16-troi-xanh-in-bong(1).jpg

Hai vấn đề đối với Việt Nam

Thứ nhất, sự thất bại của TPP sẽ là một tổn thất rất lớn đối với Việt Nam, đặc biệt là trong mối liên hệ với việc giảm sự phụ thuộc thương mại của Việt Nam đối với Trung Quốc. Thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc là một lý do khiến cho TPP có tầm quan trọng trong quan điểm của Việt Nam. Năm 2014, tổng thặng dư thương mại của Việt Nam đạt 2,4 tỷ USD nhưng mức thâm hụt thương mại với Trung Quốc đạt mức 28,7 tỷ USD. Cũng trong năm này, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, Trung Quốc là nguồn nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với khoảng 30% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Thứ hai, đối với Việt Nam, tham gia TPP là một phương tiện quan trọng để đạt được giai đoạn thứ hai của Tiến trình “Đổi mới”, với việc mở cửa để có năng lực hơn, sự quản trị minh bạch và gia tăng áp lực từ bên ngoài để giúp cho các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước có tính cạnh tranh cao hơn. Khi áp lực từ TPP không còn, những cải cách quan trọng trong giai đoạn thứ hai này sẽ bị trì hoãn. Lấy ví dụ như việc luật lao động mới đã bị trì hoãn ít nhất là trong 9 tháng.

Ba biện pháp đối phó của Việt Nam khi TPP sụp đổ

Thứ nhất, với việc Tổng thổng Trump "khai tử" TPP, điều gì sẽ diễn ra đối với chương trình thương mại của Việt Nam? Một hiệp định song phương giữa Mỹ và Việt Nam hiện đang được thảo luận tại Việt Nam. Một số nhà quan sát lập luận rằng một hiệp định thương mại song phương mà gói gọn bản chất của TPP sẽ có thể thay đổi bản chất mối quan hệ Việt - Mỹ theo hướng mang lại lợi ích cho cả hai nước. Tuy nhiên, khả năng thỏa thuận như vậy được Quốc hội Mỹ hiện nay thông qua là không thể. Với chủ nghĩa bảo hộ ngày càng lớn đằng sau sự rút lui khỏi TPP của Mỹ, các cố vấn kinh tế hàng đầu của Việt Nam nhận ra rằng ảnh hưởng về chính trị sẽ đè nặng lên một thỏa thuận thương mại song phương như vậy.

Thứ hai, thể hiện tầm nhìn xa, trong năm 2014, khi mà các vòng đàm phán TPP bị chậm chễ với nhiều lần bị bỏ lỡ, Hà Nội đã quyết định nhanh chóng bắt tay vào các thỏa thuận thương mại khác, có thể kể đến là đàm phán thỏa thuận thương mại tự do với Hàn Quốc (hoàn tất vào tháng 5/2015), Liên minh Kinh tế Á-Âu do Nga dẫn dắt (hoàn tất vào tháng 5/2015) và thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu (EU) hoàn thành vào tháng 8/2015. Đây có thể coi là những thị trường thay thế đầy hứa hẹn cho Việt Nam. Trong số những thỏa thuận này, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) sẽ là ưu tiên của Chính phủ Việt Nam. Việt Nam và EU sẽ thúc đẩy việc xem xét các văn bản pháp luật và EVFTA nên được thông qua và có hiệu lực vào năm tới.

Khi Việt Nam đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc thì những thay đổi của kinh tế toàn cầu hiện nay đã khiến một lần nữa các nhà lãnh đạo tại Hà Nội lại rơi vào tình thế khó khăn. Trong danh sách các lựa chọn thay thế cho TPP có thể kể đến Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và sáng kiến cơ sở hạ tầng "Một vành đai, Một con đường" do Trung Quốc khởi xướng. Việt Nam có rất ít lựa chọn khi tham gia vào cả 2 thể chế này mặc dù có những lo ngại về sự phụ thuộc ngày càng tăng vào Trung Quốc.

Thứ ba, sau khi TPP "chết yểu" dưới Chính quyền của Tổng thống Trump, Việt Nam cần phải trông cậy vào các thỏa thuận kinh tế khác. Cả RCEP và các đối tác trong EVFTA bao gồm các nước EU, Ấn Độ và Nhật Bản sẽ là những nền kinh tế bổ sung cho thị trường Việt Nam. Mối quan hệ gần gũi với các nền kinh tế lớn này sẽ rất quan trọng để bảo vệ những lợi ích kinh tế của Việt Nam trước mối quan hệ với nước láng giềng khổng lồ phương Bắc và giúp Việt Nam theo đuổi thành công chính sách đối ngoại đa phương trong bối cảnh môi trường quốc tế khó lường sau khi ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ.

Tiến sỹ Trương Minh Vũ là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, đồng thời là nhà nghiên cứu thỉnh giảng của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), Singapore. Bài viết đăng trên “ISEAS” (ngày 3/2).

Anh Thư (gt)