Việc Donald Trump lên nắm quyền cách đây 1 năm đã làm thay đổi lập trường của Mỹ đối với nhiều vấn đề then chốt: các hiệp định thương mại, vấn đề biến đổi khí hậu, sự đối đầu với Triều Tiên và Iran, sự hợp tác vô điều kiện với Israel. Trên chính trường Mỹ nổi lên sự khác biệt rõ rệt giữa chính quyền hiện tại và giới tinh hoa truyền thống. Bối cảnh nội bộ nước Mỹ - được kích động bởi những tuyên bố hùng hồn, cũng như những lời chỉ trích đối thủ của Donald Trump - đã làm xuất hiện sự đối đầu thường xuyên giữa những người theo đường lối bảo thủ, dân túy và cấp tiến, những người mang tư tưởng hận thù và không nhượng bộ nhau, trước sự lo ngại của các đối tác quốc tế cũng như các đối thủ cạnh tranh của Washington. Nguyên nhân của tình trạng hỗn loạn này có phải hoàn toàn do vị tổng thống mới của nước Mỹ hay không? Khó có thể khẳng định ông chủ Nhà Trắng là nguyên nhân của tình trạng phân cực quá mức hiện tại, mà chỉ là hệ quả dễ nhận thấy nhất của điều này. 

Những lực lượng chống lại Trump 

"Tư tưởng Trump", cùng cách tiếp cận khôn ngoan, khó nắm bắt của ông, được thể hiện rõ nét trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, chứ không phải trong nội bộ chính trường Mỹ. Cho đến nay, thực tế bên ngoài nước Mỹ được đánh dấu bởi một sự đồng thuận mang tính tương đối liên quan tới các nguyên tắc, các giá trị và các định hướng lớn mang tính chiến lược. Ông Zbigniew Brzezinski, cựu cố vấn của Tổng thống Carter và là một trong những kiến trúc sư của kế hoạch thống trị thế giới "tự do" giai đoạn trước và sau Chiến tranh Lạnh, giải thích sự đồng thuận nói trên bằng việc khẳng định vai trò của Mỹ như một nước có quyền lực tối cao: "Hiện diện ở khắp mọi nơi trên thế giới, do vậy, Mỹ có quyền được hưởng một nền an ninh tốt hơn tất cả những nước khác", và ông nói thêm: "Tuy nhiên, Mỹ sẽ có thêm nhiều cơ hội thành công, nếu phần còn lại của thế giới thừa nhận rằng chiến lược lớn của Mỹ là nhằm tạo ra một cộng đồng toàn cầu có chung các lợi ích". 

Nhưng theo Donald Trump - người cho rằng thế giới là một mớ hỗn độn và con người là "động vật bậc cao ác nhất trong số các loài vật", thì Brzezinski (đã qua đời vào ngày 26/5/2017) là nhà tiên tri được đánh giá quá cao của một thời đại đã qua. Phải chăng trật tự thế giới mới có thể sẽ không còn là trật tự của "một Thế giới mới"? Tổng thống Mỹ có thể sẽ không hối tiếc điều này, chừng nào một số lời hứa mà ông đưa ra khi tranh cử tổng thống được hoàn thành, và nước Mỹ có sức mạnh quân sự vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh và giành phần thắng trong các thỏa thuận song phương trong tương lai. Do vậy, ông Trump cho rằng lợi ích của nước Mỹ không dựa vào các quan hệ đối tác an ninh cùng có lợi ở châu Á-Thái Bình Dương, châu Âu và Trung Đông. Ông đã hủy bỏ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), xem xét lại Hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc, đặt câu hỏi về tính hữu dụng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). 

Những trụ cột hỗ trợ "chiến lược lớn" (ra đời trên cơ sở những dàn xếp của các cường quốc thời hậu Chiến tranh thế giới thứ hai) dường như bị lung lay trước tác động của những vấn đề mang tính hệ thống nói trên. Giới ngoại giao Mỹ đã chứng kiến những biến động này, nhưng không đưa ra được hành động phản ứng nào. Phần lớn các vị trí chủ chốt của Bộ Ngoại giao Mỹ không phải lúc nào cũng do chính quyền bổ nhiệm, và bị tổng thống đánh giá là "hoàn toàn vô dụng". Để trả đũa, các quan chức trong Bộ Ngoại giao Mỹ cũng thể hiện sự coi thường của họ đối với tổng thống bằng việc tuyên bố Donald Trump không có tầm nhìn, không có kế hoạch mang tính chỉ đạo, cũng như không có một chiến lược cụ thể nào. Từ quan điểm này, cho thấy ông Trump đã đánh giá thấp các lực lượng chống lại ông: Những người bài xích ông được tuyển dụng, từ cả những người theo đường lối tự do của Đảng Dân chủ cũng như những thành viên của Đảng Cộng hòa theo đường lối tân bảo thủ. Trả lời tờ Washington Post, David Ignatius, một nhân vật theo đường lối tự do, lo ngại nói: "Đâu là vấn đề thực sự trong các kế hoạch về chính sách đối ngoại của Trump? Vấn đề có lẽ là ở chỗ ông ấy không có kế hoạch nào cả". Quả thực, đây là vấn đề mấu chốt. Liệu Donald Trump có ý định đưa nước Mỹ quay trở lại chính sách ngoại giao ích kỷ vốn không xứng với sứ mệnh đạo đức của Mỹ hay không? Phải chăng Trump thực sự hành động theo bản năng, không có đường lối và phương hướng cụ thể? 

Các nhà bình luận cho rằng chính sách đối ngoại Mỹ vốn có sự ổn định nhất định, nhưng giờ đây nó có thể bị Chính quyền Trump gây tổn hại. Ông Robert B. Zoellick, cựu Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ và cựu Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng Goldman Sachs, cho rằng "chính sách đối ngoại của Donald Trump đại diện cho một một sự đoạn tuyệt so với chính sách của các tổng thống trước đây (dù thuộc Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa) kể từ thời Tổng thống Harry Truman". Đó là những tổng thống có cách hành động khôn ngoan, luôn xem lợi ích quốc gia và chủ nghĩa quốc tế như là hai mặt của đồng tiền. Lập luận nói trên vừa có điểm đúng vừa có điểm sai. Ở đây, cần phân biệt hệ tư tưởng (lập trường) với thực tiễn (các chính sách). Có thể nhận thấy sự dao động của Donald Trump giữa chính sách "tối đa hóa hoạt động" và chính sách "lùi bước" mà từ lâu đã chi phối chính sách ngoại giao Mỹ. 

Những tầm nhìn của nước Mỹ 

Nước Mỹ có những tầm nhìn khác nhau: tầm nhìn của "các tổng thống mẫu mực" như Thomas Jefferson (tổng thống giai đoạn 1801-1809) và James Carter (1977-1981) - những tổng thống muốn nước Mỹ trở thành hình mẫu cho toàn thế giới; tầm nhìn của những tổng thống theo chủ nghĩa biệt lập như Warren Harding (1921-1923) hay John Quincy Adams (1825-1829) - những tổng thống từ chối "ra nước ngoài tìm kiếm những con quái vật cần tiêu diệt"; tầm nhìn của những tổng thống ủng hộ thuyết cân bằng quyền lực như Nixon; tầm nhìn của những tổng thống theo chủ nghĩa đế quốc mà điển hình là Tổng thống Theodore Roosevelt (1901-1909); hay tầm nhìn của những tổng thống theo chủ nghĩa quốc tế như Woodrow Wilson (1913-1921) hay Barack Obama. 

Chuyên gia chính trị Mỹ Walter Russell Mead đã chia chính sách đối ngoại của Mỹ thành 4 xu hướng, mỗi xu hướng lại gắn với tư tưởng của các nhân vật chính trị nổi bật như Bộ trưởng Tài chính Mỹ Alexander Hamilton (1789-1795) - một người có đầu óc thực tế và quyết đoán trước những thách thức thương mại, hay Tổng thống Thomas Jefferson - người có những lý tưởng dân chủ, hay Tổng thống Woodrow Wilson - người bảo vệ các nguyên tắc đạo đức, và Tổng thống Andrew Jackson (1829-1837) - người theo chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa quân phiệt. 

Lập trường của Trump nên được đặt trong thế so sánh với chính sách của Jackson, điều này cho phép chúng ta hiểu rõ thực tiễn bên trong cũng như bên ngoài nước Mỹ. Ngay khi trở thành chủ nhân Nhà Trắng, Donald Trump đã nhanh chóng treo bức chân dung của Jackson tại phòng Bầu dục, và chưa đầy 2 tháng sau khi tuyên thệ, ông Trump đã tới thăm khu tưởng niệm vị tổng thống thứ 7 của nước Mỹ, tại Nashville. Nếu như Jackson bị một số người lên án là một chủ sở hữu nô lệ, là người phải chịu trách nhiệm về "con đường nước mắt" vốn cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người thuộc bộ tộc Choctaw, những người đã buộc phải rời bỏ quê hương trong cuộc trục xuất tàn bạo năm 1831, thì Donald Trump, một tổng thống theo đường lối dân túy ở trong nước và theo chủ nghĩa dân tộc trong mối quan hệ với nước ngoài, lại coi người tiền nhiệm này như là một vị anh hùng dân tộc trong cuộc đấu tranh chống giới tinh hoa chính trị tham nhũng và là một người hùng của những người lao động thuộc tầng lớp trung lưu - những người đã làm cho nước Mỹ trở nên vĩ đại, và Donald Trump tự hứa sẽ trở thành người giống như Jackson. 

Liệu việc thần tượng hóa Jackson có đủ để làm sáng tỏ tính độc đáo trong tư tưởng của Trump hay không? Không còn nghi ngờ gì nữa, bởi trường phái tư tưởng của Jackson mang tính chính trị nhiều hơn triết học, mang tính thực tế nhiều hơn lý luận. Tổng thống Trump, dù theo trường phái tư tưởng của Jackson hay không, trên thực tế vẫn tiếp tục tôn trọng đường lối quen thuộc của nước Mỹ. Nếu có một sự đoạn tuyệt của ông Trump với các mối quan hệ quốc tế, thì điều này không liên quan đến thực tiễn chính trị (việc lựa chọn các mối quan hệ đồng minh, xác định các đối thủ, những ảnh hưởng cần tạo ra đối với các cấu trúc trọng tài quốc tế), mà hơn hết liên quan đến tầm nhìn. Trên tờ Washington Post, nhà báo Anne Applebaum đã lên án "lời hứa đen tối" của Trump về việc quay trở về với một "quá khứ huyền bí". Quan điểm này được nhiều nhà bình luận đồng tình, từ David Frum, người viết diễn văn cho cựu Tổng thống George W. Bush, cho tới Donald Tusk, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, người coi Donald Trump là "mối đe dọa hiện hữu" đối với châu Âu-Đại Tây Dương.

Nhà bình luận theo đường lối tân bảo thủ Charles Krauthammer đã phát biểu: "Một thế giới tự do được đánh dấu bởi sự mở cửa thương mại và bảo vệ lẫn nhau, đó là tầm nhìn của Tổng thống Truman, một tầm nhìn được các tổng thống Mỹ kế nhiệm ủng hộ kể từ đó cho đến nay". Trước đây, chính sách đối ngoại Mỹ chủ yếu mang màu sắc của chủ nghĩa biệt lập, giới hạn ở việc thống trị lục địa Bắc Mỹ, phát triển thương mại và tránh tham gia các liên minh ràng buộc. Chỉ từ khi trở thành cường quốc kinh tế đứng đầu thế giới, vào đầu thế kỷ XX, Mỹ mới biến sự phát triển thịnh vượng của mình thành sức mạnh, và tăng cường sự hiện diện chính trị trên toàn cầu. 

Giai đoạn mới này của nước Mỹ - chuyển từ chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ có tính hướng nội sang hướng ngoại - được định hình bởi 2 yếu tố: yếu tố quốc gia và yếu tố đạo đức. Yếu tố quốc gia được thể hiện rõ nét dưới thời Tổng thống Theodore Roosevelt, còn yếu tố đạo đức được thể hiện rõ dưới thời Tổng thống Woodrow Wilson. Roosevelt là một tổng thống theo chủ nghĩa can thiệp: Chính sách đối ngoại của ông thường tỏ ra hiếu chiến và mang màu sắc của chủ nghĩa đế quốc. Còn Woodrow Wilson được coi là hình mẫu của người theo trường phái lý tưởng trong lĩnh vực ngoại giao: Năm 1917, nhân danh luật pháp và quan niệm vượt trội về đạo đức của Mỹ, Wilson đã tuyên chiến với Đức. Tuy nhiên, dường như không hợp lý khi đặt tư tưởng thực dụng của "tổng thống hiếu chiến" Roosevelt đối lập với sự nhiệt huyết của tổng thống theo trường phái lý tưởng Wilson. 

Trong một bài phát biểu trước Thượng viện ngày 9/1/1900 dưới tiêu đề "Để bảo vệ chủ nghĩa đế quốc Mỹ", Albert Beveridge, thượng nghị sĩ và là cố vấn thân cận của Roosevelt, đã xác định sứ mệnh của Mỹ: "Chúa trao cho chúng ta vai trò là những người tổ chức để thiết lập một hệ thống trong một thế giới nơi mà sự hỗn loạn ngự trị. Chúa đã truyền cho chúng ta tinh thần tiến bộ để lật đổ các lực lượng phản ứng trên toàn hành tinh. Nếu không có thế mạnh này, thế giới sẽ lại chìm vào cảnh man rợ và đêm tối". 

Donald Trump đã mở đầu bài diễn văn nhậm chức tổng thống của ông như sau: "Kể từ ngày hôm nay, chính sách của nước Mỹ sẽ không còn như trước nữa". Tướng McMaster, cố vấn an ninh quốc gia của Donald Trump, đã đưa ra lời cảnh báo trên tờ Wall Street Journal về quan điểm rõ ràng của Tổng thống Trump - người cho rằng "Thế giới không phải là một cộng đồng toàn cầu, mà là một vũ đài mà ở đó các quốc gia, các tổ chức phi chính phủ và các chủ thể kinh tế cùng tham gia và đấu tranh để giành các lợi ích. Chúng ta mang đến cho vũ đài này một sức mạnh vô song về quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa và đạo đức". Bài diễn văn này đã gây ra một hiệu ứng mạnh mẽ tới bộ máy ngoại giao Mỹ. Trong bài diễn văn, sức mạnh quân sự được nhắc đến đầu tiên, và sức mạnh đạo đức được nhắc đến sau cùng. Chắc chắn, người ta sẽ không phân tích sâu hơn khi cho rằng Donald Trump đã không đọc cuốn sách "Lịch sử cuộc chiến tranh Peloponnesian". Tuy nhiên, Trump đã hành động như thể ông ấy biết toàn bộ cuộc đối thoại nổi tiếng nơi các lực lượng thành Athens đã dạy cho người Melos bài học đắt giá của việc né tránh sự cống nạp. 

Ngân sách năm 2018 của Lầu Năm Góc - 692 tỷ USD - được ông Trump tăng thêm 100 tỷ USD so với năm cuối cùng nhiệm kỳ của ông Obama. Về phần mình, các quan chức Mỹ đã không chấp nhận việc đưa chính sách đối ngoại Mỹ trở thành hệ tư tưởng cứu rỗi, và mong muốn đưa chính sách đối ngoại này nằm trong tổng thể các mối tương quan lực lượng, những đầu tư có mục tiêu, và những hoạt động có tính khả thi. 

Trong khi chờ đợi lịch sử phán xét nhiệm kỳ của một tổng thống khó đoán định như ông Trump, vấn đề cơ bản có lẽ không nằm ở việc ông giới hạn chính sách đối ngoại của Mỹ ở một loạt thỏa thuận. Tất cả các tổng thống tiền nhiệm đều đã hành động như ông, nhưng dưới một vỏ bọc văn minh hơn. Vấn đề cũng không nằm ở việc Donald Trump tuyên bố điều chỉnh (mang tính thực dụng) các mối quan hệ với Nga và làm cho chúng trở nên khác đi (kéo dài mối căng thẳng Mỹ-Nga). Vấn đề thực sự của Trump dường như là tài năng có phần hạn chế của ông, mà đôi khi ông tự đánh giá quá cao. 

Có lẽ tài thương thuyết của Donald Trump cho phép ông đánh giá một cách nhạy bén nội dung của các thỏa thuận mà ông sẽ bỏ qua hay đàm phán lại. Nhưng sự thiếu tinh tế trong mối quan hệ tương tác mà ông tự lấy làm hãnh diện dường như đã ngăn cản ông đánh giá chính xác bối cảnh chung của những thỏa thuận này và những hậu quả của chúng trong dài hạn. Việc chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Israel đến Jerusalem (được công bố vào ngày 6/12/2017) là một minh chứng đáng lo ngại. Đó không phải là một sai lầm đơn giản, mà là một sai lầm khủng khiếp, khiến cho Washington trở nên gần hơn với lập trường của Đảng Likud, và ngăn cản bất kỳ tính chính đáng nào của Mỹ trong vai trò là chủ thể bảo đảm tiến trình hòa bình công bằng.

Theo Le monde diplomatique, Pháp

Hương Lan (gt)