Lễ tưởng niệm rất lớn đã được tổ chức tại Nam Kinh vào ngày 13/12/2017 đã chứng minh dư âm của thời kỳ đau đớn đó vẫn vang dội không chỉ tại thành phố cổ này, mà trên khắp Đông Á. Cuộc chiến trên vẫn là một chủ đề rất nhạy cảm giữa Nhật Bản và các nước láng giềng, đồng thời là mối đe dọa liên tục trong quan hệ Trung-Nhật phức tạp. Vụ thảm sát luôn nằm trong phần lớn ký ức của người dân Trung Quốc như một biểu tượng cho nỗi đau chung của quốc gia. Lễ tưởng niệm vụ thảm sát Nam Kinh do Nhật Bản gây ra đã dần trở thành một phần quan trọng trong bản sắc dân tộc Trung Quốc. Trong khi, về phía Nhật Bản, sự kiện đã gây ra sự chia rẽ đối với người dân nước này xung quanh quan điểm về mức độ họ phải bồi thường về những tội lỗi trong quá khứ. 

Diễn biến những tranh cãi liên quan 

Hàng năm, những dịp kỷ niệm Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc tiếp tục là nỗi ám ảnh đối với khu vực Đông Á, nơi những tranh cãi lịch sử trở thành đặc điểm của mỗi quốc gia. Trung Quốc trong quá trình phát triển xây dựng quyền lực kinh tế và quân sự, ký ức lịch sử đóng vai trò quan trọng và được đưa vào hệ thống giáo dục công, từ đó xây dựng nền tảng nhận thức quốc gia. Học giả Zheng Wang (Trung Quốc) cho rằng hệ thống giáo dục nước này nhắc nhở người dân "không bao giờ được quên đi sự sỉ nhục quốc gia" khi Trung Quốc rơi vào tay những kẻ xâm lược Nhật Bản và đế quốc phương Tây. 

Nhiều người có suy nghĩ, vụ thảm sát Nam Kinh còn đi xa hơn những gì đã xảy ra tại thành phố này. Đây là biểu tượng cho sự đau khổ của người dân Trung Quốc trong một cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng từ 10 đến 20 triệu người dân nước này. Thời Mao Trạch Đông, Trung Quốc đã hạ thấp các tư tưởng ảnh hưởng từ chiến tranh, tuy nhiên trong những năm gần đây, Bắc Kinh đang thúc đẩy tư tưởng này với việc chính thức quốc gia hóa các lễ tưởng niệm liên quan tới chiến tranh. Năm 2014, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua ba ngày lễ mới: Ngày chiến thắng Nhật Bản (ngày 3/9), Ngày tưởng niệm chiến tranh (30/9), và Ngày quốc gia tưởng niệm vụ thảm sát Nam Kinh (ngày 13/12). Chính phủ Trung Quốc cũng đã thay đổi thời điểm bắt đầu xảy ra Chiến tranh thế giới thứ hai, từ sự kiện Marco Polo năm 1937, thành sự kiện Mukden năm 1931. Do đó, một tên chính thức mới cho Chiến tranh thế giới thứ hai với việc Trung Quốc gọi là "14 năm kháng chiến" thay thế cho tên gọi trước đây "Cuộc kháng chiến chống Nhật". 

Năm 2017, Trung Quốc đã tổ chức lễ tưởng niệm 80 năm vụ thảm sát Nam Kinh bằng một buổi lễ được tường thuật trực tiếp bởi đài truyền hình quốc gia tại một bảo tàng tưởng niệm lớn của thành phố Nam Kinh, bảo tàng này có vị trí gần với một bảo tàng mới được xây dựng nhằm tưởng niệm chế độ nô lệ tình dục trong chiến tranh và một bảo tàng khác nơi vinh danh các phi công đã hy sinh. Ngành công nghiệp văn hóa của Trung Quốc cũng góp vai trò trong việc định hình tư tưởng của người dân. Một số bộ phim truyền hình Trung Quốc có nội dung về chiến tranh được sản xuất, cùng với đó là bộ phim tài liệu mới về những phụ nữ bị ép làm nô lệ tình dục còn sót lại của Trung Quốc đã trở thành bộ phim tài liệu có doanh thu cao nhất quốc gia này. 

Việc khơi gợi những ký ức chiến tranh là một chủ đề rất nhạy cảm ở Nhật Bản. Theo học giả Nhật Bản Takashi Yoshida, người dân nước này đã tiến hành một cuộc tranh luận mạnh mẽ công khai về chiến tranh, các vụ thảm sát, và sự lăng mạ đối với những người lính của họ. Những cuộc tranh luận này không bao giờ kết thúc và được mở rộng thành cáo buộc chính trị cho việc bãi miễn hay công kích lẫn nhau giữa các đảng phái tại Nhật Bản. Những sử gia tiến bộ ở Nhật Bản đã chấp nhận về các phán quyết khắc nghiệt của tòa án quân sự sau chiến tranh, về cuộc tàn sát thời chiến của binh lính nước này khắp Đông Á. Nhiều người dân Nhật Bản cũng thừa nhận cuộc chiến tranh xâm lược mà họ đã gây ra và yêu cầu lời xin lỗi chân thành từ các nhà lãnh đạo của họ. Tuy nhiên, những người khác lại nghĩ rằng đất nước của họ đã trả đầy đủ. Một số khác hoài nghi về quy mô vụ thảm sát ở Nam Kinh, trong khi một số cực đoan phủ nhận cáo buộc. Những người này cho rằng Nhật Bản cũng là nạn nhân của chiến tranh. Hai quả bom nguyên tử ném xuống Nhật Bản đã bao trùm lên "công lý của kẻ chiến thắng". Nếu một quan chức Nhật Bản xin lỗi vì những hành động trong chiến tranh - những người theo chủ nghĩa dân tộc sẽ mạnh mẽ chỉ trích và phủ nhận họ (cựu thủ tướng Hatoyama Yukio khi đến thăm bảo tàng tưởng niệm Nam Kinh năm 2013, đã bị bộ trưởng quốc phòng lúc đó gọi là "kẻ phản bội"). 

Viễn cảnh xét lại trên đã trở thành đặc điểm chính trị, xã hội Nhật Bản. Các sách giáo khoa lịch sử của nước này đã bị nhiều quốc gia chỉ trích từ những năm 1980 vì giảm nhẹ hành động tội ác của binh lính nước này. Năm 2016, Nhật Bản đã tạm dừng tài trợ cho UNESCO vì tổ chức này đưa sự kiện về vụ thảm sát Nam Kinh vào Chương trình ký ức thế giới. Gần đây, lễ ra mắt bức tượng biểu trưng cho hình ảnh “phụ nữ mua vui” ở San Francisco đã gặp phải phản đối của thị trưởng Osaka. Các sử gia chính thống không nghi ngờ việc binh lính Nhật Bản đã có những hành động tàn bạo đối với hàng nghìn dân thường không chỉ ở Nam Kinh, mà đối với cả những nơi khác. 

Chủ nghĩa dân tộc mới ở Nhật Bản gần đây đã gây tức giận lớn cho Trung Quốc. Thủ tướng nước này Shinzo Abe đã phải chịu chỉ trích về việc giảm nhẹ các cáo buộc về tội ác chiến tranh. Ông Abe đã đặt câu hỏi về vấn đề phụ nữ mua vui và sự liên quan của ông với chủ trương cải cách sách giáo khoa. Các nhà quan sát thông qua việc ông Abe năm 2013 viếng ngôi đền Yasukuni – một trong những ngôi đền theo đạo Shinto, nơi thờ khoảng 1000 tội phạm chiến tranh bị kết án, trong tổng số 2,5 triệu người được cho có công với đất nước được thờ tại đây. Đối với nhiều người Trung Quốc, ông Abe đại diện cho thế lực muốn hợp pháp hóa một số quan điểm gây tranh cãi của Nhật Bản. Một blogger nổi tiếng của Trung Quốc gần đây đã viết trên Weibo rằng "Nhật Bản đã tàn sát 300.000 đồng bào của tôi, và ông Abe đang cố gắng phủ nhận sự thật lịch sử". 

Nhật Bản cũng đã đưa ra các lời xin lỗi, tuy nhiên lời xin lỗi này lại bị lăng mạ là không thành thật, đặc biệt đối với vấn đề “phụ nữ mua vui” – vấn đề đã cản trở quan hệ Nhật Bản và Hàn Quốc trong nhiều năm qua. Chuyên gia của Trung tâm công lý quốc tế David Tolbert cho rằng lời xin lỗi năm 2017 của Nhật Bản và khoản tiền 8 triệu USD theo thỏa thuận bồi thường cuối năm 2015 cho những nạn nhân là “phụ nữ mua vui” của Hàn Quốc giống như một sự sắp xếp chính trị hơn là sự chân thành và hối tiếc. 

Nhiều bằng chứng và biểu hiện đã khẳng định người Nhật Bản và các nước láng giềng như Trung Quốc luôn có thành kiến tiêu cực đối với nhau. Trong các cuộc điều tra gần đây của PEW (trung tâm nghiên cứu có trụ sở tại Mỹ chuyên nghiên cứu các vấn đề chính trị xã hội và xu hướng tình hình thế giới), 81% người Trung Quốc đã đưa ra góc nhìn bất lợi đối với Nhật Bản, và 77% cho rằng hành động và lời xin lỗi của Nhật Bản là chưa đủ. Tương tự, 83% người Nhật Bản đưa ra cái nhìn bất lợi đối với Trung Quốc, và 89% cho rằng sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc là mối đe dọa đối với Nhật Bản, trong đó 64% cho rằng đây là mối đe dọa lớn. 

Những quan điểm bất lợi dành cho nhau giữa người dân Nhật Bản và Trung Quốc xuất phát từ thực tế lịch sử phát triển của hai quốc gia và từ các cuộc chiến tranh giữa hai nước. Trong đó, chiến tranh là nguyên nhân căn bản nhất. Trong cuộc thăm dò ý kiến do Genron (một tổ chức nghiên cứu chính trị độc lập của Nhật Bản) tiến hành năm 2016, hơn 60% người Trung Quốc được hỏi trả lời rằng Nhật Bản chưa hối hận, trong khi 50% người Nhật Bản cho rằng chủ nghĩa chỉ trích đối với Nhật Bản khiến họ có cái nhìn tiêu cực đối với Trung Quốc. 

Ý nghĩa về mặt an ninh 

Chủ nghĩa dân tộc và bóng ma của quá khứ là thành tố quan trọng làm cho các bất đồng về biển đảo và an ninh trong khu vực bị đẩy lên cao, cùng xu hướng quân sự hóa ngày càng mạnh mẽ. Trung Quốc, Nhật Bản, và Hàn Quốc hiện nay đang dành các khoản chi cho quốc phòng nhiều nhất từ trước đến nay. Bắc Kinh đang cải cách mạnh mẽ quân đội và tăng cường sức mạnh quân sự, trong khi Tokyo và Seoul không ngừng ứng phó lại sự trỗi dậy của Trung Quốc, cùng với đó là mối đe dọa của Triều Tiên, cũng như sức mạnh tiềm tàng của quân đội Mỹ đồn trú tại khu vực này. 

Quan hệ Trung-Nhật ngày càng mong manh kể từ năm 2012, sau khi Tokyo quốc hữu hóa quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư). Những hòn đảo nhỏ, không người ở này cùng được Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan tuyên bố chủ quyền. Khu vực xung quanh Senkaku/Điếu Ngư được cho có nhiều tài nguyên hóa thạch, khu vực này cũng được đánh giá là vùng ngư nghiệp trù phú như tên gọi Điếu Ngư của Trung Quốc. Căng thẳng Trung-Nhật liên quan tới Senkaku/Điếu Ngư tăng cao tới mức theo khảo sát của Genron có tới 60% ý kiến trả lời của người Trung Quốc dự đoán sẽ có một cuộc xung đột quân sự trong tương lai. 

Mặc dù quan hệ Trung-Nhật đang rất tiêu cực, tuy nhiên cũng có những dấu hiệu cải thiện nhất định, kể từ sau các cuộc gặp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 7/2017 và hội nghị APEC tháng 11/2017. Ông Abe đã bày tỏ sự quan tâm đối với việc hợp tác đầu tư cho sáng kiến “Vành đai và Con đường”, một tham vọng của Trung Quốc. Dù vậy khả năng cải thiện quan hệ thực chất giữa Nhật Bản và Trung Quốc vẫn khá mong manh, không chỉ bởi các bất đồng lịch sử về lãnh thổ mà rộng hơn đó là sự khác nhau về mục tiêu chiến lược. Trước mắt quan hệ Trung-Nhật tạm thời sẽ có bước cải thiện nhất định, khi các nhà quan sát nhận thấy trong lễ tưởng niệm 80 năm vụ thảm sát Nam Kinh hôm 13/12, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không phát biểu cũng như đặt vòng hoa – dấu hiệu cho thấy ông không muốn tạo ra quá nhiều sự đối địch với Nhật Bản. 

Cựu ngoại trưởng Úc Gareth Evans năm 2015 đã cho rằng “nếu cuộc chiến tranh thế giới thứ ba xảy ra, nơi khởi nguồn của nó sẽ không phải từ Trung Đông, Nam Á hay Đông Âu mà là sẽ là Đông Á – khu vực có xung đột lợi ích chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ cùng các đồng minh, nơi mà các yếu tố địa chính trị, căng thẳng về ngoại giao dễ bùng phát nhất”. 
Nhìn về khía cạnh tích cực, phần lớn các quan điểm ở Trung Quốc hay Nhật Bản đều lo ngại về tình trạng ngày càng xấu đi trong quan hệ hai nước, vì vậy các quan điểm này đồng ý rằng hai chính phủ nên hợp tác để giải quyết tranh chấp. Trung Quốc và Nhật Bản cũng có nhiều lợi ích chung là việc duy trì ổn định trong khu vực và sự hợp tác đầu tư thương mại với kim ngạch hàng năm lên tới 250 tỷ USD. Để duy trì sự ổn định lâu dài mang lại lợi ích cho tất cả các bên, Nhật Bản, Trung Quốc và các quốc gia Đông Á khác cần phải cân bằng giữa việc tôn trọng sự thật lịch sử và tạo ra một con đường mới.

Tiến sĩ Joe Renouard giảng dạy tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Tiến bộ, Đại học Johns Hopkins (SAIS) tại Nam Kinh, Trung Quốc. Bài viết được đăng trên The Diplomat.

Văn Cường (gt)