Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có cuộc gặp chính thức đầu tiên với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong hai ngày 10-11/2. Cuộc gặp này có ý nghĩa lớn đối với Thủ tướng Abe trong việc khẳng định lại mối quan hệ an ninh và thương mại song phương với Mỹ - một đồng minh quan trọng nhất của Nhật Bản.

Mặc dù rất ít người nghi ngờ về khả năng liên minh truyền thống giữa hai nước sẽ vượt qua được những cơn bão ngoại giao, nhưng sự không chắc chắn về định hướng chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump vẫn còn đó. Trong môi trường địa chính trị như hiện nay, Nhật Bản sẽ hưởng lợi từ việc thúc đẩy mối quan hệ với các nước khác trong khu vực, và có thể họ sẽ theo đuổi mối quan hệ sâu rộng với Ấn Độ, một đối tác tự nhiên của Nhật Bản.

Cả Nhật Bản và Ấn Độ đều chia sẻ lo ngại trước những quyết định về chính sách đối ngoại khó đoán của Chính quyền Trump. Mặc dù là một trong những đồng minh tốt nhất của Mỹ, nhưng Nhật Bản lại là mục tiêu công kích về chính sách đối ngoại trong chiến dịch tranh cử của ông Trump. Bên cạnh việc cho rằng Nhật Bản hưởng lợi từ sự bảo đảm an ninh của Mỹ, ông Trump cũng chỉ trích Nhật Bản trong hoạt động thương mại và buộc tội Nhật Bản phá giá đồng tiền. Trong cuộc gặp thượng đỉnh vừa qua, Thủ tướng Abe đã thận trong không đưa ra những bất đồng về kinh tế để đổi lại việc thúc đẩy mối quan hệ tích cực với Tổng thống Trump. Đó là một động thái ngoại giao khôn khéo. Tuy nhiên, trong dài hạn, việc từng bước vượt qua các vấn đề như vậy là không bền vững.

Trong khi đó, Nhật Bản và Ấn Độ được cho là các đồng minh tự nhiên. Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ-Nhật Bản năm 2016 đã vạch ra một vai trò lớn hơn trong khu vực cho cả hai bên. Với việc không có các gánh nặng lịch sử để lại hay những tranh chấp chưa giải quyết và có chung quan điểm về dân chủ, Nhật Bản và Ấn Độ là những đồng minh tự nhiên và cả hai sẵn sàng mở rộng sự hợp tác trên các mặt kinh tế, chiến lược và quốc phòng.

Trên thực tế, Nhật Bản là quốc gia duy nhất mà New Delhi cho phép đặt chân vào khu vực chính trị nhạy cảm ở phía Đông Bắc Ấn Độ, nơi mà Nhật Bản được đầu tư các dự án phát triển kinh tế xã hội. Tokyo đã cung cấp các khoản vay Viện trợ phát triển chính thức (ODA) trong các lĩnh vực như năng lượng, cung cấp nước sạch, lâm nghiệp và phát triển đô thị ở phía Đông Bắc Ấn Độ từ năm 1981. Ngoài ra, New Delhi cũng lần đầu tiên cho phép đầu tư nước ngoài tại hai quần đảo chiến lược Andaman và Nicobar.

Chính quyền Thủ tướng Modi cũng mở cửa đón nhận hợp tác của Nhật Bản trong việc nâng cấp các cơ sở hạ tầng dân sự tại hai quần đảo này. Dự án đầu tiên là kế hoạch xây dựng một nhà máy điện diesel tại phía Nam đảo Andaman. Đại sứ quán Nhật Bản tại Ấn Độ đã khẳng định Nhật Bản mong muốn sử dụng vốn ODA để tăng cường kết nối Ấn Độ với các nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các thành viên thuộc Hiệp hội Hợp tác Khu vực Nam Á (SAARC).

Môi trường an ninh khu vực cũng vẫn là một nhân tố nổi bật. Tuyên bố chung sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai bên vào năm 2016 đã đưa một quan điểm chung về những lợi ích hợp tác song phương và các mối quan tâm tại khu vực, bao gồm cả hợp tác về hạt nhân, chống chủ nghĩa khủng bố, phối hợp trong các vấn đề khu vực và hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Hơn nữa, Nhật Bản và Ấn Độ đã ký một thỏa thuận hạt nhân dân sự vào năm 2016. Ấn Độ là nước đầu tiên không nằm trong “Hiệp ước chống phổ biển vũ khí hạt nhân” ký kết một thỏa thuận như vậy với Nhật Bản.

Trong lúc đó, Tổng thống Trump dường như cũng muốn phát triển mối quan hệ gần gũi với Ấn Độ. Nhìn chung những phát biểu của ông Trump đối với Ấn Độ và cá nhân Thủ tướng Modi mang chiều hướng tích cực. Tuy nhiên những điều này có thể không phải là bền vững. Một trong những vấn đề có khả năng gây ra tranh cãi giữa hai nước chính là động thái của ông Trump trong việc kiểm soát chương trình visa H-1B, mà sẽ ảnh hưởng đến các công ty gia công phần mềm của Ấn Độ. Theo thống kê thì công dân Ấn Độ là những người hưởng lợi nhất từ chương trình H1-B với khoảng 70% visa này được phê duyệt cho Ấn Độ trong năm 2014.

Bên cạnh đó, Ấn Độ và Nhật Bản cũng được cho là đối tác hợp thời. Một số thành viên ASEAN hiện vẫn đang bị lôi kéo vào căng thẳng với Trung Quốc do tranh chấp tại Biển Đông. Điều này cộng với khả năng Mỹ sẽ giảm bớt can dự vào khu vực có thể làm cho một số nước lo lắng về sự nổi lên của Trung Quốc như là một nước lãnh đạo duy nhất tại khu vực. Chính vì vậy, sự tăng cường mối quan hệ giữa Nhật Bản-Ấn Độ sẽ là hợp thời và là sự thay thế khác cho sự thống trị của Trung Quốc đối với khu vực.

Trong khi sự hợp tác mạnh mẽ hơn giữa Nhật Bản và Ấn Độ sẽ được chào đón như là một đối trọng của Trung Quốc thì việc tập hợp liên minh để chống lại Trung Quốc cũng sẽ phản tác dụng. Để đạt được mục tiêu này, cả Nhật Bản và Ấn Độ đều đang nỗ lực bắt tay với các nước khác trong khu vực. Thủ tướng Nhật Bản Abe vừa có các chuyến thăm thúc đẩy quan hệ tới Philippines, Úc, Indonesia và Việt Nam trong tháng 1 vừa qua. Trong khi đó, chính sách “Hành động hướng Đông” của Thủ tướng Modi được coi là chính sách bản lề để kết nối với các quốc gia châu Á. Tuy nhiên, để đảm bảo tính bền vững, hai nước cần phải bắt tay với Trung Quốc để thúc đẩy các giải pháp hòa bình cho các tranh chấp trong khu vực.

Có khả năng Chính quyền của Thủ tướng Modi sẽ thực hiện chính sách tiếp cận chủ động hơn trong việc tìm kiếm các đồng minh tự nhiên tại châu Á. Dù cho trong quá khứ, Ấn Độ có tiếng là nước chỉ giữ vai trò thụ động trong các vấn đề thế giới thì nay đã có đủ các dấu hiệu cho thấy nước này sẽ có lập trường tích cực hơn. Điều này chắc chắn sẽ được Chính quyền Thủ tướng Abe chào đón.

Tác giả Tan Ming Hui và Nazia Hussain là nhà nghiên cứu thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Công nghệ  Nanyang, Singapore. Bài viết đăng trên “The Diplomat.”

Mỹ Anh (gt)