Ở Nga cũng như ở phương Tây, những biểu tượng lịch sử thường được dùng để biện minh cho những lựa chọn mang tính định mệnh.

Chín tháng sau khi xảy ra các sự việc, Vladimir Putin đã thay đổi những điều kiện “tái thống nhất lịch sử” Crimea vào Nga khi nói rằng bán đảo này có một “tầm quan trọng chiến lược” như một “suối nguồn tinh thần” của quốc gia Nga. Nhân lễ rửa tội của công tước Vladimir tại Kherson, V. Putin đã nhấn mạnh giá trị thiêng liêng của Crimea đối với Nga “giống như đỉnh của ngôi đền ở Jerusalem đối với những tín đồ trung thành của đạo Hồi và đạo Do Thái”.

Cuộc xung đột ở Ukraine là kết quả của một sự chia rẽ, vốn lại làm nổi lên những đường rạn nứt sâu sắc giữa các thế lực thế tục và thế lực tinh thần, giữa các nền văn minh và các nhà nước. Những rạn nứt này đã đẩy nhanh sự trở lại của Nga trên trường quốc tế và sự tái xuất hiện của chiến tranh ở châu Âu.

Thực vậy, trong vòng chưa đầy một năm, Nga đã tiến hành Thế vận hội mùa Đông tại Sochi, sáp nhập Crimea, các chiến dịch quân sự tại Donbass dẫn đến sự mất giá hơn 50% của đồng ruble. Dù không công khai thừa nhận, song từ nay Nga đã tham gia một cuộc chiến có giới hạn đồng thời phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng kinh tế dữ dội gắn với sự sụt giảm gần 50% giá dầu trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 12/2014. Trong bối cảnh này, đã diễn ra một sự định hình mạnh mẽ lại Trung Đông với sự xâm nhập của lực lượng Daesh (tên gọi trong tiếng Arập của tổ chức Nhà nước Hồi giáo – IS).

Về cơ bản, nguồn gốc của sự chia rẽ Nga-phương Tây nằm ở những mối quan hệ phức tạp giữa Washington, London, Paris, Moskva với các nước Arập, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel. Đó là một lịch sử xưa cũ khơi lại “vấn đề Nga” và “vấn đề phương Đông” với những thách thức an ninh chồng chéo nhau của châu Âu và vùng Levant. Hai khu vực này có sự ràng buộc nhau với những đợt sốc dịch chuyển từ nơi này sang nơi khác. Sự thâm nhập lẫn nhau ngẫu nhiên này đã bất ngờ chia lại các con bài giữa Nga, Mỹ và châu Âu, có lợi cho Trung Quốc là nước đang tiếp tục gia tăng sức mạnh của họ mà không dính líu trực tiếp. Nói cách khác, sự chia rẽ Nga-phương Tây đã gây ra những tác động kỳ quặc khiến người ta không thể đánh giá được mức độ của nó đối với sự vận hành của hệ thống quốc tế.

Những lý do của sự chia rẽ

Để nói về giai đoạn hiện tại, giới truyền thông thường nhắc tới một cuộc chiến tranh lạnh có nguy cơ làm chệch hướng triển vọng. Trên thực tế, sự chia rẽ Nga-phương Tây làm tái xuất hiện một đường rạn nứt lịch sử giữa đế chế phương Tây và đế chế phương Đông, biến cuộc đối thoại tôn giáo trở thành một yếu tố tạo nên một lối thoát khỏi khủng hoảng. Người ta sẽ không thể hiểu được thái độ của Nga nếu như không trở lại với những di sản đế quốc và di sản Xôviết; trong bối cảnh hiện tại rất cần đánh giá lại cuộc chiến tranh Crimea (1854-1856) mà kết thúc là sự thất bại nặng nề của nước Nga Sa hoàng trước Đế quốc Ottoman, Pháp và Anh. Việc làm này cho phép xác định rõ các vấn đề lịch sử luôn mang tính thời sự: bảo vệ người Cơ đốc giáo ở phương Đông, tiếp cận những nơi linh thiêng, lôgích viễn chinh Pháp-Anh và thế cân bằng giữa người Cơ đốc giáo và người Hồi giáo trong không gian Biển Đen.

Những lý do tình thế

Khi cuộc nội chiến Syria bắt đầu vào tháng 3/2011, ai dám đặt cược vào khả năng sống sót của Bashar al-Assad? Chắc chắn là Moskva – vốn không hề muốn điểm tựa chính của mình ở Trung Đông bị sụp đổ. Ảnh hưởng của Nga trong khu vực này đã bị Mỹ và châu Âu đánh giá thấp. Trên thực tế, Moskva không ngừng gây ảnh hưởng bằng cách cố gắng tạo sự khác biệt với các lập trường của phương Tây. Để làm được điều này, Moskva đã biết vun đắp các mối quan hệ với Syria, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel, đồng thời duy trì các mối quan hệ với các nước Arập. Nga đã thành công trong việc thực thi một chính sách khu vực mà không gặp phải sự cản trở song phương nào. Một quan chức cấp cao của Saudi Arabia mới đây đã thừa nhận điều này trong khi tuyên bố rằng khác với các cường quốc phương Tây, Nga có một quan điểm rõ ràng về “điều không nên làm” ở khu vực.

Các sự kiện “mùa Xuân Arập” đánh dấu một sự đoạn tuyệt kép đối với Moskva. Điện Kremlin, với hội chứng bị vây hãm, cho rằng sự “chuyển giao dân chủ” chỉ nhằm tạo thuận lợi cho những thay đổi chế độ có lợi cho Mỹ. Bất cứ phong trào nhân dân nào ở xung quanh họ đều bị Nga coi là một mối đe dọa. Trong nội bộ nước Nga, trò ảo thuật hồi tháng 9/2011 giữa Vladimir Putin và Dmitry Medvedev đã dẫn đến các cuộc biểu tình bất ngờ phản ánh rõ những khát vọng dân chủ của các tầng lớp trung lưu thành thị của Nga. Điện Kremlin đã chặn đứng được sự nổi dậy này mà không cần dùng tới vũ lực; Vladimir Putin đã tái đắc cử với tỷ lệ phiếu bầu cao hồi tháng 3/2012. Ở ngoài nước, sự can thiệp của NATO ở Libya, chủ yếu do Paris và London tiến hành, đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt của Putin; ông gọi đó là “những cuộc thập tự chinh thời Trung Cổ” chẳng khác nào một “chủ nghĩa phiêu lưu” địa chính trị của phương Tây gây bất ổn cho các thế cân bằng mong manh trong khu vực. 

Lý do tình thế thứ hai nằm ở sự tiến triển của chế độ Vladimir Putin từ tháng 3/2012. Số phận của các nhà độc tài – sống lưu vong hoặc đã chết – rõ ràng đã khiến tổng thống Nga phải lo lắng bởi ông nhận thấy có bàn tay của Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) trong bất cứ phong trào nhân dân nào. Bằng cách này, Mỹ đã tìm cách loại Nga ra khỏi vùng ảnh hưởng và đánh bại Nga. Những điều kiện tái đắc cử của Putin cùng với sự đình trệ của nền kinh tế Nga đã dẫn đến một thái độ cứng rắn của chế độ - thể hiện bằng việc huy động giới tinh hoa và công chúng trong một bài phát biểu mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa. Sự tập hợp này đã có một bước ngoặt mới với việc sáp nhập Crimea và các chiến dịch quân sự ở Donbass. Rõ ràng, sự sụt giảm giá dầu và sự mất giá của đồng ruble làm gia tăng sức ép đối với Điện Kremlin khiến họ phải tìm cho được những kẻ bung xung chịu tội. Cho dù Nga đã ở trên bờ vực của sự suy thoái trước khi các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây được thiết lập, thì những biện pháp này càng làm nghiêm trọng thêm tình hình vì chúng cô lập Nga. Tác động mà chúng gây ra là khiến Điện Kremlin trở nên cứng rắn hơn, cho phép Nga biến sự đối kháng của mình với phương Tây thành công cụ để xử lý các mục tiêu trong và ngoài nước. Tất cả những điều này luôn có nhiều khả năng tạo ra sự kích động.

Những lý do mang tính ý thức hệ

Châu Âu thời hậu hiện đại không dễ gì hiểu được những lôgích của hệ thống chính trị Nga. Tính chính thống và ý thức cường quốc là những yếu tố đóng vai trò sống còn trong hệ thống này. Vladimir Putin đã lại gắn kết di sản Bidanxơ (cổ La Mã) với các lập trường ngoại giao của ông. Giáo hội chính thống góp phần trực tiếp tạo ảnh hưởng của Putin ở nước ngoài, đặc biệt là ở “nước ngoài gần kề”. Ý thức cường quốc tạo nên một sự đồng thuận lớn trong giới tinh hoa chính trị Nga vốn đang cùng nhìn lại một cách cơ bản lịch sử nước Nga dưới góc độ địa chính trị. Ý thức đó đã bén rễ trong giới sử gia Nga, bắt nguồn từ cuốn “Biên niên sử cổ đại” có từ đầu thế kỷ 12. Văn bản cơ sở này đã được hiểu theo nhiều cách, nhưng như lời nhận xét hết sức chuẩn xác của Michel Heller, nó đưa vào giới biên soạn lịch sử nước Nga một lôgích “địa chính trị” khi miêu tả một cách tỉ mỉ “con đường từ Varangian tới Hy Lạp”.

Sợi chỉ đỏ “địa chính trị” này xuyên suốt nhiều thế kỷ và giờ đây người ta thấy lại nó trong dự án Liên minh kinh tế Á-Âu (gồm Nga, Belarus và Kazakhstan) của Vladimir Putin có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. Chủ nghĩa châu Âu và chủ nghĩa Á-Âu vẫn là những khái niệm mơ hồ, thể hiện một thái độ phản kháng chống lại những gì mà người Nga nhận thấy như sự sỉ nhục mang tính lịch sử đến từ phương Tây hơn là một sự quan tâm tới châu Á. Trong những năm 1990, hai Ngoại trưởng dưới thời Boris Yeltsin – Andrei Kozyrev và Evgeny Primakov – đại diện cho hai trào lưu đối ngoại truyền thống của Nga. Nếu như Andrei Kozyrev (10/1990-1/1996) ủng hộ việc Nga hội nhập các cơ cấu châu Âu-Đại Tây Dương nhằm trở lại “thế giới văn minh”, thì Evgeny Primakov (1/1996-9/1998) lại cho rằng Nga không chỉ là một nước châu Âu muốn thiết lập quan hệ đối tác chặt chẽ với phương Tây, mà còn là một nước bao gồm cả châu Âu (đương nhiên) lẫn phương Đông Hồi giáo và châu Á. Xuất phát từ bản sắc phức tạp này, Evgeny Primakov đã chủ trương đa dạng hóa chính sách đối ngoại của Nga và thiết lập một tam giác Moskva-Dehli-Bắc Kinh. Trung Quốc đã trở thành một ưu tiên. Vào thời điểm đó, phương Tây đã cho rằng tham vọng này nằm ngoài khả năng của một đất nước đang khủng hoảng sâu sắc. Tự tin vào vai trò điều khiển của mình, phương Tây đã coi thường những ý kiến của Moskva nhằm ổn định khu vực Balkan. Trong khi đó, Evgeny Primakov nỗ lực đưa Nga trở lại khu vực Trung Đông. Vốn là nhà nghiên cứu về Arập có nhiều mối quan hệ, ông đã kích hoạt lại các cuộc tiếp xúc kế thừa từ thời Xôviết với các nước Arập (Ai Cập, Syria, Iraq). Đồng thời, ông cũng kết nối các mối quan hệ chặt chẽ với Thổ Nhĩ Kỳ và Israel, và như vậy ông đã dựng lên một “tam giác tế nhị Moskva-Ankara-Jerusalem” dựa trên một thái độ thù địch đối với các phong trào Hồi giáo cực đoan và những hợp tác kinh tế cụ thể. Vladimir Putin đã biết phát huy “di sản Primakov” này.

“Di sản” này cũng mang tính trí tuệ, và mang tính cải cách cơ cấu đối với Vladimir Putin lớn hơn nhiều so với những đóng góp vô nghĩa về địa chính trị của Alexandre Duguine. Evgeny Primakov đã mang lại một cái nhìn đa cực về thế giới. Ông chế nhạo tư tưởng địa chính trị Mỹ trong những năm 1990 mà theo ông là để áp đặt một quan điểm lưỡng cực về thế giới: một phía là cực văn minh do Mỹ thống trị nhân danh các giá trị tự do; phía kia là sự hỗn độn với những nước đang chao đảo giữa chủ nghĩa độc tài và tình trạng kém phát triển. Theo Evgeny Primakov, đó là một cái nhìn sai lầm, đơn giản và nhằm áp đặt một trật tự mà Nga không thể tuân thủ vì có nguy cơ đánh mất bản sắc của mình. Kể từ năm 2003, Vladimir Putin đã nối tiếp “sợi chỉ đỏ” này bằng việc tập trung vào khái niệm “các nước BRIC” – lần đầu tiên nhóm họp tại Hội nghị thượng đỉnh Yekaterinburg vào năm 2009. Năm 2003 cũng trùng hợp với sự can thiệp của Anh-Mỹ ở Iraq, bị Moskva, với sự hưởng ứng của Paris và Berlin, phản đối. Song trái với Paris và Berlin, Moskva muốn chứng tỏ sự gắn kết chính trị với Trung Đông.

Những lý do mang tính chiến lược

Nga tự cho mình là một nền văn minh đặc thù có những mối quan hệ ưu tiên đồng thời với phương Tây và thế giới Hồi giáo. Trong triển vọng này, Nga duy trì một cuộc đối thoại liên tục với cả hai khu vực nhằm ngăn chặn những xu hướng cực đoan trong các xã hội phương Tây và Hồi giáo. Phương Tây và thế giới Hồi giáo phải hiểu rõ nhau và không được áp đặt các hệ thống giá trị của mình cho những người khác: cả luật Hồi giáo lẫn nền dân chủ phương Tây đều không thể thiết lập hòa bình bằng con đường sử dụng vũ lực. Nếu cần, Nga sẽ chiến đấu chống chủ nghĩa Hồi giáo và chủ nghĩa phương Tây để bảo vệ nét đặc thù của mình. Giống như Evgeny Primakov, Vladimir Putin luôn chú ý phân biệt “trào lưu chính thống” và “chủ nghĩa cực đoan” Hồi giáo và nhấn mạnh truyền thống chung sống lâu đời Nga-Hồi giáo ở Nga. Đối với phương Tây, Moskva lên án việc sử dụng vũ lực và các cuộc viễn chinh khi nhấn mạnh tính chất gây bất ổn của chúng: hành động can thiệp vào Iraq đã gây hậu quả là phá hủy thế cân bằng mong manh của khu vực và khơi lại sự đối kháng cố hữu giữa người Sunni và người Shiite. Điều khiến Nga lo sợ nhất, đó là “sự hình thành một mặt trận phương Tây-Hồi giáo trong đó Nga sẽ bị liên lụy”. Tương tự với trường hợp của Syria. Đây là lý do khiến Nga ủng hộ mạnh mẽ Damascus và có hành động ngoại giao nhằm ngăn cản những đòn tấn công của phương Tây hồi tháng 10/2013.

Quân sự là trọng tâm của hệ thống Nga. Kể từ khi trở thành ông chủ Điện Kremlin, Vladimir Putin đã xây dựng lại các lực lượng vũ trang Nga. Hành động của ông có thể được tóm gọn như sau: có thể tạo dựng được một uy tín quốc tế bằng cách xây dựng lại một công cụ quân sự đáng tin cậy nhờ việc tái quốc hữu hóa lĩnh vực năng lượng. Nếu như các nhà phân tích ghi nhận tầm quan trọng của các nguồn lực dành cho các sức mạnh hạt nhân, trong các chiến lược và chiến thuật của họ, thì có lẽ họ đã đánh giá thấp những khả năng truyền thống. Những khả năng này rõ ràng đã được tăng cường kể từ cuộc chiến tranh Gruzia, xác nhận sự trở lại của Nga như cường quốc quân sự thống trị ở Caucasus. Các chiến dịch ở Ukraine nằm trong khuôn khổ một cuộc chiến truyền thống có giới hạn giữa các nhà nước; chúng đã phá hỏng các kế hoạch tiến hành các chiến dịch quân sự bên ngoài châu Âu của các cường quốc phương Tây.

Trung thành với văn hóa chiến lược của Nga, Vladimir Putin vận dụng phối hợp cả phương thức phòng ngự lẫn tấn công trong các chiến dịch đặc biệt, các hoạt động tình báo và các hoạt động đánh lạc hướng thông tin. Sự kết hợp này được đảm bảo bởi các vũ khí hạt nhân, chiến lược và chiến thuật, vốn luôn là quân chủ bài trong chính sách an ninh của Moskva. Nó nhằm chống lại một mối đe dọa kép: ở phía Tây chống lại NATO và hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO; ở phía Nam chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan dòng Sunni có khả năng gây bất ổn cho khu vực Caucasus và Trung Á. Crimea tăng cường khả năng phòng ngự và tấn công của Nga. Bán đảo này được sử dụng như tàu sân bay tự nhiên trên Biển Đen, cho phép tăng cường các khả năng ngăn cản đối phương tiếp cận không gian Biển Đen, đồng thời mang lại các khả năng vươn tới Trung Đông. Từ nay tới năm 2020, Crimea có thể sẽ tiếp nhận từ 7 tới 10 lữ đoàn. Về khía cạnh thuần túy quân sự, việc Nga sáp nhập Crimea, mà không bị tổn thất, quả là cao tay. Trong vòng 10 năm, một sự đảo ngược chiến lược đã diễn ra: tiếp theo sự can thiệp ở Iraq, khái niệm Vùng Biển Đen rộng lớn hơn đã cấu trúc nên một chiến lược tiếp cận về phía Đại Trung Đông, việc Romania và Bulgaria gia nhập NATO đã cho phép tăng cường sự hiện diện của tổ chức này ở Biển Đen, cũng như mong muốn của NATO xích lại gần Gruzia và Ukraine. Rốt cuộc, chính Nga đã củng cố được chiến lược tiếp cận cũng như sự hiện diện của họ ở Địa Trung Hải và tầm ảnh hưởng của họ ở Trung Đông. Về mặt địa chính trị, Crimea ở Biển Đen và Kaliningrad ở vùng Baltic là hai khu vực then chốt cần được chú ý đặc biệt xem có các vũ khí hạt nhân hay không. Hai điểm mấu chốt này sẽ làm gia tăng một cách cơ học sức ép quân sự của Nga lên Đông Âu.

Tam giác trở thành hình vuông

Một trong những hậu quả chính của cuộc khủng hoảng Ukraine là làm thay đổi sâu sắc các mối quan hệ giữa Mỹ, châu Âu và Nga qua việc tăng cường sức mạnh gián tiếp của Trung Quốc. Thực vậy, sự chia rẽ Nga-phương Tây đã dẫn tới việc Moskva quyết tâm xích lại gần Bắc Kinh vì Nga muốn tạo nên một ban lãnh đạo tay ba với Trung Quốc và Mỹ. Đó là một giấc mơ đơn độc vì nó vấp phải những thực tế của một cường quốc Nga bị giằng co giữa những tham vọng và những khả năng thực sự của họ. Chiến lược lớn của Nga sẽ khó trụ vững trước sự sụt giảm giá dầu và sự mất giá của đồng ruble. Thế vận hội mùa Đông Sochi hồi tháng 2/2014 chắc chắn đã đánh dấu sự trở lại ở đỉnh cao ảnh hưởng của Nga – nước từ nay sẽ phải đảm bảo cái giá phải trả cho chính sách đối ngoại có nguy cơ “đâm lao phải theo lao” của họ.

Các mối quan hệ Nga-Mỹ

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã nhắc lại tính phức tạp của các mối quan hệ Nga-Mỹ, minh họa cho tính bất đối xứng của những thách thức bởi nó động chạm tới những lợi ích trực tiếp của Nga và gián tiếp của Mỹ. Đối với Mỹ, Nga là một ưu tiên đứng hàng thứ ba so với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc và tình hình ở Trung Đông. Đối với Nga, Washington vẫn là một ưu tiên hàng đầu, vì vai trò lãnh đạo của Mỹ được xem như là nhân tố chính gây bất ổn quốc tế, cũng như là một đối thủ đang tìm cách ngăn cản sự trở lại của Nga. Tâm lý này cũng được lý giải bởi nỗi lo sợ Washington khuyến khích các cuộc “cách mạng sắc màu” và những thay đổi chế độ trong không gian hậu Xôviết, điều có thể đe dọa sự ổn định của chế độ Nga. Về phía Nga, thái độ của họ đã dần chuyển từ thế phòng ngự - tìm cách ngăn chặn ảnh hưởng của phương Tây đối với các nước thuộc Liên Xô trước đây, sang thế tấn công hơn – đó là thiết lập một trật tự an ninh thay thế. Theo hướng này, các cuộc họp của nhóm nước BRICS sẽ cho thấy sự chấm dứt của “thời điểm đơn cực” của Mỹ. Còn phía Mỹ cho rằng một trong những thách thức của cuộc khủng hoảng Ukraine, đối với Nga, là việc kiểm định tính chắc chắn của những đảm bảo an ninh mà Mỹ mang lại cho các đồng minh châu Âu của mình, đặc biệt những nước đã gia nhập EU năm 2004.

Do mối quan hệ giữa Washington và Moskva về cơ bản vẫn bị chi phối bởi di sản của cuộc Chiến tranh Lạnh bất chấp những cố gắng cải thiện (dưới thời George Bush, Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama), nên không thể đạt tới một giai đoạn chín muồi và tin tưởng đủ để từ bỏ luận thuyết ngăn chặn/ràng buộc vẫn còn chi phối chính sách ngoại giao của Mỹ. Có 6 vấn đề nổi lên trong các mối quan hệ giữa hai nước. Vấn đề trọng tâm là hạt nhân đã thiết lập một mối quan hệ đặc biệt giữa Mỹ và Nga, cho phép Nga duy trì một vị thế siêu cường đối với Trung Quốc, châu Âu và các cường quốc mới nổi. Vấn đề này từ nay đặc biệt liên quan đến dự án hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và những tác động của dự án đó đối với nền an ninh của châu Âu. Moskva cho rằng không giống như Washington giải thích, nó nhằm làm giảm uy tín hạt nhân của Nga hơn là để phòng ngừa tên lửa đạn đạo của Iran. Năm vấn đề khác mà hai thủ đô tìm cách giải quyết, khi thì tiến bộ khi thì thất bại, từ năm 1991 là cuộc chiến chung chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, thế cân bằng trong không gian hậu Xôviết, an ninh châu Âu qua những biến chuyển của NATO, những can thiệp quân sự của Mỹ - Moskva cho rằng Washington phải chịu trách nhiệm chính về tình hình bất ổn ở Trung Đông và về vấn đề nhân quyền. Do vậy, cần nhấn mạnh sự tồn tại của một trào lưu mạnh mẽ chống Nga ở Mỹ và một trào lưu đối trọng chống Mỹ ở Nga, vốn dễ bị kích động trong trường hợp xảy ra những căng thẳng. Cuộc Chiến tranh Lạnh và những tác động của nó vẫn còn hiện diện trong ký ức của nhiều người.

Các mối quan hệ Nga-Mỹ ít có khả năng phát triển do thiếu nội dung kinh tế và rất không cân xứng. Cuộc khủng hoảng đồng ruble nhắc Điện Kremlin nhớ lại sự chi phối của đồng USD trong các trao đổi tài chính quốc tế. Trong quý I/2014, Mỹ chiếm 3,8% ngoại thương của Nga, trong khi đó Nga chiếm chưa đầy 1% ngoại thương của Mỹ. Rõ ràng, các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga ít tác động tới các doanh nghiệp Mỹ hơn so với các doanh nghiệp châu Âu hoạt động nhiều hơn ở Nga. Những biện pháp trừng phạt này mang ý nghĩa biểu tượng mạnh mẽ ở Washington, là nơi tất cả đã được dự kiến hồi cuối tháng 5/2014, do mức độ cứng rắn của chúng ngày càng tăng. Các chính sách năng lượng của mỗi nước là hậu cảnh của mối quan hệ này. Thực vậy, Nga đã dự đoán sai lầm về cuộc cách mạng khí đốt phi truyền thống ở Mỹ và việc Mỹ chuyển từ vị thế nước nhập khẩu sang vị thế nước xuất khẩu khí đốt chỉ trong vài năm. Đồng thời, việc Mỹ và Saudi Arabia thông đồng với nhau làm sụt giảm giá dầu, như trong những năm 1980, thường được nêu lên ở Moskva, cho dù một cách không chính thức vào tháng 10/2014 các quan chức cấp cao của Nga đã thừa nhận không có những bằng chứng xác thực về vấn đề này. Như trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, giá dầu vẫn là biến số nhạy cảm nhất của mối quan hệ Nga-Mỹ.

Các mối quan hệ Nga-châu Âu

Liên minh châu Âu (EU) chiếm 50% ngoại thương của Nga, và nước này là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU. Năng lượng vẫn chiếm vai trò chủ đạo trong các mối quan hệ Nga-châu Âu, vì Nga vẫn là nước cung cấp lớn nhất về khí đốt, dầu mỏ và than đá cho EU. Không bao giờ là vô ích khi nhắc lại rằng mối quan hệ năng lượng này đã phát triển vào đầu những năm 1980 trong bối cảnh hết sức căng thẳng của cuộc khủng hoảng tên lửa châu Âu. Các chính phủ châu Âu, không chỉ ở Paris, Bonn, Rome, mà cả ở London đều phát triển các mối quan hệ của họ với Moskva để đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng dù điều này gây bất lợi lớn cho Washington. Giờ đây, những khó khăn chính của mối quan hệ năng lượng này là: sự giảm sút nhu cầu của châu Âu, những điều kiện đầu tư đi kèm các biện pháp trừng phạt, sự thích ứng của mô hình kinh doanh Gazprom với môi trường luật pháp châu Âu, và không quên việc sử dụng khái niệm an ninh năng lượng như một công cụ chính trị – ở nơi này nơi kia.

Tuy nhiên, an ninh năng lượng của châu Âu được định đoạt chủ yếu ở Trung Đông. Do khía cạnh năng lượng này, so với các cường quốc phương Tây, đặc biệt là Pháp và Anh, Nga đã duy trì một mối quan hệ khác biệt một cách căn bản với thế giới Arập. Nói một cách ngắn gọn, Nga là nước thành viên duy nhất của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không cần tới Trung Đông để đảm bảo các nguồn cung năng lượng. Trong khi các cường quốc phương Tây, kể từ năm 1945, đã xây dựng một mối quan hệ với các nước Arập sản xuất dầu mỏ chủ yếu dựa trên phương trình “cung cấp năng lượng, bán vũ khí và sự khoan dung chính trị”, thì nước Nga kế thừa Liên Xô có một ảnh hưởng đặc biệt. Trái với Pháp và Anh, Nga đã không tham gia quá trình thực dân hóa Trung Đông sau khi Đế chế Ottoman sụp đổ, tuy nhiên Nga vẫn luôn duy trì một sự cạnh tranh lịch sử mạnh mẽ với đế chế này. Sự nổi lên của lực lượng IS trực tiếp liên quan tới Nga vì có nhiều kiều dân của họ chiến đấu trong hàng ngũ của lực lượng này. Khi Vladimir Putin đọc bài phát biểu tại Dama Quốc gia (Hạ viện Nga), ngày 4/12/2014, các cuộc xung đột với mức độ bạo lực hiếm có đã làm 20 người thiệt mạng tại trung tâm thủ phủ Grozny của Chechnya. Những kẻ tấn công tự xưng là người của Tiểu vương quốc Hồi giáo vùng Caucasus, và theo mệnh lệnh của Ali Abu Muhammad. Nhân vật này dường như đã thể hiện sự hung hăng của IS (tháng 9/2014 đã đe dọa phát động một cuộc chiến tranh tại Chechnya và khu vực Caucasus để giải phóng những người gốc Nga khỏi ảnh hưởng của Moskva). Vấn đề đặt ra là liệu đó có phải sự khởi đầu của một cuộc chiến tranh Chechnya lần thứ ba hay không – một cuộc chiến tranh sẽ nhấn chìm Nga vào một vòng xoáy bạo lực trên lãnh thổ của họ. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là Nga đã hứng chịu nhiều vụ khủng bố trong những năm 2000: đất nước này là một trong những mục tiêu hàng đầu của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo.

Phân tích sâu sắc hơn, người ta thấy Nga đã thành công trong việc sáng tạo lại một chính sách Arập khác biệt với những chính sách của phương Tây, một chính sách tích cực cho phép Nga giờ đây có nhiều con đường tiếp cận khu vực. Cần nhắc lại rằng Vladimir Putin đã là nguyên thủ quốc gia đầu tiên của một nhà nước phi Hồi giáo tham gia Hội nghị Hồi giáo năm 2003 và Điện Kremlin đã lên án việc đăng các tranh biếm họa Nhà tiên tri Mohammed, tại Đan Mạch năm 2005. Bất chấp những mối quan hệ lịch sử rất căng thẳng, Moskva đã nỗ lực cải thiện các mối quan hệ của mình với Riyadh – vì biết rằng đó là một trong những yếu tố giữ ổn định ở Bắc Caucasus. Trái với phương Tây, Nga đã làm được điều phi thường, đó là công nhận Hamas và thuyết phục được Israel bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lên án việc sáp nhập Crimea. Israel đã không thực thi các biện pháp trừng phạt chống lại Nga và tiếp tục hợp tác quân sự - điều cho phép Nga được cung cấp các máy bay do thám không người lái có ý nghĩa quyết định đối với sự thành công của chiến dịch Ukraine. Mới đây, Vladimir Putin đã thắt chặt các mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỹ của Recep Tayyip Erdogan và Ai Cập của Abdel Fattah al-Sisi, trong khi vẫn tiếp tục đóng một vai trò chủ chốt trong các cuộc đàm phán với Iran và trong việc duy trì chính quyền của Bashar al-Assad. Cần phải thừa nhận rằng bất chấp những phương tiện hạn chế, Moskva đã phản ứng nhanh nhạy và hiệu quả ở Trung Đông. Thêm vào đó, phải kể tới “sự giễu cợt” cuối cùng của Nga đối với châu Âu – Nga giữ vai trò bảo vệ người Cơ đốc giáo ở phía Đông vào thời điểm họ bị tàn sát ở Iraq và Syria. 

Các mối quan hệ Nga-Trung 

Khác biệt lớn giữa Chiến tranh Lạnh và giai đoạn hiện tại nằm ở sự đổi ngôi giữa hai cường quốc Trung Quốc và Nga. Năm 1991, hai nền kinh tế ở mức tương đương nhau, thì giờ đây, kinh tế Nga chỉ bằng 1/5 kinh tế Trung Quốc. Sự vận hành của hệ thống quốc tế trong trung hạn phụ thuộc đồng thời vào bản chất của mối quan hệ Trung-Nga và thế cân bằng giữa Trung Quốc, Nga và Mỹ. Trong giới chiến lược gia, có một trường phái đã từ nhiều năm nay tin vào việc sẽ hình thành một trục Trung-Nga công khai tranh chấp vai trò lãnh đạo của Mỹ. Một trường phái khác, trái lại, đã nhấn mạnh rằng các mối quan hệ Trung-Nga mang nặng những thành kiến và giống như một sự dàn xếp mang tính cơ hội. Từ năm 2008, Nga dễ dàng được nhìn nhận như một cường quốc châu Âu-Thái Bình Dương được kêu gọi xoay trục về phía châu Á để lợi dụng những nền kinh tế năng động của khu vực này vốn hiệu quả hơn so với các nền kinh tế ở châu Âu. Tất nhiên, năm 2012, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nga và giờ đây chiếm 11% ngoại thương của nước này (Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt chiếm 3,9% và 3,4%). Dù sao, sự định hướng lại này cũng đặc biệt có giá trị khoa trương; nó cho phép Moskva thực hiện dự án xây dựng một cực riêng biệt hùng mạnh tập hợp các nước thuộc không gian hậu Xôviết. Cuối tháng 3/2014, tại cuộc bỏ phiếu nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc phản đối hành động sáp nhập Crimea vào Nga, 58/193 nhà nước thành viên đã bỏ phiếu trắng, đứng đầu là Trung Quốc.

Với sức nặng kinh tế, chính trị và dân số, cả các nguồn tài nguyên và những nhu cầu riêng, Trung Quốc và Nga có quyền cấu trúc thị trường năng lượng. Từ năm 2013, Trung Quốc là nước tiêu thụ năng lượng chính trên thế giới và nhu cầu ngày càng tăng buộc Bắc Kinh phải đa dạng hóa nguồn cung năng lượng của họ đặc biệt bằng cách tăng cường nhập khẩu khí đốt. Hiệp định khí đốt Trung-Nga được ký kết vào tháng 5/2014 khiến người ta đặt nhiều dấu hỏi về các điều kiện giá cả. Vladimir Putin đã sử dụng hiệp định này như một công cụ trên lĩnh vực ngoại giao, nhằm chứng minh rằng họ có một giải pháp phương Đông để thay thế sự ràng buộc truyền thống vào phương Tây của Nga. Dù sao, trong thập kỷ tới hai nước tất yếu sẽ phải tăng cường hội nhập về năng lượng do những nhu cầu của Trung Quốc và mong muốn của Nga khai thác các mỏ khí đốt ở Đông Siberia.

Trung Quốc và Nga hiện xếp hàng thứ hai và thứ ba trên thế giới về chi tiêu quân sự, đứng xa sau Mỹ. Từ hơn 10 năm qua, đường đồ thị thể hiện mức chi tiêu quân sự của hai nước luôn đi lên, trong khi các nước châu Âu lại cắt giảm khoản chi tiêu này do tác động của khủng hoảng. Trong lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật số, hai nước đã phát triển các khả năng phòng ngự và tấn công mạnh mẽ, phản đối mô hình “đa nhân tố”, công khai chỉ trích thái độ hai mặt cơ bản của Mỹ và tranh chấp ưu thế của Mỹ trong hệ thống quản trị Internet hiện tại. Trên lĩnh vực ý thức hệ, Trung Quốc và Nga chủ trương một ý thức hệ đề cao vai trò trung tâm của nhà nước và chủ quyền, đối lập với chủ nghĩa tự do chính trị do phương Tây cổ xúy mà họ cho là hoàn toàn mang tính đạo đức giả. Một số người cho rằng cuối cùng “sự đồng thuận Bắc Kinh” có thể sẽ thay thế “sự đồng thuận Washington” biến chủ nghĩa tư bản nhà nước độc tài thành một khuôn khổ thành công mà không theo mô hình dân chủ tự do. Người ta đã sai lầm khi quên rằng Nga và Trung Quốc có chung một trải nghiệm lịch sử kép: chủ nghĩa cộng sản và bị phương Tây sỉ nhục. Điều này giải thích vì sao Moskva quyết tâm xây dựng khối BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc) thành một đối trọng lâu dài chống lại ảnh hưởng của phương Tây và một phương tiện để tái cân bằng vai trò quản trị thế giới có lợi cho Nga. Ý thức hệ chỉ đạo đường lối ngoại giao, song vấp phải một thực tế tàn nhẫn: nếu Nga tiếp tục đi theo con đường này, thì họ sẽ tự đặt mình vào hoàn cảnh là đối tác đàn em của Trung Quốc trong 10 năm tới. Đó có lẽ cũng là một sự đoạn tuyệt lịch sử căn bản của họ.

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine là kết quả nhất thời của một sự thay đổi mang tính cơ cấu. Để đánh giá mối quan hệ giữa Nga và phương Tây không chỉ căn cứ vào di sản của cuộc Chiến tranh Lạnh, mà còn căn cứ vào sự chia rẽ sâu sắc hơn. Đối với cả Nga và phương Tây, ý thức hệ - trọng tâm trong sự đối đầu giữa họ - lại làm nổi lên hai đường rạn nứt: khái niệm phương Tây và mối quan hệ với thế giới Arập. Vladimir Putin cho rằng điều quan trọng hơn tất cả là lịch sử về sự vĩ đại của nước Nga. Tin vào sự suy tàn không thể tránh khỏi của phương Tây, Putin đã quyết định thể hiện tư tưởng chống phương Tây hóa thế giới, khiến ông đi tới chỗ xa rời châu Âu và tạo nên một sự đối lập địa chính trị. 

Đường rạn nứt thứ hai: mối quan hệ độc đáo mà Nga duy trì với thế giới Arập. Giáo điều ở phương Tây và thực dụng ở phương Đông, Nga đã duy trì các mối quan hệ lịch sử đồng thời luôn hâm nóng lại quan hệ với mọi lực lượng hiện tại. Nga cũng biến việc bảo vệ những người Cơ đốc giáo phương Đông thành một trong những động lực của chính sách của Nga nhằm tạo sự khác biệt với các cường quốc châu Âu.

Cuộc xung đột ở Ukraine khiến chúng ta phải đánh giá lại vị trí của Nga trong cơ cấu an ninh châu Âu và trong hệ thống quốc tế. Về cơ bản, phương Tây đang trong một lôgích gìn giữ một trật tự vốn đã bị lung lay bởi những sai lầm của chính họ và những phản kháng từ bên ngoài, trong khi Nga đã bước vào một lôgích thay đổi vị thế. Do vậy, cần phải tạo những điều kiện cho một cuộc đối thoại mới nếu người ta muốn chấm dứt lôgích mang tính chia rẽ hiện đang tồn tại.

Theo Revue des deux mondes, Viện Quan hệ quốc tế Pháp.

Lan Hương (gt)