từ cảng Gwadar (Pakistan) đến thành phố Kasgar (Trung Quốc) sẽ có giá trị lên tới 55 tỷ USD, bao gồm việc hiện đại hóa đường bộ, đường sắt, đường ống dẫn và các dự án cơ sở hạ tầng khác. Việc thực hiện dự án này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc tiếp cận với biển mà không phải chở hàng qua eo Malacca, nơi thường xuyên có cướp biển hoạt động và thời tiết không thuận lợi. Tuyến đường giữa hai nơi này sẽ kết nối các yếu tố “đường bộ” và “đường biển” trong CPEC.

Trung Quốc đã có những cam kết tài chính lớn cho dự án CPEC, vốn được các nhà lãnh đạo Pakistan chào đón như là một động lực để thúc đẩy nền kinh tế Pakistan. Tuy nhiên, gần đây đã có nhiều tiếng nói quan ngại trong các thành phần xã hội Pakistan về những lợi ích lâu dài của CPEC và việc chủ quyền quốc gia của nước này bị rơi vào tay Trung Quốc. Cụ thể hơn là những lo ngại về khoản nợ mà Pakistan phải gánh chịu từ CPEC. Thêm vào đó, những báo cáo cho thấy Trung Quốc muốn sử dụng đồng Nhân dân tệ tại khu vực cảng Gwadar cũng như những động thái rõ ràng của nước này trong việc đàm phán trực tiếp với nhóm phiến quân ly khai tại khu vực Baluchistan gây ra mối quan ngại về tình trạng lệ thuộc của Pakistan vào mối quan hệ với Trung Quốc.

BRI là mối đe dọa lớn đối với Ấn Độ?

Ấn Độ xem MSR và BRI là mối đe dọa lớn đối với an ninh đất nước và những lợi ích chiến lược của mình tại khu vực. Theo Ấn Độ, 3 mối đe dọa đó bao gồm: Thứ nhất là những bận tậm liên quan trực tiếp tới CPEC và vai trò lớn hơn của quân đội Trung Quốc tại Pakistan. Không có nghi ngờ gì về việc Delhi nhận ra tham vọng của Trung Quốc muốn sử dụng cảng Gwadar vào cả mục đích dân sự và quân sự, điều này cho phép Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) thâm nhập vào Ấn Độ Dương cũng như tăng cường khả năng của Pakistan trong việc ngăn chặn bất kỳ lợi thế nào của Ấn Độ trong sức mạnh hải quân tại khu vực.

Bận tâm thứ hai chính là những khó khăn trong việc lựa chọn chiến lược của các nước khu vực khi tham gia MSR. Các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ xem mối liên hệ giữa việc các nước trong khu vực lún sâu vào các khoản nợ với Trung Quốc sẽ kéo theo việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng đối với các nước này trong các vấn đề đối nội và thậm chí là cả chính sách đối ngoại.

Cuối cùng, Ấn Độ coi các dự án MSR của Trung Quốc tại Nam Á là một phần trong chiến lược lớn hơn của Trung Quốc nhằm thách thức vai trò của Ấn Độ tại Ấn Độ Dương. Việc duy trì sức mạnh tại Ấn Độ Dương là một trong những ưu tiên hàng đầu của Ấn Độ trong những năm qua và bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng tại đây đều được xem là mối đe dọa trực tiếp đến lợi ích cốt lõi của Ấn Độ.

Thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc

Tại khu vực Nam Á, một số nước đã tăng cường mối quan hệ với Trung Quốc. Sri Lanka hiện đang tăng cường quan hệ với Trung Quốc trong khi mối quan hệ giữa nước này với Ấn Độ nhiều lúc trở nên khó khăn hơn. Dưới thời chính quyền Rajapakse trước đây, nhiều người Ấn Độ nhận ra những đảo chiều đáng kể trong quan hệ của Sri Lanka với Trung Quốc, như việc Trung Quốc dành cho Sri Lanka nhiều khoản vay ưu đãi xây dựng cơ sở hạ tầng nằm trong dự án MSR.

Cảng Hambantoa ở bờ biển phía Nam Sri Lanka là minh chứng rõ nét nhất cho những dự án cơ sở hạ tầng lớn được tài trợ bởi các khoản vay của Trung Quốc. Năm 2015, chính phủ mới tại Sri Lanka đã có những động thái thay đổi theo hướng rời xa Trung Quốc hơn chính phủ tiền nhiệm. Mặc dù vậy, chính phủ hiện nay đang phải đối mặt với những khoản nợ lớn từ các khoản vay Trung Quốc để phát triển cơ sở hạ tầng. Năm 2017, dưới sức ép nợ nần, chính phủ Sri Lanka buộc phải đồng ý bán 70% cổ phần tại cảng Hambantota trong vòng 99 năm cho một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc.

Cũng giống như đối với Pakistan, Ấn Độ lo ngại về việc Sri Lanka mất quyền kiểm soát một cảng biển và Trung Quốc có thể sử dụng cảng biển đó trong cả mục đích dân sự và quân sự. Để giải quyết mối quan ngại của Ấn Độ, chính phủ Sri Lanka đã công khai về việc không cho phép Trung Quốc sử dụng cảng biển vào mục đích quân sự.

Cân bằng quan hệ với Trung Quốc

Bangladesh thận trọng trong việc cân bằng quan hệ với Trung Quốc và Ấn Độ. Nước này cũng được xem là giữ vai trò đi đầu trong các sáng kiến nhằm khuyến khích hợp tác giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Nước này thúc đẩy Hành lang kinh tế Bangladesh-Trung Quốc-Ấn Độ-Myanmar (BCIM), vốn được đưa ra từ năm 1999 với tên gọi “Sáng kiến Côn Minh” nhằm kết nối các tuyến đường bộ, đường sắt giữa Đông Bắc Ấn Độ, Bangladesh, Myanmar và khu vực Tây Nam Trung Quốc.

Tuy nhiên, sáng kiến này hiện nay đã bị đình trệ bởi những lo ngại sâu sắc của Ấn Độ về việc BCIM trở thành một phần của BRI cũng như những căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Trong tình hình đó, Bangladesh đã chấp nhận những khoản vay lớn của Trung Quốc và đồng ý các hiệp định liên quan tới 28 dự án phát triển cơ sở hạ tầng trị giá hơn 20 tỷ USD.

Nhận thức được những khoản nợ của Trung Quốc trong dài hạn, Bangladesh đã chấp chận cho Nhật Bản tham gia xây dựng một cảng tại Matarbari trong khi vẫn giữ kế hoạch cho phép Trung Quốc xây dựng một cảng vận chuyển hàng hóa tại đảo Sonadia. Chính phủ Bangladesh hiện rất lo lắng về chiến lược cân bằng quan hệ Trung Quốc, Ấn Độ của họ có thể bị tổn hại nếu tham gia các dự án MSR.

Vượt lên ngăn chặn?

Tại Maldives, sự thay đổi chính phủ đã dẫn tới sự thay đổi trong cách tiếp cận của nước này đối với sự cạnh tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại khu vực. Năm 2013, chính phủ mới của Maldives đã hủy bỏ một giải thưởng dự định trao cho một công ty của Ấn Độ trong việc phát triển sân bay quốc tế của Maldives. Tiếp đó, nước này thỏa thuận với Trung Quốc về việc xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối sân bay quốc tế với một cảng biển tại Laamu.

Trung Quốc hiện đang tham gia sâu vào sự phát triển và mở rộng sân bay quốc tế Maldives bằng việc hỗ trợ các khoản vay cho nước này từ ngân hàng EXIM Bank (Trung Quốc), trong khi nhiều khách du lịch Trung Quốc lựa chọn Maldives là địa điểm du lịch ưa thích. Những lo ngại của Ấn Độ về quy mô tham gia của Trung Quốc đối với việc phát triển cơ sở hạ tầng tại Maldives thậm chí còn dẫn tới việc nhiều tiếng nói tại Ấn Độ đề xuất nước này cần can thiệp để thay đổi chế độ theo hướng thân Ấn Độ.

Rõ ràng những quan ngại của Ấn Độ về MSR đã dẫn tới việc gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại Nam Á. Các nước Nam Á ven biển tham gia MSR đã có những quan ngại khác nhau về hậu quả của sự phụ thuộc vào tài chính và chủ quyền đối với Trung Quốc. Tất cả những điều đó cho thấy những thách thức lớn cho các dự án MSR của Trung Quốc tại khu vực Nam Á.

Tác giả Sinderpal Singh là nghiên cứu viên cao cấp tại chương trình Nam Á thuộc trường nghiên cứu quốc tế RSIS, Đại học Công nghệ Nam Dương, Singapore. Bài viết đăng trên “RSIS”.

Hương Trà (gt)