Nga là đối tác hợp tác then chốt của Trung Quốc trên vũ đài chính trị quốc tế. Từ Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đến nay, ý nghĩa chiến lược, ảnh hưởng chiến lược của Nga đối với Trung Quốc ngày càng gia tăng. Do Nga và Trung Quốc là nước lớn quan trọng ở lục địa Âu-Á cũng như khu vực châu Á-Thái Bình Dương, quyết định tương lai phát triển của trật tự thế giới trong va chạm quyền lực trên đất liền và quyền lực trên biển, nên cần có một phân tích tổng hợp và khách quan đối với quan hệ Trung-Nga. Người viết (Giáo sư Hứa Cần Hoa, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Nga, Đông Âu, Trung Á kiêm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược năng lược quốc tế thuộc Học viện quan hệ quốc tế, Đại học Nhân dân Bắc Kinh và Giáo sư Thời Ân Hoằng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ thuộc Học viện quan hệ quốc tế, Đại học Nhân dân Bắc Kinh) muốn phân tích ý nghĩa nổi bật của quan hệ Trung-Nga từ ba góc độ chiến lược lớn về đối ngoại của Trung Quốc bao gồm “chiến lược kinh tế”, “chiến lược quân sự” và “địa chiến lược”, từ đó nghiên cứu một số mặt trái tiềm ẩn đối với lợi ích quốc gia của Trung Quốc từ mối quan hệ Trung-Nga ngày càng được tăng cường. 

Nga trong “chiến lược kinh tế” của Trung Quốc

Việc Nga cung cấp năng lượng cho Trung Quốc có ý nghĩa đặc biệt trong nguồn cung cấp năng lượng của Trung Quốc

Hợp tác năng lượng giữa Trung Quốc và Nga có ưu thế tự nhiên. Trung Quốc là nước tiêu thụ năng lượng số một thế giới và nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ hai thế giới, Nga là nước lớn sản xuất khí tốt nhất nhì thế giới, là nước lớn sản xuất dầu mỏ hàng đầu. Giữa hai nước còn có đường ống dẫn dầu được nối liền với nhau, có tàu hỏa vận chuyển dầu. Ở thượng nguồn trong lãnh thổ Nga, Nga và Trung Quốc đã cùng khai thác, hạ nguồn có hợp tác khí hóa lỏng LNG. Trung Quốc còn liên kết với thị trường tiêu thụ lớn ở Đông Á (Nhật Bản, Hàn Quốc). Việc cung cấp năng lượng của Nga ngày càng có ý nghĩa lớn hơn đối với Trung Quốc. Lý do đầu tiên là Trung Quốc thực hiện biện pháp đa dạng hóa nguồn nhập khẩu để đảm bảo dầu khí từ bên ngoài. Lý do thứ hai là xuất phát từ nhu cầu bảo vệ môi trường và cam kết quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu trong thực tiễn, Trung Quốc bắt đầu làm cải cách cơ cấu năng lượng của mình, giảm bớt tỷ trọng tiêu thụ than, tăng cường tỷ lệ sử dụng năng lượng sạch như khí tự nhiên. Vào tháng 5 và tháng 11/2014, Trung Quốc và Nga đã ký hợp đồng mua bán khí đốt liên quan đến đường ống dẫn khí phía Đông và phía Tây, đã khởi động lộ trình thương mại khí tự nhiên trong thời gian 30 năm. Tháng 5/2015, lượng nhập khẩu dầu mỏ từ Nga của Trung Quốc đã tăng 20%, lên tới mức cao 3,92 triệu tấn. Nga thay thế Saudi Arabia, trở thành nước cung cấp dầu mỏ lớn nhất cho Trung Quốc. So với các nước cung cấp năng lượng khác, Nga có ưu thế địa lý rất lớn, giữa hai nước có sự phụ thuộc chiến lược, hợp tác năng lượng vừa là kết quả thắng lợi của hợp tác chiến lược song phương, cũng là công cụ thực hiện hợp tác chiến lược. Hợp tác năng lượng song phương có tiềm năng thị trường rất lớn. 

Trung Quốc có tiềm năng rất lớn về đầu tư cơ sở hạ tầng trong lãnh thổ Nga

Có một triển vọng mới được mở ra, sau này có thể được mở rộng, đó là đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc trong lãnh thổ Nga có tiềm năng rất lớn. Cho dù là Ngân hàng phát triển BRICS, Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) hay Quỹ con đường tơ lụa thì đều là quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng mang tính toàn cầu, đều hết sức quan tâm đến lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, Trung Quốc coi xây dựng cơ sở hạ tầng là lĩnh vực trọng điểm trong hợp tác đầu tư đối ngoại “đi ra bên ngoài” đặc biệt là khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại trong ba năm gần đây, xuất khẩu năng lực sản xuất dư thừa ra nước ngoài đã trở thành tình thế cấp bách trong nước. Đầu tư giữa Trung Quốc và Nga đã dần dần mở rộng từ lĩnh vực năng lượng sang các lĩnh vực như nông nghiệp, ngành chế tạo gia công, xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghệ kỹ thuật cao... Sự phát triển ổn định của thương mại song phương, tăng cường hỗ trợ kinh tế, ký hiệp định mang tính ràng buộc pháp lý, hoàn thiện cơ chế hợp tác kinh tế đã tạo cơ sở để Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng ở Nga. Cơ hội kinh doanh đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng của Trung Quốc trong lãnh thổ Nga chủ yếu tập trung ở một số lĩnh vực: Một là xây dựng hiện đại hóa cơ sở hạ tầng tuyến đường biển phía Bắc của Nga, hai là xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá trong lãnh thổ Nga, ba là xây dựng các tuyến đường sắt như hiện đại hóa tuyến đường Abakan và tuyến đường Tây Siberia... Trung Quốc và Nga hiện nay đang nghiên cứu tuyến đường sắt cao tốc Âu-Á “Trung Quốc (Bắc Kinh)-Nga (Moskva), đảm bảo triển khai hợp tác toàn diện trong việc ưu tiên thực hiện dự án đường sắt cao tốc Moskva-Kazan. 

Nga có phải là quốc gia then chốt cho thành công của sáng kiến “Một vành đai, một con đường” hay không?

“Một vành đai, một con đường” bao gồm “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa trên đất liền” và “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”, có dân số khoảng 4,4 tỷ người nằm ở ven hai tuyến đường, tổng lượng kinh tế khoảng 21.000 tỷ USD, chiếm 63% và 29% GDP toàn cầu. 

“Một vành đai, một con đường” là chiến lược quốc gia do Trung Quốc khởi xướng, thúc đẩy từ cấp cao. Việc thành công hay thất bại của chiến lược này liên quan đến sự hưng thịnh của Trung Quốc và phục hưng dân tộc Trung Hoa. Đồng thời, chiến lược này cũng có ảnh hưởng lớn đến sự phồn vinh và ổn định của 64 quốc gia và vùng lãnh thổ ven hai tuyến đường này. Trong số 64 nước và vùng lãnh thổ đó, nước Nga với diện tích lãnh thổ 17 triệu km2, dân số 143 triệu người, thu nhập bình quân đầu người là 12.735 USD năm 2014, có nguồn tài nguyên phong phú, công nghệ quân sự phát triển và thực lực nghiên cứu kỹ thuật thời Liên Xô để lại, tư duy chiến lược lịch sử mang tính đế quốc, nên nước này trở thành quốc gia then chốt đáp ứng chiến lược “Một vành đai, một con đường”, đặc biệt là sáng kiến Vành đai kinh tế con đường tơ lụa trên đất liền mà Trung Quốc đưa ra. Then chốt của thành bại của sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc là việc xây dựng vành đai kinh tế của con đường tơ lụa trên đất liền, mà ành đai kinh tế này liệu có tiến triển lớn ở khu vực Trung Á, Trung Âu và Đông Âu hay không liên quan chặt chẽ đến sự phối hợp, hợp tác của Nga. 

Nga là chướng ngại tiềm ẩn trong chiến lược kinh tế của Trung Quốc

Một là thách thức từ năng lực tài chính của Nga. Năng lực tài chính của Nga hết sức hạn chế, thậm chí đang gây trở ngại cho việc thực hiện một số dự án cơ sở hạ tầng lớn giữa Trung Quốc và Nga. Năng lực tài chính hạn chế được phản ánh từ hai mặt: Một mặt, giá dầu thế giới bắt đầu giảm vào tháng 11/2014 đã trở thành trạng thái bình thường mới với giá dầu thấp trong sự chuyển đổi mô hình năng lượng toàn cầu, thu ngân sách của Nga vốn phụ thuộc nghiêm trọng vào xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt đã giảm mạnh, họ không còn đủ năng lực đầu tư cải tạo cơ sở hạ tầng. Mặt khác, dòng vốn của doanh nghiệp rất thiếu hụt, lại không có thị trường tài chính hoàn thiện để hỗ trợ có hiệu quả tài chính doanh nghiệp. 

Hai là sự dị dạng của cơ cấu kinh tế Nga. Sau khi Liên Xô tan rã, Nga tiến hành chuyển đổi mô hình cơ chế kinh tế với quy mô lớn, thúc đẩy trọng điểm “thị trường hóa” và “tư nhân hóa”. Nhưng đến nay, vấn đề bất cập cơ cấu kinh tế hiện nay của Nga vẫn rất lớn, căn bệnh của nước xuất khẩu tài nguyên là điều quá rõ ràng. Vấn đề cơ cấu kinh tế của Nga chủ yếu biểu hiện ở chỗ: Sự phát triển kinh tế phụ thuộc quá mức vào xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt ra nước ngoài, dễ dàng chịu ảnh hưởng từ biến động kinh tế thế giới. Các nhân tố sản xuất như nguồn vốn, lực lượng lao động... mà các ngành công nghiệp khác có thể có được lại quá ít. Ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt khi giá dầu giảm được nhà nước hỗ trợ nhiều hơn. Vấn đề cơ chế kinh tế của Nga có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đối với “chiến lược kinh tế” trong hợp tác với Nga. 

Ba là trở ngại do ảnh hưởng từ di sản của Liên Xô trước đây. Khu vực Trung Á và Đông Á, đặc biệt là các quốc gia Đông Âu gần Nga đều là những nước cộng hòa đồng minh của Liên Xô, có nhiều tranh chấp trong quá khứ với Nga. Do đó, địa chính trị của Trung Á và Nga có thể kìm hãm những dự án trên, ví dụ như đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng ở Nga, việc thực hiện vành đai kinh tế con đường tơ lụa..., có sự kiềm chế có trở ngại thực tế và tiềm ẩn. Cụ thể, hoài nghi của Nga đối với Trung Quốc chủ yếu là hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc với các nước láng giềng của Nga, có thể làm thiệt hại lợi ích kinh tế khu vực của Nga. Sự vươn lên chiến lược của Trung Quốc giúp các nước Trung Á giảm sự phụ thuộc vào Nga, tăng cường tính độc lập về ngoại giao của họ đối với Nga. Đặc biệt là cạnh tranh ảnh hưởng ở khu vực Trung Á giữa Trung Quốc và Nga sẽ gia tăng. Rất nhiều học giả phương Tây cho rằng hợp tác Trung-Nga sẽ trở nên yếu ớt ở khu vực Trung Á. 

Nga trong “chiến lược quân sự” của Trung Quốc

Hợp tác chặt chẽ với Nga trong chiến lược quân sự của Trung Quốc được tiến hành trong bối cảnh Nga đối đầu với phương Tây. Trong chiến lược quân sự của Trung Quốc, vai trò của Nga rất quan trọng. Đặc biệt, Nga xuất khẩu vũ khí sang Trung Quốc, cung cấp trang thiết bị, cung cấp kỹ thuật tiên tiến, tập trận chung ở Địa Trung Hải... có ý nghĩa lớn. Trải qua sự phát triển trong nhiều năm, đặc biệt là nỗ lực trong vài năm gần đây, sự phát triển quan hệ giữa Bộ Quốc phòng hai nước đang từng bước được thúc đẩy, có thể thấy dấu hiệu đó trong tiến triển hợp tác quân sự và kỹ thuật quân sự giữa Trung Quốc và Nga năm 2013. Trong điều kiện cục diện quốc tế bất ổn, quan hệ quân sự ổn định giữa hai nước có ý nghĩa quan trọng đối với việc tăng cường quan hệ láng giềng, đồng thời đóng góp cho việc bảo đảm hòa bình và ổn định ở lục địa Âu-Á và những lĩnh vực khác. 

Hợp tác quân sự ngày càng đi vào chiều sâu giữa hai nước cũng có lợi cho chỗ dựa lẫn nhau về chiến lược. Trước hết, nhận định tương đồng của hai nước đối với cục diện chính trị kinh tế thế giới, hai bên đều cố gắng thúc đẩy phát triển thế giới đa cực, phá vỡ sự kiểm soát của các nước phương Tây do Mỹ đứng đầu đối với quyền quản lý thế giới. Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” do Trung Quốc đưa ra nhằm thoát khỏi đàm phán thương mại quốc tế không bình đẳng do Mỹ đứng đầu thực hiện chiến lược lớn quan trọng với nguồn lực ở phạm vi lớn hơn và hợp tác thị trường, lần đầu tiên đưa ra khuôn khổ hợp tác phát triển giữa các châu lục do Trung Quốc nắm vai trò chủ đạo. Liên minh kinh tế Âu-Á là thế trận địa chiến lược quan trọng mà Nga có ý đồ lấy liên kết kinh tế làm điểm tiếp xúc để điều chỉnh không gian hậu Xôviết, là sức mạnh chỗ dựa vững chắc để Nga thiết lập một cực quan trọng trong cục diện thế giới đa cực trong tương lai. 

Thứ hai xuất phát từ toan tính toàn diện về an ninh. Trung Quốc là nước đang gặp vấn đề về tranh chấp lãnh thổ ở Hoa Đông và Biển Đông, đối mặt với thách thức từ chiến lược tái cân bằng mạnh mẽ của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP), không thể tách rời hoàn toàn an ninh quân sự và chính trị truyền thống với an ninh phi truyền thống như chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa ly khai, ngày càng dựa vào sự tăng cường thực lực quân sự trên biển, trên đất liền và trên bầu trời. Nga lại bị Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) không ngừng xâm lấn không gian chiến lược và không gian kinh tế, bị tấn công bằng giá dầu với sự thao túng của đồng USD dầu mỏ. Đối mặt với sự chia cắt Đông Tây ở Ukraine mà Nga coi là quốc gia trung tâm chiến lược, Nga đã phải lựa chọn tấn công quân sự hết lần này đến lần khác. Trong môi trường quốc tế đầy biến động đó, Trung Quốc và Nga đều mong muốn có một đối tác chiến lược toàn diện có cùng quan niệm giá trị về thế giới, thực lực tương đương, để ít nhất có thể bảo đảm ổn định an ninh biên giới của nhau. 

Tuy nhiên, những đóng góp về quân sự của Nga đối với Trung Quốc cũng có hiệu ứng tiêu cực nhất định, có thể gây ra một cách gián tiếp nhưng sâu sắc các phản ứng quân sự, bao gồm gián tiếp gia tăng cuộc chạy đua vũ trang ở Tây Thái Bình Dương giữa Trung Quốc và Mỹ, đồng thời gián tiếp gia tăng phản ứng chiến lược khác của Mỹ và đồng minh của Mỹ. Vấn đề này đòi hỏi Trung Quốc phải cân nhắc về mặt quân sự và ngoại giao. Lâu nay, giữa Trung Quốc và Nga duy trì một mối quan hệ hòa bình nhưng đầy mâu thuẫn và hoài nghi, là điều phù hợp nhất với lợi ích chiến lược quốc gia của Mỹ. Mỹ là nền kinh số một và phát triển nhất thế giới, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai và nước đang phát triển lớn nhất thế giới, đông dân nhất thế giới, Nga lại là quốc gia có lãnh thổ lớn nhất và dự trữ tài nguyên rất lớn trên thế giới, hơn nữa lại có thực lực quân sự tương đương với Mỹ. Do đó, quan hệ giữa ba góc của tam giác đều vững chắc hơn quan hệ ba góc của tam giác không đều. Khi khoảng cách giữa Trung Quốc và Nga không ngừng bị thu hẹp, Mỹ chắc chắn cảm nhận được sức ép và đang hợp tác với bạn bè đồng minh, đưa ra phản ứng chiến lược, hợp tác Trung-Nga do đó sẽ gặp nhiều thử thách lớn hơn.

Nga dưới góc độ địa chiến lược của Trung Quốc

Vấn đề cuối cùng liên quan đến “quan niệm chiến lược toàn cầu” và “xu hướng địa chiến lược” cốt lõi trong chiến lược đối ngoại của Trung Quốc. Mặt quan trọng, tích cực của vấn đề này là Nga đóng vai trò đối tác chiến lược và đối tác ngoại giao của Trung Quốc, đã tạo ra một trợ lực quan trọng, giúp gia tăng dũng khí của Trung Quốc, tăng cường dự báo của Trung Quốc về năng lực địa chiến lược của mình. Vậy năng lực địa chiến lược của Trung Quốc lớn đến đâu? Câu trả lời sẽ khác nhau khi Nga có phải là một đối tác chiến lược và đối tác ngoại giao quan trọng của Trung Quốc hay không. Trung Quốc gia tăng dũng khí, cũng sẽ đánh giá cao hơn khả năng địa chiến lược, tăng cường sức mạnh chiến lược, bố cục chiến lược của mình. Đây là những điều đáng để Trung Quốc theo đuổi, nhưng phải thực hiện một cách hợp lý. Nếu “quan niệm chiến lược toàn cầu” và “xu hướng địa chiến lược” xuất hiện sai lầm hoặc có phần định vị lệch lạc sẽ gây nguy hại rất lớn. 

Tình hình trên thế giới luôn vừa có lợi vừa có hại, nhưng cái hại rất nhỏ cũng phải chú ý. Cái hại là có thể làm tổn hại quan hệ giữa các nước châu Âu với Trung Quốc. Bởi vì một số quốc gia châu Âu có rất nhiều mâu thuẫn với Nga trên các lĩnh vực như ý thức hệ, mâu thuẫn trong quá khứ, tranh chấp lãnh thổ, hằn thù dân tộc, tranh giành tài nguyên thiên nhiên... Việc thúc đẩy quan hệ ngoại giao địa chiến lược giữa Nga và Trung Quốc có thể gia tăng sự lo ngại và bất bình của các nước Trung Á và Đông Âu đối với Trung Quốc. Xem xét từ góc độ này để nhìn nhận cục diện chiến lược của Trung Quốc, có thể thấy khả năng tác động đến Trung Quốc, là bị Nga, quốc gia thiếu thận trọng về chiến lược, cuốn hút vào tranh chấp và rủi ro quốc tế lớn liên quan đến lợi ích quan trọng của Trung Quốc. Về vấn đề này, Trung Quốc phải cân nhắc chu toàn hơn khi tính đến lợi ích quốc gia, nghĩ xa hơn về khả năng xảy ra, bởi vì quan hệ chiến lược Trung-Nga trong tương lai hoàn toàn có thể xảy ra khả năng đó. 

Xem xét từ kinh nghiệm lịch sử, có thể thấy những tiền lệ tiêu cực như quan hệ chiến lược giữa đế quốc Đức và đế quốc Áo-Hung, bởi vì đế quốc Áo-Hung đã lôi kéo đế quốc Đức vào cuộc hỗn chiến. Tiền lệ thành công là quan hệ chính trị chiến lược giữa Anh và nước Nga Sa Hoàng vào thời điểm 30-40 năm sau khi kết thúc cuộc chiến với Napoleon, đó là vừa phải hợp tác, vừa phải giữ vững tính độc lập đầy đủ và tính linh hoạt cơ bản của Anh. 

Kết luận

Thông qua phân tích vai trò và ảnh hưởng của Nga trong chiến lược quốc gia của Trung Quốc, người viết có thể đưa ra kết luận: Xem xét từ góc độ chiến lược kinh tế của Trung Quốc, có thể thấy Nga có ý nghĩa quan trọng đối với Trung Quốc trên các lĩnh vực như cung cấp năng lượng, xây dựng cơ sở hạ tầng, vành đai kinh tế con đường tơ lụa trên đất liền..., nhưng các nhân tố như sự cảnh báo về năng lực tài chính của Nga, thể chế kinh tế, địa chính trị kinh tế Trung Á... đã hình thành sự kìm hãm và trở ngại tiềm ẩn đối với những lĩnh vực quan trọng trên. Xem xét từ góc độ chiến lược quân sự của Trung Quốc, có thể thấy vai trò của Nga tăng vọt về mặt quân sự, nhưng cũng có khả năng tác động trở lại về quân sự một cách gián tiếp và sâu sắc, đó là Trung Quốc và Mỹ gia tăng chạy đua vũ trang ở khu vực phía Tây Thái Bình Dương nghi ngại Mỹ và đồng minh quân sự của Mỹ. Nhìn nhận từ góc độ địa chiến lược của Trung Quốc, có thể thấy Nga là trợ lực quan trọng được tạo ra từ đối tác chiến lược và đối tác ngoại giao lớn, tăng cường sức mạnh địa chiến lược của Trung Quốc, nhưng cũng gây tổn hại đến quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), gia tăng sự bất bình và lo ngại tiềm ẩn của các nước Trung Á và Đông Âu đối với Trung Quốc; nhìn nhận từ góc độ “xu hướng địa chiến lược” của Trung Quốc, có thể thấy tuy hợp tác chặt chẽ với Nga đã tăng cường sức mạnh địa chiến lược của Trung Quốc, nhưng lại khuyến khích Trung Quốc đánh giá cục diện chiến lược thế giới và tương lai chiến lược của Trung Quốc từ góc độ đối lập và cạnh tranh của nhóm các nước lớn, Trung Quốc có thể bị Nga cuốn hút vào tranh chấp và rủi ro quốc tế lớn rất ít liên quan đến lợi ích của Nga. Do đó, chúng ta phải tiếp thu kinh nghiệm và bài học lịch sử, nhận thức quan hệ đối tác chiến lược Trung-Nga như thế nào vừa thực hiện đạo lý quốc tế và khai thác đầy đủ tiềm lực của Nga, vừa có thể phòng ngừa mối quan hệ chiến lược này nếu xử lý không tốt sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đối với Trung Quốc.

Theo Tạp chí Nghiên cứu Nga, Đông Âu, Trung Á, Trung Quốc

Hoàng Lan (gt)