Rất khó xây dựng lòng tin chiến lược giữa Nga và phương Tây

Đối với quốc gia và dân tộc Nga, chúng ta cần nhận thức được đặc điểm lịch sử và tính dân tộc của họ. Đây là một dân tộc có tinh thần đấu tranh, và trong hàng trăm năm qua đã có rất nhiều hợp tác chiến lược với các nước phương Tây, cho dù họ là kẻ thù không đội trời chung. Tuy nhiên, rất khó để xây dựng lòng tin chiến lược giữa Nga và phương Tây.

Chúng ta có thể nhìn lại lịch sử hàng trăm năm qua của Nga. Sau Cách mạng tháng Mười, Liên Xô bị toàn cầu bao vây, trở thành hòn đảo biệt lập về chiến lược.

Kể từ khi Franklin D. Roosevelt lên nắm quyền, nhằm kích động Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ không những bí mật tài trợ mà còn cung cấp tiền và kỹ thuật giúp Đức tái vũ trang. Trong thời kỳ đại suy thoái, Mỹ đã chuyển nhượng cho Liên Xô rất nhiều nhà máy, những nhà máy này cùng với kỹ thuật và đội ngũ kỹ thuật viên đã giúp đỡ Liên Xô tiến hành công nghiệp hóa trên quy mô lớn, năm 1933-1934 là cao trào đầu tư cho công nghiệp của Liên Xô. Mỹ làm như vậy là nhằm chôn vùi hệ thống bá chủ của Anh trong bom đạn. Liên Xô không những hợp tác với Mỹ mà còn hợp tác với nước Đức, nổi bật nhất là vào năm 1939, Đức và Liên Xô phân chia Ba Lan.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ thay thế Anh giành quyền thống trị thế giới, một mặt lợi dụng Liên Xô để phân chia châu Âu thành từng mảnh, cùng Liên Xô chiếm lĩnh Trung Âu và Tây Âu; mặt khác lại có ý nâng đỡ Trung Quốc để theo dõi Liên Xô ở phía Đông, đây cũng là lý do mà Mỹ hỗ trợ Trung Quốc gia nhập nhóm 5 nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Trong những năm 1970, Trung Quốc và Mỹ có xu hướng liên kết, Mỹ thông qua việc giúp đỡ Trung Quốc với chi phí rất thấp, khiêu khích để Trung Quốc và Liên Xô tiếp tục tiêu hao tiền của, chủ yếu là vào Việt Nam và Afghanistan. Cho đến đầu những năm 1990, Liên Xô tan rã, cuối cùng là sụp đổ trong cuộc khủng hoảng tài chính Nga vào năm 1998.

Hơn 100 năm qua, Nga và phương Tây vừa đối kháng, vừa hợp tác. Trong giai đoạn lịch sử này, Nga chủ yếu là đối kháng với các nước phương Tây, sau những lần như vậy, môi trường chiến lược trở nên vô cùng nguy hiểm, thí dụ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, Nga bị các nước phương Tây bao vây và can thiệp quân sự trên phạm vi toàn cầu, trong Chiến tranh thế giới thứ hai lại bị Đức gần như phá hủy toàn bộ đất nước và trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998 lại bị mất mát rất nhiều.

Dựa trên những bài học lịch sử sâu sắc, người Nga sẽ hợp tác với phương Tây ở mức độ nhất định, song họ luôn có sự cảnh giác với phương Tây, hai bên không thể xây dựng lòng tin chiến lược sâu sắc mà chủ yếu lợi dụng lẫn nhau. Tâm lý dân tộc này được tích lũy từ những kinh nghiệm và bài học về sự sinh tồn của nước Nga, không những thế biết bao thực tế đã vun đắp hình thành lên tâm lý ấy, có muốn thay đổi cũng không được. Sự hình thành lên tâm lý này cũng bắt nguồn từ đặc tính hàng nghìn năm về xung đột sắc tộc ở châu Âu.

Mỹ, châu Âu và Nga sa lầy trong cuộc xung đột tại Ukraine

Kể từ đầu thế kỷ 21 đến nay, do Mỹ kiềm chế Trung Quốc, chỉ trong vòng 1 - 2 năm nâng giá dầu từ 20 USD lên hơn 100 USD, về khách quan đã tạo cơ hội cho Nga phục hồi kinh tế, ít nhất nguồn thu từ dầu mỏ đã là chỗ dựa cho sự tồn tại của bộ máy quân sự Nga.

Đây cũng là sự kiềm chế toàn diện của Mỹ đối lục địa Âu-Á trong thời đại “khó vẹn cả đôi đường”, kiềm chế có trọng điểm Trung Quốc thì buộc phải thả lỏng Nga và châu Âu. Sau này khi Nga phát triển quá nhanh, Mỹ lại từ bỏ Trung Quốc để quay sang tập trung ngăn chặn Nga, tất cả đều là nhằm giữ vững quyền thống trị của Mỹ.

Năm 2014, Mỹ khuấy động cuộc khủng hoảng tại Ukraine, trên thực tế cuộc tấn công chiến lược trên toàn cầu của Mỹ đã ở vào thế suy yếu, do muốn kiềm chế toàn diện nên buộc Mỹ phải tiêu hao sức mạnh đất nước. Nhìn vào sự ủng hộ tài chính của người Mỹ dành cho người đại diện Ukraine sẽ rõ. Mỹ rất hà tiện khi đưa ra “bảo lãnh cho vay” không đến 3 tỷ USD và cuối cùng cũng chỉ cử 300 binh sỹ đến Ukraine.

Đối mặt với một nước Nga lớn mạnh, Ukraine có thể làm được gì nếu chỉ dựa vào khoản đầu tư nói trên của Mỹ? Rốt cuộc Ukraine vẫn phải tự hoàn trả khoản cho vay, có nghĩa là lợi ích quốc gia của người Ukraine bị biến thành “chiếc váy cưới” của Mỹ. Nhận ra sự yếu ớt của Mỹ, Putin đã tiến hành cuộc phản công cứng rắn tại Crimea để đáp trả một đòn đau vào Mỹ, Mỹ vì thế đưa ra lệnh trừng phạt đối với Nga.

Về góc độ chính trị - quân sự, Mỹ không thể “xử lý” Nga vì Nga có quyền phủ quyết ở Liên hợp quốc, về quân sự Mỹ không dám trực tiếp ra tay với Nga. Do đó lệnh trừng phạt chủ yếu nhằm vào kinh tế, nhưng mức độ liên quan về kinh tế giữa Nga và Mỹ không lớn, có nghĩa là trao đổi đầu tư và thương mại không đáng kể. Mỹ phải dựa vào châu Âu để áp đặt trừng phạt đối với Nga. Mặc dù năm ngoái Mỹ đã giảm mạnh giá dầu nhưng ảnh hưởng đối với Nga ở thời điểm đó không đến mức nghiêm trọng như giới truyền thông thổi phồng, bởi vì Nga xuất khẩu sang châu Âu chủ yếu là khí đốt còn Mỹ năm 2014 chỉ lấy khí đá phiến để dụ dỗ châu Âu, tuy nhiên ngành công nghiệp khí đá phiến của Mỹ đã tự giết mình khi đẩy giá dầu thế giới hạ xuống. Điều này có nghĩa là nguồn cung cấp khí đốt của châu Âu vẫn phải dựa vào Nga, giá khí đốt cũng là giá theo hợp đồng dài hạn, châu Âu chưa thay đổi nguồn cung thì làm sao có bản lĩnh và chỗ dựa để ép giá? Quy mô xuất khẩu năng lượng của Nga sang châu Âu vẫn còn rất lớn ngay cả khi không tăng số lượng.

Do Mỹ giữ vai trò chủ đạo trong khối NATO nên châu Âu cũng đã tham gia lệnh trừng phạt đối với Nga theo yêu cầu của Mỹ. Tuy nhiên, lệnh trừng phạt đối với Nga đã phải nhường chỗ cho lợi ích năng lượng thực tế của châu Âu và do đó nó hiển nhiên sẽ thay đổi về bản chất. Vì vậy, châu Âu một mặt công bố các biện pháp áp đặt lệnh trừng phạt Nga chậm rãi, hời hợt, mặt khác vẫn bí mật thông đồng với Nga. Trong điều kiện và bối cảnh như vậy, châu Âu và Nga vẫn đóng vở kịch “trừng phạt lẫn nhau”, hai bên trừng phạt đối phương song vẫn có thỏa thuận ngầm.

Châu Âu không dám áp đặt lệnh trừng phạt nghiêm ngặt đối với các ngành có liên quan đến vận chuyển năng lượng từ Nga sang châu Âu, đồng thời mượn tay Nga để đả kích các nước kề vai sát cánh với Mỹ như Ba Lan, Canada, Phần Lan. Trong nội bộ EU và Mỹ đều muốn bên còn lại và Nga tiêu hao sức lực, đây là tình hình cụ thể của cuộc xung đột Ukraine. Hai bên đều mạnh miệng song trên thực tế lại tỏ ra lúng túng khi phải bỏ tiền và bỏ sức. Mỹ là người tự khuấy động và đẩy mạnh cuộc xung đột tại Ukraine với ý đồ thúc đẩy cuộc đọ sức, phá hủy tiến trình mối quan hệ mới giữa Nga và châu Âu, một mặt ngăn chặn Nga, mặt khác muốn giật dây để nguồn vốn châu Âu chảy vào Mỹ. Trước việc Nga và EU diễn vở kịch trừng phạt, mục đích mà Mỹ muốn đạt được ở Ukraine hiện nay là quá xa vời, việc nâng giá đồng USD và rút các gói nới lỏng định lượng (QE) tạo đà cho QE châu Âu nhảy vọt, cuối cùng đã khiến châu Âu gia nhập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), nguồn vốn châu Âu tìm kiếm lối thoát về phía Đông. Kết quả sau đó là 4 nước lớn EU đã gia nhập AIIB.

Về phía Ukraine, với con số 3 tỷ USD và 300 binh sỹ mà yêu cầu Ukraine chiến đấu với Nga, thực chỉ là nguyện vọng chủ quan của Mỹ. Do nền công nghiệp của Ukraine, nhất là công nghiệp quốc phòng đều theo tiêu chuẩn của Nga chứ không phải của Mỹ, muốn vũ trang cho Ukraine thì phải Mỹ hóa toàn bộ ngành công nghiệp quốc phòng hoặc thường xuyên phải cung cấp vũ khí cho nước này. Không những thế, Mỹ còn phải thanh toán khoản “phí qua đường” khổng lồ cho các nước châu Âu, Mỹ đã phải trả cho Pakistan khoản “phí qua đường” lên tới trên 10 tỷ USD mỗi năm để đến chiến trường Afghanistan. Châu Âu liên tục hối thúc Mỹ chi trả lợi ích nghĩa là tiền công chiến lược cho việc áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga, một mặt khí đá phiến mà Mỹ hứa hẹn đã hết, QE của châu Âu có thể sẽ bị Mỹ chặn đường lùi, mặt khác, Mỹ phải đưa ra cái gì mới để đáp ứng yêu cầu của châu Âu, do đó cuối năm ngoái EU đã thông qua nghị quyết thừa nhận Nhà nước Palestine, hàm ý là muốn phân chia quyền chủ đạo các công việc tại Trung Đông. Nếu Mỹ rút lui thì buộc châu Âu lại phải giải quyết những rắc rối liên quan đến Ukraine, có nghĩa là châu Âu tiếp nhận quyền chủ đạo các vấn đề có liên quan đến Nga, một khi châu Âu làm chủ thì NATO chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa, vì kẻ địch giả tưởng của NATO chính là Nga. Thí dụ điển hình là việc châu Âu loại bỏ Mỹ, tìm cách ký hiệp định 4 bên với Nga, Belarus, Ukraine, lúc đó châu Âu và Nga sẽ lại thân tình với nhau.

Đến nay, Mỹ vẫn cố bám lấy Ukraine, châu Âu yêu cầu Mỹ thanh toán tiền công chiến lược đối với việc áp dụng lệnh trừng phạt Nga. Bị ép trả nợ, Mỹ liền mượn cớ vụ đánh bom khủng bố ở Paris để cùng với tàu sân bay Pháp tiến quân vào Vịnh Persian. Đây cũng là nguyên nhân cơ bản khiến Mỹ tiến thoái lưỡng nan trong cuộc xung đột tại Ukraine. Mỹ không có cách nào để rút lui, 3 bên châu Âu-Mỹ-Nga chỉ có thể giằng co nhau ở Ukraine. Vì vậy vấn đề Ukraine sẽ còn kéo dài, Mỹ, châu Âu và Nga đều đang rơi vào thế giằng co trong vũng bùn này.

Quan hệ Trung-Nga và việc phi quân sự hóa Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO)

Đứng trước áp lực chiến lược của Mỹ, Nga một mặt ngấm ngầm cấu kết với châu Âu, ngừng hiệp thương, mặt khác lại quay sang liên hệ với Trung Quốc, và hợp đồng cung cấp khí đốt trị giá lên tới 400 tỷ USD giữa Trung Quốc và Nga chính là ví dụ rõ nét. Nga lôi kéo Trung Quốc cũng là để cho châu Âu và Mỹ thấy, cũng như để nói với người châu Âu là đừng có nghiêng hẳn về phía Mỹ, do thị trường tiêu thụ ở phương Đông, Nga có thể cắt đường ống dẫn năng lượng sang châu Âu; cũng như cho người Mỹ thấy rằng Nga không phải là Liên Xô từng bị thế giới bao vây trong các cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất và Chiến tranh thế giới thứ hai, họ có thể hướng về phía Đông. Ngoài ra, Nga cũng bắt đầu tăng cường sự hiện diện ở Trung Đông, bán vũ khí và hỗ trợ Ai Cập xây dựng nhà máy điện hạt nhân, xây dựng căn cứ hải quân ở Cộng hòa Síp, tập trận chung với Trung Quốc ở Địa Trung Hải, hỗ trợ Syria.

Ngày 7/9/2013, Chủ tịch Tập Cận Bình có bài phát biểu quan trọng tại Kazakhstan, lần đầu tiên đưa ra sáng kiến chiến lược tăng cường kết nối chính sách, liên thông đường sá, thương mại thông suốt, lưu thông tiền tệ, cùng xây dựng “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa”.

Ngày 3/10/2013, trong bài phát biểu quan trọng trước Quốc hội Indonesia, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc cam kết tăng cường xây dựng kết nối với các nước ASEAN, mong muốn cùng với các nước này phát triển tốt mối quan hệ đối tác hợp tác trên biển, cùng xây dựng “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”. Đây là khởi nguồn chiến lược “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc.

Do năm 2018 mới có thể khai thông đường ống dẫn dầu Trung-Nga và Nga còn từ chối đưa thời hạn trao đổi dầu lấy nhân dân tệ (NDT), vì thế Trung Quốc cũng khẳng định chỉ có thể ủng hộ (chiến lược) đối với Nga trong khả năng cho phép. Trong quan hệ Trung-Nga, một trong những phương diện quan trọng nhất chính là SCO, vì vậy các nước bên ngoài cũng quan tâm tại sao SCO không bị quân sự hóa. Cho đến nay Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách không liên kết, có nghĩa là không muốn lợi ích quốc gia chịu ràng buộc bởi hành động của các quốc gia khác, đây cũng là một sự tự tin chiến lược, Trung Quốc có khả năng ứng phó với tình hình chiến lược nghiêm trọng hơn. Giữa Trung Quốc và Nga chỉ là sự liên kết chiến lược nhằm phục vụ lợi ích quốc gia của mỗi nước, chứ không phải ràng buộc chiến lược.

Phi quân sự hóa SCO, bản thân tổ chức này đã có ý đồ chia tách liên minh Mỹ-châu Âu và liên minh Mỹ-Đông Á, chủ yếu là mang đến cho châu Âu nhiều không gian hơn, giúp châu Âu tự chủ, thoát khỏi sự kiểm soát về chính trị của Mỹ, không để cho Mỹ có lý do hay kiếm cớ củng cố NATO. Hiện nay có thể thấy được hiệu quả của việc này, thí dụ như thái độ của châu Âu trong vấn đề Gruzia, lần này công tác chống khủng bố của châu Âu không còn mượn danh NATO, các nước lớn châu Âu rút quân khỏi Afghanistan v.v…

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh SCO và Hội nghị thượng đỉnh các nước BRICS diễn ra tại Ufa (Nga), việc mở rộng nội dung của SCO đứng trước những trở ngại, bất đồng giữa Trung Quốc và Nga; Iran, Pakistan là nước quan sát viên và vẫn chưa phải là nước thành viên chính thức. Nếu Trung Quốc đề nghị cho phép Pakistan, Iran gia nhập SCO thì Nga có thể sẽ đòi hỏi để Belarus, Ấn Độ và Syria gia nhập tổ chức này. Kết quả của hội nghị thượng đỉnh lần này là Trung Quốc đưa Pakistan gia nhập SCO để đổi lấy việc Nga đưa Ấn Độ gia nhập tổ chức này. Xu thế hiện nay cho thấy SCO vẫn không muốn thúc đẩy thế giới hướng đến hai cực hay phân hóa phe cánh phương Đông-phương Tây. SCO luôn phi quân sự hóa nhằm tách biệt quan hệ đồng minh Mỹ-châu Âu với NATO.

Liệu Con đường tơ lụa trên bộ có thể cân bằng với Con đường tơ lụa trên biển?

Chiến lược “Một vành đai, một con đường” là biện pháp chiến lược của Trung Quốc, được tạo ra và vận hành trong bối cảnh có nhiều cuộc đọ sức trên toàn cầu hiện nay, phân làm hai bộ phận là Con đường trên biển và Con đường trên bộ.

Theo quan điểm của Nga, Con đường trên bộ dựa vào tuyến đường sắt Siberia, có nghĩa là Nga độc chiếm “phí qua đường” của dòng chảy hàng hóa giữa Trung Quốc và châu Âu.Vì vậy, Trung Quốc cũng không muốn xảy ra tình trạng này, trong 3 tuyến đường Nam, Bắc, Trung, Trung Quốc sẽ đi tuyến đường ở giữa.

Năm ngoái, chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Duisburg (Đức) đã gửi đến Mỹ một tín hiệu ngầm chiến lược: không dễ dàng cản trở Con đường tơ lụa Trung Quốc-EU, đồng thời gây sức ép buộc Mỹ phải nhanh chóng rút quân khỏi Afghanistan. Khi đó, chỉ có hai 2 chuyến xe lửa từ Trùng Khánh để đi đến châu Âu (điểm đến là Đức và Ba Lan). Nếu Mỹ cản trở tuyến đường thương mại trên biển giữa Trung Quốc và châu Âu, Trung Quốc sẽ cùng với Nga khai thông đến cùng Con đường tơ lụa trên bộ. Cho đến nay tuyến đường thương mại trên biển qua Biển Đông, Ấn Độ Dương, Địa Trung Hải của Trung Quốc tạm thời vẫn bình yên. Hiện nay Trung Quốc vẫn sử dụng tuyến đường biển một mặt vì giá thành vận chuyển thấp, mặt khác do phía Nga đòi hỏi giá quá cao, ngay cả khi Nga cùng với các nước Trung Á thành lập Liên minh kinh tế Á-Âu đầu năm 2015 cũng vẫn yêu cầu về mức giá. Liên minh kinh tế Á-Âu đã đi vào hoạt động đầu năm 2015, còn Nga từng bước củng cố phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô ở Trung Á, có nghĩa là một mặt đối trọng với các hoạt động của Trung Quốc tại Trung Á, mặt khác phối hợp với các nước trên trục Con đường tơ lụa trên bộ nhằm nâng mức giá trong các cuộc đàm phán về tuyến đường này.

Trung Quốc đã tiến về phía Tây thông qua “Một vành đai, một con đường”, khéo léo giữ cân bằng cũng là nhằm tranh thủ thời gian để mưu tính chiến lược ở Ấn Độ Dương, giao điểm đầu tiên của “Một vành đai, một con đường” chính là cảng Gwadar của Pakistan. Nga hiện đã trở thành chủ thể chính chịu áp lực chiến lược của Mỹ và ở vào tình thế hết sức nguy cấp. Sau khi Nga từ chối đưa ra thời hạn đổi dầu lấy NDT, Trung Quốc cũng đang thúc đẩy Mỹ và Iran hòa dịu với nhau, qua đó đứng ngoài cuộc quan sát châu Âu, Nga và Mỹ tranh giành nhau ở phương Tây.

Nếu Trung Quốc và Mỹ có động thái mạnh ở Đông Á thì trên thực tế là đang chia sẻ áp lực chiến lược mà Nga đang phải đối mặt.

Hội nghị thượng đỉnh SCO và Hội nghị thượng đỉnh các nước BRICS năm nay tại Ufa diễn ra đồng thời, với việc Iran cuối cùng sẽ ngồi vào bàn cờ Trung Đông, Trung Quốc sẽ từng bước mở ra không gian chiến lược để AIIB và “Một vành đai, một con đường” phát triển, đồng thời bắt đầu tận dụng cuộc chơi cũng như sự kiềm chế lẫn nhau giữa Mỹ-châu Âu-Nga ở phương Tây, tìm cách gắn vấn đề Trung Đông với vấn đề Đông Á, từ đó hướng đến yêu cầu Mỹ chuyển giao cho Trung Quốc lợi ích chiến lược tại Đông Á.

Đối với Nga, hai hội nghị thượng đỉnh này chủ yếu mang ý nghĩa về kinh tế, có thể giúp kinh tế Nga chuyển ngoặt và tiếp tục phục hồi, song trên thực tế cũng đã làm tăng sức đối kháng giữa Nga và Mỹ.

Về ngắn hạn, do Nga là nước kém nhất trong số 4 cường quốc hàng đầu, Trung Quốc vẫn chưa thể từ bỏ việc phối hợp chiến lược với Nga. Ý đồ của Trung Quốc là trong khi các bên đấu đá và tiêu hao sức lực ở phương Tây thì Trung Quốc bước vào thời kỳ “dưỡng sức”, đồng thời chờ đón giai đoạn cửa sổ chiến lược phá vỡ cục diện chiến lược ở Đông Á, giải quyết vấn đề Đông Á ở vào thời điểm các bên, đặc biệt là Mỹ, không còn sức để quan tâm đến phương Đông.

Iran lựa chọn lại đối tác chiến lược và thỏa thuận hạt nhân Iran

Việc Iran xa lánh Nga, dựa vào Trung Quốc, nói đó là do Mỹ sắp đặt không đúng bằng nói là Iran chủ động lựa chọn, đương nhiên dựa trên lợi ích quốc gia của chính họ. Bởi vì mặc dù Nga có thể nắm rõ các yêu cầu về an ninh quốc gia của Iran song họ lại không đủ năng lực giải quyết các vấn đề kinh tế và đời sống của người dân nước này. Về kinh tế, Nga vẫn còn những hạn chế nên Iran cũng trở thành gánh nặng chiến lược cho Nga ở một mức độ nhất định, nếu Iran dựa vào Trung Quốc thì lại có thể có được những gì họ muốn. Dựa vào Trung Quốc có lợi cho Iran, bởi vì lợi ích và những thứ mà Iran yêu cầu, hầu như chỉ Trung Quốc mới có thể cung cấp cho họ. Nói cách khác, Iran dựa vào Trung Quốc thì càng được lợi. Chỉ khi tạm thời bình thường hóa với Mỹ, Iran mới có thể gia nhập SCO. Nga lại dịch chuyển chiến lược, tạm thời trút bỏ được một gánh nặng để tập trung lực lượng vào các phương hướng chiến lược khác.

Lợi ích của Trung Quốc là từng bước nắm quyền chủ đạo trong vấn đề hạt nhân Iran, hiện nay các kỹ sư Trung Quốc đã bắt đầu giúp đỡ các nhà máy điện hạt nhân Iran xử lý vấn đề kỹ thuật. Do đó trên bàn cờ Trung Đông, Iran trở thành thành trì để Trung Quốc đưa quân vào Trung Đông.

Do Iran đã ký thỏa thuận hạt nhân, nên có được sự giúp đỡ của một nước lớn về dầu mỏ như Iran, kỳ hạn mua bán dầu mỏ bằng đồng NDT của Trung Quốc một lần nữa sẽ được đưa vào chương trình nghị sự.

Trong bối cảnh chiến lược toàn cầu của Mỹ bị thu hẹp, Mỹ lùi một bước thì Trung Quốc sẽ tiến một bước, chiếm lấy khoảng trống quyền lực mà Mỹ để lại. Kể từ năm 2014, Iran rõ ràng là đã đứng về phía Trung Quốc, thí dụ sau khi Mỹ đưa quân vào Biển Đông, hải quân Iran đã sử dụng súng máy hạng nặng bắn phá tàu hàng của Singapore để phối hợp chiến lược với Trung Quốc.

Từ chỗ ràng buộc kinh tế, Iran đang ràng buộc với Trung Quốc sâu hơn về chiến lược. Trung Quốc trên thực tế cũng nắm rõ về an ninh quốc gia của Iran. Việc Trung Quốc thúc đẩy Iran và Mỹ đàm phán tiến tới ký thỏa thuận có nghĩa là họ đã nhượng bộ trong vấn đề Trung Đông, tuy nhiên đây là sự nhượng bộ có điều kiện. Nghĩa là trong vấn đề Đông Á, Mỹ buộc phải đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc.

Kho dầu mỏ Trung Đông trước sau vẫn là lợi ích cốt lõi để Mỹ xưng bá toàn cầu. Vì vậy sau khi thỏa thuận hạt nhân được ký kết, có lẽ đã đến thời điểm phá vỡ cục diện chiến lược Đông Á.

Theo BW Chinese

Hoàng Lan (gt)