Nhìn chung, có sự khác biệt về lập trường và thái độ giữa một bên là các nước Đông Bắc Á cộng với Ấn Độ và, bên kia, là các nước ASEAN. Ngoài những khác biệt đáng kể đó giữa các nước, tùy theo từng vùng, còn có sự khác nhau giữa phản ứng của giới lãnh đạo và xã hội dân sự hay giới truyền thông độc lập, nếu có. Về mặt này, câu trả lời của châu Á đối với việc Mỹ thông báo thiết lập căn cứ lính thủy đánh bộ tại Darwin (Ôxtrâylia) là bằng chứng cho thấy những khác biệt nói trên. Các đồng minh gần gũi, như Nhật Bản, hoàn toàn ủng hộ quyết định này. Ấn Độ, nước đang xích lại gần phương Tây, cũng hoan nghênh kế hoạch của Mỹ. Nhưng ở các nước khác, nhiều người lên tiếng kêu gọi thận trọng trước phản ứng mà Trung Quốc có thế đưa ra. Thông qua Ngoại trưởng của mình, Inđônêxia nhắc đến “cái vòng luẩn quẩn căng thẳng và bầu không khí nghi ngại”. Thủ tướng Malaixia cũng có lập trường tương tự khi tỏ ý lo ngại tình hình sẽ xấu đi. Kể cả ở Xinhgapo, nước có đường lối tổng thể nhìn chung thiên về sức mạnh của quân đội Mỹ được đánh giá là yếu tố giữ ổn định, Ngoại trưởng cũng tỏ ý lo ngại ASEAN sẽ bị kẹt trong gọng kìm cạnh tranh lợi ích giữa Bắc Kinh và Oasinhtơn. Lịch sử của châu Á và tác động của tình hình hiện tại giải thích tương đối rõ tại sao lại có những thái độ khác biệt như trên. Ở hai cực của vấn đề là hai nước: Một bên là Nhật Bản, nước có chiến lược phòng thủ hoàn toàn dựa vào sức mạnh răn đe của Mỹ khi phải đối mặt với Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, và bên kia là Campuchia, nước duy nhất ở châu Á có lẽ ủng hộ mạnh mẽ nhất lợi ích của Trung Quốc. Lịch sử của Campuchia đã cho thấy rõ điều đó. Quyết định của Mỹ chuyển trọng tâm sang châu Á không cho phép nói trước liệu mối quan hệ giữa Oasinhtơn và tất cả các đối tác châu Á sẽ tốt hay không. Chẳng hạn tại Nhật Bản là vụ tranh cãi liên quan đến căn cứ Futenma trong khi ở một số nước khác, tình hình có thể khiến Mỹ sa vào các cuộc tranh cãi nguy hiểm. Đó là trường hợp Philippin, một trong những nước chịu nhục nhã nhất trước phản ứng của Trung Quốc vào năm 2011, đòi Lầu Năm Góc chấp nhận đưa một số hòn đảo nhỏ thuộc quần đảo Spratly (Trường Sa) mà nước này đòi chủ quyền, vào khu vực được quy định trong hiệp định phòng thủ song phương.

Thực tế là tất cả các nước châu Á đều muốn duy trì mối quan hệ tốt với Trung Quốc, thường vì lý do kinh tế, đồng thời hy vọng có thể trông cậy vào bảo đảm an ninh của Mỹ trong trường họp xảy ra căng thẳng với Bắc Kinh. Do đó, khi Mỹ vừa tái khẳng định can dự vào châu Á, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda, và Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak liền sang thăm chính thức Trung Quốc. Trong khi đó, vào tháng 11/2011, Hà Nội và Băngcốc tiếp đón Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Cũng gần như đồng thời vào lúc đó, Mianma đón tiếp Đới Bỉnh Quốc, nhân vật phụ trách công tác đối ngoại chiến lược của Trung Quốc. Ví dụ Mianma mang tính biểu tượng về ý định của chính phủ các nước châu Á muốn tái cân bằng sức mạnh của Trung Quốc bằng cách xích lại gần Oasinhtơn. Nhưng ở các nước khác, phản ứng của xã hội dân sự và giới truyền thông lại xác định giới hạn của cuộc chơi theo hướng đôi khi định sử dụng sức mạnh quân sự của Mỹ như một công cụ. Tại Hàn Quốc, Tổng thống Lee Myung-bak bị phê phán, kể cả bởi giới báo chí bảo thủ, do ông ủng hộ Nhà Trắng quá mức, trong khi phe đối lập gây sức ép để buộc ông phải tái khẳng định mối quan hệ với Bắc Kinh. Nhưng, cũng chính giới truyền thông lại nhấn mạnh đến tính chất phức tạp của trò giữ thăng bằng – trong đó lẫn lộn cả niềm kiêu hãnh dân tộc, nỗi lo sợ xảy ra khủng hoảng với Bình Nhưỡng và mối quan tâm đến ngân sách – và lo Xơun sẽ phải chịu thêm gánh nặng do hệ thống quân sự của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên giảm nhẹ đi. Vùng châu Á-Thái Bình Dương có tầm quan trọng cốt tử đối với sự năng động của toàn cầu, song trong tương lai, việc thừa nhận sức mạnh của Trung Quốc sẽ phức tạp hơn trong quá khứ. Cơ hội là có về trung hạn, song không có gì chắc chắn về dài hạn. Mọi thứ lúc đó sẽ phụ thuộc vào sự lựa chọn chiến lược của các nước châu Á. Các nước này sẽ tham gia cuộc chơi do Trung Quốc bày ra hay định cân bằng cuộc chơi đó một cách có hệ thống thông qua mối quan hệ chặt chẽ hơn với Oasinhtơn?

Câu trả lời cho câu hỏi này phụ thuộc vào việc nước này hay nước khác, kể cả Mỹ, đánh giá thái độ của Trung Quốc là như thế nào. vấn đề ở đây là trái với sự chờ đợi của giới phân tích, Trung Quốc thay đổi cơ bản chiến lược của mình từ năm 2009 và nay có thể sẽ trực tiếp nhằm vào Mỹ. Trung Quốc đúng là có thái độ chống Mỹ hung hăng hơn trước, song sự thay đổi đó có thể còn có nguyên nhân khác chứ không phải chỉ là bác bỏ vai trò của Oasinhtơn. Chẳng hạn đối với Bình Nhưỡng, những thay đổi diễn ra từ năm 2009 xuất phát từ quyết tâm cứu chế độ đó khỏi sụp đổ hơn là nhằm chống lại Mỹ. Ở Biển Đông, kết cục của các vụ đụng độ xảy ra trong hai năm 2010 và 2011 cho thấy đây là một chiến lược nhằm trì hoãn tối đa việc giải quyết các bất đồng về lãnh thổ, có thể vì lý do chủ nghĩa dân tộc ở trong nước. Các dấu hiệu về thái độ hung hăng của Bắc Kinh cũng do sự đồng thuận trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc suy giảm, từ đó tạo cơ hội cho một số phát biểu mang tính dân tộc chủ nghĩa cực đoan, kể cả chống Mỹ, làm cho tất cả các nước Đông Nam Á đều cảm thấy lo ngại và, dĩ nhiên, khiến Nhà Trắng phải phản ứng. Nhà Trắng có hai mối lo ngại lớn. Thứ nhất là nguy cơ căng thẳng kéo dài trong quan hệ với Trung Quốc, nước có thể đặt toàn bộ mối quan hệ với châu Á dưới sức nặng của cạnh tranh đối đầu Mỹ-Trung, với hệ quả xấu là nguy cơ xảy ra những lệch lạc quân sự không kiểm soát được. Thứ hai, trong bối cảnh ngân sách giảm sút, là các câu hỏi về khả năng trụ lâu của Mỹ. Tuy nhiên, nhãn quan đó thể hiện sự hòa giải lý tưởng. Những năm 2010 và 2011 rõ ràng cho thấy xuất hiện chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa chống lại Mỹ, nước nhiều lần bị một số nhân vật cấp cao ở Bắc Kinh coi là không được hoan nghênh trong vùng, đồng thời bị phê phán vì bán vũ khí cho Đài Loan. Tháng 7/2010, tại một diễn đàn ở Hà Nội, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì coi đề nghị của Mỹ được can dự với tư cách trung gian hòa giải vào việc giải quyết bất đồng ở Biển Đông, là một sự “xâm phạm” đối với Bắc Kinh. Tháng 11/2010, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhắc lại rằng Bắc Kinh phản đối “sự có mặt không được phép của tàu chiến nước ngoài trong vùng kinh tế đặc quyền của Trung Quốc”. Qua tuyên bố đó, người phát ngôn nói trên phê phán việc các tàu sân bay của Hải quân Mỹ liên tiếp xuất hiện ở ngoài vịnh Bột Hải.

Việc Nhà Trắng lo ngại bị lôi cuốn vào tiến trình dễ dẫn đến thảm họa được minh chứng bằng tình hình đang diễn ra ở Philippin, thuộc địa cũ của Mỹ được giải phóng vào năm 1946 và hiện là đồng minh của Mỹ trong vùng, sau khi Mỹ chấm dứt sự có mặt về quân sự ở đây vào năm 1992. Cách đây một năm, ở vùng phụ cận Bãi cỏ Rong, cách Palawan khoảng 130 hải lý về phía Tây Bắc, hai tàu tuần tiễu Trung Quốc xua đuổi một tàu nghiên cứu được công ty Forum Energy PLC (thuộc hai cổ đông là công ty hàng hải Philex Mining Corp của Philíppin và First Pacific Group của Hồng Công) thuê và làm việc cho Chính phủ Philippin. Được khích lệ bởi viễn cảnh tốt đẹp về mỏ khí đốt lớn trong vùng, Forum Energy năm nay định trở lại vùng này và bắt đầu tiến hành khoan. Đồng thời, Hải quân Mỹ có kế hoạch tiến hành tập trận hải quân chung, cách không xa Bãi cỏ Rong. Manila cho rằng Bãi cỏ Rong nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế của mình, trong khi Bắc Kinh giải thích chúng thuộc về quần đảo Spratly, có diện tích hơn 400.000 km2, mà Bắc Kinh đòi chủ quyền toàn bộ, cũng như Đài Loan, Việt Nam, Philippin, Malaixia và Brunây. Manila tiến hành nghiên cứu ở vùng này từ năm 1970, và năm 2011 cho biết Hải quân Trung Quốc đã 12 lần thâm nhập hải phận của mình. Các cuộc thâm nhập và các vụ gây rối do phía Trung Quốc gây ra gia tăng vào năm 2011 buộc Chính phủ Philíppin phải tỏ thái độ cứng rắn hơn. Nguy cơ đối đầu nảy sinh từ hai lôgích và tính hợp pháp đối nghịch nhau, đồng thời được kích lên do tiềm năng dầu lửa và khí đốt ở vùng biển này. Đối với Bắc Kinh, tính hợp pháp của họ xuất phát từ khái niệm đế quốc và văn hóa không gian Trung Hoa liên quan đến ranh giới lãnh thổ được xác lập dưới thời nhà Thanh nhưng nay bị phá rối ở vùng ngoại biên – như Đài Loan, Tân Cương, Tây Tạng và Biển Đông – do các vụ tranh cãi triền miên. Đối với các nước khác, tính hợp pháp của họ xuất phát từ lịch sử gần đây trong vùng, với thắng lợi quân sự của Mỹ và đồng minh trong cuộc chiến chống Nhật Bản và Bắc Triều Tiên. Đó cũng là cơ sở tạo nên tính hợp pháp của Lầu Năm Góc, người bảo đảm an ninh trong vùng, dựa trên Luật biển. Lợi ích của Mỹ không những nằm ở việc cạnh tranh, với ván cá cược là mối quan hệ với các nước châu Á, mà cả ở việc hợp tác sâu rộng hơn thông qua các sáng kiến ngoại giao mạnh mẽ. Các sáng kiến này có thể khích lệ Bắc Kinh tăng cường ảnh hưởng thông qua quan hệ ngoại giao và thương mại hơn là bằng hành động trả đũa. Nhưng về dài hạn, bầu không khí đối đầu xấu đi sẽ không mang lại tác dụng tốt và khó có thể kiềm chế được.

Cam kết của Mỹ, về dài hạn, cũng gây ra mối lo ngại. Thủ tướng Xinhgapo Lý Hiển Long cho rằng sự can dự của Mỹ vào châu Á mang tính lịch sử và không hung hãn. Cho dù Trung Quốc tỏ ra lo ngại về ý định của Mỹ, song các nước châu Á hoan nghênh việc Oasinhtơn tái khẳng định lợi ích của mình ở vùng này. Theo ông, tất cả các nước đều hy vọng sự can dự của Mỹ sẽ bền vững./.

Theo Questionchine (ngày 29/2)

Viết Tuấn (gt)