Điều này sẽ khiến Trung Quốc khó khăn hơn trong việc bảo vệ bầu không khí hòa bình và thịnh vượng từng giúp nước này phát triển và biến Đông Á thành câu chuyện thành công gây ấn tượng sâu sắc. Hơn nữa, nếu kinh tế Trung Quốc tiếp tục phát triển mạnh trong khi Mỹ vẫn bị sa lầy trong cuộc chiến kiểm soát các khoản thâm hụt ngân sách ngày càng tăng thì Trung Quốc có thể nổi lên nhờ tổng thu nhập tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đứng đầu thế giới. Sự nổi lên của Trung Quốc sẽ có ý nghĩa chiến lược, tâm lý và có thể tác động bất lợi đến mối quan hệ song phương Mỹ-Trung. Ý đồ gần đây của Mỹ đối với Đông Á, đặc biệt với Đông Nam Á, là cách tiếp cận không phải nhằm mục đích ngăn chặn Trung Quốc mà là khôi phục lòng tin trong khu vực do Mỹ đã từng cam kết duy trì sự hiện diện ngày càng tăng ở Đông Bắc Á cũng như Đông Nam Á, mặc dù hiện Mỹ gặp nhiều khó khăn về ngân sách. Tuy nhiên, ý đồ của Mỹ làm nhiều người Trung Quốc coi Mỹ là thách thức của Trung Quốc ở khu vực sân sau của nước này. Trên thực tế, tình hình phức tạp hơn nhiều. Thái độ quyết đoán hơn của Trung Quốc sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã thúc đẩy các nước láng giềng của Trung Quốc muốn Mỹ tiếp tục can dự vào khu vực với vai trò cân bằng. Tuy nhiên, các nước này cũng lo sợ Mỹ có thể đi quá xa trong việc khiêu khích Trung Quốc bằng tuyên bố quyết tâm trở lại Đông Á. Ngoài ra, các nước đồng minh và bạn bè thân thiết nhất của Mỹ trong khu vực cũng lo ngại Oasinhtơn có thể lúng túng do đang gặp nhiều khó khăn trong nước cũng như thiếu sức chịu đựng để tiếp tục can dự đầy đủ khu vực Đông Á. Những đánh giá như vậy cho thấy sự tin tưởng của khu vực Đông Á đối với chính sách của Mỹ phụ thuộc vào khả năng quản lý hiệu quả quan hệ Mỹ-Trung. Các nước Đông Á muốn Mỹ can dự hơn nữa để ngăn chặn Trung Quốc sử dụng tiềm lực quân sự ngày một lớn mạnh một cách không thích hợp. Đồng thời, họ không muốn Mỹ dựa quá nhiều vào sự hiện diện quân sự trong khu vực hoặc có những hành động biến Trung Quốc thành một nước láng giềng nguy hiểm hơn và tăng sức ép để buộc họ phải lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ. 

Cả Trung Quốc và Mỹ đã xác định khung quan hệ giữa hai nước, vì vậy về nguyên tắc hai nước nên biến các thách thức trên trở thành những vấn đề có thể quản lý. Trong hai Tuyên bố chung Mỹ-Trung được công bố tháng 11/2009 và tháng 1/2011, Mỹ hoan nghênh một Trung Quốc thành công, thịnh vượng và lớn mạnh để đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề thế giới. Tương tự, Trung Quốc hoan nghênh Mỹ như một nước châu Á-Thái Bình Dương đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. Vì vậy, như các chính sách đã được công bố, Mỹ không tìm cách ngăn chặn Trung Quốc và Trung Quốc không tìm cách loại Mỹ khỏi khu vực Tây Thái Bình Dương. Vấn đề đối với hai bên là liệu họ có thể duy trì quan điểm của mình một cách lâu dài khi Trung Quốc phát triển mạnh hơn và có ảnh hưởng nhiều hơn hay không? Bắc Kinh tự thấy họ đang trở thành nhân vật trung tâm ở Đông Á, trong khi đó lâu nay Mỹ vẫn là một cường quốc Thái Bình Dương có nhiều liên minh chính thức và các mối quan hệ chiến lược khắp khu vực. Cả Oasinhtơn và Bắc Kinh đều nhận thấy các mối quan hệ song phương thân thiện là vấn đề quan trọng sống còn, nhưng sự cạnh tranh chiến lược ngày càng tăng giữa hai nước có khả năng phát triển thành chống đối lẫn nhau. Đặc biệt, vấn đề Đài Loan vẫn là nhân tố nhạy cảm cao trong quan hệ đôi bên. Đáng tiếc là vấn đề này được nhìn nhận ở Trung Quốc bằng một thái độ đang làm mất đi sự tin tưởng lẫn nhau và bóp méo bản chất trong cách tiếp cận của Mỹ. Kể từ khi quan hệ ngoại giao giữa Oasinhtơn và Bắc Kinh được thiết lập năm 1979, chính sách của Mỹ đối với Đài Loan đã tìm cách giảm thiểu ý tưởng sử dụng giải pháp quân sự bằng việc tiếp tục bán vũ khí phòng thủ cho Đài Loan, đồng thời phát huy tối đa các sáng kiến về một giải pháp hòa bình thông qua việc giữ vững quan điểm "một Trung Quốc" và thường xuyên ủng hộ những diễn biến tích cực trong quan hệ hai bờ eo biển. Những diễn biến trong thời gian qua khẳng định cách tiếp cận này đã tạo cơ sở cho những cải thiện lớn trong mối quan hệ giữa hai bờ eo biển. Đối đầu là vấn đề cần tránh để lịch sử không lặp lại, từ đó tránh gây tổn hại cho lợi ích chiến lược của cả hai nước.

Theo Chinausfocus (ngày 10/4)

Vũ Hiền (gt)