171315618.jpg

Không ai ở Mỹ tin rằng mối quan hệ với Nga sẽ được cải thiện cho đến khi Điện Kremlin thay đổi đường hướng chính sách đối ngoại của mình và ngừng cuộc phản kháng chính trị chống lại hệ thống quan hệ quốc tế do Mỹ thiết lập. mối quan hệ Moskva-Washington sẽ phụ thuộc lớn hơn vào chính sách đối nội của Nga và Mỹ.

Bất chấp những dự đoán ban đầu và các cuộc tiếp xúc cử tri sơ bộ sau khi bỏ phiếu dự đoán thất bại của ứng cử viên tổng thống thuộc đảng Cộng hòa Donald Trump, ông vẫn giành chiến thắng, làm tốt hơn nhiều so với bất kỳ ai có thể dự đoán. Câu hỏi là liệu giờ đây ông Trump có được sự ủy nhiệm chính trị để xúc tiến nhiều sáng kiến chính sách đối nội và đối ngoại gây tranh cãi của mình hay không. Các nhà chỉ trích chỉ ra thực tế rằng ông Trump và bà Clinton gần như chia đôi số phiếu phổ thông, và nhiều bang mà ông Trump giành chiến thắng chỉ bởi khoảng cách vô cùng mong manh. Ngoài ra, ông sẽ vẫn cần phải đương đầu với sự chia rẽ bên trong Quốc hội Mỹ, nơi mà đoàn kết dân tộc có lẽ khó khăn hơn. Ban đầu, chiến thắng của ông Trump là kết quả của thực tế rằng người Mỹ – phải đối mặt với những thách thức xã hội và kinh tế bên trong chính đất nước mình – bắt đầu trở nên rất thất vọng với bộ máy chính quyền và giới tinh hoa chính trị, cũng như với toàn bộ khái niệm toàn cầu hóa. Và xu hướng này thì cũ rích, không chỉ với Mỹ, mà còn với toàn bộ phương Tây. Như cựu Bộ trưởng Tài chính Nga Alexei Kudrin viết trên tài khoản Twitter của mình, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cho thấy động lực hiện tại của tiến trình toàn cầu không đáp ứng được kỳ vọng của nhiều người. Ông miêu tả cuộc bầu cử Mỹ là “sự tiếp nối Brexit”, với các lực lượng cánh hữu và dân túy giành được ảnh hưởng trên khắp châu Âu.

Các chuyên gia phương Tây xuất chúng cũng lặp lại quan điểm này. Chẳng hạn, nhà sử học Niall Ferguson, một học giả cấp cao của Viện nghiên cứu Hoover thuộc Đại học Stanford và Trung tâm nghiên cứu châu Âu thuộc Đại học Harvard, lập luận rằng những người theo chủ nghĩa dân túy như ông Trump “gần như luôn là một phần của hiện tượng toàn cầu”, với việc năm 2016 đã sinh ra “một phản ứng dữ dội theo tư tưởng dân túy chống lại toàn cầu hóa” và bản thân sự chỉ trích này “mang tính toàn cầu trong quy mô của nó”. Ferguson viết: “Chủ nghĩa dân túy ngày nay có đặc tính toàn cầu tương tự. Vào tháng 6, cuộc bỏ phiếu của người Anh rời khỏi Liên minh châu Âu được những người có tư tưởng dân túy ngay trên khắp lục địa châu Âu cũng như được Donald Trump ở Mỹ và, một cách ngấm ngầm, cả Vladimir Putin ở Nga hết lời ca ngợi”. Tuy nhiên, thực tế rằng Trump cuối cùng được bầu cho thấy chế độ dân chủ đã chứng tỏ tính bền vững của nó, bất chấp bất kỳ thách thức nào hiện nay. Giám đốc Dmitri Trenin thuộc Trung tâm Carnegie Moscow đã viết sau kết quả bầu cử tổng thống Mỹ chính thức tuyên bố thắng lợi của ông Trump: “Các đảng viên đảng Dân chủ đã thua, nhưng chế độ dân chủ thì chiến thắng. Nước Mỹ tiếp tục bước đi vì họ tiếp tục thay đổi. Đó là một viên thuốc đắng phải nuốt, nhưng phe nhóm chính trị lại cần nó”. Giữa sự xôn xao hậu bầu cử, Russia Direct đã ngồi cùng với ông Trenin để thảo luận những lý do tại sao người Mỹ lại bầu cho ông Trump và điều đó có ý nghĩa gì đối với mối quan hệ Mỹ-Nga.

Russia Direct (+): Donald Trump sẽ là Tổng thống Mỹ tiếp theo. Chúng ta nên kỳ vọng ở ông chính sách gì với Nga và nhiệm kỳ tổng thống của ông có thể gây ảnh hưởng tới quan hệ Mỹ-Nga như thế nào?

Dmitri Trenin (-): Theo quan điểm của tôi, Trump là người không thể đoán trước được. Tuy nhiên, mặt khác, cũng không thể đoán trước được phản ứng từ bộ máy chính quyền Mỹ đối với nhiệm kỳ tổng thống của ông này, vì ông Trump sẽ không có khả năng tự mình thực hiện và tiến hành các sáng kiến đối ngoại, quân sự và bất kỳ sáng kiến nào khác. Ông ấy sẽ cần phải có một êkíp và người dân. Cho đến nay, rất khó có thể tưởng tượng ai sẽ được đưa vào Chính quyền Trump. Làm thế nào mà những người này có khả năng làm việc với nhau và tìm ra nền tảng chung? Đây cũng không phải là một câu hỏi dễ dàng tìm ra được câu trả lời. Vì vậy, tính không thể đoán trước được này gồm nhiều tầng lớp trong chính bản chất của nó. Đó là lý do tại sao không thể phác thảo ra chính sách của Chính quyền Trump. Và giờ đây khía cạnh này cần phải được tính đến, xét tới thực tế rằng chương trình nghị sự hiện tại của quan hệ Mỹ-Nga đem đến một câu hỏi then chốt, cũng như trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh: Làm sao để ngăn chặn một cuộc chiến tranh nóng? Tôi hy vọng Mỹ và Nga sẽ hợp tác và có khả năng ngăn chặn sự leo thang vượt ngoài quyền kiểm soát và trở thành một cuộc xung đột ở cấp độ hạt nhân. Tôi hy vọng chúng ta sẽ tránh được một tai ương như vậy.

(+): Một số học giả và nhà sử học tìm cách phát hiện ra lôgích nào đó trong tác động của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lên mối quan hệ Mỹ-Nga xuyên suốt lịch sử. Lôgích rất đơn giản: đảng viên đảng Cộng hòa có lợi cho Điện Kremlin – đảng viên đảng Dân chủ thì không; đảng viên đảng Cộng hòa có tư tưởng kinh doanh thì dễ dàng hòa hợp, còn các đảng viên đảng Dân chủ duy tâm thì không. Do đó, ông Trump là cơ hội cho Nga – Clinton thì không. Giả định được đơn giản hóa quá mức này rất phổ biến trong nhiều chính trị gia và học giả của Nga. Quan điểm của ông là gì?

(-): Đương nhiên, đó là một sự đơn giản hóa quá mức. Đó là một chuyện hoang đường và xuất hiện trong thời nhiệm kỳ tổng thống của Richard Nixon thuộc đảng Cộng hòa (1969-1974), khi Liên Xô và Mỹ thiết lập một đối thoại hữu ích và giới tinh hoa Xôviết đi đến kết luận rằng những người đồng cấp Mỹ coi họ là ngang hàng, dựa trên thế cân bằng quân sự-chiến lược của họ. Câu chuyện hoang đường này được khẳng định hơn nữa bởi nhiệm kỳ tổng thống của Jimmy Carter, người lên nắm quyền với tư cách là một đảng viên đảng Dân chủ với ý tưởng về nhân quyền và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Trong suốt nhiệm kỳ của ông, mối quan hệ Xô-Mỹ chứng kiến sự lao dốc đáng kể. Khác biệt lớn giữa các đảng viên đảng Cộng hòa, những người mà Điện Kremlin coi là biết điều và có thể tiếp cận được, và những đảng viên đảng Dân chủ không khoan nhượng là điều hiển nhiên trong mắt các nhà lãnh đạo Xôviết. Nixon và cố vấn an ninh quốc gia của ông Henry Kissinger dễ dàng trở nên hòa hợp hơn so với Carter và êkíp của ông, những người rất khó để đàm phán. Tuy nhiên, nếu nhìn vào vấn đề từ một quan điểm lịch sử rộng lớn hơn, mối quan hệ gần gũi nhất giữa Nga và Mỹ nói chung được thiết lập trong thời đại của các tổng thống Dân chủ, bao gồm Franklin Delano Roosevelt (1933-1945) và Bill Clinton (1993-2001), bất chấp thực tế rằng những năm cuối trong nhiệm kỳ tổng thống của Clinton đã để lại dư vị không mấy dễ chịu cho nước Nga. Quả thực, trong suốt nhiệm kỳ của Clinton, Mỹ tự coi mình là người bảo trợ. Washington vừa rất thân thiện vừa can thiệp quá nhiều vào nước Nga hậu Xôviết và không coi nước này là một đối tác ngang hàng. Nhưng, ở bất kỳ mức độ nào, chúng ta không thể từ chối thực tế rằng đó là tình hữu nghị giữa Moskva và Washington. Vì vậy, theo quan điểm của tôi, việc tin rằng các đảng viên đảng Cộng hòa có lợi cho nước Nga hơn các đảng viên đảng Dân chủ là một chuyện hoang đường, chứ chưa nói đến thực tế rằng nước Mỹ ngày nay đang thay đổi, và bản chất của những sự khác biệt giữa các đảng viên đảng Dân chủ và Cộng hòa không còn giống như trước đây.

(+): Nhưng trên phương diện lịch sử, những chuyện hoang đường như vậy đến từ đâu? Về mặt chính trị, có bất kỳ nền tảng nào để đưa ra những kết luận như vậy hay không?

(-): Có, có một số lý do để tin vào chuyện hoang đường này. Nếu chúng ta đơn giản hóa quá mức, các đảng viên đảng Cộng hòa là hiện thân cho doanh nghiệp Mỹ - các đảng viên đảng Dân chủ là hình mẫu cho những lý tưởng của Mỹ. Tuy nhiên, trên thực tế không có sự thống nhất – có nhiều sự khác biệt nội tại ở cả đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ. Kinh doanh mang tính thực dụng. Nó đàm phán, kiên trì bảo vệ các lợi ích của mình và tin tưởng một cách chân thành vào sự hoàn thành lành mạnh. Đây là điều mà những đảng viên đảng Cộng hòa đưa ra. Trong khi đó, các đảng viên đảng Dân chủ, kể từ thời Tổng thống Woodrow Wilson (1913-1921), không ưu tiên những thứ vật chất và hữu hình, mà là những lý tưởng chính trị như các giá trị dân chủ. Vì Mỹ tự coi mình là trung tâm dân chủ toàn cầu, nên mục tiêu then chốt của các đảng viên đảng Dân chủ là khiến thế giới trở nên an toàn hơn thông qua chế độ dân chủ. Do đó, dân chủ trong bối cảnh này được coi là nền tảng chính cho an ninh và toàn bộ trật tự thế giới. Lôgích như vậy cho thấy rằng ưu thế đạo đức quan trọng hơn nhiều so với chủ nghĩa vật chất. Đó là lý do tại sao các đảng viên đảng Dân chủ, không giống như các đảng viên đảng Cộng hòa, lại tập trung nghiêm ngặt hơn vào chính sách đối nội của các nước khác và nhân quyền. Do đó, việc 2 xu hướng này cùng tồn tại – khía cạnh vật chất và đạo đức – định hình nền chính trị Mỹ.

(+): Nếu chúng ta áp dụng điều này để suy ra chính sách của Mỹ với Nga, chúng ta sẽ đối mặt với các vấn đề ở mức độ nào đó: trong trường hợp chủ nghĩa duy tâm, những căng thẳng giữa hai nước sẽ tăng lên nếu kỳ vọng của mỗi bên về nhau không trở thành sự thật. Tương tự, các chính trị gia có tư duy kinh doanh và thẳng thừng sẽ không nhất thiết làm dịu bớt những căng thẳng này. Trái lại, họ có thể sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề. Vì vậy, cơ chế “đảng viên Cộng hòa là nhân vật chính diện – đảng viên Dân chủ là nhân vật phản diện” là hoàn toàn sai lầm.

(-): Chính xác.

(+): Có nhiều lời bàn tán về chính sách đối ngoại của Mỹ, với việc các đảng viên đảng Dân chủ trở nên hiếu chiến hơn đối với Nga và những người đồng cấp với họ thuộc đảng Cộng hòa thì thân thiện hơn với Điện Kremlin. Tuy nhiên, về phương diện lịch sử, điều đó lại ngược lại.

(-): Nếu chúng ta nói về Donald Trump, tình huống là thế này: Ông ấy sẵn sàng thiết lập đối thoại với Nga. Tuy nhiên, nếu bạn đứng về phe Cộng hòa nói chung, sẽ không có sự nhất trí và thống nhất [về việc giao thiệp với Nga như thế nào]. Quan trọng nhất là, những đại diện của đảng Cộng hòa trong bộ máy chính quyền đang bị chia rẽ trong quan điểm của họ về ông Trump: Một số người nhìn nhận ông dưới một quan niệm rất tiêu cực, trong khi những người khác muốn thiết lập các mối quan hệ thân thiết. Nếu chúng ta đặt Nga vào bối cảnh này, nó không được coi là một vấn đề nghiêm trọng cho nền chính trị Mỹ bất chấp thực tế rằng nó đóng một vai trò trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống năm nay như là một yếu tố cho cuộc chạy đua tiền bầu cử. Tuy nhiên, Nga không phải là một nhân tố trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Nước này không phải là ưu tiên lớn nhất cho Mỹ và bộ máy chính trị khó có khả năng đánh giá quá cao tầm quan trọng của Nga. Và xu hướng này dường như còn tồn tại dai dẳng trong tương lai. Không ai ở Mỹ tin rằng mối quan hệ với Nga sẽ được cải thiện cho tới khi Điện Kremlin thay đổi đường hướng chính sách đối ngoại của mình và ngừng cuộc nổi dậy chính trị chống lại hệ thống quan hệ quốc tế do Mỹ thiết lập. Tương tự, không ai bên trong bộ máy chính quyền Mỹ thực sự tin rằng chính sách đối ngoại của Nga sẽ được thay đổi dưới thời Tổng thống Nga Vladimir Putin, chứ chưa nói đến chính sách đối nội của nước này. Hơn nữa, bộ máy chính quyền Mỹ khó có thể coi trọng Putin và đàm phán với ông. Và xu hướng này trong mối quan hệ song phương Mỹ-Nga sẽ tồn tại trong 7-8 năm. Những thay đổi có thể xảy ra trong mối quan hệ Moskva-Washington sẽ phụ thuộc lớn hơn vào chính sách đối nội của Nga và Mỹ.

Dmitri Trenin là Giám đốc của Carnegie Moscow Center. Bài viết đăng trên “Carnegie.ru” (ngày 9/11)

Hương Trà (gt)