Nhờ vào những tín hiệu rõ rệt cho thấy sự đang lên của Ấn Độ và uy tín to lớn của mình sau bầu cử, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang mong muốn phá vỡ hiện trạng mối quan hệ giữa New Delhi với Bắc Kinh, đồng thời tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ với Nhật Bản và Mỹ.

Ông Modi biết rằng ông không cần phải theo đuổi bất cứ điều gì chống Trung Quốc một cách ầm ĩ mà chỉ cần tận dụng tiềm năng phát triển kinh tế và thị trường khổng lồ của Ấn Độ để khiến Bắc Kinh phải tích cực trong quá trình tìm giải pháp cho những bế tắc ở khu vực biên giới và đồng ý tiến hành các biện pháp nhằm giảm bớt sự chênh lệch thương mại- hai vấn đề mà New Delhi muốn đạt được sự đột phá. Phần lớn nỗ lực của Ấn Độ trong năm 2016 trên mặt trận Trung Quốc sẽ nhằm tạo ra một sân chơi cân bằng trong các lĩnh vực, như tiếp cận thị trường Trung Quốc để xúc tiến xuất khẩu và giảm bớt chênh lệch thương mại; tăng lượng đầu tư Trung Quốc; và xóa đi những bất đồng trong vấn đề biên giới nhằm giải quyết vấn đề này một cách bền vững. Cho tới nay, các công ty Trung Quốc đã bán hàng của mình ở Ấn Độ, song họ vẫn ngại ngần đầu tư vào đây. Thực tế, đầu tư của Trung Quốc ở Ấn Độ ít hơn đầu tư của Canada, Ba Lan hay Malaysia. Ví dụ, trong 14 năm qua, Anh đã đầu tư 21,5 tỷ USD vào Ấn Độ, còn đầu tư của Trung Quốc chỉ ở mức 0,4 tỷ USD- ít hơn so với mức 0,5 tỷ USD của Canada.

Ấn Độ đã soán ngôi Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất thế giới, với mức tăng trưởng khoảng 7,5%. Tuy nhiên, New Delhi vẫn còn nhiều việc phải làm để cải thiện nền kinh tế và lĩnh vực việc làm nhằm đáp ứng nguyện vọng của 365 triệu thanh niên Ấn Độ ở độ tuổi từ 10-24. Đó là lý do New Delhi đã phát động chiến dịch đầy tham vọng “Make in India” và cũng chính là lý do tại sao nước này muốn Trung Quốc thực sự đầu tư nhiều nhất vào đây. Đúng là Nhật Bản đã đánh bại Trung Quốc để giành được hợp đồng trị giá 15 tỷ USD cho dự án xây dựng tàu cao tốc đầu tiên ở Ấn Độ trên tuyến đường 505km Mumbai-Ahmedabad. Tuy nhiên, một tổ hợp doanh nghiệp Ấn Độ- Trung Quốc hiện đang tiến hành nghiên cứu khả thi dự án xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao dài 2.200km Chennai-Delhi, bên cạnh tuyến đường hành lang New Delhi-Mumbai dài 1.200km.

Nếu New Delhi cố gắng tạo sự gắn kết kinh tế sâu sắc hơn với Bắc Kinh trong những ngày tới thì Trung Quốc sẽ tìm cách để đưa Ấn Độ tham gia vào dự án “Con đường Tơ lụa” đầy tham vọng và gây tranh cãi của mình vừa được bắt đầu bằng sáng kiến “Một Vành đai, Một Con đường”. “Con đường Tơ lụa Mới” của Trung Quốc nhằm kết nối Trung và Nam Á bằng các tuyến đường bộ, đường sắt và đường ống dẫn năng lượng. Trung Quốc đã khuếch trương về một tuyến đường sắt vận tải dài nhất thế giới, nối trung tâm chế tạo Nghĩa Ô của Trung Quốc với Madrid, Tây Ban Nha. Vành đai này gồm có một hành lang dự kiến sẽ kết nối tỉnh Vân Nam của Trung Quốc với Myanmar, Bangladesh và Ấn Độ. New Delhi quan ngại dự án này vì lo sợ sự hiện diện hoặc ảnh hưởng sâu rộng của Trung Quốc ở khu vực, song các nước như Sri Lanka, Maldives và Indonesia đã sẵn sàng tham gia. Trong năm 2016, Chính quyền Modi sẽ phải quyết định liệu Ấn Độ có thể đứng ngoài sáng kiến kết nối liên quốc gia này trong bối cảnh địa chính trị hiện nay hay không.

Cả hai nước dường như nhận thức được rằng sự tái trỗi dậy đồng thời của Ấn Độ và Trung Quốc thành hai cường quốc lớn đã tạo cơ hội cho việc hiện thực hóa Thế kỷ châu Á. Cả hai đều nhất trí rằng biên giới “nhìn chung phải ổn định” và đã tán thành “những hành động cụ thể” để thực hiện những thỏa thuận đã đạt được. Đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy cả hai nước có thể thực sự muốn có sự gắn kết hơn về kinh tế đồng thời tiếp tục nỗ lực duy trì tình hình biên giới yên ổn trước khi tìm ra được một giải pháp khả thi.

New Delhi đã có những bước tiến mang tính biểu tượng đầu tiên trong việc làm dịu quan hệ với Bắc Kinh. Trong chuyến thăm Trung Quốc tháng 5/2015, ông Modi tuyên bố sẽ cấp visa điện tử cho các khách du lịch Trung Quốc tới Ấn Độ. Có người cho rằng ông đã đưa ra tuyên bố trên ngược lại với lời khuyên của cơ quan an ninh. Hiện người ta mong muốn Bắc Kinh sẽ chấm dứt việc cấp visa rời cho các công dân Ấn Độ thuộc bang Arunachal Pradesh- một động thái nhằm củng cố những yêu sách của nước này về biên giới. Những điều khó chịu này New Delhi sẽ phải giải quyết trong những ngày tới bởi điều đó rất quan trọng cho một cam kết kinh tế nghiêm túc vào thời điểm mà Trung Quốc đang oằn lưng bởi những chi phí khổng lồ cho những dự án kết nối lớn vừa khởi động.

Một vấn đề quan trọng nữa mà New Delhi không thể bỏ qua là sự quan ngại trước những dự án xây đập lớn của Trung Quốc trên các sông chảy qua hai nước như sông Yarlung Tsangpo mà Ấn Độ gọi là Brahmaputra. Đập Zangmu gần khúc quanh chữ U, nơi con sông đi vào khu vực Arunachal Pradesh, đã được đưa vào hoạt động, và Bắc Kinh vừa phê chuẩn việc xây dựng 3 con đập nữa trên sông này. Điều này dẫn tới những quan ngại thực sự và nghiêm trọng cho các khu vực hạ lưu như Đông Bắc Ấn Độ và Bangladesh. Trong bối cảnh thiếu một hiệp định về nguồn nước giữa hai quốc gia và Trung Quốc chỉ cam kết cung cấp cho Ấn Độ các số liệu về lũ lụt trong mùa mưa, New Delhi phải tích cực tìm cách để Bắc Kinh chấp nhận một thỏa thuận về nguồn nước.

Có thể nói chắc chắn rằng trong năm 2016, thương mại sẽ là chủ đề chính trong đối thoại giữa hai nước. Uy tín to lớn của ông Modi đang tạo nên sự hào hứng cho các nhà đầu tư Trung Quốc vốn từ lâu khó chịu với những chính sách đầu tư "thù địch" của Ấn Độ. Việc thành lập hai khu công nghiệp dành cho các doanh nghiệp Trung Quốc và tổ hợp kinh doanh Ấn Độ- Trung Quốc đang cùng chuẩn bị cho dự án tàu cao tốc đã làm thay đổi nhận thức các nhà đầu tư Trung Quốc.

Theo Eurasia Review

Trần Quang (gt)