Châu Á đón chào ông chủ mới của Nhà Trắng - dù là người của Đảng Cộng hoà hay Dân chủ - sẽ rất khác so với hồi Châu Á chào mừng ông Obama năm 2011, khi ông lần đầu tiên tuyên bố việc chuyển dịch chiến lược của Mỹ sang Châu Á. Theo các nhà quan sát và phân tích ở Washington, thách thức cho vị Tổng thống tiếp theo là phải tìm biện pháp để duy trì quỹ đạo của thời kỳ Obama đồng thời vẫn tiếp tục tập trung vào các điểm nóng khu vực.

Về thoả thuận đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)

Tháng 10/2015, 12 nước khu vực vành đai Thái Bình Dương đã chấm dứt gần một thập kỷ đàm phán bằng việc thông qua một thoả thuận thương mại tự do khổng lồ được biết đến là TPP. Thoả thuận này hiện đang chờ sự phê chuẩn của các cơ quan lập pháp từng nước, nhưng việc thông qua ở Mỹ lại còn chưa chắc chắn. Nếu không thông qua được ở Mỹ thì đây chắc chắn sẽ là một thảm hoạ về ngoại giao và kinh tế đối với Washington.

Lập luận của Tổng thống Obama về thoả thuận này khi vận động Quốc hội được dự báo là sẽ cho phép Mỹ tạo ra luật chơi thay vì Trung Quốc. Nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng nó sẽ vượt ra ngoài những điều đó. Thất bại trong việc giãi bày cái mà chính quyền liên tục coi là ưu tiên hàng đầu của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Mỹ trong khu vực và làm ảnh hưởng đến nguyên tắc kinh tế chủ yếu về tái cân bằng. Sự cam kết của Mỹ trong khu vực do vậy chủ yếu sẽ tập trung quá nhiều vào quân sự.

Ông Patrick Cronin thuộc Trung tâm An ninh mới của Mỹ nói “TPP có thể sẽ là tài sản duy nhất cho Tổng thống tiếp theo khi cố gắng can dự hơn nữa vào khu vực. Chúng ta vẫn có thể đạt được điều này nếu nó không được thông qua trong năm nay, nhưng chúng ta sẽ phải bắt đầu từ tay trắng”.

Về vấn đề Biển Đông

Tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông hiện là một trong những vấn đề đau đầu lớn cho Washington. Mỹ đã từng nhắc đi nhắc lại là lợi ích ban đầu của Mỹ trong vấn đề này chỉ đơn giản là đảm bảo tự do hàng hải và hàng không. Nhằm mục đích đó, máy bay và tàu chiến Mỹ đã thực hiện các cuộc tuần tra tự do hàng hải thường xuyên trong những khu vực Trung Quốc yêu sách, làm Bắc Kinh rất tức tối. Trong khi phần lớn các nhà phân tích muốn nhìn thấy cam kết của Mỹ tiếp tục các cuộc tuần tra như vậy, họ cảnh báo rằng bất cứ một Chính phủ tương lai nào của Mỹ cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng kịch bản của ba vấn đề: Trung Quốc sẽ đẩy lui vai trò của Mỹ về giám sát và tự do hàng hải; Trung Quốc sẽ khiêu khích nhằm vào Philippines và Việt Nam, và có thể có kiểu xử lý hay thương lượng mới về ngoại giao từ phía Trung Quốc mà có khả năng ảnh hưởng đến sự đón chào của khu vực đối với Mỹ.

Một phán quyết đang chờ đợi của Toà Trọng tài thường trực trong vụ Manila kiện Bắc Kinh sẽ chứng minh một thách thức mặc dù có những dấu hiệu Chính phủ mới của Philippines muốn bỏ qua một bên.

Về quan hệ với ASEAN

ASEAN đã từng là một khu vực mạng lại nhiều lợi ích nhưng cũng có những điểm trừ đối với Mỹ trong thời kỳ chính quyền Obama, với một số thành công đáng kể nhưng cũng có nhiều thất bại. Trong những năm gần đây, Mỹ đã tăng cường quan hệ quốc phòng với những nước trước đây có ít hoặc chưa có hợp tác như Malaysia, Indonesia và Việt Nam. Quan hệ quốc phòng cũng đã tăng lên với Singapore, nước hiện đang chỉ huy luân phiên 4 tàu chiến ven biển và triển khai máy bay do thám P-8 Poseidon của Mỹ. Cải thiện quan hệ với Myanmar cũng được coi là một thành công lớn của Mỹ và Mỹ cũng đã góp phần thúc đẩy nước này đi theo các cải cách dân chủ.

Mặt khác, mối quan hệ của Wasington với Bangkok và Manila hiện đang theo một hình mẫu vững chắc và có hiệu quả, mặc dù tình hình chính trị không ổn định ở Thái Lan và cuộc bầu cử đối với vị Thị trưởng Rodrigo Duterte ở Philippines. Vụ bê bối tài chính đang diễn ra ở Malaysia cũng cho thấy một sự giảm đi trong các trao đổi cấp cao giữa hai bên. ASEAN luôn là một thành tố quan trọng trong tái cân bằng Châu Á và vì vậy thách thức với vị Tổng thống mới của Mỹ là phải duy trì vai trò của mình ở đây. Đông Nam Á trước đây đã từng bị xao nhãng trước khi Obama cam kết sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh tổ chức ở đây hàng năm. Obama cũng đã tổ chức cuộc gặp Thượng đỉnh ASEAN - Mỹ ở California vào tháng 2 vừa qua. Nhưng các nhà phân tích cho rằng tất cả những nỗ lực này sẽ dễ dàng bị gạt sang lề đường nếu Chính phủ Mỹ không có một nỗ lực rõ ràng để tiếp tục cam kết và can dự.

Về quan hệ Mỹ - Ấn

Quan hệ Mỹ - Ấn Độ là một điểm sáng trong quan hệ giữa Washington và Châu Á hiện nay, một phần là nhờ vào sự hoà hợp cá nhân giữa Tổng thống Obama và Thủ tướng Narendra Modi. Hầu như tất cả các khía cạnh của quan hệ song phương đều có sự phát triển.

Cả hai nhà lãnh đạo đã trao đổi các cuộc thăm cấp nhà nước và ông Obama trở thành vị Tổng thống đầu tiên là khách chính trong cuộc diễu binh nhân ngày Độc lập của Ấn Độ vào năm ngoái. Trong lĩnh vực quốc phòng, dự luật được giới thiệu ở Thượng viện Mỹ vừa qua đã tìm cách nâng Ấn Độ lên vị trí đồng minh thân cận như Israel và NATO. Vấn đề song phương nổi cộm hiện nay là thoả thuận hợp tác năng lượng hạt nhân dân sự bị đình lại mặc dù có các dấu hiệu của sự tiến bộ.

Về quan hệ Mỹ - Trung

Quan hệ Mỹ - Trung là một trong số những lĩnh vực trong chính sách Châu Á của Mỹ không thấy có cải thiện mấy trong tái cân bằng. Cả hai cường quốc tự thấy mình đang ở trong giai đoạn ganh đua với nhau trong một loạt các vấn đề, từ Biển Đông đến gián điệp mạng. Chuyên gia về Trung Quốc tại trường Đại học George Washington David Shambaugh viết trong một báo cáo gần đây “Chính quyền tiếp theo của Washington sẽ kế thừa động lực quyền lực chính yếu này. Vấn đề là liệu sự cạnh tranh chiến lược như vậy có thể được quản lý một cách hoà bình hay không”. Ông lập luận rằng cách tốt nhất để điều tiết quan hệ với Trung Quốc là thông qua “ một ban điều hành và một chương trình mạnh mẽ về quan hệ Mỹ trong toàn bộ khu vực Đông Dương và Châu Á, xung quanh Trung Quốc”. Cả hai nước cũng cần tập trung vào các lĩnh vực có cơ sở chung, ví dụ như thương mại song phương - Mỹ nhập khẩu nhiều hàng hoá từ Trung Quốc hơn là các nước khác và chống biến đổi khí hậu.

Về quan hệ với Nhật Bản và Hàn Quốc

Hai đồng minh theo hiệp ước luôn là những đồng minh thân cận và quan trọng nhất của Mỹ ở Đông Á. Và vì cũng có những đồng minh theo hiệp ước khác nên quan hệ quốc phòng ở đây cũng rất phát triển. Hiện đang có 54.000 binh sĩ Mỹ ở Nhật Bản và 28.500 ở Hàn Quốc. Việc triển khai được tài trợ chung bởi Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, ngược lại với sự quả quyết của ứng viên đảng Cộng hoà Donald Trump. Tokyo chi trả 1,7 tỷ USD một năm và Seoul là 900 triệu USD để hậu thuẫn cho lực lượng Mỹ đóng trên đất của họ. Phần chi trả của Hàn Quốc lên đến 40% tổng chi phí. Các nhà phân tích nhấn mạnh rằng Mỹ không nên nghĩ về việc đóng cửa các căn cứ kể cả khi Mỹ muốn đồng minh của mình phải đóng góp nhiều hơn. Ông Cronin cho biết “việc rút lui khỏi liên minh và gửi đi tín hiệu rằng chúng ta có thể không sẵn sàng bảo vệ các đồng minh sẽ gây ra bất ổn trong khu vực”.

Về vấn đề Bắc Triều Tiên

Vấn đề về vương quốc ẩn dật này là một trong những dấu hỏi lớn ở Châu Á. Trong khi tham vọng hạt nhân của Iran đang được kiềm chế trong khuôn khổ có thể cho rằng là một điều ước quốc tế, thì Triều Tiên lại là một khẩu đại bác không bị kiểm soát. Lãnh đạo Kim Jong-un đã tăng cường quyền lực và đã tiến hành một loạt các vụ thử tên lửa khiêu khích. Các nhà phân tích đang tranh cãi về điều mà Mỹ có thể làm đối với tình hình ngoài việc tăng cường quan hệ quốc phòng với Hàn Quốc. Một số đồng ý với biện pháp “kiên nhẫn chiến lược” của chính quyền Obama trong khi người khác cho rằng Mỹ cần một chính sách mang tính cưỡng bức hơn, một chính sách không phụ thuộc vào việc chờ đợi hành động của Bắc Kinh.

Theo The Straits Times

Trần Quang (gt)