Cuối tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã dành gần 3 tiếng để hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow. Đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa 2 nhà lãnh đạo kể từ chuyến thăm Nhật Bản của ông Putin hồi tháng 12/2016. Nói một cách ngắn gọn, Nhật Bản và Nga đã bắt đầu quá trình xây dựng sự tin cậy lẫn nhau nhằm hướng tới giải pháp cho vấn đề lãnh thổ và ký hiệp ước hòa bình. Tại một hội nghị quốc tế ở thành phố Sochi trên bờ Biển Đen của Nga hồi tháng 10/2016, trả lời câu hỏi về việc nếu cuộc gặp giữa Nhật Bản và Nga tạo ra môi trường thuận lợi cho cả hai bên thì điều này có bao gồm hiệp ước hòa bình trong tương lai gần hay không, ông Putin nêu rõ Nga và Trung Quốc đã mất 40 năm xây dựng mối quan hệ tin cậy lẫn nhau để giải quyết vấn đề lãnh thổ, Nhật Bản và Nga hiện nay chưa đến giai đoạn đó.

Có ba cách tiếp cận để xây dựng mối quan hệ tin cậy giữa Nga và Nhật Bản.

Đầu tiên là cách tiếp cận liên quan kế hoạch hợp tác 8 điểm mà Nhật Bản đề xuất tại Hội nghị thượng đỉnh Nhật - Nga ở Sochi vào tháng 5/2016, cùng với 80 biên bản ghi nhớ trong cả lĩnh vực công và tư trong chuyến thăm Nhật Bản của ông Putin hồi tháng 12/2016, ngoài ra còn có 29 biên bản ghi nhớ trao đổi xác nhận những tiến bộ đã đạt được giữa hai bên. Có thể nói, việc Tập đoàn Mitsui Nhật Bản mua lại khoảng 10% cổ phần R-Pharm, một công ty dược phẩm của Nga, là kết quả cụ thể từ cuộc gặp thượng đỉnh Nhật - Nga gần đây nhất. Diễn đàn kinh tế phương Đông, dự kiến diễn ra tại Vladivostok vào tháng 9 tới, là cơ hội để hai bên tiếp tục cụ thể hóa những thỏa thuận.

Cách tiếp cận thứ hai là các cuộc thảo luận thúc đẩy hoạt động kinh tế chung với một cơ chế đặc biệt tại khu vực tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc, trong khi Nga gọi là quần đảo Nam Kuril. Trong cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng 4, ông Abe và ông Putin đã đồng ý chuẩn bị một danh sách các dự án ưu tiên trong tương lai gần. Ngoài việc sớm cử một nhóm khảo sát chung gồm quan chức chính phủ và doanh nghiệp hai nước tới Vùng lãnh thổ phương Bắc/Nam Kuril vào cuối tháng này, hai nhà lãnh đạo cũng đồng ý cho phép công dân Nhật Bản bay đến các đảo tranh chấp, vốn trước đó chỉ được kết nối bằng đường biển. Tuy nhiên, Nhật Bản và Nga đã không đạt được một thỏa thuận về hệ thống thể chế đặc biệt tại Vùng lãnh thổ phương Bắc/Nam Kuril.

Cách tiếp cận thứ ba là đàm phán trong lĩnh vực an ninh và ngoại giao, trong đó có việc khôi phục diễn đàn 2+2 (Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao - Quốc phòng) giữa Nhật Bản và Nga. Trước đó, hai bên đã nhất trí khởi động cuộc họp 2+2 khi ông Abe thăm Nga vào tháng 4/2013. Theo đó, Nhật - Nga đã tổ chức cuộc họp 2+2 đầu tiên vào tháng 5/2013. Tuy nhiên, do căng thẳng giữa Nga với Mỹ và phương Tây xung quanh sự kiện Nga sáp nhập Crimea từ lãnh thổ Ukraine, cuộc họp 2+2 Nhật - Nga đã bị "đóng băng". Tháng 12/2016, lãnh đạo Nhật Bản và Nga đã đồng ý về nguyên tắc thiết lập lại cuộc họp 2+2 và đến ngày 17/2 vừa qua, ông Abe và ông Putin chính thức công bố nối lại hội nghị 2+2. Sau đó, hội nghị 2+2 Nhật - Nga đã được tổ chức vào tháng 3 vừa qua tại Tokyo.

Tại cuộc gặp hồi tháng 4/2017, ông Abe và ông Putin đã thảo luận nhiều chủ đề rộng, trong đó có vấn đề Triều Tiên. Sau cuộc gặp thượng đỉnh này, lần lượt hai nhà lãnh đạo đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Dường như ông Abe đã đóng vai trò "chất xúc tác" trong mối quan hệ vẫn còn mong manh giữa ông Putin và ông Trump. Nhật Bản và Nga đã bắt đầu lộ trình xây dựng quan hệ tin cậy lẫn nhau kể từ chuyến thăm của ông Putin tới Nhật Bản hồi năm ngoái. Hai bên đã đạt được những bước tiến thực chất trong cuộc đàm phán ký hiệp ước hòa bình, bao gồm tranh chấp tại Vùng lãnh thổ phương Bắc/Nam Kuril. Đây là những vấn đề mà Nga sẽ ít có thời gian tập trung khi cuộc bầu cử tổng thống nước này dự kiến diễn ra vào tháng 3/2018 đang đến gần. Tuy nhiên, ít nhất ông Abe và ông Putin sẽ có 3 cuộc gặp trong năm nay tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 7, Diễn đàn kinh tế phương Đông vào tháng 9 và Hội nghị thượng đỉnh APEC vào tháng 11. Hiện quan hệ Nga - Nhật đang ở giai đoạn từng bước cụ thể hóa hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, an ninh cho trung và dài hạn. Đây được xem là những điều kiện thuận lợi để quan hệ Nhật - Nga tiếp tục tiến về phía trước.

Theo “The Diplomat

Anh Thư (gt)