159927_UZSI(1).jpg

Năm 2015, nước Mỹ phải đối mặt với nhiều thách thức trong chính sách đối ngoại, đặc biệt là tại khu vực Âu, Á và Trung Đông do hai cuộc xung đột ở Syria và Ukraine kéo dài. Tuy nhiên, Washington lại đạt được nhiều thành tích đối ngoại ở khu vực sát sườn với mình, đó là bình thường hóa quan hệ với Cuba; Đảng cầm quyền chống Mỹ tại Venezuela đã thất bại trong cuộc bầu cử quốc hội, trong khi các nền kinh tế Mỹ Latinh hội nhập với Mỹ nhìn chung hoạt động tốt hơn so với những nước không xích lại gần Mỹ. Trong bối cảnh Mỹ sẽ tìm cách thúc đẩy hơn nữa vị thế địa chính trị của mình tại khu vực trong năm 2016, Washington có thể đạt được thêm một số thành tích nhất định, tuy vẫn còn những trở ngại ngăn cản nước này sắp xếp toàn bộ khu vực Mỹ Latinh theo hướng phục vụ lợi ích của mình.

Trước hết phải nói đến động thái chính thức bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Cuba. Một trong những động lực quan trọng nhất đằng sau tiến trình bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba là những diễn biến chính tri và kinh tế tại Venezuela. Cựu Tổng thống Venezuela Hugo Chavez là một trong những nhà tài trợ lớn nhất cho Cuba cả về chính trị lẫn tài chính. Tuy nhiên, việc ông Chavez qua đời (năm 2013) và sau đó là giá dầu thô lao dốc đã gây áp lực rất lớn lên Venezuela. Người kế nhiệm ông Chavez, Tổng thống Nicolas Maduro, đã phải trầy trật để duy trì sự ổn định nội bộ và các mối quan hệ đối ngoại.

Có thể không phải ngẫu nhiên mà Cuba, quốc gia lâu nay phụ thuộc vào Venezuela, bắt đầu theo đuổi một cách tích cực hơn mối quan hệ với Mỹ trong khi nhà bảo trợ chính của họ bị "thất cơ lỡ vận". Trong khi đó, kinh tế Venezuela xuống dốc có lợi cho Mỹ. Caracas là một trong vài thủ đô có chính phủ chống Mỹ ở Mỹ Latinh, song uy tín của chế độ này đã sa sút trong mấy năm qua và đỉnh điểm là đảng Xã hội Thống nhất Venezuela cầm quyền thất bại trước phe đối lập trong cuộc bầu cử hôm 6/12 vừa qua. Mặc dù đảng này và ông Maduro vẫn nắm giữ cơ quan hành pháp, song vị "tổng thống thất thế" này có thể phải đối mặt với một cuộc trưng cầu dân ý bất lợi vào giữa năm 2016. Do đó, ông Maduro chí ít cũng phải kiềm chế rất nhiều việc công khai chống Mỹ.

Những thành tích đối ngoại của Mỹ trong năm qua không chỉ dừng ở Cuba và Venezuela. Chẳng hạn, cuộc bầu cử tổng thống Argentina vào cuối tháng 11/2015 đã thay nhà lãnh đạo cánh tả Cristina Fernandez de Kirchner bằng chính khách thân với giới kinh doanh là ông Mauricio Macro. Mặc dù không thể hiện rõ lập trường thân Mỹ, song chiến thắng của ông Mauricio có thể sẽ hướng Argentina có thái độ hợp tác hơn với các chủ nợ nước ngoài trong các cuộc đàm phán về những khoản trái phiếu đã vỡ nợ của nước này. Nhà lãnh đạo mới của Argentina cũng đã bắt đầu theo đuổi chính sách mậu dịch và đầu tư cởi mở hơn.

Trong khi đó, Colombia - đồng minh thân thiết của Mỹ - đã đạt được những tiến triển đáng kể trong các cuộc đàm phán với lực lược Vũ trang Cách mạng Colombia theo cánh tả, gọi tắt là FARC. Mỹ lâu nay ủng hộ các cuộc đàm phán này mặc dù vẫn còn một số dè dặt đối với vấn đề cụ thể như: ban lệnh ân xá cho các thành viên FARC, một vài trong số này đang bị giam giữ tại Mỹ. Tất cả các dấu hiệu đang cho thấy khả năng Bogota và FARC sẽ đạt được một thỏa thuận chính thức trong năm 2016, góp phần tăng cường sự ổn định tại quốc gia Nam Mỹ này.

Nhìn rộng hơn, bức tranh kinh tế của Mỹ Latinh trong năm 2015 có những điểm sáng - các quốc gia liên kết chặt chẽ hơn với Mỹ gồm: Mexico, các nước Trung Mỹ và các nước thành viên Liên minh Thái Bình Dương (Colombia, Peru and Chile), trong khi các quốc gia thiên tả như Venezuela, Brazil, Argentina và Ecuador đều đạt mức tăng trưởng âm hoặc bằng 0. Những xu hướng này đã làm đảo lộn cán cân chính trị tại nhiều quốc gia và khiến một số quốc gia Mỹ Latinh muốn hợp tác với Mỹ về mặt kinh tế.

Tóm lại, năm 2015 là một năm "bội thu" của Mỹ tại Mỹ Latinh trong nhiều lĩnh vực, và một số thành công đó có thể thúc đẩy những tiến triển hơn nữa trong năm 2016. Nói như vậy không có nghĩa là Washington sẽ đón nhận toàn tin tốt: Mặc dù đã chính thức bình thường hóa quan hệ với Cuba, song Mỹ không chắc sẽ bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận đối với nước này trong trong năm 2016 vì điều này đòi hỏi có được sự ủng hộ của quốc hội đúng vào năm bầu cử. Cùng lúc, chiến thắng mới nhất của phe đối lập tại Venezuela không có nghĩa là Caracas sẽ đột ngột trở nên thân thiện với Mỹ, mặc dù tăng cường hợp tác kinh tế song phương là hoàn toàn có thể nếu tình hình tài chính của Venezuela tiếp tục xấu đi.

Ở những nơi khác, các cường quốc chủ chốt như Brazil và Argentina sẽ tìm cách thúc đẩy quan hệ thương mại với Mỹ để khôi phục nền kinh tế. Tuy nhiên, những hạn chế về chính trị cũng như những khác biệt về văn hóa sẽ tiếp tục cản trở những nước này áp dụng hoàn toàn mô hình kinh tế mở cửa kiểu Mỹ. Bất chấp những trở ngại tiềm tàng kể trên, Mỹ có lẽ sẽ tiếp tục củng cố những lợi thế tại Mỹ Latinh trong năm 2016 trong bối cảnh họ phải xử lý những thách thức tại tất cả các khu vực còn lại trên thế giới.

Theo "Stratfor"

Mỹ Anh (gt)