Nếu có một nhân vật duy nhất đóng vai trò lớn nhất trong việc mang lại kỷ nguyên Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thì người ta có thể cho rằng đó là Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Kể từ khi trở lại nắm quyền vào năm 2012, với tư tưởng kiên định không ai sánh kịp, ông đã tận tâm cải tổ không chỉ chính sách đối ngoại của Nhật Bản hậu Chiến tranh thế giới thứ hai, mà còn cả trật tự thế giới hậu Mỹ đang nổi lên.

Trong một bài xã luận có ảnh hưởng vào năm 2012, mang tên “Vành đai Kim cương an ninh dân chủ châu Á”, ông đã đề ra một trong những giải trình thuyết phục nhất về việc Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương là một đơn vị địa chính trị không thể tách rời. “Hòa bình, ổn định và tự do hàng hải ở Thái Bình Dương không thể tách rời với hòa bình, ổn định và tự do hàng hải ở Ấn Độ Dương”, đây thực tế là sự nhắc lại bài phát biểu của ông tại Quốc hội Ấn Độ vào năm 2007, có tựa đề là “Sự hội tụ của hai vùng biển”, nói về “một châu Á rộng lớn hơn” và sự kết nối năng động giữa hai đại dương rộng lớn là “các vùng biển tự do và thịnh vượng”.

Dưới sự lãnh đạo của mình, ông đã cam kết rằng Nhật Bản sẽ “đóng vai trò lớn hơn trong việc gìn giữ lợi ích chung ở cả hai khu vực. Chưa đầy một thập kỷ sau, hầu hết tất cả các bên liên quan trên khắp châu Á, Bắc Mỹ và châu Đại Dương, giờ đây đã chấp nhận tầm nhìn của Abe như một điều hiển nhiên về địa chính trị. Cựu Đô đốc Mỹ Harry Harris, có mẹ là người Nhật Bản và hiện nay là Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc, đã gây tiếng vang lớn với phát biểu đáng nhớ về một đơn vị địa chính trị duy nhất trải dài từ “Hollywood đến Bollywood”.

Điều quan trọng là Chính quyền Trump toàn tâm toàn ý chấp nhận nền tảng tư tưởng và mang tính quy chuẩn trong tầm nhìn của Abe, vốn đã kêu gọi sự phối hợp của các cường quốc dân chủ, có thể kể đến Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ, giữa lúc Trung Quốc – một cường quốc nổi trội theo chủ nghĩa xét lại của thế kỷ 21 - đang trỗi dậy. Do đó, tương lai chính trị của nhà lãnh đạo Nhật Bản, và việc liệu những người kế nhiệm ông có chấp nhận học thuyết chiến lược của ông hay không, và số phận của một trật tự “tự do và cởi mở” ở châu Á có liên kết chặt chẽ với nhau.

Người mang sứ mệnh

Trong những năm gần đây, với động lực gần như muốn “phục thù”, Abe đã giám sát nhiều cái lần đầu tiên đối với bản thân và đất nước của mình. Dưới thời Abe, Nhật Bản đã thông qua chi tiêu quốc phòng lớn nhất được ghi nhận, đang tìm kiếm tàu sân bay đầu tiên và triển khai các xe bọc thép đầu tiên cho các cuộc tập trận quân sự ở nước ngoài kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.

Ông cũng đã trở thành nhà lãnh đạo trẻ nhất Nhật Bản, ở tuổi 52, trong lần cầm quyền đầu tiên vào năm 2006, và là người thuộc thế hệ đầu tiên được sinh ra sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Nhấn mạnh chuỗi ngoại giao chủ động của mình, ông đã vượt xa các đồng nghiệp của mình trong việc vươn tới các nhân vật xuất chúng theo đường lối dân túy, những người đã đánh bại hai trong số các nền dân chủ lâu đời nhất ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Abe là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp gỡ Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay sau chiến thắng bầu cử của ông, cũng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Philippines dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte. Trong một màn trình diễn tuyệt vời về mối quan hệ cá nhân, ông nhiệt tình cùng Trump chơi golf ở Mar-o-Lago, trong khi cùng dùng bữa sáng tại nhà của Duterte ở thị trấn Davao.

Dựa trên các cuộc thảo luận với các quan chức cấp cao của Nhật Bản, tác giả cũng được biết rằng Abe đã tích cực hối thúc Trump và Duterte khôi phục mối quan hệ song phương đã trở nên gay gắt dưới thời Chính quyền Obama.

Và có lẽ, không có nhà lãnh đạo nào đi khắp toàn cầu như Abe. Từ năm 2012 đến năm 2014, chưa đầy hai năm kể từ khi trở lại nắm quyền, Abe đã đến thăm 42 quốc gia, đi khắp châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh, nơi ông cam kết các khoản đầu tư quy mô lớn của Nhật Bản, các giao dịch thương mại, và quan trọng nhất là hỗ trợ phát triển. Gần như một tay ông đã biến Nhật Bản thành một bên tham gia toàn cầu lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ.

Sau khi đắc cử lần thứ ba liên tiếp, với tư cách là chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền vào tháng 9/2018, nhận được 553 phiếu trong tổng số 807 phiếu của các đảng viên, Abe đang trở thành nhà lãnh đạo Nhật Bản có thời gian cầm quyền lâu nhất trong lịch sử hậu chiến. Đây là một minh chứng cho sức hút cá nhân và hiểu biết chính trị đáng chú ý của ông, một bước ngoặt kịch tính trong vận mệnh chính trị sau khi ông đột ngột từ chức vào năm 2007.

Nhưng điều đó cũng phản ánh bầu không khí đang thay đổi trong xã hội Nhật Bản mà đã diễn ra cùng với việc cơ cấu lại quyền lực giữa giới tinh hoa chính trị. Sự thay đổi này đang diễn ra ngay khi đất nước này đang vật lộn với sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc, việc các nhóm đối lập trong nước hoàn toàn bị gạt ra ngoài lề và những thách thức kinh tế sâu sắc về cấu trúc trong bối cảnh dân số đang già đi nhanh chóng.

Trước cuộc tái tranh cử định mệnh của mình, Abe đã tuyên bố rằng ông quyết tâm “cùng nhau xây dựng một đất nước mới”, hứa hẹn “sẽ đi đầu trong việc mang lại một Nhật Bản đầy tự hào và hy vọng cho các thế hệ trẻ”.

Nói tóm lại, Abe tự coi mình là một nhà lãnh đạo tạo ra sự thay đổi, một nhân vật lịch sử thế giới sẽ làm hồi sinh sự tự tôn và tính năng động đã mất của Nhật Bản sau “những thập kỷ mất mát” cuối thế kỷ 20, nơi sự trì trệ kinh tế dai dẳng diễn ra sau một cuộc suy thoái lớn vào những năm 1990.

Các bẫy Thucydides khác

Không chỉ có niềm tự hào - niềm hy vọng sẽ đưa Nhật Bản trở lại thời kỳ huy hoàng của nước này - đang thúc đẩy chương trình nghị sự của Abe. Đó còn là cả nỗi sợ hãi, đặc biệt là về Trung Quốc. Cái bẫy Thucydides của Graham Allison, cụ thể là có thể nhận thấy rõ những va chạm mang tính cấu trúc có khả năng bùng nổ giữa một cường quốc đang trỗi dậy nhanh chóng và một cường quốc nguyên trạng không vững chắc ở châu Á

Trong khi GDP và chi tiêu quân sự của Mỹ tiếp tục vượt lên trên của Trung Quốc, một sự đảo ngược mạnh mẽ vai trò đã diễn ra ở Đông Á với cú sốc đáng sợ nhất đối với một quốc gia là Nhật Bản.

Trở lại năm 1990, GDP của Nhật Bản, mặc dù có dân số chỉ bằng khoảng một nửa so với Mỹ và nhỏ hơn mười lần so với Trung Quốc, nhưng chiếm đến 15% sản lượng kinh tế toàn cầu. Đến năm 2008, chỉ số này đã giảm xuống còn 10% và được dự đoán sẽ giảm xuống chỉ còn 6% trong vòng một thập kỷ kể từ thời điểm hiện tại. Từ năm 1990 đến năm 2030, phần đóng góp vào GDP toàn cầu của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng từ 2% lên nhiều nhất là 25%.

Năm 2008 là một cú sốc lớn đối với thế giới phương Tây, với việc Phố Wall là tâm điểm của cuộc suy thoái toàn cầu. Tuy nhiên, trong trường hợp của Nhật Bản, nước này đã chứng kiến Trung Quốc chấm dứt vị thế lâu đời của mình với tư cách là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, trên thực tế Nhật Bản đã không còn giữ được địa vị bá quyền kinh tế ở châu Á.

Tái cân bằng kinh tế đã đi cùng với những thay đổi nhanh chóng trong cán cân sức mạnh quân sự. Vào đầu thế kỷ 21, ngân sách quốc phòng Nhật Bản lớn hơn 60% so với ngân sách của Trung Quốc. Chỉ hơn một thập kỷ sau đó vào năm 2012, con số đó chỉ bằng 1/3 của Trung Quốc. Nhưng nó không chỉ là vấn đề thay đổi về số lượng, do Trung Quốc đầu tư ngày càng nhiều vào công nghệ quân sự tiên tiến, vốn đang từng bước phá vỡ lợi thế về chất của Nhật Bản so với Trung Quốc.

Đối với nỗi kinh hoàng của Tokyo, sự đảo ngược mạnh mẽ trong cán cân sức mạnh Trung-Nhật đã đi cùng với việc Trung Quốc công khai thách thức quyền nắm giữ của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Theo nhiều cách, thái độ quyết đoán trên biển ngày càng tăng của Bắc Kinh ở biển Hoa Đông là một nỗ lực nhằm đảo ngược thất bại nhục nhã của Trung Quốc trước Nhật Bản trong cuộc chiến hải quân năm 1884-1885, mà đã dẫn đến sự bành trướng đế quốc kéo dài hàng thập kỷ của Nhật Bản trong phạm vi ảnh hưởng của Bắc Kinh. Sự bành trướng này sau đó bao gồm cả vùng trung tâm: cụ thể là việc giành lại Đài Loan vào năm 1895, sáp nhập Bán đảo Triều Tiên vào năm 1910 và cuộc xâm lược Trung Quốc Đại lục bắt đầu với việc chiếm đóng Mãn Châu (1931) và lên đến đỉnh điểm là cuộc chiến tranh Trung-Nhật năm 1937.

Việc Nhật Bản chiếm đóng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, mà được tái chiếm vào năm 1972 sau khi nằm dưới sự kiểm soát của quân Mỹ chiếm đóng tạm thời, là một lời nhắc nhở đau đớn về những thất bại nhục nhã của Trung Quốc dưới bàn tay của một nước chư hầu trước đây. Công thức lâu đời cho việc “hoãn binh” các tranh chấp chủ quyền để tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác kinh tế của Chu Ân Lai (và sau này là của Đặng Tiểu Bình), đã nhường chỗ cho những nỗ lực phục thù của Bắc Kinh nhằm giành lấy quyền kiểm soát những gì họ tin là thuộc về họ một cách chính đáng và thuộc về họ về mặt lịch sử.

Liên minh kiềm chế

Không lâu sau một loạt các cuộc đàm phán về những thỏa thuận thăm dò chung ở biển Hoa Đông vào cuối những năm 2000, các tranh chấp lãnh thổ đã đạt đến điểm bùng phát, đe dọa sẽ xé tan các mối quan hệ song phương. Đây đặc biệt là trường hợp xảy ra sau vụ Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản bắt giữ một thuyền trưởng tàu đánh cá Trung Quốc vào năm 2010 ở các khu vực có tuyên bố chủ quyền chồng lấn, cho thấy Bắc Kinh trả đũa thông qua việc áp đặt hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản. Ngoài ra, những tranh chấp này đã gây ra sự hỗn loạn trong các cuộc biểu tình bạo lực chống Nhật Bản ở Trung Quốc hai năm sau đó, là một phản ứng đối với việc Tokyo quyết định quốc hữu hóa các cấu trúc địa hình đất liền đang tranh chấp để ngăn chặn một động thái tương tự của tỉnh trưởng Tokyo khi đó là Shintaro Ishihara, người theo đường lối cứng rắn.

Ngay từ giữa những năm 2000, Abe đã coi thái độ quyết đoán trên biển ngày càng tăng của Trung Quốc là một mối đe dọa trực tiếp đối với lợi ích của Nhật Bản cũng như đối với trật tự khu vực rộng lớn hơn. Ông hiểu chính xác những thay đổi mang tính kiến tạo trong cán cân quyền lực khu vực, và rộng hơn là toàn cầu, bằng một cảm giác về sự cấp bách. Giải pháp của ông: sự hình thành một liên minh bốn bên, hay còn gọi là Bộ Tứ.

Vào tháng 12/2006, chỉ 3 tháng sau khi lên cầm quyền, Abe đã gặp người đồng cấp Ấn Độ lúc đó là Manmohan Singh tại Nhật Bản. Trong tuyên bố chung, hai nhà lãnh đạo đã miêu tả “Ấn Độ và Nhật Bản là các đối tác tự nhiên” và là “các nền dân chủ lớn nhất và phát triển nhất của châu Á”, nơi mỗi bên “góp phần vào sự tiến bộ và thịnh vượng của nhau”. Họ nhấn mạnh cuộc đối thoại giữa Ấn Độ, Nhật Bản và các nước cùng chí hướng khác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương về các chủ đề cùng quan tâm là rất hữu ích.

Hai tháng sau, Abe nhắc lại các giá trị dân chủ chung của 4 nước trong chuyến thăm của Thủ tướng Úc khi đó là John Howard. Đến tháng 4/2007, Abe đã ở Washington để đưa ra một lập luận tương tự, với hy vọng thuyết phục Chính quyền Bush vượt ra ngoài các thỏa thuận liên minh ba bên chỉ với Nhật Bản và Úc, và để mặc Ấn Độ.

Có lẽ thậm chí còn hơn cả sự dè dặt của Úc khi đó trong việc tham gia bất kỳ liên minh không chính thức nào chống lại Trung Quốc, được củng cố bởi việc Kevin Rudd lên nắm quyền, cũng như thái độ nước đôi của Ấn Độ, vì nước này nhạy cảm trước việc duy trì các mối quan hệ được bình thường hóa với Bắc Kinh, thì chính việc Abe từ chức vào cuối năm 2007 đã khai tử Bộ Tứ 1.0.

Khi có được cơ hội cầm quyền lần thứ hai, Abe đã không lãng phí một giây trong việc thúc đẩy tầm nhìn của mình về sự kiềm chế Trung Quốc. Sự kiềm chế này được theo đuổi thông qua hợp tác an ninh hàng hải lớn hơn, phối hợp ngoại giao và các dự án phát triển chung giữa các nền dân chủ lớn trên toàn cầu, trong đó có Pháp và Anh, những nước cũng có các vùng lãnh thổ nằm ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ông giám sát việc nâng cấp liên minh Mỹ-Nhật lên thành Đường lối chỉ đạo phòng thủ song phương được sửa đổi vào năm 2015, mang lại sức mạnh tác chiến và tính linh hoạt pháp lý lớn hơn cho các hoạt động quân sự chung trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ba năm sau, hai đồng minh đã tiến hành các cuộc tập trận Keen Sword 19, “lớn nhất và phức tạp nhất” của loại hình này, có sự tham gia của gần 60.000 quân, hàng chục tàu chiến và hàng trăm máy bay.

Nhiều tháng trước đó, tàu sân bay lớn nhất của Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản, tàu sân bay trực thăng Kaga, đã tổ chức cuộc tập trận song phương đầu tiên với nhóm tấn công tàu sân bay Ronald Reagan của Hải quân Mỹ trên Biển Đông. Người ta cho rằng đó là các chiến dịch tự do hàng hải chung đầu tiên ở khu vực này. Trong những tuần tiếp theo, tàu chiến và tàu sân bay trực thăng của Nhật Bản đã đến thăm các cảng có vị trí chiến lược tại các quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cụ thể là Philippines, Indonesia, Singapore, Sri Lanka và Ấn Độ.

Abe cũng đã chống lại sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc thông qua việc đưa ra sáng kiến Kết nối thay thế, trị giá tới 110 tỷ USD, đồng thời hỗ trợ Sáng kiến minh bạch Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới được tạo ra. Sáng kiến kết nối của Abe nhằm mục đích chống lại các chính sách hàng hải theo chủ nghĩa xét lại của Trung Quốc, các chiến dịch gây ảnh hưởng mang tính xâm nhập trên khắp các nền dân chủ khu vực và hoạt động kinh tế trục lợi.

Chính quyền Trump đã kêu gọi một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, theo nhiều cách, là một sự nhắc lại những suy nghĩ trước đây của Abe về trật tự toàn cầu mới nổi - với châu Á nằm ngay trung tâm. Người ta thậm chí có thể lập luận rằng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở là tên gọi khác của học thuyết Abe, mở đường cho việc tạo ra Bộ Tứ 2.0, với ý thức lớn hơn về mục đích, sự gắn kết nội bộ và tính cấp bách, khi Trung Quốc bắt đầu kéo trung tâm hàng hải của châu Á lại về phía mình. Với Abe là “chiếc mỏ neo” cuối cùng của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, câu hỏi đặt ra là liệu những người kế nhiệm của ông ở Nhật Bản có hoàn thành nốt những vấn đề ông để lại sau khi nhiệm kỳ của ông kết thúc hay không. Một câu hỏi thú vị khác là liệu Tokyo có tiềm lực kinh tế để hỗ trợ tầm nhìn của mình cho tương lai có thể thấy trước hay không.

Richard Javad Heydarian là phó giáo sư về khoa học chính trị và các vấn đề quốc tế, Đại học De La Salle, Philippines. Ông nguyên là cố vấn về chính sách cho Hạ viện Philippines.Bài viết được đăng trên The National Interest.

Trần Quang (gt)