abe.jpg

Tháng 9/2015, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thông qua luật an ninh mới cho phép quân đội nước này đến trợ giúp một đồng minh bị tấn công. Đây được coi là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc hành trình để Nhật Bản trở thành một quốc gia “bình thường” và có thể làm nhiều hơn cho an ninh của chính đất nước này. Câu hỏi được đặt ra là tại sao ông Abe lại quyết định ban hành một sự thay đổi chính sách lớn đến như vậy và liệu có phải các cáo buộc về chủ nghĩa dân tộc hay chủ nghĩa quân phiệt chính là những yếu tố thúc đẩy cho thay đổi này hay không.

Tuy nhiên, một yếu tố quan trọng đằng sau quyết định của ông Abe là mối quan hệ đồng minh giữa Nhật Bản với Mỹ. Một chính sách an ninh ít hạn chế hơn sẽ cho phép Nhật Bản đóng góp nhiều hơn vào mối quan hệ đồng minh này và có thể xua tan các cáo buộc về việc Nhật Bản trả tiền không công bằng cho "chiếc ô an ninh" của Mỹ. Người ta cũng hy vọng rằng một sự thay đổi như vậy sẽ đảm bảo sự tiếp tục can dự của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Một số nhà phân tích cho rằng sự thay đổi đó phản ánh những tính toán của ông Abe ở khu vực châu Á. Nhật Bản muốn thiết lập một mức độ răn đe lớn hơn để đối phó với “mối đe dọa Trung Quốc” và đây cũng chính là nguyên nhân được ông Abe sử dụng để biện minh cho sự “giải phóng” chính sách an ninh và tăng cường các mối quan hệ của Nhật Bản ở xung quanh khu vực.

Nhật Bản cũng nhận ra mình phải đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ trật tự khu vực dựa trên luật lệ. Ông Abe coi trật tự này đang bị đe dọa do những yêu sách lãnh thổ quyết đoán và mở rộng quân sự ở khu vực này trong những năm gần đây. Cần phải công nhận rằng việc chuyển đổi sang một quốc gia “bình thường” là điều không cần phải bàn cãi. Tuy nhiên, luật an ninh mới của Nhật Bản lại gây phẫn nộ ở Trung Quốc và ông Abe bị coi là một nhà quân phiệt. Hàn Quốc cũng thể hiện sự cảnh giác của mình. Bên trong Nhật Bản, các đảng phái đối lập và phong trào biểu tình đã lên tiếng phản đối, cho rằng luật này đã vi phạm Hiến pháp Hòa bình.

Nhận thức rõ những tác động có khả năng gây mất ổn định của luật an ninh mới, ông Abe đã trấn an khu vực về sự thay đổi chiến lược này. Một trong những chiến thuật Chính phủ Nhật Bản biện minh cho sự thay đổi này là cam kết của Tokyo cho một trật tự khu vực dựa trên luật lệ. Tại Đối thoại an ninh Shangri-La ở Singapore hồi tháng 5/2014, ông Abe đã thúc đẩy “Đóng góp Tiên phong vào Chính sách Hòa bình” của Nhật Bản, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do, dân chủ và nhà nước pháp quyền. Tuy nhiên, quan trọng hơn, Nhật Bản đã tăng cường nỗ lực làm sâu sắc thêm quan hệ với các nước xung quanh khu vực. Nỗ lực này đã được thể hiện rõ qua việc Nhật Bản phát triển các mối quan hệ đối tác chiến lược với một số quốc gia Đông Nam Á. Nhật Bản đã tìm cách củng cố các chuẩn mực quốc tế về an ninh hàng hải bằng cách hỗ trợ các nước tại khu vực này phát triển các khả năng bảo vệ bờ biển. Việc Nhật Bản xây dựng năng lực giám sát hàng hải cho Philippines là một ví dụ rõ nét của chính sách này.

Ngoài khu vực Đông Nam Á, ông Abe còn tìm cách phát triển mối quan hệ gần gũi hơn với các quốc gia như Úc. Sách trắng Quốc phòng năm 2016 của Nhật Bản đã mô tả mối quan hệ với Úc là một trong những mối quan hệ hợp tác sâu sắc nhất của nước này. Kể từ khi trở thành đối tác chiến lược năm 2007 và nâng cấp lên thành đối tác chiến lược “đặc biệt” năm 2014, Nhật Bản và Úc đã ký kết một số hiệp định an ninh, thường xuyên tham gia vào các cuộc tập trận chung, và nổi bật hơn cả là hợp tác trong các hoạt động cứu trợ nhân đạo. Quan trọng nhất, với trách nhiệm và uy tín của Úc như một đồng minh chủ chốt của Mỹ, quan hệ đối tác chiến lược Nhật Bản-Úc còn góp phần giữ cho  Mỹ có thể tiếp tục can dự vào khu vực này.

Chiến lược can dự tích cực ở châu Á, cùng với việc thúc đẩy một “nước Nhật Bản bình thường” như một phần quan trọng của trật tự khu vực dựa trên luật lệ cùng có lợi, đã được công nhận một cách rộng rãi. Các nhà lãnh đạo ở các nước Úc, Indonesia, Malaysia, Singapore, và Việt Nam đều ủng hộ mạnh mẽ các cải cách chính sách an ninh của Nhật Bản. Những quốc gia này đã không còn coi Nhật Bản là “kẻ xâm lược lịch sử”, mà là một đối tác quốc tế có trách nhiệm, đóng góp tích cực cho một trật tự khu vực dựa trên luật lệ.

Rõ ràng, những phản ứng với chương trình nghị sự an ninh mới của Nhật Bản cũng đã được thúc đẩy bởi các tính toán chính sách thực dụng. Trong bối cảnh những bất ổn chiến lược hiện tại ở châu Á, nhiều quốc gia khu vực muốn có các chính sách an ninh mạnh mẽ. Tuy nhiên, những phản ứng tích cực này còn là minh chứng cho các giá trị mà Nhật Bản đã đóng góp trong hàng thập kỷ qua vào sự gắn kết hòa bình, chủ động, cùng có lợi trong khu vực.

Chắc chắn rằng sự đóng góp của Nhật Bản đối với an ninh khu vực dường như không liên quan đến các chính sách “quá cơ bắp”, chẳng hạn như việc bán vũ khí tấn công hoặc tham gia các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông. Vì Chính phủ Nhật Bản biết rằng những chính sách như vậy sẽ không những được lòng dân mà còn tạo ra nguy cơ làm tổn hại đến các quan hệ mà Tokyo đã chăm chỉ làm việc để phát triển. Do đó, Nhật Bản nhiều khả năng sẽ tăng cường hỗ trợ hậu cần cho Mỹ và các đối tác khác đang hoạt động ở Biển Đông, thực hiện các sáng kiến nâng cao năng lực hơn nữa cho các đối tác trong khu vực, và tham gia vào các cuộc tập trận phòng thủ chung. Nếu Nhật Bản không nỗ lực duy trì trật tự khu vực châu Á thì có thể dẫn đến một số hoài nghi về sức mạnh và giá trị của nước này. Tuy nhiên, Nhật Bản sẽ thấy an ninh và thịnh vượng của nước này và khu vực được bảo đảm bởi trật tự này. Nhật Bản nhận thấy phải có trách nhiệm trong việc duy trì trật tự khu vực, và đang tiến hành những bước đi táo bạo, thận trọng và cần thiết để trở thành một đối tác tích cực và có trách nhiệm.

Tác giả là Jason Buckley, chuyên gia nghiên cứu chiến lược thuộc Đại học Quốc gia Úc. Bài viết đăng trên “Diễn đàn Đông Á”.

Vũ Hiền (gt)