Cách đây 10 năm khi Vladimir Putin tức giận tuyên bố rằng trật tự thế giới sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh là điều không có thật. Đứng trước các nhà ngoại giao và quân sự phương Tây tại hội nghị an ninh Munich, Tổng thống Nga cáo buộc Mỹ đã đẩy thế giới vào vòng xoáy hỗn loạn bằng cách gây ra cuộc chiến, can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác và bất chấp luật pháp quốc tế. Đối với nhiều người, điều này đánh dấu khoảnh khắc ông Putin trở thành kẻ thù của phương Tây. 

Giờ đây khi các quan chức an ninh và ngoại giao tụ họp tại thành phố Bavarian, trật tự thế giới mà ông Putin từng chỉ trích đã bất ngờ trở nên mong manh. Chủ đề an ninh tại hội nghị an ninh Munich năm nay đặt ra là liệu có đúng là phương Tây đang sụp đổ sau khi dư luận công chúng bất mãn trước việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và việc ông Donald Trump lên nắm quyền tại Mỹ. 

Và việc một nước Nga bị làm ngơ và là nạn nhân mà ông Putin từng mô tả về nước Nga năm 2007 đã không còn nữa, nước Nga đã quay trở lại sân khấu chính trị thế giới bởi hàng loạt hành động như sáp nhập Crimea, đóng vai trò can dự quan trọng tại Syria và những cáo buộc của một số nước phương Tây là gây ảnh hưởng, tác động đến kết quả bầu cử của họ. 

Tân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, cựu Tổng giám đốc điều hành ExxonMobil, tại buổi nhậm chức thừa nhận các nước đồng minh NATO đã đúng khi gióng lên hồi chuông cảnh báo về " một nước Nga trỗi dậy" - một cụm từ thường được nghe thấy tại các nước phương Tây. 

Giám đốc Chương trình Nga và các nước Á-Âu thuộc Carnegie Endowment, Washington, Eugene Rumer cho rằng ông Putin đã kiếm lợi cho nước Nga, khẳng định những lợi ích của nước Nga là cái giá mà nước Mỹ phải trả. Nước Nga đã khẳng định vị trí của mình, thách đố được trật tự thế giới tự do mà nước Mỹ khởi xướng và dẫn dắt thế giới kể từ khi Chiến thế giới thứ hai kết thúc. 

Kremlin thận trọng 

Mặc dù trong bối cảnh trỗi dậy của mình, Nga vẫn thể hiện sự thận trọng - đặc biệt trong bối cảnh lộn xộn hiện nay tại Washington. Tại Mỹ, có thể có một số người cho rằng Nga đang hân hoan về kết quả thắng cử của ông Trump, nhưng những tuyên bố chính sách mâu thuẫn và sự thất bại trong việc thiết lập kênh đối thoại cấp cao với Tổng thống Mỹ đang làm những kỳ vọng của Nga đối với tân Tổng thống Mỹ trở nên bấp bênh. 

Giới chức Nga đã tỏ ra thận trọng khi nói đến việc ông Trump có thể xây dựng lại mối quan hệ với Moskva, từ lạc quan một cách thận trọng nay chuyển sang thái độ phòng thủ, trong một số trường hợp tỏ ra ngờ vực và bực tức, điều này có thể được thấy giống như thái độ của các nước châu Âu đối với Mỹ trong những ngày vừa qua. 

Theo lời một quan chức cấp cao Nga, Nga không nôn nóng để tiếp cận với Tổng thống Trump mặc dù họ có thể sắp xếp để hai tổng thống sớm gặp nhau. Tuy nhiên truyền thông phương Tây đã chống lại Nga, chống lại nỗ lực thu xếp cuộc gặp này. Thậm chí việc bố trí để thu xếp cho cuộc gặp gỡ giữa Ngoại trưởng Mỹ Tillerson với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov bên lề cuộc họp thượng đỉnh G20 đã rất khó khăn. Theo vị quan chức này, việc truyền thông phương Tây ráo riết tuyên truyền chống Nga kịch liệt đã khiến ông Trump, người lúc đầu tỏ ra quyết tâm bắt đầu một khởi đầu mới với Nga, giờ đây phải rút lại, giữ khoảng cách với Nga. 

Đằng sau những khó khăn này, các nhà quan sát Nga cho rằng phương Tây đã đánh giá sức mạnh của Nga quá cao và đã hiểu sai các động cơ của Nga. Andrei Kortunov, Giám đốc Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga cho biết các hành động của Kremlin là thiên về tự vệ và đáp lại những động thái lấn lướt tước đoạt lợi ích của Nga. Tuy nhiên, một số nhà tư tưởng Nga thì coi đó là chiến thắng của Nga và tin rằng sự suy yếu không gì đảo ngược được của phương Tây sẽ nâng vị thế của nước Nga trên toàn cầu. 

Theo lời Natalia Narochnitskaya, một nhà ngoại giao, một cựu đại biểu quốc hội thuộc lực lượng dân tộc bảo thủ Nga thì "thời kỳ hoàng kim của trật tự thế giới tự do đã kết thúc". Bà Narochnitskaya cho rằng nhiều công dân châu Âu đã vỡ mộng về khả năng của Liên minh châu Âu đối với châu lục này. Putin là lãnh đạo duy nhất dám công khai, giương cao biểu ngữ cho rằng ông bảo vệ những giá trị truyền thống. 

Châu Âu thời kỳ hậu hiện đại có thể sẽ không thể chống chọi được với thách thức do các nền văn minh khác đem lại, bà Narochnitskaya nhận xét, và " chỉ khi cùng với nhau, Nga và châu Âu mới trở thành một bên trong tam giác quyền lực trên thế giới đó là liên minh Âu-Á, Mỹ và Trung Quốc". 

Đối phó với NATO 

Kể từ năm 2007, thời điểm ông Putin đưa ra những lời chỉ trích Mỹ, Moskva bắt đầu khẳng định ảnh hưởng của mình. Tám tháng sau kể từ bài phát biểu của ông Putin tại Munich, Nga tiến hành cuộc chiến kéo dài 1 tuần lễ với Gruzia nhằm bảo vệ những người thiểu số theo Nga để thành lập khu tự trị của riêng họ, chỉ vài tháng sau khi cuộc họp thượng đỉnh ở Bucharest của NATO đưa ra tuyên bố Georgia và Ukraine sẽ trở thành thành viên của NATO. 

Mặc dù choáng váng trước cuộc xung đột, phương Tây đã cố gắng tìm kiểm một sự khởi đầu mới trong mối quan hệ với Nga. Cuộc chiến tại Gruzia không chỉ là phát súng đầu tiên, năm 2014 Nga đã sáp nhập Crimea trong khi kích động những người ly khai tạo ra xung đột ở phía Đông Ukraine sau khi Nga nhận thấy Mỹ đứng đằng sau ủng hộ cuộc biểu tình lật đổ Viktor Yanukovich, vị tổng thống thân Nga. 

Cuộc xung đột tại Ukraine đã dẫn đến sụp đổ hoàn toàn mối quan hệ của Nga với phương Tây. Nhưng ông Putin đã không dừng lại ở đó. Khi mà Mỹ và EU đang cố gắng trừng phạt Putin bằng các lệnh trừng phạt và cô lập nước Nga, thì Putin tiếp tục can thiệp vào Syria, giúp đỡ Tổng thống Bashar al-Assad giành lại phần lãnh thổ trong cuộc nội chiến của nước này và làm giảm đi nỗ lực của Mỹ nắm vai trò trung gian trong quá trình chuyển đổi chính trị tại nước này. 

Cộng đồng tình báo Mỹ tin rằng Moskva đang chuẩn bị để gặt hái được giải thưởng cao nhất. Theo đánh giá của Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ, Nga đã can thiệp vào bầu cử Mỹ bằng một "chiến dịch gây ảnh hưởng thông qua các hoạt động tấn công mạng và tuyên truyền". Chưa đầy một tháng sau khi nhậm chức, việc Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Michael Flynn từ chức đã làm dấy lên những lo ngại tại Washington cho rằng Nga chính là người giật dây đằng sau Chính phủ Mỹ. 

Lo ngại về "một cuộc mặc cả lớn" mà ông Putin có thể sẽ tiến hành với ông Trump ngày một tăng lên. Tại cuộc họp bàn tròn do hãng tin Nga Rossiya Segodnya tổ chức gần đây, các nhà phân tích chính trị cho biết họ tin rằng Moskva và Washington có thể thỏa thuận với nhau về những khu vực trong phạm vi ảnh hưởng của mình. Một số chiến lược gia của Nga cho rằng giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine và hợp tác chống khủng bố toàn cầu có thể trở thành con bài mặc cả trong các cuộc thương thuyết đôi bên. 

Alexei Chesnakov, một cựu quan chức của Kremlin, hiện đứng đầu Trung tâm nghiên cứu các vấn đề chính trị, một cơ quan nghiên cứu độc lập của Nga, cho biết ông hy vọng cuộc bầu cử mùa Xuân này tại Pháp sẽ góp phần làm thay đổi ít nhiều thái độ đối với Nga vì các ứng cử viên thuộc cánh hữu có vẻ thông cảm với Nga hơn. 

Ông cho rằng Ukraine đang bắt đầu giống như một “Nhà nước thất bại" và bởi vậy có thể sẽ được xem như là một nơi tạo ra khủng bố - một đặc điểm mà các nước phương Tây không nhìn nhận như vậy. Ông cho rằng trong bối cảnh đó thì chủ đề để cùng nhau phối hợp chống lại chủ nghĩa khủng bố quốc tế sẽ dành cho cả Nga và Mỹ. 

Ông Kortunov tin rằng Moskva sẽ vẫn bất đồng với việc mở rộng EU và NATO của phương Tây. Ông Putin cũng đã so sánh chính sách đối ngoại và các động thái an ninh của Nga như chú gấu vùng Siberia, đó là không muốn từ bỏ nơi đây. 

Khi quyết định can thiệp vào Syria, Moskva đã làm sống lại mối quan hệ với tất cả các nước trong khu vực. Khai thác việc không có sự hiện diện của Mỹ tại đây, các nhà ngoại giao Nga đã thể hiện họ như là một đối tác đối thoại cho các nước có lợi ích xung đột nhau, do vậy đã xây dựng một hệ thống bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, nước thành viên của NATO, Ai Cập, Iraq, Iran, Jordan, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE). Kết quả là không nước nào có thể phớt lờ Moskva khi giải quyết các xung đột trong khu vực. 

“Xoay trục” sang châu Á 

Nga cho rằng phương Tây đã giật dây, làm thay đổi chế độ tại một số nước như Libya và Iraq. Một nhà ngoại giao phương Tây tại Moskva cho rằng Nga đang can thiệp sâu vào các nước này để các nước phương Tây tiếp tục mắc phải sai lầm tuy nhiên nhà ngoại giao này nửa đùa nửa thật khi nói: "Chúng tôi thích điều này bởi vì chúng tôi cần họ (Nga)".

Đồng thời, Moskva đã xây dựng các mối quan hệ với các nước đứng đầu tại châu Á, những nước có tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực, ngoài việc xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc, Nga đang xây dựng mối quan hệ thân thiện với Việt Nam và Ấn Độ, để cạnh tranh với Mỹ và đang lôi kéo Tổng thống Phillipines hiện nay Rodrigo Duterte. Ông Putin cũng đang cùng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước để lôi kéo đồng minh quan trọng nhất của Mỹ tại châu Á rơi vào quỹ đạo của mình. Những động thái này có thể đặt Nga vào vị trí chủ chốt trong việc đứng ra làm trung gian đàm phán xung đột tại các vùng như Biển Đông hoặc những căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Ông Kortunov cho rằng "Nga bị chấn thương tâm lý thời hậu đế quốc như nhiều nước khác tại châu Âu. Do đó, ưu tiên hàng đầu của Kremlin là đưa nước Nga trở lại vị trí trung tâm trên chính trường thế giới". 

Điều này đã đem lại điểm cộng cho ông Putin ở nước Nga. Mặc dù các cuộc bỏ phiếu cho thấy nhiều người Nga cho rằng ông Putin đang quản lý yếu kém về kinh tế nhưng lại ủng hộ ông Putin dẫn dắt nước Nga do nhiều người ủng hộ mạnh mẽ chính sách đối ngoại khẳng định mình của ông Putin. 

Nga còn phải đối mặt với nhiều căng thẳng khi đang cố gắng nỗ lực trong việc quay trở lại chính trường quốc tế. Trợ giảng của trường MGIMO, trường chuyên đào tạo các nhà ngoại giao Nga, Ivan Timofeev cho biết Nga đã trải qua một số năm liên tục tăng mạnh chi phí cho quân sự, chủ yếu là để xây dựng lại năng lực quân sự của Nga bị cho là sụt giảm trầm trọng sau khi Liên Xô tan rã. Theo ông Timofeev, nhìn về dài hạn, chính sách đối ngoại thiên về kiểu cường quốc sẽ không thể bền vững đối với Nga. 

Trong các câu chuyện về nước Nga trỗi dậy, các chuyên gia Nga đã thận trọng lưu ý nếu không đẩy mạnh nền kinh tế đang chậm chạp của mình, thì khả năng tiến xa của Nga trong tương lai sẽ bị hạn chế. Có nhiều ví dụ trong lịch sử cho thấy các quốc gia gặp khó khăn về kinh tế thì luôn cố gắng thúc đẩy mạnh mở rộng ảnh hưởng của mình ra bên ngoài, và điều này cũng giống như nước Nga hiện nay. Nhưng nền tảng về kinh tế và xã hội nhìn về dài hạn, cũng như việc gia tăng ảnh hưởng một cách bền vững đối với một quốc gia, sẽ là điều không thể. Nước Nga không giống như Trung Quốc và Ấn Độ, những nước gây ảnh hưởng lớn trên thế giới đến một cách tự nhiên cùng với việc phát triển kinh tế của họ. 

Ông Putin đã chứng minh được chiến thuật khôn ngoan là khai thác các cơ hội trên thế giới với giá mà Moskva phải trả ở mức thấp nhất. Tuy nhiên, cả các quan chức ngoại giao phương Tây và Nga đều nói Nga không thể làm được gì một mình nếu như không có Mỹ hoặc các nước phương Tây khác cùng can dự vào các vấn đề trên thế giới. 

Với cách nhìn nhận này, thậm chí các chiến lược gia Nga cũng thấy nghi ngờ về vai trò nước lớn của Nga ở nhiều nơi trên thế giới sẽ đem lại lợi ích về lâu dài cho nước này. Theo ông Timofeev, nếu như giả định cho rằng trật tự thế giới tự do sẽ bị sụp đổ là đúng, thì có thể nước Nga sẽ có nhiều cơ hội hội hơn. Nhưng ông cũng lập luận rằng đây không phải là viễn cảnh có nhiều khả năng xảy ra nhất.

Theo Financial Times

Trần Quang (gt)