Hiện có khoảng 7.000 doanh nghiệp Nhật đang hoạt động tại địa bàn. Theo kết quả khảo sát tại các doanh nghiệp Nhật, trong danh sách 20 địa chỉ ưu tiên hàng đầu sẽ lập quan hệ đầu tư trong vài năm tới, có đến 8 nước thành viên ASEAN. Ngoài kinh tế, thành công lớn nhất của 40 năm quan hệ là tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau thông qua ngoại giao nhân dân, đặc biệt là giới trẻ.

Mỗi năm, có hơn 13.000 sinh viên ASEAN sang Nhật du học. Năm 2007, theo sáng kiến của Thủ tướng Abe, chương trình “Japan-East Asia Network of Exchange for Students and Youth” (JENESYS) được phát động, thu hút trên 14.000 thanh niên Nhật bản và ASEAN qua lại thăm viếng lẫn nhau. Gần đây, ngay từ đầu nhiệm kỳ lần thứ hai, Thủ tướng Abe vừa tuyên bố sẽ tiếp tục phát động JENESYS 2.0, nhằm thu hút trên 30.000 thanh niên ASEAN và các nước Châu Á khác đến thăm đất nước mặt trời mọc.

Có thể nói, quan hệ Nhật-ASEAN là quan hệ “đối tác chiến lược”, được xây dựng trên những quyền lợi chiến lược chung và vì những mục tiêu chung. Tăng trưởng kinh tế Nhật Bản gắn bó mật thiết với mọi động thái của láng giềng ASEAN. Do các tuyến hàng hải nối liền Nhật với thế giới bên ngoài đều đi ngang khu vực, nên sự ổn định của ASEAN là điều kiện cần thiết phục vụ cho hòa bình và phát triển phồn vinh của Nhật. Hơn thế nữa, sự phối hợp hành động chặt chẽ ASEAN-Nhật sẽ góp phần rất lớn vào việc kiến thiết một Châu Á-Thái Bình Dương hòa bình và thịnh vượng. Để thực hiện hoài bảo nói trên, Thủ tướng Abe đề xuất “5 nguyên tắc”: (1) bảo vệ và giữ gìn những giá trị nhân loại (tự do ngôn luận, quyền con người, v.v...; (2) luật pháp trên hết; (3) tự do kinh tế và cởi mở; (4) trao đổi văn hóa; và (5) trao đổi thăm viếng qua lại giữa các thế hệ trẻ. Cá nhân tôi có hai bình luận về “5 nguyên tắc” của Thủ tướng Abe.

Thứ nhất, đó là tầm quan trọng của liên minh Nhật-Mỹ. Từ xưa đến nay, Hoa Kỳ vẫn đóng vai trò chính trong việc tạo thế cân bằng quan hệ địa chính trị, nhằm bảo đảm an ninh chung tại khu vực, vì quyền lợi của mọi quốc gia, chứ không chỉ bảo vệ quyền lợi riêng của Nhật hay của Mỹ. Trong nhiều năm tới nữa, chắc chắn không có cường quốc nào có đủ sức mạnh, có đủ độ tin cậy trong con mắt cộng đồng quốc tế để thay thế vai trò của Mỹ. Vì vậy, việc Nhật-Mỹ tăng cường quan hệ đồng minh phải được hiểu trong bối cảnh đó.

Thứ hai, một số ý kiến cho rằng, chủ đích của “5 nguyên tắc” nói trên là nhằm khống chế Trung Quôc. Không hề. Một Trung Quốc mạnh về mặt kinh tế lại là cơ hội lớn cho tất cả chúng ta. Vấn đề là, với thực tế những gì đã và đang diễn ra, Trung Quốc chưa bao giờ chứng minh được mình là “nước lớn có trách nhiệm” như thế nào, so với những gì Bắc Kinh thường tuyên bố. Trước ẩn số mang tính thách thức của Trung Quốc, vấn đề không phải là chúng ta tìm cách khống chế lẫn nhau, mà phải tìm cho ra mẫu số chung qua cơ chế đối tác và đối thoại, trong đó, ASEAN chiếm vị trí trung tâm.

Thách thức cấp bách nhất mà khu vực phải giải quyết, là giữ gìn hòa bình và ổn định trên mặt biển. Tự do thông thương hàng hải là điều kiện tiên quyết giúp tất cả các quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương phát triển phồn thịnh. Mọi bất đồng quan điểm trong việc phân định một vùng đất, hoặc một vùng biển đặc biệt nào đó, phải được giải quyết giữa các bên có liên quan. Ở đây, những ai cho rằng mình hành động vì quyền lợi của cả khu vực, thì người đó trước tiên phải tôn trọng luật biển đã được cộng đồng quốc tế công nhận, phải chứng minh bằng hành động cụ thể là mình đang nổ lực giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình. Nếu ai đó có thái độ ứng xử “lời nói không đi đôi với việc làm”, cố tình khiêu khích hoặc gây áp lực lên đối phương, tất cả chúng ta phải đồng lòng lên tiếng tố cáo và phản đối, tạo thành sức mạnh tập thể trấn áp hành vi tiêu cực.

Kinh tế Nhật đang lâm vào tình trạng suy thoái kéo dài. Từ đó, cũng có một vài ý kiến cho rằng vai trò của Nhật tại khu vực đã suy giảm đáng kể. Có đúng như vậy không ?

Trong thời đại toàn cầu hóa, thỉnh thoảng có những nước khác chiếm vị trí nổi trội tại ASEAN. Đó là sự phát triển tự nhiên, vì trò chơi xoay vần chu kỳ quan hệ, địa kinh tế và địa chính trị, vẫn diễn ra trong khuôn khổ hợp tác và cạnh tranh lành mạnh thông qua những thỏa thuận minh bạch giữa các nước.

Năm 2010, ngay sau khi ASEAN công bố “Kế hoạch tổng thể Kết nối ASEAN” (Master Plan on ASEAN Connectivity), Nhật Bản đã lập tức thành lập nhóm công tác đặc nhiệm (task force), gồm các quan chức chính phủ và đại diện khu vực tư nhân, làm việc hàng ngày hàng giờ với ASEAN để thực hiện kế hoạch nói trên. Nhiều dự án, nhiều tổ chức đã ra đời. Những hành lang kinh tế sông Mekong đã dần dần thành hình. Tới đây, các hành lang thông thương hàng hải cũng sẽ được hai bên phối hợp hoạch định cụ thể. Ngoài ra, còn những lĩnh vực khác mà hai bên đang hợp tác thực hiện rất tốt, chẳng hạn vấn đề đối phó và khắc phục hậu quả thiên tai, vấn đề tăng trưởng xanh, hoặc như trong hợp tác y tế.

Vì vậy, cho rằng vai trò của Nhật tại khu vực đã giảm sút nhiều là sai. “Vầng thái dương vẫn mọc trên trái đất”.

Ngày nay, chúng ta phải chứng kiến nhiều thảm kịch đang diễn ra trên thế giới, do cái gọi là “quan điểm khác biệt”. Hơn bao giờ hết, chúng ta phải toàn tâm toàn ý hành động vì mục tiêu cuối cùng mà cả ASEAN lẫn Nhật Bản muốn đạt đến. Khu vực này đừng bao giờ trở thành là cái nôi dung dưỡng bạo lực và lòng thù hận. Nhật Bản luôn sẵn sàng chia sẻ kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm, chia sẻ những đam mê lý tưởng của con cháu Thái dương Thần nữ với nhân dân ASEAN, vì sự thành công của “Dự án ASEAN”./.

Ông Kimihiro Ishikane là Đại sứ đại sứ đặc mệnh, toàn quyền của Nhật ở ASEAN. Bài viết đăng trên “Jakarta post” (ngày 26/2).

Mỹ Anh (gt)