Tóm tắt 

- Chuyến thăm Philippines, Indonesia, Việt Nam và Úc của Thủ tướng Shinzo Abe từ ngày 12-17/1 đã củng cố những quan ngại chiến lược của Nhật Bản đang tăng lên ở Đông Nam Á và cơ hội để Nhật Bản giữ một vai trò khu vực chủ động hơn. 

- Sự tham gia của Nhật Bản trong cuộc tập trận quân sự Mỹ-Philippines lớn năm 2017 đã tăng cường hợp tác ba bên giữa 3 quốc gia này, trong khi chuyến đi đến Úc trong chuyến thăm gần đây của ông Abe đã tái khẳng định sự tương đồng mạnh mẽ các lợi ích chiến lược giữa Canberra và Tokyo. 

- Chuyến thăm Indonesia đã đem lại ít kết quả cụ thể nhất và cho thấy một sự thiếu vắng các lợi ích hội tụ giữa ông Abe và Chính quyền Jokowi. 

- Tuy nhiên, chuyến thăm Hà Nội của ông Abe đã tăng cường hơn nữa quan hệ toàn diện và gần như không có vấn đề giữa Nhật Bản và Việt Nam. Trong khi hợp tác kinh tế vẫn là trung tâm cho mối quan hệ này, hợp tác biển chiến lược đã có được sự nổi bật. 

Giới thiệu 

Trong 6 ngày vào tháng 1/2017, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã di chuyển trên 18.000 ki-lô-mét, đến thăm Philippines, Indonesia, Việt Nam và Úc – 3 nước đông dân nhất Đông Nam Á và một đối tác an ninh quan trọng nhất của Nhật Bản sau Mỹ. Thời điểm và kế hoạch hành trình của chuyến đi có phần gấp gáp này phản ánh nhiều lo ngại chung về nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump; quan ngại đang tăng lên của Nhật Bản với thách thức từ Trung Quốc đối với vị trí kinh tế dẫn đầu của nước này ở Đông Nam Á; và những nỗ lực của ông Abe lợi dụng những quan ngại này nhằm tăng cường sự lãnh đạo khu vực của Nhật Bản. 

Trong 2 thập kỷ gần đây nhất, chiến lược lớn của Nhật Bản đã tập trung vào việc hỗ trợ trật tự an ninh châu Á-Thái Bình Dương do một nước Mỹ tương đối suy giảm và đang tham chiến ở Trung Đông lãnh đạo, và chống lại những nỗ lực của một Bắc Kinh bạo gan nhằm thay thế điều này bằng một trật tự an ninh châu Á do Trung Quốc lãnh đạo. Nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump gây ra sự nghi ngờ lớn hơn đối với cam kết của Mỹ duy trì vị trí chiến lược dẫn đầu của nước này ở châu Á-Thái Bình Dương và biện pháp mà theo đó họ có thể tìm cách làm như vậy. Các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Indonesia dưới thời Tổng thống Jokowi và Philippines dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, đã trở thành những nước hưởng lợi lớn từ ngoại giao cơ sở hạ tầng của Bắc Kinh, gia tăng tiềm năng Trung Quốc thay thế Nhật Bản làm đối tác cơ sở hạ tầng và phát triển chính của họ. 

Quan điểm chung này sẽ nhìn vào điều mà chuyến thăm của ông Abe đến mỗi quốc gia này nói với chúng ta về lợi ích của họ trong việc tăng cường quan hệ với Nhật Bản. Cần nhớ rằng một sự tương đồng các lợi ích giữa các nhà nước khác biệt với một sự hội tụ các lợi ích, ngay dù cả hai đều hỗ trợ sự hợp tác chặt chẽ hơn. 

12-13/1: Philippines 

Điểm đến đầu tiên là Philippines. Chính sách đối ngoại và an ninh của Philippines dưới thời ông Duterte đã và đang làm trầm trọng thêm những quan ngại của Nhật Bản đối với sự hỗ trợ của Đông Nam Á cho trật tự an ninh do Mỹ lãnh đạo hiện nay và việc Trung Quốc thay thế Nhật Bản về mặt kinh tế trong khu vực. Từ năm 2013 đến năm 2016, Tổng thống Aquino và Thủ tướng Abe đã thực hiện thành công việc tạo ra một mối quan hệ cá nhân gần gũi, và chiến lược lớn của Chính quyền Aquino đã củng cố một sự tương đồng mạnh mẽ các lợi ích với Nhật Bản. Những sự thay đổi đột ngột trong giọng điệu và chính sách đối ngoại và an ninh của Philippines xuất hiện cùng với ông Duterte làm dấy lên những câu hỏi về mối quan hệ tương lai giữa đồng minh chủ yếu của Mỹ ở Đông Bắc Á và ở Đông Nam Á. 

Tuy nhiên, với chuyến thăm Nhật Bản của ông Duterte vào tháng 10/2016, quan hệ Nhật-Philippines đã được tăng cường nhờ những lợi ích chung và hội tụ của cả hai bên. Ông Duterte, trích dẫn Kinh thánh, nhắc đến Nhật Bản như “một người bạn gần gũi hơn cả một người anh em” và đã mời ông Abe, nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Philippines kể từ khi ông Duterte lên nắm quyền vào tháng 6/2016, đến ăn sáng ở dinh thự của ông Duterte ở thành phố Davao. 

Trên mặt trận kinh tế, Thủ tướng Abe, người đã mang theo mình phái đoàn doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng, đã tuyên bố một gói viện trợ và đầu tư trong 5 năm trị giá 1.000 tỷ yên (8,8 tỷ USD), tập trung vào chương trình cơ sở hạ tầng đầy tham vọng của Chính quyền Duterte. Đây là một trong những gói viện trợ lớn nhất từng được Nhật Bản tập hợp cho riêng một quốc gia và ít nhất là sánh được tính theo giá trị đồng đôla với các cam kết cơ sở hạ tầng do Trung Quốc đưa ra trong suốt chuyến thăm của Duterte đến Trung Quốc vào tháng 10/2016. Gói viện trợ mới này của Nhật Bản kết hợp với những cam kết của Nhật Bản đưa ra vào tháng 10/2016 với Chính quyền Aquino sẽ duy trì vị trí của Nhật Bản là đối tác cơ sở hạ tầng và phát triển quan trọng nhất của Philippines, hoặc ít nhất cho đến khi Trung Quốc quyết định tăng thêm đầu tư một lần nữa trong cuộc tranh đấu về cơ sở hạ tầng đang diễn ra giữa 2 nước láng giềng Đông Bắc Á. Ông Duterte đã tuyên bố các kế hoạch tham dự hội nghị thượng đỉnh “Một vành đai, một con đường” ở Trung Quốc vào tháng 5. 

Trên mặt trận an ninh, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã thông báo với các phóng viên rằng 2 nhà lãnh đạo đã nhất trí về sự cần thiết và lợi ích của cam kết được tiếp tục của Mỹ với khu vực và những tranh chấp về các quyền lãnh thổ và trên biển nên được giải quyết thông qua pháp trị. Về phía Nhật Bản, ông Abe có thể đóng một vai trò bắc cầu và thay thế làm yên lòng giữa Mỹ và ông Duterte. Đổi lại, ông Duterte có thể trấn an Nhật Bản và khu vực rộng lớn hơn rằng chính sách đối ngoại và an ninh của Philippines không tách rời khỏi việc hỗ trợ trật tự khu vực hiện tại và đối với Trung Quốc có nhiều sự lo sợ ngang bằng. 

Để hỗ trợ điều này, trong chuyến thăm có loan báo rằng Nhật Bản sẽ tham gia cuộc tập trận thường niên Balikatan Mỹ-Philippines, tái khẳng định rằng cuộc tập trận quân sự Mỹ-Philippines lớn nhất và quan trọng nhất này sẽ không bị hủy bỏ trong năm nay mà còn được mở rộng để bao gồm đối tác an ninh quan trọng thứ hai của Philippines. Ba ngày sau chuyến thăm của ông Abe, Bộ Ngoại giao Philippines tuyên bố rằng họ đã đưa ra một sự phản kháng ngoại giao với Trung Quốc về việc nước này quân sự hóa các đảo nhân tạo được xây dựng gần đây bên trong khu vực đặc quyền kinh tế của Philippines. 

13-15/1: Úc

Úc là chuyến đi duy nhất trong chuyến thăm khu vực của ông Abe vượt ra ngoài Đông Nam Á. Việc bao gồm Úc đã phản ánh tầm quan trọng của những quan ngại về Đông Nam Á chung giữa Nhật Bản và Úc, và của mối quan hệ an ninh Úc -Nhật Bản được duy trì liên tục và làm sâu sắc thêm mà đã diễn ra trong 2 thập kỷ qua, Nhật Bản và Úc thường xuyên được nhắc đến như là mỏ neo “phía Bắc” và “phía Nam” của hệ thống liên minh của Mỹ ở Đông Á, và rộng lớn hơn là trật tự an ninh khu vực do Mỹ lãnh đạo. Đông Nam Á là lý do cho nhiều vấn đề giữa hai mỏ neo này. 

Chuyến thăm của ông Abe có 4 điểm quan trọng đối với Đông Nam Á: 

- Cả hai thủ tướng đã tái khẳng định sự hỗ trợ mạnh mẽ tiếp tục của quốc gia họ dành cho trật tự an ninh khu vực do Mỹ lãnh đạo và vai trò của Mỹ ở Đông Á. Thủ tướng Malcolm Turnbull tuyên bố rằng “đối với cả hai đất nước chúng ta, Mỹ vẫn là nền tảng của những dàn xếp chiến lược và an ninh. Liên minh tương ứng của chúng ta, liên minh với Mỹ hiện nay là thích đáng và quan trọng như chúng đã từng. Chúng ta sẽ làm việc chặt chẽ với chính quyền Mỹ sắp tới như chúng ta đã làm để thúc đẩy các lợi ích của khu vực, và các mục tiêu chung của chúng ta”. 

- Tuyên bố chung của họ tái khẳng định rằng TPP là một “sự ưu tiên không thể thiếu bởi vì những lợi ích kinh tế và chiến lược quan trọng nó đem lại”, với việc cả hai nhà lãnh đạo cam kết hợp tác cùng nhau để thúc đẩy việc sớm ban hành hiệp định này. 

- Hai nhà lãnh đạo tập trung vào vấn đề Biển Đông và Triều Tiên như là hai quan ngại an ninh cấp thiết của họ. Cả hai tái khẳng định rằng những tranh chấp cần được giải quyết phù hợp với luật pháp quốc tế bao gồm UNCLOS. Chính quyền Trump mới cũng có thể gây sức ép để Úc và Nhật Bản trở nên tham gia tích cực hơn việc đẩy lùi Trung Quốc ở Biển Đông.

- Canberra và Tokyo đã tăng cường khả năng quân sự của họ nhằm làm việc chặt chẽ hơn với nhau. Hai nhà lãnh đạo đã ký một hiệp định sửa đổi về công tác hậu cần, cho phép Nhật Bản cung cấp đạn dược cho Úc trong các cuộc tập trận và các hoạt động có liên quan đến hai quân đội. Hiệp định trước bị hạn chế ở việc chuyển giao thiết bị liên quan đến các hoạt động nhân đạo và cứu trợ thiên tai. Họ cũng đã cam kết sớm ký kết một hiệp định pháp lý nhằm tạo thuận lợi cho những chuyến thăm và các cuộc tập trận quân sự trong tương lai. 

Ông Abe và ông Turnbull đã tái khẳng định bằng lời nói và hành động lợi ích chung của họ trong việc hỗ trợ trật tự an ninh khu vực do Mỹ lãnh đạo và sự hiện diện của Mỹ ở khu vực. Điều này nhằm tái khẳng định sự chắc chắn trong một giai đoạn bất ổn không thể tranh cãi. 

15-16/1: Indonesia 

Thoạt nhìn, chuyến thăm Indonesia của Shinzo Abe có một mục đích kinh tế rõ ràng khi ông mang theo mình phái đoàn 30 doanh nhân xuất chúng. Nhật Bản là một nhà đầu tư nước ngoài dẫn đầu ở Indonesia, với các đầu tư đạt 4,5 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2016. Thương mại song phương đã tăng đạt 24 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2016. Theo Bộ trưởng điều phối các vấn đề trên biển Luhut Pandjaitan, người đã nêu ra Nhật Bản là “mô hình lý tưởng cho phát triển cơ sở hạ tầng”, Tổng thống Indonesia Joko “Jokowi” Widodo và Thủ tướng Abe đã thảo luận 4 dự án chiến lược lớn, đó là dự án cảng Patimban, dự án đường sắt Jakarta-Surabaya, lô dầu mỏ và khí đốt Đông Natuna, và các dự án hóa học và phân bón. Tuy nhiên, theo điều tra kỹ lưỡng hơn, chuyến thăm Indonesia của ông Abe có tính chiến lược hơn là kinh tế. Ông chủ yếu quan tâm các vấn đề an ninh, trái ngược với ông Jokowi, người chủ yếu quan tâm đến các lợi ích kinh tế. Ngoại trừ dự án cảng Parimban, những lời phát biểu đưa ra tại cuộc họp báo chung sau cuộc họp kín khá là mang tính xoa dịu, với việc cả hai nhà lãnh đạo chủ yếu nhấn mạnh đến sự hợp tác kinh tế song phương tiếp tục. 

Nhưng điều chỉ ra từ cuộc họp báo là việc ông Abe nói rằng Nhật Bản coi việc duy trì trật tự dựa trên luật lệ ở Đông Nam Á bằng việc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế là có tầm quan trọng to lớn. Về mặt này, ông cam kết Nhật Bản sẽ hợp tác với Indonesia về an ninh trên biển, nhất là đối với quần đảo Natuna. Tuy nhiên, trên thực tế, tất cả điều này có khả năng bị bác bỏ vì ông Jokowi sẽ không sẵn lòng cho phép một quốc gia nước ngoài tham gia việc tuần tra vùng biển của Indonesia. 

Hợp tác với Nhật Bản về an ninh trên biển ở Biển Đông cũng có thể tạo ra sự lo lắng ở Bắc Kinh, điều mà Indonesia muốn tránh, xét cam kết kinh tế song phương được tăng cường trong quan hệ Trung Quốc-Indonesia. Có lẽ một sự phát triển ít gây tranh cãi hơn sẽ là việc Nhật Bản tăng cường hợp tác trên biển của họ với các quốc gia thành viên của Hiệp hội vành đai Ấn Độ Dương, hiện nay do Indonesia làm chủ tịch. 

Không có sự đề cập nào đến “Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” của ông Abe tại cuộc họp báo, mặc dù đề xuất này được đưa tin là đã được thảo luận tại cuộc họp kín. Đề xuất tìm cách thúc đẩy “hợp tác giữa Nhật Bản, các quốc gia ASEAN, Mỹ, Úc và Ấn Độ”. Đề xuất này được tờ The Jakarta Post mô tả là “tầm nhìn của Nhật Bản về kế hoạch ‘Một vành đai, một con đường’ (OBOR)”. 

Truyền thông Indonesia đã tỏ ra thiếu nhiệt tình với chuyến thăm của ông Abe, có lẽ bởi vì hầu hết các dự án có liên quan đến Nhật Bản là những cam kết hơn là những công việc cụ thể. Bài xã luận trên tờ The Jakarta Post đã bày tỏ sự thất vọng đối với chuyến thăm của ông Abe và kêu gọi Nhật Bản mở cửa các thị trường của nước này cho các sản phẩm nông nghiệp và ngư nghiệp của Indonesia, và cho “những người lao động giá rẻ nhưng chất lượng”. Bài xã luận cũng quy kết sự chậm chạp trong quan hệ của Nhật Bản với Indonesia là do Jakarta “nghiêng về phía Trung Quốc”. 

Đồng thời, bài xã luận đã tuyên bố như sau: “Với việc Indonesia thể hiện thái độ thù địch ở một mức độ nhất định đối với một Trung Quốc đang trỗi dậy, Nhật Bản nằm trong số ít những quốc gia có thể đóng vai trò răn đe đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này”. Do đó, Nhật Bản có thể giúp Indonesia hạn chế sự phụ thuộc của họ vào Trung Quốc. Sự cam kết với Nhật Bản cũng sẽ có khả năng được chấp nhận hơn đối với dân chúng Indonesia. 

16-17/1: Việt Nam 

Việt Nam là điểm đến cuối cùng trong chuyến đi của Shinzo Abe, nhưng Hà Nội không bao giờ kém quan trọng hơn so với các quốc gia Đông Nam Á khác đối với chiến lược khu vực của ông. Quả thực, 4 năm trước, sau khi trở lại vị trí thủ tướng, Việt Nam là nước đầu tiên ông Abe đến thăm. Dưới cương vị quản lý của ông, quan hệ song phương đã được tăng cường liên tục, được thúc đẩy bởi sự tin tưởng lẫn nhau mạnh mẽ và những lợi ích quốc gia ngày càng hội tụ về phương diện kinh tế và chiến lược. 

Không giống hầu hết các mối quan hệ lớn của cả hai quốc gia, quan hệ song phương giữa 2 nước nhìn chung không có vấn đề gì và không mang theo hành trang lịch sử nào. Đến năm 2016, Nhật Bản đã trở thành nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất, nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai, nguồn khách du lịch lớn thứ ba, và đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam. Khi cả hai quốc gia là thành viên của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), quan hệ kinh tế song phương sẽ được tăng cường hơn nữa nếu hiệp định vượt qua được sự phản ứng dữ dội chống toàn cầu hóa hiện nay ở Mỹ. Cả hai nhà lãnh đạo đã công khai tái khẳng định cam kết của mình với TPP, với việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định với ông Abe rằng Việt Nam đang tiến hành các bước phê chuẩn TPP. 

Trong chuyến thăm của mình, ông Abe đã cam kết cung cấp cho Việt Nam 123 tỷ yên (1,05 tỷ USD) nguồn vốn ODA trong năm tài khóa 2016, mà sẽ được sử dụng, trong số những việc khác, cho việc tăng cường an ninh trên biển của Việt Nam, cải thiện khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu của nước này, và nâng cấp các hệ thống xử lý chất thải ở một số thành phố của Việt Nam. Hai bên cũng ký kết một số hiệp định cho vay, theo đó Nhật Bản sẽ cung cấp vốn cho một nhà máy điện của Việt Nam và chương trình Hỗ trợ quản lý kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh (EMCC) nhằm mục đích cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam. 

Trong khi hợp tác kinh tế là đặc trưng nổi bật trong chương trình nghị sự của chuyến thăm của ông Abe, đóng góp có ý nghĩa nhất của chuyến thăm đối với sự phát triển của các mối quan hệ song phương có lẽ là khía cạnh chiến lược được làm sâu sắc thêm mà nó thể hiện. 

Đặc biệt, trong chuyến thăm, Thủ tướng Abe đã tuyên bố rằng Nhật Bản sẽ cung cấp cho Việt Nam thêm 6 tàu tuần tra trị giá 338 triệu USD, ngoài 6 tàu Tokyo đã cam kết với Hà Nội vào năm 2014, Nhật Bản được cho là sẽ bán 2 vệ tinh radar tiên tiến cho Việt Nam, sẽ được chuyển giao vào năm 2017 và 2018 thông qua nguồn vốn ODA của Nhật Bản. Trong khi đó, Hà Nội cũng được cho là đang xem xét việc mua máy bay giám sát săn ngầm P-3C đã qua sử dụng từ Tokyo. 

Sự chú trọng của hai bên vào an ninh trên biển làm nổi bật những quan ngại chung của hai nước về những sự thay đổi gần đây trong bối cảnh trên biển của khu vực, đặc biệt sức mạnh trên biển ngày càng chi phối của Trung Quốc và sự quyết đoán đang tăng lên của nước này trong các tranh chấp trên biển. Vì Nhật Bản và Việt Nam phải đối mặt với những áp lực lần lượt ở biển Hoa Đông và Biển Đông, hợp tác chiến lược để đối phó với Bắc Kinh đương nhiên trở thành một nhu cầu cấp thiết đối với cả hai bên, và chính sự cấp thiết chiến lược này đã chèo lái hợp tác phòng thủ của họ tiến triển trong những năm gần đây. 

Tại một cuộc họp báo trong chuyến thăm, ông Abe đã nhấn mạnh những lợi ích chung trên biển của hai quốc gia bằng việc đề cập một cách hoa mỹ đến nước sông Hồng ở miền Bắc Việt Nam chảy vào Biển Đông và biển Hoa Đông nối với Vịnh Tokyo. “Không điều gì có thể cản trở tự do di chuyển dọc tuyến đường này, Nhật Bản và Việt Nam là 2 nước láng giềng được kết nối bởi đại dương tự do”. Ông nói thêm rằng 4 quốc gia ông đến thăm trong chuyến đi này là những nước láng giềng quan trọng của Nhật Bản, cùng chung Thái Bình Dương tự do và các giá trị căn bản, và “các nguyên tắc an ninh và an toàn trên biển và tự do hàng hải là rất quan trọng và luật pháp phải được tuân thủ đầy đủ”. Mặc dù không đề cập đến một quốc gia nào cụ thể, sự quyết đoán trên biển gần đây của Trung Quốc dường như là bối cảnh chính cho những lời phát biểu của ông Abe. 

Tóm lại, chuyến thăm Hà Nội của Thủ tướng Abe đã tăng cường hơn nữa mối quan hệ toàn diện và gần như không có vấn đề giữa hai nước, được xây dựng dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau mạnh mẽ và các lợi ích chiến lược ngày càng hội tụ. Như vậy, Việt Nam tiếp tục là một đối tác chủ chốt trong chiến lược an ninh của Nhật Bản, chiến lược tìm cách “bình thường hóa” và tăng cường vai trò an ninh quốc tế của Tokyo trong bối cảnh một Trung Quốc đang trỗi dậy, mà đã tạo ra những sự thay đổi chấn động trong cảnh quan chiến lược khu vực. 

Ảnh hưởng của Nhật Bản trên cán cân 

Để tối đa hóa quyền tự trị chiến lược của chính mình, các nhà nước Đông Nam Á từ lâu đã tìm cách cân bằng quan hệ của họ với các cường quốc chủ yếu và bảo đảm rằng không cường quốc chủ yếu nào chi phối trong khu vực. Nhật Bản dưới thời ông Abe đang chủ động tìm cách tăng cường quan hệ kinh tế và an ninh trong khu vực nhằm chống lại tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đang trỗi dậy và sự lo sợ về việc tầm ảnh hưởng của Mỹ đang suy giảm. 

Chuyến đi vừa qua của ông Abe tái khẳng định một sự tương đồng các lợi ích trên mặt trận này giữa Nhật Bản và Úc, và các lợi ích hội tụ giữa Nhật Bản, Philippines và Việt Nam. Những thông điệp từ Indonesia, như thường thấy, có tính hỗn độn hơn. 

Vị trí chính trị mạnh mẽ và gần đây được củng cố ở trong nước của Thủ tướng Abe và lo ngại chiến lược đang gia tăng của Nhật Bản cho thấy nhiều chuyến đi như vậy hơn đến Đông Nam Á là có khả năng. Mức độ dễ tiếp nhận của các nhà nước Đông Nam Á và ASEAN đối với ngoại giao chủ động của Nhật Bản sẽ cho chúng ta biết các nhà nước này sẽ như thế nào trong việc cân bằng mối quan hệ của họ với các cường quốc chủ yếu trong những hoàn cảnh hiện nay hoặc liệu những hoàn cảnh này có cản trở một sự cân bằng như vậy hay không.

Leo Suryadinata là chuyên viên liên kết cao cấp, Malcolm Cook là chuyên viên cao cấp, Lê Hồng Hiệp và Mustafa Izzuddin là chuyên viên tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) – Viện Nghiên cứu Yusof Ishak. Bài viết được đăng trên ISEAS.

Trần Quang (gt)