Các cuộc hội đàm và các bài phát biểu của Thủ tướng Abe trong chuyến thăm đó cũng đã cho thấy những nền tảng định hướng chính sách đối ngoại của Nhật Bản dưới sự điều hành đất nước lần thứ hai của ông Abe. Nền tảng quan trọng nhất là 5 nguyên tắc cho chính sách quản trị của ông Abe: 

Thứ nhất, các mối quan hệ của Nhật Bản với thế giới - bao gồm cả Đông Nam Á - sẽ được dẫn dắt bởi tầm quan trọng của dân chủ và tự do; các đại dương mở được quản lý theo các quy định và luật; các nền kinh tế được kết nối mở và tự do; các mối quan hệ văn hóa gần gũi hơn, và thúc đẩy trao đổi giữa các thế hệ trẻ. Thông qua các nguyên tắc này, Nhật Bản hứa hẹn sẽ tiếp tục tuân thủ Học thuyết Fukuda nổi tiếng từng củng cố chính sách của Nhật Bản đối với khu vực Đông Nam Á trong 4 thập kỷ qua. 

Thứ hai, ông Abe đã nhấn mạnh một cách rõ ràng tầm quan trọng của các mối quan hệ Nhật Bản-ASEAN khi cho rằng hiện ASEAN và Nhật Bản là đối tác bình đẳng nên cùng nhau làm việc để mang lại những ảnh hưởng tích cực, không chỉ trong khu vực mà còn trên cả thế giới. Trong khi tiếp tục sự hợp tác hiện tại để đảm bảo một Đông Á hòa bình và thịnh vượng, Nhật Bản và ASEAN có thể làm nhiều hơn nữa để đóng góp vào việc quản trị toàn cầu và duy trì thương mại hàng hóa toàn cầu. Sự chuyển dịch chiến lược toàn cầu đang diễn ra hứa hẹn một “Thế kỷ châu Á” càng làm cho các mối quan hệ ASEAN-Nhật Bản trở nên quan trọng và tất yếu hơn. 

Thứ ba, ông Abe cam kết sẽ ưu tiên chương trình nghị sự trong nước để đưa nền kinh tế Nhật Bản trở lại đúng hướng. Đây chắc chắn là một chương trình nghị sự rất được hoan nghênh trên khắp thế giới. Trong quá khứ, thế giới và đặc biệt là các nước Đông Á đã được hưởng lợi rất nhiều từ "phép lạ" kinh tế của Nhật Bản. Một nền kinh tế Nhật Bản mạnh mẽ hơn chắc chắn sẽ giúp khu vực hướng tới một “Thế kỷ châu Á”. Không có một Nhật Bản mạnh mẽ hơn về mặt kinh tế, quá trình biến Đông Á thành một khu vực thịnh vượng sẽ không bao giờ được hoàn thành. 

Thứ tư, ông Abe đã nhiều lần đề cập đến tầm quan trọng chiến lược của lĩnh vực hàng hải. Ông lập luận rằng khu vực Đông Á - là "hợp lưu của hai đại dương" (Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương) - không chỉ liên kết bằng biển và phụ thuộc vào biển, mà còn liên kết với nhau bởi lợi ích chung trong việc bảo đảm trật tự tốt trên biển. Với thực tế là nhiều quốc gia trong khu vực vẫn đang phải đối mặt với tranh chấp lãnh thổ, cần phải ưu tiên các biện pháp hòa bình để giải quyết những tranh chấp này. 

Thứ năm, ông Abe cũng nhắc lại tầm quan trọng của một liên minh Mỹ-Nhật là nền tảng của chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Các nước Đông Nam Á cũng hiểu rõ lợi ích cốt lõi này của Nhật Bản. Tuy nhiên, trong bối cảnh mối quan hệ giữa các nước lớn ở Đông Á ngày càng phức tạp, ASEAN hy vọng rằng các mối quan hệ của Nhật Bản với các nước ASEAN sẽ không đóng khung, không chỉ vì lợi ích song phương, mà còn dựa trên lợi ích chung của khu vực Đông Á trong việc thực hiện tầm nhìn khu vực dài hạn của một cộng đồng Đông Á. 

Điều đáng chú ý là việc ông Abe thừa nhận Nhật Bản đang bị tổn thương từ "sự thiếu tự tin". Việc khôi phục sức sống của nền kinh tế Nhật Bản chắc chắn là một con đường quan trọng để Nhật Bản lấy lại sự tự tin của mình. Để đóng một vai trò toàn diện trong khu vực và trên toàn cầu, vượt ra ngoài vai trò kinh tế truyền thống, Nhật Bản cần tạo ra một con đường khác và đây chính là sự hứa hẹn về một Nhật Bản mới dưới sự "cầm lái" của ông Abe.

Tác giả Rizal Sukma là Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Inđônêxia. Bài viết đăng trên tờ "Bưu điện Giacácta" (ngày 26/1).

Vũ Hiền (gt)