Khi cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc tăng lên, cả Nhật Bản và ASEAN phải đánh giá các chính sách chiến lược của mình. Nhật Bản và ASEAN sẽ là hai thực thể quan trọng tiếp theo (không xếp theo thứ tự cụ thể) trong bối cảnh chiến lược hiện nay, quyết sách của họ có thể quyết định đến sự ổn định trong khu vực Đông Á. Sự trỗi dậy của Trung Quốc là câu chuyện chính của thế kỷ này. Mặc dù Bắc Kinh nhiều lần đề cập đến chiến lược “trỗi dậy hòa bình”, song những hành vi hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc trong thời gian qua tiếp tục đặt ra nhiều câu hỏi về ý đồ thực sự của nước này. Sự ngờ vực xuất phát từ việc Trung Quốc củng cố tuyên bố chủ quyền của mình ở vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông, bao gồm cả việc gấp rút cải tạo đất đá để mở rộng các hòn đảo, rạn san hô ở vùng Biển Đông. Các quốc gia có yêu sách khác cùng Mỹ và Nhật Bản lo ngại Trung Quốc có ý đồ quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo, và điều này ngày càng trở nên rõ ràng khi đầu năm 2016 Bắc Kinh đã cho triển khai các hệ thống tên lửa phòng không trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Phần lớn các nhà phân tích đều cho rằng sự quyết đoán của Trung Quốc trong vấn đề biển sẽ tiếp tục leo thang. Điều này đặc biệt đúng đối với các tranh chấp ở Biển Đông khi Trung Quốc coi tiểu vùng này như là khu vực “sân sau” của riêng mình. Sự quyết đoán của Trung Quốc đã dẫn đến sự tranh cãi gay gắt không chỉ giữa các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông khác như Philippines và Việt Nam, mà còn với các đối tác lâu dài của mình như Malaysia và Indonesia vốn đứng trung lập trong cuộc tranh chấp này.

Xu hướng quan trọng thứ hai là khuyến khích Mỹ can dự, quan tâm và cam kết với khu vực Đông Á. Sự gia tăng chiến lược của Trung Quốc thách thức vai trò truyền thống của Mỹ như là nguồn ổn định chính trong khu vực. Mặc dù luôn lo ngại Mỹ bỏ rơi trong bối cảnh chiến lược hiện nay của Đông Á, nhưng có hai yếu tố sẽ khiến Mỹ quan tâm đến khu vực này nhiều hơn.

Thứ nhất là việc Trung Quốc và Triều Tiên mua sắm các công nghệ bất đối xứng như tên lửa đạn đạo, tàu ngầm và các vũ khí khác nhằm củng cố khả năng chống tiếp cận/chống xâm nhập và hạn chế khả năng tiếp cận các căn cứ quân sự của Mỹ ở Đông Bắc Á, và tiếp đến làm suy yếu khả năng răn đe mở rộng của Mỹ.

Yếu tố thứ hai bắt nguồn từ chính sách của Mỹ ở Trung Đông. Đối với khu vực Đông Á, Trung Đông là một nguồn phân tâm sự chú ý và các nguồn lực của Mỹ. Với tình hình hiện nay ở Syria và mối đe dọa từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng leo thang căng thẳng ra cả các khu vực khác, sự tham gia của Mỹ ở Trung Đông mặc dù sẽ được tăng cường, nhưng không vì thế Mỹ phớt lờ các quốc gia Đông Á.

Phản ứng của Nhật Bản và ASEAN đối với các xu hướng địa chính trị về cơ bản là khác nhau. Đối với Nhật Bản, những thay đổi này đã dẫn đến sự giải thích rõ ràng hơn về các mục tiêu an ninh quốc gia và chiến lược. Ở bên trong, Nhật Bản đã tăng cường khả năng quân sự của mình, điều chỉnh chiến lược quốc phòng tập trung hơn vào các khu vực phía Tây Nam, gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí và tăng chi tiêu quốc phòng. Ở bên ngoài, Nhật Bản đã tăng cường hợp tác quốc phòng với Mỹ, nhất là việc hai bên ký kết Hướng dẫn mới về Hợp tác Quốc phòng Nhật Bản- Mỹ năm 2015, bản nâng cấp đầu tiên kể từ năm 1997, cho phép Nhật Bản giúp bảo vệ Mỹ và các đồng minh khác, ngay cả khi Nhật Bản không phải là nước bị tấn công (được gọi là nhiệm vụ tự vệ tập thể). Nhật Bản cũng đã củng cố quan hệ an ninh với các nước có cùng mục tiêu (Úc, Ấn Độ), hình thành các quan hệ đối tác an ninh với nước nguyên đơn trong vụ tranh chấp Biển Đông (Philippines) cũng như với Việt Nam, và tham gia vào các nỗ lực ngoại giao quốc phòng mạnh mẽ song phương và đa phương (ADMM+).

Trong khi đó, tác động đối với ASEAN vẫn chưa rõ ràng. Điều này không bất ngờ vì ASEAN là một tập thể 10 quốc gia với các lợi ích quốc gia riêng biệt. Tuy nhiên, một tác động có thể nhìn thấy được, đó là sự rạn nứt trong ASEAN. Sự khác biệt giữa nhóm ủng hộ Trung Quốc, nhóm phản đối Trung Quốc và các nước trung lập đã trở nên rõ ràng hơn. Các cuộc họp ngoại trưởng ASEAN năm 2012 và năm 2015 là những ví dụ minh chứng cho sự rạn nứt này, khi đó các nước ASEAN đã không thể đạt được một sự đồng thuận về hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông trong các thông cáo chung được công bố sau những cuộc họp. Vào tháng 4/2016, sự rạn nứt này một lần nữa được báo chí nhắc đến khi các ngoại trưởng của Trung Quốc, Lào, Campuchia và Brunei đã gặp nhau và đi đến thống nhất rằng vấn đề Biển Đông nên được giải quyết giữa Trung Quốc và các quốc gia yêu sách, chứ không phải thông qua khuôn khổ ASEAN- Trung Quốc. 

Rõ ràng để đối phó trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, chính sách chiến lược toàn diện của Nhật Bản được hầu hết các quốc gia ASEAN chấp nhận, bởi vì động thái của Tokyo được coi là biện pháp phòng thủ. Tuy nhiên, Nhật Bản nên tránh bất kỳ hành vi gây mất ổn định về vấn đề di sản lịch sử chưa được giải quyết, chẳng hạn như thăm đền thờ Yasukuni. Điều này làm giảm thiện chí của Nhật Bản và ủng hộ quan điểm rằng Nhật Bản có thể là một nhân tố gây bất ổn. Ngoài ra, Nhật Bản nên tránh bất kỳ chiến lược cân bằng sức mạnh chống Trung Quốc mà có thể đẩy nhận thức của khu vực về việc Tokyo đang cố gắng tạo ra một liên minh chống Trung Quốc.

Đối với ASEAN, điều quan trọng là khu vực này vẫn là thể chế tổ chức hội nghị cho khu vực Đông Á thu hút sự tham gia của các nước lớn và cường quốc trong khu vực, cũng như duy trì sự liên quan của mình trong bối cảnh khu vực. Giải quyết sự thiếu đoàn kết của ASEAN là thách thức quan trọng nhất trong thập kỷ tới. ASEAN phải quyết định điểm giới hạn khi các hành động của Trung Quốc hay Mỹ trở nên bất lợi cho sự ổn định của khu vực, và đưa ra một cách tiếp cận chung cho thách thức này. Đây không phải là một sự thúc đẩy hướng tới việc tạo ra một chính sách đối ngoại và an ninh chung như của Liên minh châu Âu, mà là cách tiếp cận vấn đề dựa trên nhận thức chung. Trong khi đó, Nhật Bản đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì vai trò trung tâm của ASEAN nhằm bảo đảm sự hợp tác Nhật Bản- ASEAN mang lại ổn định cho khu vực.

Bhubhindar Singh là phó giáo sư và là điều phối viên Chương trình Kiến trúc Anh ninh Khu vực, trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore. Bài viết được đăng trên Policy Forum.

Văn Cường (gt)