Vladimir__Putin.jpg

Cuối tháng 12/2016, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tổ chức cuộc họp báo hàng năm để tổng kết lại năm 2016, một năm được nhiều người coi là hết sức thành công đối với Tổng thống Nga. Nếu theo dõi thường xuyên thông tin trên các phương tiện truyền thông, có thể cho rằng nước Nga đã thế chỗ của Mỹ ở Trung Đông, rằng các tin tặc Nga tự mình đã có thể đưa ông Donald Trump bước vào Nhà Trắng và rằng ông Trump ở thể sẵn sàng làm một điệp viên nhị trùng của Điện Kremlin ở bên trong Chính quyền Mỹ. Quân đội Nga có thể sắp cập bờ ở chỗ nào đó ngay gần thủ đô Washington DC.

Dù rằng rõ ràng nói thế là cường điệu, song những vấn đề nêu trên đã từng là đề tài chính trong các cuộc thảo luận về quan hệ Mỹ-Nga từ trước cuộc bầu cử ở Mỹ. Thực tế, những phát biểu quả quyết mới đây của Tổng thống Barack Obama rằng Nga là “nước nhỏ hơn, yếu hơn, và nền kinh tế của họ chẳng sản xuất được bất cứ thứ gì mà người ta muốn mua ngoại trừ dầu mỏ, khí đốt và vũ khí...” đã bị nhiều người giễu cợt. Mặc dù ông Putin có thể đã có được một năm tốt đẹp xét theo quan điểm về quan hệ công chúng, song phát biểu của ông Obama gần với thực tế hơn nhiều: những chiến thắng được cho là Nga đã giành được đó không tuyệt vời như người ta tưởng, và nó sẽ khiến Nga bị suy yếu về cơ cấu trong dài hạn. Lấy ví dụ, việc Nga sử dụng tin tặc can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ có lẽ là phi vụ lớn nhất của ông Putin trong lĩnh vực quan hệ công chúng trong năm 2016. Không nghi ngờ gì việc tiết lộ các tài liệu lấy trộm được từ Ủy ban Quốc gia của đảng Dân chủ - vụ ăn trộm mà công đồng tình báo nói chung nhất trí là do tin tặc được nhà nước Nga bảo trợ thực hiện – đã gây tổn hại tới uy tín của bà Hilary Clinton trong cuộc chạy đua tranh cử.

Thực tế, dù Nga thực sự muốn bầu cho ông Trump hay chỉ đơn thuần là gây lộn xộn thì chắc chắn nước này cũng đã thành công trong việc phá hoại cuộc bầu cử. Câu hỏi đặt ra là có đúng mức độ của sự can thiệp này thực sự đã làm thay đổi kết quả cuộc bầu cử. Còn một loạt các yếu tố khác – lá thư gửi Quốc hội vào phút chót của Giám đốc Cục Điều tra Liên bang về việc điều tra vụ bê bối thư điện tử của bà Clinton, tình hình kinh tế, và sự bất mãn của công chúng đối với các chính trị gia – cũng góp phần gây ra sự thất bại bất ngờ của bà Clinton.

Và đổi lại cho sự can thiệp này, Nga nhận lại sự thù địch của nhiều nhà hoạch định chính sách Mỹ hiện thời cũng như tương lai, và khả năng Mỹ sẽ có sự trả đũa, như Phó Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh “vào thời điểm chúng ta chọn và trong hoàn cảnh có tác động lớn nhất”. Chiến thắng của ông Trump không nhất thiết là chiến thắng cho các lãnh đạo Nga; ông Trump có thể có giọng điệu thân thiện hơn với nước Nga, song cũng như với nhiều vấn đề chính sách ngoại giao khác, khả năng không đoán định trước được của ông là rất cao.

Hãy xét một vấn đề then chốt khác mà Nga được cho là đã thành công trong năm 2016 – sự can thiệp vào cuộc chiến tại Syria. Chắc chắn, Nga đã thành công trong việc củng cố Chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad và ngăn chặn sự sụp đổ của nó. Sự can thiệp này cũng được truyền thông làm cho nổi bật, tạo uy tín trong nước cho ông Putin và cho Nga có được một tầm ảnh hưởng lớn hơn trong các hoạt động ngoại giao ở Trung Đông.

Song bên cạnh đó, sự can thiệp càng làm xấu đi quan hệ giữa Nga với phương Tây, nhất là những vi phạm nhân quyền ở Syria đã góp phần làm cho Nga bị quốc tế ghét bỏ. Và thực sự không có con đường quân sự nào dẫn tới chiến thắng cho Nga ở Syria. Họ thiếu khả năng khôi phục lại sự kiểm soát toàn Syria cho chế độ Assad, và không dễ dàng rút ra mà không để lại cảm giác bị thất bại. Thực tế, Nga hiện đang đối mặt với vấn đề tương tự như Mỹ gặp phải ở Iraq và Afghanistan: can thiệp quân sự khá dễ dàng song đè bẹp sự nổi dậy khó hơn nhiều.

Hơn nữa, Nga rất thạo phá bỏ mọi thứ và gây chú ý cho truyền thông, song lại kém giải quyết vấn đề. Ví dụ như ở Ukraine, Nga thành công khi sáp nhập Crimea, song vẫn đang phải chịu sự trừng phạt của Mỹ và châu Âu vì hành động này, trong khi tiến trình hòa bình Minsk cho phía Đông Ukraine dường như đã bế tắc. Ngay cả nếu ông Trump có đơn phương dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ thì các lệnh trừng phạt của châu Âu chắc chắn vẫn được duy trì trong một thời gian.

Và nhận xét của Tổng thống Obama về Nga khá chính xác: nước này có những điểm yếu nghiêm trọng về mặt cơ cấu. Những thắng lợi về mặt quan hệ công chúng của ông Putin có thể làm sao lãng các vấn đề khác song không thể giải quyết được chúng. Nổi bật trong số đó là vấn đề kinh tế Nga, mặc dù đạt được những thành quả gần đây song khó mà mong đợi sẽ trở lại mức tăng trưởng tích cực vào năm tới sau nhiều năm suy thoái. Lạm phát vẫn cao, ảnh hưởng tới lương và tiết kiệm của đại bộ phận người dân Nga.

Ngay cả việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt cũng chẳng giúp cải thiện tình hình. Dưới thời ông Putin, những yếu kém về mặt cơ cấu kinh tế Nga – sự dựa dẫm quá nhiều vào nguồn thu dầu mỏ và khí đốt, tham nhũng và chủ nghĩa bè phái lan tràn – đã trở nên không giải quyết được. Nền kinh tế Nga bị thiệt hại do giá dầu tiếp tục thấp cho dù đã có thỏa thuận mới đây của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ về sản lượng dầu mà Nga có đóng góp một phần trong vai trò trung gian để đạt được thỏa thuận. Và xu hướng nhân khẩu học trong dài hạn tiếp tục gây ra nhiều vấn đề và sẽ còn kéo dài.

Không thể nói rằng Nga không phải là điều đáng quan ngại cho các nhà hoạch định chính sách. Việc ông Putin sẵn sàng dùng quân sự để nắm lấy các cơ hội chính sách ngoại giao khiến ông trở nên khó đoán định, một khả năng đáng lo ngại khi mà Mỹ với tư cách là thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại tây Dương (NATO) chắc chắn phải bảo vệ các quốc gia có đường biên giới chung với Nga. Các nước châu Âu có các cuộc bầu cử vào năm tới sẽ cần phải cảnh giác trước sự can thiệp của Nga. Và chưa cần xét liệu Nga có hay không phải là một cường quốc về năng lực quân sự thông thường, song Nga vẫn là một trong ít cường quốc về hạt nhân trên thế giới.

Các nhà hoạch định chính sách phải thực tế, cả về năng lực của Nga, và cả về ý nghĩa thực sự trong dài hạn của những “chiến thắng” Nga giành được trong năm 2016. Ông Putin có thể đưa ra một bức tranh màu hồng trước công chúng. Song để làm như vậy, ông sẽ phải che giấu một loạt vấn đề dài hạn. Nước Nga có thể cao giọng kết thúc năm 2016 song sẽ bước vào năm 2017 với một nền kinh tế không kiểm soát được, không có lối thoát rõ ràng khỏi cuộc chiến Syria, và một triển vọng mờ nhạt về giá dầu sẽ tăng cao. Các vấn đề của ông Putin vẫn còn đó.

Tác giả là nhà nghiên cứu Emma Ashford thuộc Viện CATO. Bài viết đăng trên “National interest” (ngày 28/12).

Nhật Linh (gt)