ADIZ này đã được Bắc Kinh tuyên bố thành lập vào cuối tháng 11/2013, bao trùm các khu vực tranh chấp với Nhật Bản và cũng đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của Hàn Quốc, Đài Loan cũng như Mỹ. Bắc Kinh đã khẳng định rằng khu vực ADIZ này cũng như là những vùng không phận chủ quyền đã được các nước khác tuyên bố phù hợp với luật pháp quốc tế. Tuyên bố chung của ASEAN và Nhật Bản, được đưa ra trên danh nghĩa nhằm ghi nhận các mối quan hệ ngoại giao trong 40 năm qua giữa hai bên, đã nhất trí về việc “hợp tác nhằm đảm bảo tự do hàng không và an toàn hàng không dân sự, phù hợp với những nguyên tắc luật pháp quốc tế đã được công nhận”. Tuyên bố này phản ánh những quan ngại ngày càng nổi bật ở khu vực Đông Nam Á rằng Trung Quốc có ý định mở rộng vùng ADIZ của họ để bao trùm cả các khu vực tranh chấp chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông. Mặc dù bản tuyên bố chung không nêu ra các cam kết thực sự rõ ràng nào từ các bên tham gia ký tuyên bố, nhưng một số chuyên gia phân tích đã coi văn kiện này là một bước ngoặt tiềm tàng trong những liên kết chiến lược khu vực trong tương lai để chống lại Trung Quốc. 

Trong khi các quốc gia thành viên ASEAN đang lo ngại về những tác động của một vùng ADIZ trong tương lai đối với Biển Đông – một động thái sẽ làm gia tăng căng thẳng trong các cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh hải giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á cũng có tuyên bố tranh chấp chủ ở Biển Đông như Việt Nam và Philippines – thì Nhật Bản chủ yếu quan tâm đến việc hình thành một liên minh khu vực nhằm mục đích kiềm chế Trung Quốc. Sau nhiều thập kỷ các mối quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, Tokyo giờ đây đang giành lại ảnh hưởng lịch sử và sự hiện diện thương mại mạnh mẽ của họ trong khu vực. Ngoài sự chi phối của Nhật Bản trong Ngân hàng Phát triển châu Á, một cơ quan phát triển liên chính phủ quan trọng của khu vực, Nhật Bản còn là một đối tác thương mại đồng thời là nguồn đầu tư và hỗ trợ phát triển quan trọng cho các quốc gia Đông Nam Á. 

Nhật Bản cũng đi đầu trong các hoạt động nhân đạo trong cuộc khủng hoảng sau cơn bão Haiyan ở Philippines, cung cấp hỗ trợ tài chính 30 triệu USD, triển khai 3 tàu chiến từ Lực lượng Phòng vệ Trên biển Nhật Bản và cử khoảng 1.200 binh sĩ của Lực lượng Phòng vệ đến hỗ trợ công tác cứu trợ tại những nơi bị ảnh hưởng của siêu bão Haiyan. Để thực hiện nỗ lực phối hợp này, các lực lượng vũ trang Nhật Bản đã triển khai một lực lượng hỗ trợ nhân đạo hùng hậu nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai đến nay. 

Lên nắm quyền từ cuối năm 2012, chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đang có ý định đưa Nhật Bản trở lại vị thế là một cường quốc khu vực, trong đó có việc dần dần rũ bỏ hiến pháp hòa bình và khôi phục nền kinh tế của họ thông qua các chính sách tiền tệ mở rộng. Như một phần của ván bài này, Thủ tướng Abe đã công khai xác định khu vực Đông Nam Á là một mặt trận chủ chốt trong cuộc đối đầu ngày càng quyết liệt với Trung Quốc. Trong một dấu hiệu về lập trường ngày càng cứng rắn của mình, ngày 11/12/2013 Nhật Bản đã công bố các dự thảo luật về chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên của họ, trong đó có một sự đánh giá về những nhu cầu quân sự trong tương lai của nước này. Chiến lược này kêu gọi thực hiện một kế hoạch 5 năm tăng cường sức mạnh quân sự, chủ yếu để tăng cường sự kiểm soát trên biển và trên không của Nhật Bản đối với các khu vực lãnh hải tranh chấp ở biển Hoa Đông. 

Trong khi đó, Nhật Bản đã tăng cường các cam kết của họ đối với khu vực Đông Nam Á, tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Nhật Bản vừa kết thúc gần đây Tokyo đã đề nghị hỗ trợ và cho các quốc gia thành viên ASEAN vay 19,4 tỷ USD. Các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhiệt liệt đón nhận đề nghị này, qua đó cho thấy họ trông chờ Nhật Bản đóng một vai trò nổi bật như thế nào thông qua việc “góp phần xây dựng hòa bình, sự ổn định và phát triển trong khu vực”. Sự hỗ trợ này cho thấy một thách thức trực tiếp đối với những cam kết thương mại và đầu tư trị giá nhiều tỷ USD mà Trung Quốc đã đưa ra tại các hội nghị thượng định Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương và ASEAN đã được tổ chức ở Indonesia và Brunei vào đầu tháng 10/2013. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã trở thành tâm điểm trên bục diễn thuyết của các sự kiện này do sự vắng mặt của Tổng thống Mỹ Barack Obama, người khi đó đang phải ở Washington để giải quyết vấn đề Chính phủ Mỹ tạm ngừng hoạt động. 

Thủ tướng Shinzo Abe, trong một thể hiện sự tự tin gây ấn tượng của mình trong việc tập hợp khu vực chống lại Trung Quốc, đã sử dụng Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Nhật Bản gần đây ở Tokyo để công khai chỉ trích ADIZ của Trung Quốc là một biện pháp gây bất ổn khu vực “xâm phạm một cách bất công sự tự do của các chuyến bay qua khu vực biển Hoa Đông”. Thủ tướng Shinzo Abe cũng đề xuất triệu tập một cuộc họp đặc biệt phi chính thức giữa các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và Nhật Bản để thảo luận về các vấn đề an ninh, trong đó có những thách thức an ninh phi truyền thống và vấn đề cứu trợ sau thảm họa. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã nhanh chóng chỉ trích Thủ tướng Nhật Bản, miêu tả những bình luận của ông Shizo Abe là “vu khống” đồng thời bảo vệ ADIZ là một biện pháp hợp pháp để tìm cách bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc mà không vi phạm những quy tắc quốc tế đã được xác lập. Theo truyền thống trung lập của mình, ASEAN đã từ chối một cuộc họp song phương hoàn toàn thiên về vấn đề quốc phòng với Tokyo, lo ngại rằng điều này có thể vấp phải sự phản đối của Trung Quốc. Điều này cho thấy ASEAN sẽ quan hệ thận trọng với người khổng lồ khu vực trong những năm tới. Brunei, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên ASEAN, năm 2013 đã nỗ lực tập trung vào các mối quan hệ kinh tế và hạ thấp việc bảo vệ sự hợp tác an ninh giữa hai bên. Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã cản trở Nhật Bản trong bất kỳ sự thay đổi tích cực và chủ động nào trong vị thế quốc phòng của Tokyo, thay vào đó nhà lãnh đạo này kêu gọi Nhật Bản phát triển “dần dần và minh bạch” trong chính sách ngoại giao của mình đối với khu vực. Ông Susilo Bambang Yudhoyono nói thêm: “Các mối quan hệ tốt đẹp đối với Trung Quốc và Nhật Bản là điều quan trọng đối với tương lai của khu vực chúng tôi”. 

Sự xoay trục được phối hợp 

Sự khước từ một cách lịch sự của ASEAN đối với một cuộc họp hoàn toàn thiên về vấn đề quốc phòng đã không ngăn cản được các quốc gia thành viên riêng lẻ của tổ chức này, cụ thể là Philippines và Việt Nam, trong việc theo đuổi các mối quan hệ song phương sâu sắc hơn để tăng cường những khả năng đối phó của họ đối với Trung Quốc. Lập trường diều hâu của Thủ tướng Shinzo Abe là một phần của một sự tái liên kết chiến lược khu vực rộng lớn hơn theo chính sách “xoay trục” của Mỹ sang châu Á, một chính sách được nhìn nhận rộng rãi là nỗ lực nhằm kiềm chế ảnh hưởng và sự quyết liệt trong tranh chấp lãnh hải đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc. 

Washington đã công khai ủng hộ nỗ lực của Nhật Bản trở thành một cường quốc độc lập ở châu Á, một cường quốc có thể được dùng làm đối trọng với Trung Quốc và hỗ trợ các đồng minh khu vực như Philippines và Việt Nam để đối phó với một môi trường khu vực đang ngày càng bất ổn. Mỹ cũng đã thẳng thừng bác bỏ ADIZ của Trung Quốc, coi đó là một thách thức mang tính khiêu khích đối với sự cân bằng quyền lực trong khu vực. Hồi giữa tháng 12/2013, ngay sau khi các tàu hải quân Mỹ và Trung Quốc suýt va chạm nhau ở Biển Đông vào hôm 5/12, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nói: “Tuyên bố ADIZ của Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng đến các hoạt động quân sự của Mỹ trong khu vực. ADIZ đó sẽ không được thực hiện và Trung Quốc nên tránh việc đưa ra những hành động đơn phương tương tự ở những nơi khác, đặc biệt là trên Biển Đông”. 

Bắc Kinh đã không công khai phản ứng đối với vụ suýt va chạm đó, nhưng một bài viết trên tờ Thời báo Hoàn cầu (một ấn bản của tờ Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc) được hãng tin AP của Mỹ dẫn lại, đã tuyên bố rằng tàu Mỹ đã quấy nhiễu tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc bằng cách tiến quá gần một cuộc tập trận hải quân mà tàu Liêu Ninh đang tiến hành cùng các tàu hỗ trợ của hàng không mẫu hạm này. Bài báo này tuyên bố tàu Mỹ đã xâm nhập không phù hợp vào “tầng phòng thủ bên trong” của đội tàu chiến Trung Quốc. Sau lời kêu gọi của Thủ tướng Shinzo Abe về một lập trường khu vực thống nhất, Ngoại trưởng John Kerry đã có chuyến thăm đáng chú ý đến Việt Nam và Philippines, vận động cho các mối quan hệ chiến lược sâu sắc hơn giữa Mỹ và hai nước này, đồng thời nhấn mạnh cam kết của Washington đối với các đồng minh khu vực. 

Ngoại trưởng John Kerry đã ủng hộ sự khoa trương của Thủ tướng Shinzo Abe bằng những khoản tiền, cam kết hỗ trợ an ninh hàng hải trị giá 32,5 triệu USD cho Việt Nam, trong đó có 18 triệu USD được dành riêng cho 5 tàu tuần tra bảo vệ bờ biển. Ngoại trưởng John Kerry đã đề cập đến sự hỗ trợ được cam kết như là một “sự mở rộng dần dần và thận trọng” sự ủng hộ của Mỹ đối với các đồng minh khu vực, sẽ tăng lên mức hơn 156 triệu USD trong hai năm tới. Ngoại trưởng John Kerry đã tuyên bố sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Việt Nam Phạm Bình Minh: “Hòa bình và sự ổn định ở Biển Đông là một ưu tiên hàng đầu đối với chúng tôi và đối với các nước trong khu vực. Chúng tôi rất lo ngại, đồng thời phản đối các chiến thuật cưỡng ép và gây hấn nhằm thúc đẩy các tuyên bố lãnh hải”. Ngoại trưởng John Kerry cũng nhấn mạnh rằng ADIZ của Trung Quốc “rõ ràng làm gia tăng nguy cơ về một sự tính toán sai lầm hoặc một vụ việc rủi ro nguy hiểm”. Trong chuyến công du đầu tiên của mình đến Philippines trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ, ông John Kerry đã có các cuộc gặp với người đồng cấp nước chủ nhà Albert Del Rosario, người được coi là một trong những nhân vật ủng hộ nhiều nhất đối với một sự hiện diện chiến lược sâu sắc hơn của Mỹ ở châu Á, và Tổng thống Benigno Aquino, người đã chỉ trích mạnh mẽ việc Trung Quốc áp đặt ADIZ. 

Do sự bế tắc trong các cuộc thương lượng giữa Mỹ và Philippines về một sự tăng cường hiện diện quân sự luân phiên của Mỹ ở các căn cứ quân sự tại Vịnh Subic và Vịnh Clark, vấn đề mà cả hai bên chưa nhất trí được về bản chất của quân đội Mỹ ở trên lãnh thổ Philippines và quyền sở hữu các thiết bị quân sự do Mỹ cung cấp ở các căn cứ này, Ngoại trưởng John Kerry đã thúc giục hai bên hoàn thành một thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng song phương vào một thời điểm hợp lý. Để thúc đẩy thỏa thuận này, trong chuyến thăm Philippines , Ngoại trưởng John Kerry đã đề nghị hỗ trợ cho nước chủ nhà 40 triệu USD trong lĩnh vực an ninh hàng hải và chống khủng bố. ADIZ của Trung Quốc đã trao cho Nhật Bản và Mỹ một sự tăng cường chiến lược, tạo cho cả hai cường quốc ở khu vực Thái Bình Dương này một cơ hội để đẩy mạnh các mối quan hệ chiến lược song phương của họ với Philippines và Việt Nam, trong khi tập hợp ASEAN chống lại mối đe dọa đã được nhận thức của Trung Quốc đối với an ninh hàng hải và tự do hàng không trong khu vực. Tuy nhiên, vẫn cần phải chờ xem Trung Quốc phản ứng như thế nào đối với điều mà họ coi là một nỗ lực ngày càng có sự phối hợp nhằm kiềm chế sự trỗi dậy và ảnh hưởng của Bắc Kinh./.

Theo “Atimes

Lê Sơn (gt)