Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016 vẫn đang trong giai đoạn sơ bộ, chưa thể dám chắc hai nhân vật nào sẽ bước vào vòng chung kết diễn ra trong chưa đầy 30 tuần nữa. Tuy nhiên, các cử tri Mỹ và các nhà quan sát quốc tế đã theo dõi phát biểu của các ứng cử viên để cố gắng mường tượng xem nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung sẽ như thế nào nếu một trong những ứng cử viên này trở thành tổng thống.

Trước hết là khôi phục những nền tảng tăng trưởng

Sự giảm sút của nền kinh tế thế giới nói chung đang bị ví với thời kỳ đại suy thoái những năm 1930. Nợ nần tăng vọt, sức ép giảm phát bao trùm lên toàn cầu, các chính phủ và các ngân hàng trung ương không còn cách nào khác, ngoài việc can thiệp bằng chính sách nới lỏng tiền tệ với những mức lãi suất gần hoặc bằng 0. Nước Mỹ là quốc gia đầu tiên phục hồi và bắt đầu bình thường hóa nền kinh tế bằng cách dần tăng lãi suất. Song chiến lược này lại nhạy cảm trước những cơn gió ngược ở bên ngoài. Nền kinh tế Mỹ không thể hoạt động bình thường trong khi các nền kinh tế khác đi xuống, và sự thống trị của đồng USD trên toàn cầu khiến ảnh hưởng của Mỹ len lỏi tới mọi xó xỉnh của thế giới. Và mặc dù tổng thống Mỹ không thể gây ảnh hưởng lên chính sách tiền tệ của Ngân hàng Dự trữ Liên bang (FED), song những chính sách của FED rõ ràng gây tác động lên toàn cầu. Chẳng hạn như chính sách "bồ câu" của FED trong việc nâng lãi suất sẽ hạn chế những tác hại đối với đồng nhân dân tệ (bởi lẽ sẽ ngăn chặn đồng USD mạnh hơn nữa so với đồng nhân dân tệ), song cùng lúc lại gây rắc rối cho đồng euro và đồng yên bởi lẽ khiến cho giá trị hai đồng tiền này tăng cao hơn nữa đúng vào lúc cả Ngân hàng Trung ương châu Âu lẫn Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đều không còn vũ khí nào để sử dụng. Nếu các ngân hàng trung ương không thể dùng chính sách tiền tệ để vực dậy các nền kinh tế ốm yếu, khi đó những chính sách sẽ buộc phải cắt giảm chi tiêu, phúc lợi xã hội và tiến hành cơ cấu lại nợ... Và chính những khó khăn kinh tế sẽ là một trong những nhân tố gây ra xung đột địa chính trị trong tương lai. 

Thứ hai là phải học cách quan hệ với nhiều quốc gia châu Âu khác nhau

Những hậu quả chính trị của sự đình đồn kinh tế sẽ thể hiện rõ nét ở châu Âu, nơi vốn có sự chênh lệch lớn về phát triển giữa miền Nam và miền Bắc cũng như giữa miền Tây và miền Trung. Suy thoái kinh tế kéo dài sẽ khiến các quốc gia châu Âu đặt lợi ích của dân tộc mình lên trên lợi ích của toàn khối. Cho tới nay Khu vực đồng euro đã tạm tránh được thảm họa kinh tế nhờ chương trình nới lỏng định lượng của Ngân hàng Trung ương châu Âu và giá hàng hóa thấp, song gánh nặng nợ nần quá lớn cũng với tỷ lệ thất nghiệp cao trong thanh niên sẽ càng làm rộng thêm khoảng cách giữa các quốc gia con nợ nằm ở miền Nam với những quốc gia chịu trách nhiệm tài chính của khối nằm ở miền Bắc và do Đức cầm đầu. 

Cuộc khủng hoảng người tị nạn được đổ thêm dầu bởi xung đột tại Trung Đông, sẽ chỉ càng đẩy nhanh sự tan rã của châu Âu khi các biện pháp kiểm soát biên giới được khôi phục, và những quốc gia phía Nam vốn đang đầy rẫy khó khăn về kinh tế và dễ tổn thương về chính trị phải gánh thêm gánh nặng người nhập cư. Chủ nghĩa hoài nghi châu Âu có thể tồn tại dưới nhiều hình thức. Các cuộc trưng cầu dân ý, dù cho kết quả thế nào đi nữa, cũng sẽ là công cụ được ưa chuộng để các quốc gia thể hiện sự bất mãn đối với dự án châu Âu và đòi đàm phán lại những điều khoản của khối này. Mỹ phải nhìn nhận châu Âu như một tập thể các quốc gia có những lợi ích khác nhau và phải thận trọng chú ý tới những căng thẳng chính trị và kinh tế trong quan hệ giữa Pháp và Đức, hai trụ cột của châu Âu sẽ tiến hành tổng tuyển cử vào năm 2017 giữa lúc chủ nghĩa dân tộc đang thắng thế.

Thứ ba là phải bù đắp cho những thiếu sót của NATO 

Mỹ chi tiêu quân sự nhiều hơn rất nhiều so với các đồng minh NATO của họ, dẫn đến kỳ vọng rằng Washington sẽ bù đắp những khoản thiếu hụt bất cứ khi nào cần đến. Theo số liệu năm 2014, trong số 26 thành viên châu Âu của NATO, chỉ có 5 thành viên - Litva, Hy Lạp, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh - chi tiêu cho quốc phòng ở mức cao hơn mức mà NATO kiến nghị, đó là 2% GDP. Cuộc khủng hoảng tài chính tại châu Âu được cho là một trong những nguyên nhân khiến các quốc gia cắt giảm chi tiêu quốc phòng, song trong nội bộ khối này có những sự khác biệt ngày càng lớn xung quanh mục tiêu phòng thủ. Mỹ và Anh muốn mở rộng NATO để đối phó với những thách thức của thời đại mới, như các chiến dịch chống khủng bố ở Trung Đông hoặc an ninh mạng. Pháp và Đức sẽ thận trọng hơn trong việc xử lý mâu thuẫn với Nga, song cũng thừa nhận rằng họ không thể né tránh trách nhiệm chống khủng bố ở nước ngoài. Thổ Nhĩ Kỳ đang bị kéo vào các cuộc xung đột xung quanh nước này, dù cho hoạt động trong hay ngoài khuôn khổ NATO. Các quốc gia Baltic và Ba Lan quan tâm tới mối đe dọa từ Nga và sẽ tìm cách hướng liên minh này tập trung vào việc triển khai quân thường trực sang Đông Âu. NATO chưa lỗi thời, song rất cần thay đổi; Nga vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng ở sườn phía Đông của châu Âu, và mọi cuộc tấn công khủng bố nhằm vào châu lục này đều cho thấy cần có sự phối hợp tốt hơn về an ninh và tình báo. Tuy nhiên, Mỹ sẽ tiếp tục thực thi gánh nặng nhiều hơn những nước còn lại, và các đồng minh Đông Âu sẽ hướng ra bên ngoài NATO để tìm kiếm những đảm bảo an ninh song phương từ Washington nhằm củng cố lá chắn chống Nga. 

Thứ tư là mổ xẻ chiến lược ba mũi nhọn của Nga 

Việc Mỹ từng bước gia tăng hiện diện quân sự của châu Âu cho thấy chắc chắn cuộc đối đầu Mỹ-Nga sẽ là một chủ đề trọng tâm của tổng thống Mỹ sắp tới. Sự thiếu lòng tin trầm trọng của Nga đối với Mỹ chủ yếu bắt nguồn từ việc họ cho rằng phương Tây cố tình bành trướng đến sát cửa nhà họ. Moskva sẽ tìm cách đối phó với mối đe dọa này bằng cách củng cố năng lực quân sự thông thường cũng như lảng tránh hoặc có thể phá vỡ các hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân trước đây. Nga cũng sẽ tìm mọi cách để khoét sâu những mâu thuẫn trong nội bộ châu Âu nhằm làm suy yếu cả các lệnh trừng phạt tài chính lẫn những nỗ lực chung của Mỹ nhằm xây dựng một đối trọng mạnh và gắn kết trước sự hung hăng của Nga. Mũi thứ ba trong chiến lược của Nga là can dự vào những khu vực xung đột để khiến Mỹ không chỉ phải nhượng bộ mà còn phải phụ thuộc vào Nga để tìm lối thoát. Trung Đông chính là nơi đầy rẫy cơ hội cho Nga, và Syria là ví dụ rõ nhất. Nga đã đưa ra củ cả rốt dưới hình thức thực thi lệnh ngừng bắn, phối hợp với cuộc chiến chống IS và thúc đẩy tiến trình hòa bình đáng tin cậy và sự chuyển giao chính trị. Đổi lại, Nga muốn châu Âu và Mỹ nới lỏng lệnh trừng phạt, gây áp lực buộc Ukraine phải công nhận quyền tự trị cho miền Đông và hạn chế việc mở rộng NATO. Mỹ không chắc sẽ đưa ra những thỏa hiệp bất lợi cho đồng minh của mình, song nếu xung đột Syria kéo dài, Mỹ sẽ phải nghĩ lại. Trong khi đó, cuộc cạnh tranh ngày càng ác liệt giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ khiến Washington đau đầu. Mỹ phải cố gắng tránh để bị lôi kéo vào cuộc đấu giữa hai đối thủ địa chính trị lâu năm nay vì cuộc đấu này có thể gây phương hại NATO và làm leo thang thành những cuộc xung đột lớn hơn nhiều.

Thứ năm là làm quen với những thay đổi địa chính trị tại Trung Đông

Những khoảng trống quyền lực tại Syria, Iraq, Libya và Yemen (sản phẩm của những căng thẳng phe phái) sẽ tạo không gian cho các phần tử thánh chiến hoạt động và lôi kéo dân chúng tham gia. Việc đàn áp những phần tử thánh chiến này có thành công hay không phụ thuộc vào khả năng Mỹ huy động được thêm sự trợ giúp của khu vực cho cuộc chiến chống khủng bố. Tuy nhiên, chiến lược của Mỹ hòa giải với Iran đang gây tác động chiến lược, đó là 2 quốc gia Sunni chủ chốt - Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia - hợp tác để làm đối trọng với Iran. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ sẽ phải đau đầu giải bài toán quan hệ giữa vô số các phe phái khác nhau ở khu vực này. Mỹ sẽ phải nhượng bộ chiến lược của các đồng minh - và trong một số trường hợp, các đồng minh sẽ phải điều chỉnh chiến lược của họ cho vừa ý Mỹ. Chẳng hạn như, Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với dân quân người Kurd đang chiến đấu chống IS song cũng sẽ ấn định những giới hạn vì Mỹ ưu tiên quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Israel sẽ chứng kiến ảnh hưởng của họ đối với chính sách của Mỹ tại khu vực yếu đi do Washington buộc phải dựa vào những cường quốc khu vực khác để xử lý các cuộc xung đột, song Israel sẽ nhanh chóng thích nghi bằng cách lặng lẽ củng cố quan hệ với các đối tác Sunni. Saudi Arabia vẫn sẽ là đồng minh thiết yếu của Mỹ, song nước này biết rằng họ không thể lúc nào cũng dựa vào Mỹ để thúc đẩy chương trình nghị sự cho Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh. Riyadh sẽ nỗ lực củng cố một liên minh khu vực của người Sunni để xử lý những mối đe dọa của khu vực, và Mỹ không phải lúc nào cũng có thể hỗ trợ những hành động như vậy. Riyadh cũng sẽ phối hợp với các đối tác vùng Vịnh để đảm bảo an ninh kinh tế lâu dài của mình. 

Thứ sáu là đảm bảo một chiến lược "xoay trục" sang châu Á đáng tin cậy

Trung Quốc vẫn khổng lồ và tiếp tục tăng trưởng, song chậm lại. Mỹ phải luôn ghi nhớ rằng Trung Quốc hiểu là họ cần phải xây dựng một xã hội tiêu dùng và hướng nền kinh tế tới các hoạt động có giá trị gia tăng. Trung Quốc dự định lấy ngành công nghệ làm động lực tăng trưởng, song cũng muốn mở rộng cả sang những lĩnh vực thiết kế và sản xuất linh kiện mà hiện họ đang phải nhập khẩu. Các hình thức bao cấp của chính phủ, các hoạt động gián điệp công ty và mua trực tiếp các công ty công nghệ nước ngoài là nhằm hướng tới nắm được bí quyết để Trung Quốc có thể phát triển ngành công nghệ riêng của mình. Đây sẽ là động lực chính cho hoạt động gián điệp mạng của Trung Quốc và Mỹ sẽ phải có những phương án phòng thủ tốt nhất. 

Trong bối cảnh những thách thức kinh tế và chính trị của Trung Quốc gia tăng, quốc gia này được dự đoán sẽ có những động thái quyết đoán hơn ở nước ngoài. Cả Bắc Kinh lẫn Washington sẽ ve vãn các quốc gia Đông Nam Á vốn đang có tiềm năng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ nhờ chớp cơ hội kinh tế Trung Quốc giảm tốc. Tuy nhiên, các quốc gia Đông Nam Á sẽ không để bị lôi kéo vào cuộc đấu "một mất, một còn". Trên mặt trận an ninh, Trung Quốc không muốn phải giao chiến với siêu cường quân sự của thế giới, song họ thực sự muốn xác định phạm vi ảnh hưởng của họ trên biển đồng thời bảo vệ các tuyến đường hàng hải của mình. Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm phô trương sức mạnh tại các vùng biển Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương sẽ xung đột với quyết tâm của Mỹ muốn duy trì vị thế thống trị về hải quân tại những vùng biển này.

Những tiến bộ hạt nhân của Triều Tiên sẽ chỉ càng làm phức tạp môi trường an ninh tại châu Á-Thái Bình Dương. Không thể lặp lại chiến lược với Iran hay Libya để kiềm chế tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng. Mỹ sẽ phải tăng cường quan hệ an ninh với Nhật Bản và Hàn Quốc để vô hiệu hóa mối đe dọa ngày càng tăng từ Triều Tiên, song liên minh này cũng sẽ khoét sâu rạn nứt với Trung Quốc. Mặc dù Bắc Kinh đang cố gắng đẩy mạnh hợp tác với Triều Tiên nhằm hạn chế Mỹ tăng cường hiện diện an ninh tại khu vực, song ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Bình Nhưỡng rõ ràng là có hạn, và Bắc Kinh sẽ tránh "chất quá nhiều đá lên thuyền" vì lo sợ nổ ra xung đột tại biên giới của họ. 

Những cuộc tranh cãi tại Hàn Quốc và Nhật Bản xung quanh việc liệu hai nước này có nên khởi động chương trình vũ khí hạt nhân hay không đã xuất hiện từ 2 thập niên trước và nay được thể hiện qua những phát biểu của ứng cử viên Donald Trump rằng Nhật Bản và Hàn Quốc nên theo đuổi vũ khí hạt nhân. Việc Mỹ chú trọng vào các đồng minh tại châu Á-Thái Bình Dương và sự tin cậy của chiếc ô an ninh mà Mỹ cấp cho khu vực sẽ là công cụ ngăn chặn Seoul và Tokyo theo đuổi con đường hạt nhân độc lập. Đồng thời, Mỹ sẽ phải theo dõi sát sao hơn tham vọng hạt nhân của chính đồng minh của mình và sử dụng cây gậy khi cần thiết để thuyết phục các đối tác chiến lược chớ nên đơn phương phát triển hạt nhân.

Thứ bảy là tia sáng trong "cuộc cách mạng" giá cả hàng hóa

Trong khi sự bất ổn chính trị bao trùm những quốc gia quá phụ thuộc vào các ngành khai thác tài nguyên và tín dụng nước ngoài để tăng trưởng, giá cả hàng hóa trên toàn cầu lao dốc cộng với tín dụng khan hiếm có thể có lợi cho chính sách đối ngoại của Mỹ. Từ Mỹ Latinh tới châu Phi và châu Á, các chu kỳ kinh tế đã tiến tới điểm mà các nhà lãnh đạo chính trị không còn có thể lấy sự tăng trưởng dựa vào tín dụng để duy trì những biện pháp dân túy nữa. Do tín dụng bị thắt chặt, các chính phủ không thể làm hài lòng dân chúng bằng các khoản trợ cấp hay ban phát cho các đồng minh chính trị những khoản lại quả lớn từ các dự án khổng lồ. Các biện pháp chi tiêu khắc khổ được áp dụng, các cáo buộc tham nhũng có nguy cơ dẫn đến bạo động xã hội. Một khi bão tan, một số (không phải tất cả) các nước sẽ trở nên mạnh hơn nhờ các biện pháp quản lý kinh tế hiệu quả. Mỹ cũng có thể tiếp tục chính sách lặng lẽ hỗ trợ việc thành lập những cơ quan chống tham nhũng đáng tin cậy để bình ổn các chính phủ và từ đó tạo ra một mạng lưới đồng minh phụ thuộc hơn vào Mỹ.

Cuối cùng là trách nhiệm của một siêu cường toàn cầu.

Sức mạnh dựa trên khái niệm “ngoại lệ Mỹ” bắt nguồn từ đặc điểm địa chính trị của quốc gia này. Mỹ có hai đại dương khổng lồ làm vùng đệm và được xây dựng trên một mảnh đất giàu tài nguyên không chỉ khuyến khích bản sắc quốc gia mà còn tạo điều kiện để củng cố những mối quan hệ kinh tế sâu sắc với các nước láng giềng ở vùng Bắc Mỹ. Nước Mỹ cần một cấu trúc liên minh mạnh hơn nếu như họ muốn gìn giữ những sức mạnh trong nước. Dù cho ai đó có tán thành chính sách "Nước Mỹ là trên hết" hay chiến lược cô lập nhiều hơn, hay đơn giản là muốn hạn chế các hoạt động của Mỹ ở nước ngoài, nước Mỹ vẫn sẽ không thể rũ bỏ những trách nhiệm dẫn dắt thế giới của mình.

Reva Goujon là nhà phân tích chiến lược toàn cầu hàng đầu của công ty tình báo Stratfor. Bài viết được Stratfor.

Văn Cường (gt)