Tóm tắt

Từ tháng 12/2012, chính sách của Nhật Bản đối với khu vực xuất hiện nhiều điểm mới trong nhiệm kỳ 2 của Thủ tướng Shinzo Abe. Cụ thể hơn, trong năm đầu tiên cầm quyền, để khẳng định các mục tiêu chiến lược đối với khu vực, Thủ tướng Abe đã đưa ra nhiều sáng kiến trong hợp tác với các nước Đông Nam Á. Về chính trị ngoại giao, Thủ tướng Abe là thủ tướng đầu tiên thăm chính thức cả 10 quốc gia khu vực trong năm 2013. Ngoài ra, ông cũng cam kết hợp tác toàn diện với Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhân dịp kỷ niệm 40 năm hợp tác ASEAN – Nhật Bản. Về an ninh – quốc phòng, việc Nhật Bản có những điều chỉnh bước ngoặt trong chính sách an ninh về cả khía cạnh đối nội và đối ngoại cũng mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới giữa Nhật Bản và khu vực. Những đột phá này đã đánh dấu một bước ngoặt trong chính sách của Nhật Bản với khu vực.

Bài viết này tập trung phân tích chính sách của Nhật Bản với khu vực Đông Nam Á trong nhiệm kỳ 2 của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe. Thứ nhất, để giúp người đọc nắm được bức tranh chung, bài viết khởi đầu với tổng quan về chính sách đối ngoại Nhật từ 2012 đến nay. Thứ hai, bài viết trình bày về các mục tiêu chiến lược, các thành tố, và các bước triển khai chính sách cụ thể của Nhật với khu vực. Thứ ba, bài viết đi sâu phân tích tác động của chính sách đến khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng. Phần thứ tư của bài viết đưa ra nhận định về chiều hướng chính sách trong tương lai. Cuối cùng, bài viết thảo luận về quan hệ Việt Nam – Nhật Bản, đưa ra một số khuyến nghị về biện pháp của Việt Nam trong hợp tác toàn diện với với Nhật Bản.

Từ khóa: Chính sách đối ngoại, Nhật Bản, Đông Nam Á, Thủ tướng Shinzo Abe

Khái quát chính sách đối ngoại Nhật trong nhiệm kỳ 2 của Thủ tướng Shinzo Abe

Thủ tướng Shinzo Abe lên nắm quyền trong bối cảnh tình hình chính trị nội bộ đã tương đối ổn định. Do đó, các thách thức an ninh từ môi trường xung quanh và việc khôi phục tăng trưởng kinh tế được Thủ tướng Abe đặt lên hàng đầu. Tổng hợp từ Sách xanh Ngoại giao của Nhật từ năm 2013 đến 2016,[1] chính sách đối ngoại Nhật Bản trong nhiệm kỳ 2 của Thủ tướng Abe bao gồm những đường hướng chính sau:

Thứ nhất, về mục tiêu, cũng giống như những thời kỳ trước, chính sách đối ngoại của Nhật Bản từ năm 2013 đến nay không nằm ngoài việc hướng đến đảm bảo và củng cố lợi ích quốc gia. Cùng với đó là mục tiêu đảm bảo an ninh, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải và tiếp tục quá trình phấn đấu trở thành một quốc gia bình thường, nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Thứ hai, về nguyên tắc, song song với việc bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, Nhật Bản xúc tiến thực hiện chính sách ngoại giao mang tính chiến lược với tên gọi “Nhìn toàn cảnh bản đồ thế giới,” hướng đến duy trì các giá trị toàn cầu như tự do, dân chủ, tôn trọng nhân quyền và luật pháp. Thứ ba, về phương châm, chính quyền của Thủ tướng Abe đưa ra chính sách ngoại giao tích cực, chủ động và hiệu quả, hướng đến việc hoàn thành các nghĩa vụ quốc gia tương xứng với vị trí của Nhật Bản trong cộng đồng quốc tế. Cùng với việc đảm bảo an ninh quốc gia mình và duy trì hòa bình và ổn định của khu vực, Nhật Bản cũng hướng đến việc bảo đảm an ninh, hòa bình và thịnh vượng của cộng đồng quốc tế. Thứ tư, ba trụ cột chính trong chính sách đối ngoại Nhật Bản gồm: (1) củng cố liên minh Mỹ - Nhật Bản; (2) tăng cường quan hệ với các láng giềng gồm Hàn Quốc, ASEAN, Nga, Ấn Độ, Ôxtrâylia,…; và (3) đẩy mạnh ngoại giao kinh tế là công cụ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước. Nhìn chung, chính sách đối ngoại Nhật Bản trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Shinzo Abe là chính sách tích cực, chủ động ở trong phạm vi khu vực và toàn cầu, ở cả bình diện song phương và đa phương.

Chính sách của Nhật Bản đối với khu vực Đông Nam Á cũng nằm trong khuôn khổ chung này. Chính sách đối với khu vực hướng đến các mục tiêu, đảm bảo các nguyên tắc, phương châm của chính sách đối ngoại chung của Nhật Bản và được lồng ghép trong các trụ cột kể trên. Một cách khái quát, dưới thời Thủ tướng Abe, Nhật Bản tích cực can dự với khu vực thông qua các công cụ kinh tế, các giá trị phổ quát và đặc biệt là cả công cụ an ninh – quốc phòng. Thúc đẩy chính sách với khu vực không chỉ góp phần giúp Nhật Bản thực hiện mục tiêu đảm bảo an ninh, chủ quyền mà còn giúp Nhật Bản nâng cao vị thế trên trường quốc tế.

Theo đó, Đông Nam Á được coi là địa bàn triển khai chiến lược dưới thời Thủ tướng Abe được thể hiện từ những hoạt động ngoại giao đầu tiên của chính quyền mới. Tháng 1/2013, Thủ tướng Abe đã chọn Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam làm khởi điểm cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình kể từ khi nhậm chức. Cùng tháng, trong chuyến thăm Inđônêxia, ông đã đưa ra “Năm nguyên tắc cho chính sách ngoại giao của chính quyền mới đối với khu vực” (Abe Doctrine) liên quan tới việc tăng cường quan hệ ngoại giao, an ninh quốc phòng giữa Nhật Bản và ASEAN.[2] Trong năm 2013, Thủ tướng Abe đã hoàn tất các chuyến thăm đến tất cả 10 quốc gia ở khu vực Đông Nam Á. Các mục tiêu, nội hàm cụ thể trong chính sách Đông Nam Á của Nhật Bản cùng những bước triển khai sẽ được đề cập chi tiết ở các phần tiếp theo.

Mục tiêu chính sách Đông Nam Á của Nhật Bản dưới thời Abe

Chính sách đối ngoại của một quốc gia không nằm ngoài ba mục tiêu an ninh, phát triển và ảnh hưởng. Theo đó, chính sách Đông Nam Á của Nhật Bản dưới thời Abe cũng bao gồm những mục tiêu cụ thể sau:

Về khía cạnh an ninh, một trong những mục tiêu lớn của Nhật Bản khi tăng cường can dự với khu vực Đông Nam Á là nhằm tìm kiếm đối tác chung trong việc đối phó với những tác động tiêu cực từ sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trên thực tế, Nhật Bản đối mặt với ngày càng nhiều thách thức đến từ sự trỗi dậy của Trung Quốc. Năm 2010, Trung Quốc đã chính thức vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Song song với sự lớn mạnh về kinh tế, sự phát triển về tiềm lực quốc phòng của Trung Quốc, đặc biệt là sự thiếu minh bạch trong việc tăng chi tiêu quốc phòng cũng gây nhiều lo ngại. Hơn nữa, những lo ngại của Nhật Bản đối với Trung Quốc còn do Trung Quốc sẵn sàng triển khai sức mạnh quân sự bên ngoài biên giới và công khai bày tỏ tham vọng về Biển Đông và Biển Hoa Đông. Tranh chấp giữa Nhật Bản với Trung Quốc xoay quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku nóng lên từ năm 2012. Kể từ đó, Trung Quốc thường xuyên có những hành động gây hấn đơn phương. Trên thực địa, tàu hải giám và các tàu thuyền Trung Quốc thường xuyên hoạt động xung quanh đảo tranh chấp. Vào cuối năm 2013, Trung Quốc tuyên bố thành lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Hoa Đông, gia tăng thêm căng thẳng và nguy cơ đụng độ giữa hai nước. Ngoài ra, Nhật Bản cũng lo ngại trước những hành động phô trương sức mạnh của Trung Quốc ở Biển Đông, thể hiện qua các công trình cải tạo đảo cộng quân sự hóa quy mô lớn trên các đảo này.

Trong bối cảnh đó, Nhật Bản có nhu cầu thúc đẩy quan hệ với các quốc gia có chung thách thức và từ đó tạo thế đối trọng trong quan hệ với Trung Quốc. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng lo ngại rằng việc Trung Quốc ngày càng chiếm được ưu thế ở Biển Đông cũng sẽ tạo thêm động lực cho nước này cứng rắn hơn trong tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản. Do đó, gia tăng hợp tác an ninh biển, cùng các nước khu vực, đặc biệt là những nước có tranh chấp với Trung Quốc để bảo đảm tự do hàng hải chính là biện pháp giúp Nhật Bản kiềm chế Trung Quốc trong vấn đề này.

Thực tế đã cho thấy, chính Nhật Bản cũng đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề Biển Đông. Khi Trung Quốc kéo giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam vào tháng 5/2014, phía Nhật Bản cũng đã thể hiện phản ứng khá rõ rệt: Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu tại trụ sở NATO rằng “Tại Biển Đông,…chúng ta không thể chấp nhận những thay đổi do vũ lực hoặc cưỡng bức gây ra. Đây là một vấn đề toàn cầu ảnh hưởng lớn tới châu Á.” Ngày 11/6/2014, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nhật Bản ra tuyên bố về Biển Đông, kêu gọi các bên liên quan thể hiện sự kiềm chế, không sử dụng vũ lực để thay đổi nguyên trạng và áp đặt chủ quyền một cách đơn phương trên Biển Đông. 

Đối với mục tiêu phát triển, nền kinh tế Nhật Bản cần những cơ hội mới để thúc đẩy và tăng cường thương mại đầu tư sau giai đoạn khó khăn kéo dài và tăng trưởng trì trệ. Để nền kinh tế có thể tăng trưởng trở lại, Nhật Bản điều chỉnh mạnh nguồn cung – cầu trong nước, khai thác thị trường ngoài nước, đặc biệt là thị trường châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng để bổ sung cho những ngành công nghiệp nội địa đang bị thu hẹp. Là một trong những khu vực phát triển năng động của thế giới và là cửa ngõ của thương mại quốc tế, khu vực Đông Nam Á thực sự là một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư Nhật Bản. Năm 2013, có khoảng 7.000 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại khu vực. Theo kết quả khảo sát tại các doanh nghiệp Nhật Bản, trong danh sách 20 địa chỉ ưu tiên hàng đầu sẽ lập quan hệ đầu tư trong vài năm tới, có đến 8 nước thành viên ASEAN.[3]

Hơn nữa với cơ cấu dân số già và có xu hướng giảm, khu vực Đông Nam Á với dân số 620 triệu dân và tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động cao thực sự mở ra thị trường tiêu thụ rộng lớn và nguồn cung lao động rẻ, dồi dào cho các doanh nghiệp Nhật Bản muốn xuất khẩu hàng hóa hoặc thuê nhân công ngoài. Ngoài ra, tiến trình hội nhập kinh tế Đông Á với nòng cốt là các nước ASEAN đang diễn ra theo chiều hướng tích cực, các cơ chế hợp tác đa phương như ASEAN+1, ASEAN+3, ASEAN+6, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã và đang hứa hẹn những cơ hội mới hấp dẫn về thương mại và đầu tư cho Nhật Bản.

Về mục tiêu ảnh hưởng, Nhật Bản coi Đông Nam Á là khu vực để có thể tăng cường ảnh hưởng của mình nhằm phục vụ cho ngoại giao nước lớn, đặc biệt là trong việc giành được sự ủng hộ để trở thành thành viên thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hp Quốc. Bên cạnh đó, để giảm thiểu tác động từ những khó khăn trong quan hệ với các nước Đông Bắc Á cũng như độc lập hơn với Mỹ, Nhật Bản cần tạo dựng môi trường ổn định có lợi cho Nhật Bản trong tương lai, vì vậy mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á là một trong những mục tiêu chiến lược của nước này.

Rộng hơn, mục tiêu ảnh hưởng trong chính sách của Nhật Bản với khu vực còn liên quan đến việc phổ biến các giá trị về tự do, dân chủ, nhân quyền, tinh thần thượng tôn pháp luật. Tại Đối thoại Shangrila lần thứ 13, Thủ tướng Nhật Bản Abe đã phát biểu rằng, “Vì hòa bình và thịnh vượng mãi mãi ở châu Á, Nhật ủng hộ luật pháp, châu Á ủng hộ luật pháp, luật pháp cho tất cả chúng ta."[4] Chính sách Đông Nam Á của Abe cũng chứng kiến sự quay trở lại của hai khái niệm từng được ông phát triển trong nhiệm kỳ I. Một là khái niệm về Ngoại giao giá trị (value-oriented diplomacy), khái niệm này đặt trọng tâm vào các “giá trị phổ quát” định hình nước Nhật sau chiến tranh như dân chủ, tự do, nhân quyền và nền pháp quyền đồng thời cũng đề cao giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa của Nhật Bản.[5] Hai là khái niệm Vòng cung tự do và thịnh vượng (Arc of freedom and prosperity) được Ngoại trưởng Taro Aso, thuộc nội các của Abe đề xướng năm 2006. Theo đó, Nhật Bản muốn hỗ trợ các nền dân chủ thông qua viện trợ kinh tế và trao đổi nhân lực. [6] Trong nhiệm kỳ II,Abe tiếp tục thúc đẩy các giá trị cốt lõi của tư tưởng này, dù dưới một tên gọi khác là An ninh kim cương (Diamond Security).

Đông Nam Á nắm giữ vị trí địa chiến lược quan trọng, tăng cường gắn kết với khu vực không chỉ giúp Nhật đảm bảo được mục tiêu về an ninh mà còn bổ trợ cho các mục tiêu phát triển và tăng cường vị thể trong chính sách đối ngoại Nhật Bản.

Những trụ cột và triển khai chính sách Đông Nam Á dưới thời Abe

Để phục vụ các mục tiêu trên, chính sách của Nhật Bản đối với khu vực Đông Nam Á gồm những trụ cột nền tảng và các bước hiện thực hóa chính sách cụ thể sau:

Thứ nhất, chính quyền Abe vẫn tiếp nối đường hướng của Học thuyết Fukuda 1977, bao gồm ba nguyên tắc chính: (1) Nhật Bản sẽ không bao giờ trở thành cường quốc quân sự; (2) thúc đẩy quan hệ với ASEAN dựa trên sự thấu hiểu thực sự; và (3) hợp tác với các quốc gia thành viên ASEAN như các đối tác bình đẳng. Tuy nhiên, dưới thời chính quyền Abe, sự can dự với khu vực có nhiều đột phá, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh – quốc phòng.

Thứ hai, chính sách Đông Nam Á dưới thời Abe có thể được nhìn nhận từ các góc độ khác nhau: (1) trên bình diện đa phương là chính sách chung với khối ASEAN; và (2) trên bình diện song phương là chính sách với các nước cụ thể.

a).Về chính sách với ASEAN với tư cách là một thực thể thống nhất: Trong bài diễn văn ở Jarkata, Inđônêxia tháng 1/2013, ông Abe đã đưa ra 5 nguyên tắc hợp tác với ASEAN: (i) cùng bảo vệ và thúc đẩy các giá trị phổ quát như tự do, dân chủ, và các quyền cơ bản của con người; (ii) cùng nhau bảo đảm các vùng biển mở và tự do bằng luật pháp và quy định chứ không phải bằng vũ lực và chào đón sự tái cân bằng của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương; (iii) thúc đẩy đầu tư và thương mại; (iv) bảo vệ, chăm sóc các di sản và truyền thống văn hóa phong phú của ASEAN và (v) thúc đẩy giao lưu giữa các thế hệ trẻ nhằm tăng cường hiểu biết chung.[7] Có thể thấy năm nguyên tắc này đã bao gồm cả các khía cạnh từ an ninh, chính trị cho đến kinh tế, văn hóa, con người. Tuy nhiên, điểm nổi bật là chính quyền Abe rất chú trọng vào khía cạnh an ninh.

Điều này có thể dễ dàng nhận thấy khi so sánh hai tuyên bố chung Nhật Bản – ASEAN vào năm 2003 và 2013. Thượng đỉnh Nhật Bản – ASEAN năm 2003 nhấn mạnh “củng cố đối tác kinh tế toàn diện và hợp tác tiền tệ và tài chính” là ưu tiên chính trong chiến lược chung.[8] Trong khi đó, trong tuyên bố chung năm 2013, hai bên cam kết duy trì hòa bình và ổn định khu vực được đặt lên hàng đầu, cụ thể là giải quyết những vấn đề liên quan đến an ninh biển.[9] Việc chính quyền Abe chú trọng đến hợp tác an ninh hơn với khu vực cũng đã được diễn ra cụ thể trong các văn bản khác. Trong Chiến lược An ninh Quốc gia 2013 của Nhật Bản, ASEAN liên quan đến nhiều khía cạnh khác nhau trong việc xử lý các thách thức an ninh của Nhật Bản. Theo đó, Nhật Bản coi ASEAN là một đối tác an ninh quan trọng.[10] Trong văn bản “Hướng dẫn Chương trình Quốc phòng (NDPG)” năm 2014, Nhật Bản khẳng định muốn thúc đẩy tập huấn chung và nâng cao năng lực với các nước ASEAN bên cạnh việc hợp tác trong lĩnh vực ứng phó với khủng hoảng.[11]

Trên thực tế, Nhật Bản đã tích cực tham gia các diễn đàn, cơ chế do ASEAN làm trung tâm và thúc đẩy cũng như tham gia nhiều sáng kiến về an ninh. Hội nghị bàn tròn các bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản – ASEAN được tổ chức lần đầu tiên năm 2014 tại Mianma. Bàn về hợp tác an ninh biển trong Hội nghị này, Thủ tướng Abe đã khẳng định rằng Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực như tập trận chung Nhật Bản – ASEAN, phát triển nguồn nhân lực, an toàn hàng hải, cam kết hỗ trợ xây dựng năng lực trong lĩnh vực an ninh và an toàn biển cho khoảng 700 người trong vòng 3 năm. Hơn nữa, Hội nghị còn thông qua Tuyên bố chung ASEAN – Nhật Bản về hợp tác chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia.[12] Tại Hội nghị Thượng định Đông Á (EAS) lần thứ 9 (năm 2014) tại Mianma, Thủ tướng Abe nhấn mạnh rằng EAS nên tập trung vào các vấn đề cấp bách như tổ chức khủng bố IS và dịch bệnh Ebola, để có thể đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng của khu vực cũng như của thế giới. Về vấn đề an ninh biển, Thủ tướng Abe nhấn mạnh nhu cầu cần duy trì và củng cố trật tự trên biển thông qua “Ba Nguyên tắc về Luật biển” và bày tỏ mong muốn được chủ trì Diễn đàn Biển ASEAN Mở rộng (EAMF) lần thứ III.[13]

b).Trên bình diện song phương, Nhật Bản tích cực triển khai chính sách với các nước trên cả ba lĩnh vực: chính trị - ngoại giao, kinh tế, đặc biệt nhất là an ninh – quốc phòng. Các hình thái hợp tác kinh tế và chính trị cũng được lồng ghép các nội dung về an ninh – quốc phòng. Điều này cho thấy bước chuyển trong cách tiếp cận chính sách của Nhật Bản, hơn nữa cũng là minh chứng cho thấy Nhật Bản muốn đi sâu vào việc hợp tác thực chất với khu vực.

Về chính trị - ngoại giao, Nhật Bản theo đuổi chính sách ngoại giao con thoi chủ động, Thủ tướng Shinzo Abe, Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng có nhiều chuyến công du đến khu vực trong năm 2013. Quan trọng nhất, quan hệ chính trị song phương với các nước trong khu vực cũng được nâng lên tầm cao mới. Cuối năm 2013, Nhật Bản và Campuchia đã nhất trí thúc đẩy hợp tác quốc phòng và nâng cấp quan hệ song phương lên tầm đối tác chiến lược.[14] Nhật Bản và Việt Nam cũng nâng cấp đối tác chiến lược lên thành “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng của châu Á” vào tháng 8/2014. Năm 2015, trong chuyến thăm của Tổng thống Inđônêxia Joko Wikodo dến Nhật, Nhật và Inđônêxia đã cam kết củng cố Quan hệ đối tác chiến lược thông qua hai trụ cột là các vấn đề trên biển và dân chủ.[15] Cũng trong năm 2015, chính quyền Abe hoàn tất hiệp định đối tác chiến lược với Malaixia, trong đó khía cạnh an ninh cũng được nhấn mạnh.[16]

Trong lĩnh vực kinh tế, để đóng góp cho thịnh vượng khu vực, Nhật Bản điều chỉnh sử dụng chiến lược ODA theo hướng mở rộng gắn kết ODA với các cả lĩnh vực quân sự, môi trường, sức khỏe với các quốc gia Đông Nam Á. Theo sách Trắng ODA của Nhật Bản, khu vực châu Á với số lượng lớn các nước đang phát triển và có quan hệ về địa lý gần gũi luôn là khu vực ưu tiên trong chính sách ODA của Nhật Bản kể từ những năm 1970 tới nay. Kế thừa xu hướng này, Thủ tướng Abe sau khi trở lại nhiệm sở đã cung cấp lần lượt 56,2% và 63,9% tổng số vốn ODA cam kết trong năm 2012 và 2013 cho châu Á. Trong các vùng và lãnh thổ tại châu Á, khu vực Đông Nam Á là ưu tiên hàng đầu với tổng mức ODA Nhật Bản cam kết cung cấp luôn ở mức cao. Cụ thể, năm 2013, Nhật Bản dành 9,2 tỷ USD, chiếm 74,2% ODA cho các quốc gia ASEAN trong tổng số 12,4 tỷ USD ODA cho châu Á.[17]

Đặc biệt hơn, các nước ASEAN được Nhật Bản xác định là các đối tác ưu tiên được nhận ODA trong lĩnh vực quân sự phi tác chiến. Theo đó, Nhật Bản cung cấp tài chính hỗ trợ các quốc gia biển ASEAN phát triển khả năng giám sát trên biển bao gồm hệ thống ra-đa, máy bay giám sát biển, v.v….[18] Tới nay, Nhật Bản đã cung cấp tàu giám sát biển và hệ thống liên lạc cho Philíppin dưới hình thức hỗ trợ ODA. Những hỗ trợ quân sự của Nhật Bản giúp các nước ở Đông Nam Á đã từng bước hỗ trợ nâng cao năng lực giám sát, đảm bảo an ninh từ xa trong hoàn cảnh các quốc gia Đông Nam Á còn có hạn chế về nguồn lực.

Về hợp tác an ninh – quốc phòng, Nhật Bản đã tiến hành những động thái cụ thể, hỗ trợ các nước thành viên ASEAN có tranh chấp với Trung Quốc nâng cao năng lực giám sát và đảm bảo an ninh biển. Nổi bật là Việt Nam và Philíppin. Trong năm 2012, cả Việt Nam và Philíppin đã ký với Nhật Bản thỏa thuận về hợp tác quốc phòng trên các lĩnh vực trao đổi đoàn, đào tạo nhân sự, công nghiệp quốc phòng, cứu hộ cứu nạn trên biển và an ninh hàng hải. Đối với Việt Nam, Nhật Bản cam kết cung cấp 6 tàu tuần tra biển với trị giá khoảng 4,5 triệu USD trong năm 2014. Trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Tokyo vào tháng 9/2015, hai bên đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì tự do hàng hải tại khu vực. Tới nay, quan hệ an ninh – quốc phòng giữa hai nước vẫn đang được thúc đẩy. Lực lượng quân đội hai nước đã bắt đầu tham gia các cuộc diễn tập hàng hải chung. Tháng 4/2016, hai tàu chiến và một tàu ngầm của lực lượng phòng vệ biển của Nhật Bản đã cập cảng Cam Ranh sau khi đã dừng chân tại Vịnh Subic, Philíppin.

Đối với Philíppin, hợp tác về an ninh biển được khởi động từ cuối năm 2011. Vào tháng 7/2013, Thủ tướng Abe công bố kế hoạch cung cấp cho Philíppin 10 tàu tuần tra. Trong chuyến thăm tới Nhật Bản vào tháng 6/2015, Tổng thống Benigno Aquino đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc soạn thảo Thỏa thuận thăm viếng giữa quân đội hai nước, cho phép các tàu của Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản có thể tiếp nhiên liệu tại các cảng của Philíppin và tham gia các chiến dịch tập trận chung. Thủ tướng Abe tái khẳng định mong muốn hỗ trợ Philíppin nâng cao khả năng của lực lượng bảo vệ bờ biển nước này. Tháng 2/2016, hai bên đã ký Thỏa thuận chuyển giao trang thiết bị quốc phòng. Ngoài Việt Nam và Philíppin, Nhật Bản còn thúc đẩy hợp tác với các quốc gia ASEAN khác. Tháng 5/2015, Nhật Bản và Malaixia khởi động quá trình đàm phán về gói thiết bị quốc phòng. Đối với Inđônêxia, quan hệ hợp tác an ninh – quốc phòng với Nhật Bản được đánh dấu bằng một thỏa thuận hợp tác phát triển và chuyển giao trang thiết bị quân sự, đồng thời đào tạo quân đội Inđônêxia.[19]

Ngoài ra, trong can dự với khu vực, Nhật Bản đã tạo dựng được vai trò cường quốc có trách nhiệm thông qua các hoạt động thực chất nhằm đóng góp cho hòa bình và ổn định. Nhật Bản đã tham gia tìm kiếm máy bay Malaixia MH370 mất tích vào tháng 3/2014. Nhật Bản đã triển khai Đội cứu trợ thảm họa gồm 28 thành viên đến từ Bộ Ngoại, Bộ Quốc phòng, Lực lượng tuần duyên và JICA. Các hoạt động hỗ trợ tìm kiếm máy bay mất tích của Nhật Bản nhận được sự hoan nghênh và cảm kích lớn từ Malaysia cũng như từ các nước khác trong khu vực.[20] Ngoài ra, cách ứng xử trước thảm họa do bão Haiyan gây ra ở Philíppin, sự đóng góp cho dân chủ hóa Mianma và xung đột Hồi giáo ở Midanao, Philíppin trong năm 2013 là những biểu hiện minh chứng cho vai trò nước lớn tích cực và có trách nhiệm ở khu vực của Nhật Bản.

Thêm vào đó, Nhật Bản cũng nỗ lực để tạo điều kiện giao lưu giữa thế hệ thanh niên các nước. Mỗi năm, có hơn 13.000 sinh viên ASEAN sang Nhật du học. Năm 2007, theo sáng kiến của Thủ tướng Abe, chương trình “Japan-East Asia Network of Exchange for Students and Youth” (JENESYS) được phát động, thu hút trên 14.000 thanh niên Nhật bản và ASEAN qua lại thăm viếng lẫn nhau.[21] Trong nhiệm kỳ II, Thủ tướng Abe tiếp tục phát động Jenesys 2.0 và kế hoạch 300.000 sinh viên ra nước ngoài.[22]

Nhìn chung, can dự của Nhật Bản đối với khu vực Đông Nam Á dưới thời Abe gồm hai hướng triển khai với ASEAN với tư cách một khối thống nhất và với từng nước khu vực riêng rẽ. Việc triển khai chính sách này được tiến hành trải dài trên cả ba lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế và quốc phòng. Tuy nhiên, điểm nổi bật là chính quyền Thủ tướng Abe đã triển khai một lộ trình chính sách mới và chuyển từ cách tiếp cận kinh tế - xã hội sang cách tiếp cận chính trị - an ninh.[23]Tăng cường can dự trong lĩnh vực chính trị và kinh tế cũng được lồng ghép các nội dung về an ninh – quốc phòng. Là một lĩnh vực nhạy cảm và rất khó để xúc tiến hợp tác, nhưng những nỗ lực và cách tiếp cận của Nhật Bản kể trên là minh chứng cho mong muốn hợp tác thực chất và toàn diện với khu vực Đông Nam Á.

Chiều hướng chính sách trong tương lai

Trong tương lai, chính sách của Nhật Bản đối với khu vực sẽ tiếp tục được tăng cường, hoặc ít nhất được duy trì ở mức độ như hiện nay xuất phát từ tổng hòa các điều kiện thuận lợi và nhân tố thúc đẩy sau:

Một là, chính trị nội bộ Nhật Bản hiện nay hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi cho việc triển khai chính sách. Trong quý I/2017, tỷ lệ ủng hộ của người Nhật Bản với Thủ tướng Abe và nội các vẫn khá cao, khoảng 60%.[24] Hơn nữa, Đảng Dân chủ Tự do (LDP) chính thức điều chỉnh điều lệ quy định số nhiệm kỳ của Chủ tịch Đảng cho phép Thủ tướng Abe có thể kéo dài nhiệm kỳ đến năm 2021. Khoảng thời gian cầm quyền kéo dài cho phép Thủ tướng Abe có thể triển khai các chính sách một cách bền vững hơn. Ngoài ra, một trong những minh chứng cập nhật nhất về cam kết của Nhật Bản với Đông Nam Á là ngân sách quốc phòng của Nhật Bản trong năm tài khóa 2017 dành 2,9 triệu USD cho các sáng kiến xây dựng năng lực toàn diện cho các nước trong khu vực.[25] Các yếu tố nội trị ổn định này góp phần giúp chính sách của Nhật Bản với các nước Đông Nam Á cũng như với ASEAN sẽ tiếp tục được duy trì và thúc đẩy.

Hai là, việc nội bộ các nước Đông Nam Á hoan nghênh sự tăng cường hiện diện của Nhật Bản tại khu vực cũng là một nhân tố thuận lợi cho Nhật Bản thúc đẩy chính sách. Các cuộc điều tra vào năm 2014 cho thấy 60% lãnh đạo các nước Malaixia, Inđônêxia, Philíppin, Xingapo, Thái Lan, Việt Nam và Mianma coi Nhật Bản là quốc gia quan trọng nhất tại châu Á, vượt trên cả vị trí của Trung Quốc. Bên cạnh đó tỷ lệ người dân ủng hộ vai trò của Nhật Bản tại khu vực là 96%.[26]

Quan trọng nhất, cách ứng xử của Nhật Bản với các nước Đông Nam Á phụ thuộc rất lớn vào những điều chỉnh trong chính sách của Mỹ và Trung Quốc đối với khu vực. Dưới thời của Tổng thống Donald Trump, chính sách của Mỹ ưu tiên các vấn đề đối nội, nhằm giúp nước Mỹ “vĩ đại trở lại” và ưu tiên hơn cho các lợi ích vị kỷ quốc gia (America First), cắt giảm cam kết với bên ngoài, dẫn đến nhiều nghi ngại về chính sách của Mỹ với khu vực. Nhìn chung chính sách của Mỹ với khu vực vẫn chưa định hình rõ nét. Tuy nhiên, dù Mỹ lơ là khu vực hay thúc đẩy một phiên bản chính sách tái cân bằng mạnh mẽ hơn, Nhật Bản vẫn cần tiếp tục xu hướng tăng cường can dự với các nước Đông Nam Á. Nếu Mỹ duy trì hiện diện mạnh mẽ tại khu vực, Nhật Bản cần duy trì quan hệ tốt đẹp với các nước để có thể hỗ trợ và bổ sung tốt hơn cho chiến lược của Mỹ. Ngược lại, nếu Mỹ dưới thời chính quyền mới không có ý định duy trì sự hiện diện mạnh mẽ tại khu vực, để có thể “tự cứu lấy mình”, Nhật Bản cũng cần tăng tính chủ động, giảm bớt bị động và phụ thuộc vào sự bảo hộ an ninh của Mỹ thông qua việc tìm kiếm cách thức mới trong hợp tác và xây dựng mạng lưới đối tác của Nhật tại khu vực Đông Nam Á chiến lược.

Ngoài ra, sự phát triển vượt trội về mặt kinh tế, thực lực ngày một mạnh sẽ kéo theo sự gia tăng tiềm lực quốc phòng mạnh mẽ hơn nữa từ phía Trung Quốc. Đi cùng với điều này là nhu cầu phô trương sức mạnh, biểu dương thực lực của đất nước này. Nghiêm trọng hơn, Trung Quốc vốn có chiều hướng thực hiện những hành vi gây hấn và lời nói luôn không đi đôi với việc làm. Theo đó, các hành động hung hăng của Trung Quốc sẽ vẫn tiếp diễn và Trung Quốc vẫn sẽ là thách thức an ninh lớn mà Nhật Bản cần đối phó.

Bên cạnh đó, đối với tranh chấp quần đảo Senkaku, một giải pháp triệt để cho cả hai nước có lẽ vẫn sẽ chưa đạt được trong trung hạn. Các hành động trên thực địa của Trung Quốc lại rất khó đoán định. Do vậy, Nhật Bản vẫn cần quan hệ với các nước Đông Nam Á, tạo thể đối trọng với Trung Quốc. Ngoài ra, sự tranh giành ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Đông Á cũng là một nhân tố mà Nhật Bản cần tính đến trong việc hoạch định chính sách đối ngoại trong tương lai.

Nhìn chung, ít nhất là trong trung hạn, cách tiếp cận của Nhật Bản với khu vực Đông Nam Á vẫn sẽ là tích cực, chủ động phát triển quan hệ thực chất. Mức độ can dự có thể được tăng cường, hoặc ít nhất cũng được duy trì như hiện nay. Từ yếu tố bên trong nước Nhật Bản đến các yếu tố bên ngoài là sự ủng hộ từ phía các nước khu vực, cùng hai nhân tố Mỹ và Trung Quốc đều hình thành những xung lực đẩy Nhật Bản xích lại gần các nước Đông Nam Á trong hiện tại và tương lai.

Tác động của chính sách đến khu vực và Việt Nam

Một cách khái quát, chính sách ngoại giao mới của Thủ tướng Abe nói chung và với khu vực nói riêng cho thấy hình ảnh một nước Nhật Bản nhiều tham vọng nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai đến nay, định hình một vai trò an ninh và kinh tế hoàn toàn mới cho Nhật Bản. Điều này có tác động mạnh mẽ đến cục diện an ninh ở khu vực, do Nhật Bản trở thành nhân tố tích cực trong việc đảm bảo cam kết của Mỹ, kiềm chế, cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc và thúc đẩy khả năng của các thể chế khu vực như ASEAN.

Thứ nhất, thông qua các nới lỏng về chính sách, Nhật Bản hướng tới hỗ trợ các nước trong khu vực, đặc biệt các nước ASEAN tăng cường năng lực an ninh – quốc phòng nhằm góp phần đảm bảo an ninh chung của khu vực và thúc đẩy tạo thế cân bằng quyền lực với Trung Quốc. Thứ hai, việc Nhật Bản tích cực tham gia các cơ chế do ASEAN làm trung tâm như ASEAN+3, ASEAN+1, ADMM+, ARF, EAS,… giúp tăng cường tính hiệu quả của các cơ chế đối thoại và củng cố vai trò lãnh đạo của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình. Thứ ba, hệ thống khu vực được củng cố nhờ việc Nhật Bản tích cực thúc đẩy các giá trị về luật pháp. Kể từ khi trở lại cầm quyền vào năm 2012, Thủ tướng Abe đã thực hiện chính sách ngoại giao tích cực, tăng cường tham gia các diễn đàn quốc tế và khu vực đồng thời lồng ghép các nội dung thúc đẩy cơ chế hợp tác, giải quyết tranh chấp trên cơ sở của luật pháp quốc tế. Tại Đối thoại Shangri-La tháng 5/2014, Thủ tướng Abe trong bài phát biểu khai mạc đã đề cập tới “Ba nguyên tắc về luật biển” quy định các quốc gia cần (i) làm rõ các tuyên bố chủ quyền dựa trên luật pháp quốc tế, (ii) kiềm chế đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong tranh chấp và (iii) tìm kiếm các giải pháp hòa bình. Những đóng góp của Nhật Bản trong việc xây dựng luật chơi chung dựa trên các nguyên tắc phổ biến và quy định của luật pháp quốc tế là cần thiết nhằm duy trì một khu vực hòa bình, ổn định và phát triển.

Tuy nhiên, sự tích cực can dự của Nhật Bản với khu vực có thể đưa đến một số tác động trái chiều sau: Thứ nhất, chính sách tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng của Nhật Bản với các nước Đông Nam Á nhiều khả năng có thể kích thích chạy đua vũ trang tại khu vực vốn có mức chi tiêu quốc phòng tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây. Theo báo cáo ngày 22/2/2016 của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế (SIPRI) có trụ sở tại Stockholm - Thụy Điển về tình hình mua bán vũ khí toàn cầu năm 2015, châu Á và châu Đại Dương có chi phí quân sự lớn nhất, đạt khoảng gần 450 tỷ USD (tăng 5,4% so với năm 2014), tương đương khoảng 1/4 tổng chi phí quốc phòng toàn cầu.[27] Thứ hai, sự gia tăng gắn kết của Nhật Bản với khu vực cũng đồng nghĩa với sự cạnh tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, phức tạp và chồng chéo. Điều này dễ dẫn đến việc các nước vừa và nhỏ tại khu vực mắc vào thế kẹt và đồng thuận ASEAN sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.

Đối với Việt Nam, có thể khẳng định rằng các tác động của chính sách Đông Nam Á của Nhật Bản đến nước ta, chủ yếu là các mặt thuận. Việc Nhật Bản tích cực triển khai “chủ nghĩa hòa bình tích cực” nâng cao năng lực quốc phòng, tăng cường vai trò trong các vấn đề khu vực và quốc tế sẽ góp phần kiềm chế Trung Quốc. Ta có thể tranh thủ hợp tác trong các nội dung Nhật Bản đang đẩy mạnh như vấn đề Biển Đông, công nghệ quốc phòng, an ninh biển, nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển,…. giúp nâng cao vai trò và vị thế của ta khi Nhật Bản cần tranh thủ ta trong việc kiềm chế Trung Quốc, tác động tạo đồng thuận trong ASEAN, tác động đến Triều Tiên.

Tuy nhiên, việc Nhật Bản chủ động can dự nhiều hơn trong vấn đề Biển Đông, thúc đẩy hợp tác an ninh quốc phòng, an ninh biển với các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam sẽ dễ đẩy các nước vừa và nhỏ vào thế kẹt trong quan hệ với nước lớn Trung Quốc. Bên cạnh đó, một tác động nghịch khác là ta có thể chịu sức ép từ phía Nhật Bản về đề nghị ủng hộ những bước đi mới của Nhật và việc được tham gia vào các dự án lớn của ta.

Khuyến nghị các biện pháp của Việt Nam trong hợp tác với Nhật Bản

Về thực trạng quan hệ Việt Nam – Nhật Bản hiện nay: (i) quan hệ đang ở giai đoạn tốt với sự tin cậy chính trị cao; (ii) nội bộ Nhật Bản có sự đồng thuận cao trong tăng cường quan hệ với ta, cá nhân Thủ tướng Shinzo Abe và hầu như tất cả chính khách của Nhật Bản, đều có tình cảm đặc biệt với Việt Nam, dù có bất đồng về các vấn đề khác; (iii) hai nước không có mâu thuẫn, xung đột lợi ích chiến lược, chia sẻ nhiều lợi ích chung. Tuy nhiên, quan hệ song phương hai nước vẫn tồn tại một số hạn chế sau: (i) ưu tiên và trọng tâm hai bên khác nhau trong thúc đẩy quan hệ hợp tác khi Nhật Bản ưu tiên tăng cường chính trị - an ninh, ta ưu tiên tranh thủ hợp tác kinh tế để phát triển kinh tế; (ii) quan hệ chịu tác động bởi các yếu tố Mỹ, Trung Quốc; (iii) hợp tác an ninh – quốc phòng còn khiêm tốn.

Về mục tiêu định hướng của Việt Nam trong quan hệ với Nhật Bản, quan hệ với Nhật Bản là một kênh quan trọng trong triển khai định hướng “đa dạng hóa, đa phương hóa”, “hội nhập quốc tế” trong tổng thể chính sách đối ngoại của Việt Nam. Việt Nam cần tiếp tục khuôn khổ đối tác chiến lược sâu rộng nhưng tăng cường tin cậy chính trị, phát triển thực chất và hiệu quả. Vào thời điểm phù hợp, Việt Nam nên tính đến khả năng nâng cấp quan hệ lên tầm cao mới “đối tác chiến lược toàn diện” hay “đối tác chiến lược toàn cầu.” Ngoài ra, Việt Nam cần xác định Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu và lâu dài, xử lý hài hòa ưu tiên của mỗi bên trong quan hệ; ủng hộ Nhật Bản đóng vai trò ngày càng tích cực tại khu vực và trên thế giới; ủng hộ Nhật trong các vấn đề quốc tế và khu vực Nhật cần và không ảnh hưởng đến lợi ích của Việt Nam để tranh thủ hỗ trợ kinh tế từ Nhật.

Việt Nam có thể thực hiện những biện pháp hợp tác sau:

-          Tăng cường tin cậy chính trị thông qua: duy trì thường niên các chuyến thăm cấp cao; tăng cường tiếp xúc cấp cao; tăng cường giao lưu các cấp, các Bộ, ngành, kênh Quốc hội, kênh Đảng, các lĩnh vực; duy trì và nâng cao hiệu quả các cơ chế đối thoại hiện có

-          Xây dựng quan hệ cá nhân giữa các lãnh đạo, tạo dựng tin cậy giữa Ban Lãnh đạo mới của Việt Nam và lãnh đạo Nhật Bản, tích cực tranh thủ vai trò của Thủ tướng Abe và tình cảm cá nhân đối với Việt Nam; xây dựng mạng lưới thân Việt Nam trong nội bộ Nhật Bản, kể cả đảng cầm quyền và đảng đối lập; chính giới và giới kinh tế; xây dựng quan hệ với các nghị sĩ trẻ, triển vọng.

-          Triển khai hoạt động ngoại giao nhân dân thông qua mở rộng giao lưu, hợp tác giữa các địa phương và đoàn thể quần chúng, nhất là thế hệ trẻ hai nước.

-          Về hợp tác quốc phòng – an ninh: tăng cường hợp tác an ninh – quốc phòng với Nhật Bản, tranh thủ thúc đẩy những nội dung ta ưu tiên như trao đổi đoàn, hợp tác chuyển giao trang thiết bị quốc phòng, công nghệ quốc phòng, nâng cao năng lực lực lượng thực thi pháp luật trên biển (đóng tàu mới, chuyển giao tàu đã sử dụng, đào tạo nhân lực…), tăng cường trao đổi thông tin tình báo, hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm như cứu hộ, cứu nạn, các hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình, rà phá bom mìn…; cân nhắc khả năng hợp tác trong những lĩnh vực Nhật Bản đề nghị như ký Hiệp định trao đổi thông tin mật, chuyển giao máy bay trinh sát P3C, tăng tần suất máy bay, tàu chiến vào Việt Nam; tham gia tập trận chung…

-          Chủ động hơn trong hợp tác, phối hợp lập trường tại các diễn đàn quốc tế và khu vực như ASEAN+, ARF, EAS, LHQ, APEC,…; chủ động ủng hộ những đề nghị của Nhật Bản tại các diễn đàn quốc tế và khu vực mà ta có thể đáp ứng; tranh thủ hợp tác của Nhật Bản trong các cơ chế như Mê Công – Nhật Bản, ASEAN – Nhật Bản…; vận động Nhật Bản ủng hộ ta ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (2020-2021); Tổng Giám đốc UNESCO (2017 – 2021)

-          Sẵn sàng tham gia các hợp tác ba bên, nhiều bên giữa Nhật Bản với Ấn Độ, Philíppin, Ôxtrâylia hoặc giữa Nhật Bản với một số nước ASEAN; chủ động, tích cực tham gia các sáng kiến về an ninh của Nhật Bản ở khu vực.

-          Tranh thủ sự ủng hộ của Nhật Bản trong vấn đề Biển Đông; đề nghị Nhật Bản vận động Mỹ và các nước hỗ trợ ta trong lĩnh vực pháp lý quốc tế. Chuẩn bị sẵn hồ sơ pháp lý, trao đổi với phía Nhật Bản để khi cần và có thể sẽ hình thành liên minh pháp lý giữa Việt Nam với Nhật Bản và Philíppin trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tận dụng chính sách của Nhật Bản là nỗ lực phổ biến các giá trị dân chủ, tự do và luật pháp và việc Nhật Bản có cùng chung thách thức với Việt Nam về các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc; Việt Nam có thể cùng Nhật Bản chia sẻ hiểu biết, cùng áp dụng và phổ biến cơ sở pháp lý của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Hơn nữa, Việt Nam có thể nhờ Nhật Bản hỗ trợ tư vấn về kinh nghiệm và pháp lý, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, năng lực nghiên cứu trong vấn đề này.

-          Tăng cường hợp tác với Nhật Bản về an ninh hàng hải. Tranh thủ sự hỗ trợ của Nhật Bản để nhanh chóng củng cố năng lực cho các lực lượng chấp pháp trên biển, trước hết là cảnh sát biển. Phối hợp chặt chẽ với các bên hữu quan của Nhật Bản để không tạo cớ cho Trung Quốc phản ứng. Theo đó, hai bên có thể bắt đầu từ các hoạt động như: tăng cường trao đổi thông tin; hợp tác đào tạo nhân lực, hỗ trợ các trang thiết bị; đến diễn tập chung hay tập trận chung. Ngoài ra, tư duy hợp tác an ninh của ta cần điều chỉnh: không chỉ cần Nhật Bản hỗ trợ đầu tư cho các lực lượng chấp pháp mà còn nên tận dụng sự trợ giúp của Nhật Bản trong việc giúp ngư dân bám biển để giảm tính nhạy cảm của hợp tác quốc phòng.

-          Đặc biệt cần phát triển quan hệ kinh tế với Nhật Bản dựa trên quan hệ tốt đẹp về chính trị, tính bổ sung giữa hai nền kinh tế, và nhất là các tính toán về địa chiến lược liên quan đến đối phó với thách thức Trung Quốc trỗi dậy.

Nhìn chung, Việt Nam cần nhận thức rõ ta chia sẻ lợi ích chiến lược với Nhật Bản trong việc giữ gìn an ninh biển, an ninh, an toàn hàng hải; trong việc hợp tác thúc đẩy Trung Quốc trỗi dậy một cách hòa bình, tôn trọng luật pháp và trật tự hiện hành ở khu vực. Quan hệ với Nhật trong các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh còn có thuận lợi hơn quan hệ với Mỹ trong các lĩnh vực này vì giữa Việt Nam và Nhật Bản không có những vấn đề nhạy cảm; quan hệ song phương hai nước trong các lĩnh vực này không tạo nên phản ứng mạnh từ Trung Quốc. Trên các diễn đàn đa phương, cũng cần nhận thức rõ, giữa Việt Nam và Nhật Bản có lợi ích trùng hợp trong hầu hết các vấn đề; Nhật Bản là “đồng minh tự nhiên” với Việt Nam trong hầu hết các vấn đề, nhất là trong xây dựng kiến trúc khu vực, bảo đảm an ninh biển; củng cố và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong việc giữ gìn hòa bình, ổn định ở khu vực. Việt Nam cũng cần xác định rõ hơn mức độ song trùng lợi ích giữa hai nước trong từng lĩnh vực; khả năng tối đa trong việc khai thác các điểm trùng hợp về lợi ích trong từng lĩnh vực để có chính sách phù hợp. Việc này không chỉ giúp Việt Nam tối đa hóa lợi ích của mình mà còn tạo điều kiện cho Nhật Bản thấy rõ lợi ích mà Nhật Bản đạt được trong quan hệ với Việt Nam, từ đó góp phần tạo dựng một mối quan hệ cùng có lợi.

PGS, TS, Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao. ThS, Nguyễn Thùy Anh, Nghiên cứu viên, Viện Nghiên cứu Biển Đông, Học viện Ngoại giao. Bài viết đã được trình bày tại Hội thảo “Triển vọng chính sách Đông Nam Á của Nhật Bản và định hướng chính sách của Việt Nam,” do Ban Đối ngoại Trung ương tổ chức vào ngày 25/4/2017 tại Hà Nội. Bài viết được đăng lại trên Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, Học viện Ngoại giao, Số 2 (109).

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

1.            Catharin Dalpino (2015), “Japan – South East Asia Relations: Abe open new fronts,” Comparative Connections, Volume 17, Issue 1.

2.            Mahar Nirmala (2016), “Japan’s New ASEAN Diplomacy: Strategic goals, Patterns, and Potential Limitations under Abe Administration,” International Journal of Social Science and Humanity, Vol. 6, No. 12.

3.            Lionel P.Fatton (2016), “Japan’s New Security Policy: Toward Regional Involvement at Sea?,”  Strategic Security Analysis - GCSP, No. 4, http://www.gcsp.ch/download/5476/127831.

4.            Kei Koga (2016), Japans ‘Strategic Coordination’ in 2015 ASEAN, Southeast Asia and Abe’s Diplomatic Agenda,” South East Asian Affairs, Singapore, tr. 67 -79.

5.            Ministry of Foreign Affairs of Japan, Diplomatic Bluebook,

6.            http://www.mofa.go.jp/policy/other/bluebook/index.html.

7.            Japan Ministry of Defense (2014), National Security Strategy and National Defense Guidelines 2015, http://www.mod.go.jp/e/publ/w_paper/pdf/2015/DOJ2015_2-2-1_web.pdf.

 


[1] Ministry of Foreign Affairs of Japan, Diplomatic Bluebook,

http://www.mofa.go.jp/policy/other/bluebook/index.html.  

[2] Narushige Michishita (2013), “Shinzo Abe: Abe Doctrine to remake Japan-Asean relations,” Strait Times, http://www.straitstimes.com/the-big-story/asians-the-year-2013/story/shinzo-abe-abe-doctrine-remake-japan-asean-relations-201303. 

[3] Nghiên cứu Biển Đông (2013), Nhật và ASEAN sau 40 năm quan hệ, http://nghiencuubiendong.vn/quan-h-quc-t/3407-nht-va-asean-sau-40-nm-quan-h.

[4] Ministry of Foreign Affairs of Japan (2013), The 13th IISS Asian Security Summit -The Shangri-La Dialogue - Keynote Address by Shinzo Abe, Prime Minister,

http://www.mofa.go.jp/fp/nsp/page4e_000086.html.

[5] Behind New Abe Diplomacy, An Interview with Cabinet Advisor Yahchi Shotaro, http://www.nippon.com/en/currents/d00089/.

[6] Taro Aso (2006), Arc of Freedom and Prosperity: Japan’s Expanding Diplomatic and Horizon, http://www.mofa.go.jp/announce/fm/aso/speech0611.html.

[7] Ministry of Foreign Affairs of Japan (2013), The Bounty of the Open Seas: Five New Principles for Japanese Diplomacy, http://www.mofa.go.jp/announce/pm/abe/abe_0118e.html.

[8] Ministry of Foreign Affairs of Japan (2003), Tokyo Declaration for the Dynamic and Enduring Japan – ASEAN Partnership in the New Millenlium, http://www.mofa.go.jp/region/asia-paci/asean/year2003/summit/tokyo_dec.pdf.

[9] Ministry of Foreign Affairs of Japan (2013), Vision Statement on ASEAN – Japan Friendship and Cooperation, Shared Vision, Shared Identity, Shared Future, http://www.mofa.go.jp/files/000022449.pdf.

[10] Japan Ministry of Defense (2014), National Security Strategy and National Defense Guidelines 2015, http://www.mod.go.jp/e/publ/w_paper/pdf/2015/DOJ2015_2-2-1_web.pdf.       

[11]Japan Ministry of Defense (2013), National Defense Program Guidelines for FY 2014 and beyond, http://www.mod.go.jp/j/approach/agenda/guideline/2014/pdf/20131217_e2.pdf

[12]Ministry of Foreign Affairs of Japan (2015), Diplomatic Bluebook 2015,  http://www.mofa.go.jp/policy/other/bluebook/2015/html/chapter2/c020103.html.

[13]Ministry of Foreign Affairs of Japan (2015), Diplomatic Bluebook 2015,  http://www.mofa.go.jp/policy/other/bluebook/2015/html/chapter2/c020103.html.

[14] The Japan Times (2013), Japan, Cambodia upgrade ties to “strategic partnership, http://www.japantimes.co.jp/news/2013/12/15/national/japan-cambodia-upgrade-ties-to-strategic-partnership/#.WO44nGmGPIU.

[15] Ministry of Foreign Affairs of Japan (2015), Japan – Indonesia Joint Statement – Towards Further Strengthening of the Strategic Partnership Underpinned by Sea and Democracy, http://www.mofa.go.jp/files/000072695.pdf.

[16] Kei Koga (2016), Japans ‘Strategic Coordination’ in 2015 ASEAN, Southeast Asia and Abe’s Diplomatic Agenda,” South East Asian Affairs, Singapore, tr. 67 -79.

[17] Ministry of  Foreign Affairs of Japan (2014), Japan's Official Development Assistance White Paper 2014, http://www.mofa.go.jp/policy/oda/page23_000807.html.

[18]Ankit Panda (2015), Japan to Open Military Aid Channel, http://thediplomat.com/2015/02/japan-to-open-military-aid-channel/.

 [19] Lionel P.Fatton (2016), “Japan’s New Security Policy: Toward Regional Involvement at Sea?,”  Strategic Security Analysis - GCSP, No. 4, http://www.gcsp.ch/download/5476/127831.

[20] Ministry of Foreign Affairs of Japan (2015), Diplomatic Bluebook 2015,  http://www.mofa.go.jp/policy/other/bluebook/2015/html/chapter2/c020103.html

[21] Nghiên cứu Biển Đông (2013), Nhật và ASEAN sau 40 năm quan hệ, http://nghiencuubiendong.vn/quan-h-quc-t/3407-nht-va-asean-sau-40-nm-quan-h.

[22] Ministry of Foreign Affairs of Japan (2013), Speech by H.E. Mr. Fumio Kishida, Minister for Foreign Affairs of Japan, at the 19th International Conference on “The Future of Asia,” http://www.mofa.go.jp/page3e_000057.html.

[23] Mahar Nirmala (2016), “Japan’s New ASEAN Diplomacy: Strategic goals, Patterns, and Potential Limitations under Abe Administration,” International Journal of Social Science and Humanity, Vol. 6, No. 12.

 [24] Kyodo (2017), Abe Cabinet’s support rate dips six points to 55.7% amid ongoing Moritomo school scandal: poll, http://www.japantimes.co.jp/news/2017/03/12/national/politics-diplomacy/abe-cabinets-support-rate-dips-six-points-55-7-amid-ongoing-moritomo-school-scandal-poll/#.WO5HZWmGPIU.

[25] Japan Ministry of Defense (2017), Defend programs and budget of Japan FY 2017, http://www.mod.go.jp/e/d_budget/pdf/281025.pdf.

[26] Catharin Dalpino (2015), “Japan – South East Asia Relations: Abe open new fronts,” Comparative Connections, Volume 17, Issue 1.

[27] SIPRI (2015), Year book 2015, http://books.sipri.org/files/FS/SIPRIFS1602.pdf.