Cả hai chuyến thăm này là một phần của tiến trình lớn hơn dưới thời chính phủ của Thủ tướng N. Modi đang tái định hình lại sự can dự với các cường quốc lớn. Chuyến thăm của Tổng thống Obama được xây dựng dựa trên chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Modi tháng 9/2014 trong khi chuyến thăm của Ngoại trưởng S.Swaraj đến Bắc Kinh nhằm chuẩn bị cho Thủ tướng Modi thăm Trung Quốc tháng 5 tới. Ở giữa khoảng thời gian đó, Tổng thống Nga Putin đã có mặt ở Delhi để dự hội nghị thượng đỉnh thường niên Ấn-Nga và tất cả các nhà lãnh đạo nói trên đều có cơ hội thảo luận kỹ tại hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Úc cuối năm trước.

Dù là quá sớm để đưa ra bức tranh đối ngoại đầy đủ của Ấn Độ dưới thời đảng BJP lãnh đạo liên minh Dân chủ quốc gia cầm quyền nhưng một vài đặc điểm của học thuyết Modi trong sự can dự với các cường quốc đã trở nên rõ ràng. Trước hết,là sự chấm dứt chủ nghĩa bài Mỹ với sự hiện diện của Tổng thống Mỹ trong Ngày Cộng hòa 26/1. Trước đây cựu Thủ tướng A.B Vajpayee đã cố gắng thay đổi tư tưởng nghi ngờ Mỹ nhưng đã không làm được nhiều trong chỉ một nhiệm kỳ. May mắn là cựu Thủ tướng M.Singh, một người thân Mỹ hơn các chính khách của đảng Quốc đại, đã cố gắng lôi kéo các nhà chính trị cánh tả vào bối cảnh địa chính trị thế kỷ 21 và buộc họ chấp nhận rằng Ấn Độ được hưởng lợi từ quan hệ đối tác với Mỹ. Điều này đã dẫn đến hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự lịch sử Ấn-Mỹ thừa nhận Ấn Độ là một cường quốc hạt nhân toàn cầu và mở đường cho thương mại hạt nhân toàn cầu của Ấn Độ. Hợp tác quốc phòng Ấn-Mỹ dưới thời cựu Thủ tướng M.Singh cũng là một bước chuyển chính sách mang tính biểu tượng và mở ra thị trường hàng tỷ USD cho thương mại và công nghệ vũ khí.

Thật không may mắn, cựu Thủ tướng M.Singh đã không đưa quan hệ Ấn-Mỹ đến kết thúc hợp lý khi đạo luật trách nhiệm hạt nhân dân sự năm 2010 đã đóng cửa thị trường Ấn Độ với các nhà cung cấp hạt nhân Mỹ và Bộ trưởng Quốc phòng A.K Antony đã chủ động đánh đắm tất cả các dự án cũng như liên tục bác bỏ các đề nghị nâng cấp quan hệ của Mỹ.

Trở lại chuyến thăm của Tổng thống Obama với một số thành quả hữu hình. Thứ nhất, dù hiệp định hiện thực hóa hợp tác hạt nhân chưa được ký kết do đàm phán khó khăn, phức tạp nhưng Mỹ và Ấn Độ đã là những người bạn và đối tác của nhau, sẽ làm việc cùng nhau, bất chấp sự khác biệt về thiên hướng ý thức hệ. Thứ hai là sự tái sinh chính sách cân bằng của Mỹ tại Châu Á-Thái Bình Dương với Ấn Độ ở vị trí trung tâm chiến lược. Mỹ muốn Ấn Độ đóng vai trò lãnh đạo trong đảm bảo an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nói cách khác là cân bằng với một Trung Quốc hay bắt nạt. Nhưng Ấn Độ chưa bao giờ vội vã khi chính quyền Obama được cho là đã làm thỏa mãn Trung Quốc và nhiều hơn thế sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008. Ấn Độ không muốn ở giữa hai làn đạn Mỹ - Trung hoặc làm con đê chắn sóng chống lại Trung Quốc. Chính sách xoay trục về Châu Á của Mỹ đã không ăn khớp chặt chẽ với xoay trục về Ấn Độ. Mỹ đã đến trước dưới thời chính quyền Bush nhưng đã đuối dần cho đến khi chính quyền Obama đưa ra chính sách xoay trục về Châu Á.

Giờ đây dường như Ấn Độ và Mỹ đã liên kết tốt hơn. Chính quyền Obama đã khẳng định quan điểm về quan hệ Ấn-Trung và Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Modi đã sẵn sàng đóng vai trò khẳng định hơn trong khu vực. Bên cạnh đó, những nỗ lực của Mỹ liên kết các người chơi khu vực khác như Việt Nam, Úc, Singapore, Philippines, Nhật Bản đã phù hợp với chính sách hướng Đông và ý tưởng về một kỷ nguyên Châu Á của Ấn Độ.

Trung Quốc như mong đợi, sẽ không hài lòng với những phát triển này và có thể chơi con bài Pakistan nếu cảm thấy đã bị tuột Ấn Độ khỏi tay nhưng con bài đó lại là con dao hai lưỡi. Chuyến thăm của Ngoại trưởng S.Swaraj đã kết thúc mà không có hiệp định lớn nào được thông báo và hy vọng sẽ được biết đến trong chuyến thăm của Thủ tướng Modi. Cần nhớ là chuyến thăm của Tập Cận Bình tới Ấn Độ tháng 9/2014 đã bị làm nản chí với các vụ thâm nhập của quân đội Trung Quốc dọc theo đường kiểm soát thực tế giữa hai nước. Cách này hay cách khác, trọng tâm chính sách Trung Quốc của chính quyền Modi là vấn đề kinh tế và dường như Trung Quốc muốn để cho những vấn đề này đi theo con đường riêng của mình mà không gắn với những vấn đề chiến lược.

Nhìn về phía trước, sẽ là thú vị khi chứng kiến việc Ấn Độ triển khai những sự bình đẳng song phương mới trong các diễn đàn đa phương. Tuyên bố chung Nga-Trung-Ấn vừa ký tại Bắc Kinh có giọng điệu chống Mỹ, giống như nhiều tuyên bố của BRIC. Vấn đề gia nhập SCO của Ấn Độ cũng bao gồm những lo ngại Ấn Độ sẽ giành được bao nhiêu trong diễn đàn được coi là do Trung Quốc thống trị này. Và cuối cùng, bất chấp tất cả những lời hứa hợp tác giữa Mỹ và Ấn Độ về năng lượng sạch và biến đổi khí hậu, vẫn chưa có bất cứ đảm bảo nào về việc hai nước sẽ tìm ra tiếng nói chung tại Paris vào cuối năm nay./.

 

Theo "The Pioneer" (ngày 5/2)

Anh Thư (gt)