tapcanbinh-trung-quoc.jpg

Quan hệ Trung-Nhật đã "rơi xuống vực" vào năm 2010 sau khi một tàu đánh cá của Trung Quốc đâm vào các tàu của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản ở vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền. Mối quan hệ chính trị căng thẳng mà không có đối thoại kéo dài suốt nhiều năm trong khi các mối quan hệ kinh tế được tăng cường một cách nguy hiểm. Sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng giữa hai nền kinh tế trong những năm sau đó không phù hợp với tình hình chính trị căng thẳng.

Chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Abe đến Trung Quốc hôm 26/10 đã đánh dấu việc quan hệ Trung-Nhật trở lại bình thường. Hai nhà lãnh đạo đã thể hiện một mặt trận thống nhất chống chủ nghĩa bảo hộ và nhất trí tăng cường hợp tác kinh tế. Bắc Kinh đã tổ chức tiếp đón trọng thể nhà lãnh đạo Nhật Bản và Tập Cận Bình đang cân nhắc một chuyến thăm đáp lễ.

Đây là một bước đi đúng hướng nhưng chắc chắn có những rủi ro đối với chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Một là Nhật Bản có thể bị coi là nhượng bộ trước Trung Quốc. Sau khi phản đối việc cải tạo đất và quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, cũng như từ chối tham gia Ngân hàng Hạ tầng Đầu tư châu Á - một ngân hàng phát triển do Trung Quốc thành lập - để biến nó thành một công cụ cho nghệ thuật quản lý kinh tế nhà nước của Trung Quốc, sự thay đổi chiến lược có thể sẽ mang hơi hướng chủ nghĩa cơ hội. Nếu các quốc gia châu Á nhỏ hơn nhận thấy rằng Nhật Bản đang nhượng bộ Trung Quốc, họ có thể cũng làm điều tương tự.

Rủi ro thứ hai đối với Tokyo là cuộc gặp của Abe với Tập Cận Bình được Washington và phần còn lại của châu Á nhìn nhận như một chiến lược ngăn chặn rủi ro - một chính sách "bảo hiểm", được đưa ra bởi một nhóm chuyên gia cố vấn của Trung Quốc trong chuyến thăm Tokyo hồi tháng Tư năm nay. Nhật Bản không đủ khả năng để nhận thấy bất cứ lợi ích nào trong quan hệ với Trung Quốc cũng có thể trở thành một vật đệm trong liên minh với Mỹ.

Nhật Bản đang cố gắng tạo ra một mặt trận đa phương với Mỹ, phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), để giải quyết việc Trung Quốc không trao quy chế tối huệ quốc cho Nhật Bản trong quan hệ kinh tế và truyền bá các tiêu chuẩn riêng của mình. Abe không ngừng cố gắng thuyết phục Tổng thống Trump về tầm quan trọng địa chính trị của mối quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương trong việc duy trì trật tự kinh tế tự do và về sự cần thiết cho hợp tác ba bên với châu Âu để đối phó với chính sách công nghiệp của Trung Quốc. Cả hai yêu cầu này đều bị phớt lờ.

Theo một quan chức cấp cao trong Chính phủ Nhật Bản, Trump đã trao đổi riêng với ông về việc để Mỹ xử lý các chính sách kinh tế của Trung Quốc. Một đại sứ châu Âu tại Tokyo cho biết Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cũng được thông báo điều tương tự tại Nhà Trắng. Tồi tệ hơn việc thiếu hợp tác, các mức thuế đối với ô tô và phụ tùng ô tô có thể gây ra sự rạn nứt nghiêm trọng với Mỹ và gây thiệt hại chính trị nghiêm trọng cho Abe, chứng tỏ rằng "mối quan hệ đặc biệt" của ông với Trump là vô ích.

Cách tiếp cận song phương của chính quyền Trump chỉ ra nguy cơ căn bản nhất trong tam giác quan hệ Mỹ-Nhật-Trung cũng như một lý do nằm ngoài chuyến thăm của Abe: đó là thiệt hại mà người dân phải gánh chịu do cuộc xung đột hoặc sự thông đồng giữa Mỹ và Trung Quốc. Một cuộc chiến thương mại kéo dài sẽ làm tổn hại đến Nhật Bản, vì 21,7% kim ngạch thương mại của nước này trong năm ngoái và các chuỗi cung ứng của công ty liên quan đến Trung Quốc. Chính phủ Nhật Bản cũng cảnh giác rằng liên minh với Mỹ sẽ trở nên phụ thuộc vào "các quan hệ kiểu mới giữa các nước lớn", như đã từng lo ngại dưới thời Tổng thống Barack Obama, có thể là dưới một số hình thức thỏa thuận mà Trump có thể đưa ra với Tập Cận Bình sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung "nóng" lên, Trung Quốc cần Nhật Bản đóng vai trò ít nhất là vật đệm, cũng như giành được sự ủng hộ chính trị cho đầu tư của Nhật Bản, vốn chưa bằng một nửa mức của năm 2012 trong những năm gần đây. Các quốc gia châu Á có khả năng đón nhận các mối quan hệ nồng ấm hơn. Các nhà ngoại giao của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) nói rằng những căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản khiến họ cảm thấy như họ phải lựa chọn giữa hai nước - điều mà họ ghét cay ghét đắng

Trong khi Nhật Bản hiểu rõ rằng Mỹ sẵn sàng thách thức Trung Quốc hơn nữa, tốc độ cạnh tranh công nghệ cao và cuộc đua vũ khí hạt nhân tiềm tàng với Trung Quốc có thể đẩy Nhật Bản trở thành một con tốt và gây bất ổn cho quan hệ Trung-Nhật. Đối với Nhật Bản, rõ ràng là việc giải quyết mối quan hệ với Mỹ vô cùng quan trọng, và mối quan hệ tốt hơn với Trung Quốc là một phần trong nỗ lực của Nhật Bản để duy trì một số ảnh hưởng.

Có một điều chắc chắn: Abe quyết tâm tránh thiệt hại lớn nhất - tổn thất lâu dài cho liên minh Mỹ-Nhật. Thông báo của Bộ Quốc phòng Nhật Bản về việc đưa một tàu ngầm tham gia các cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông là một tín hiệu đúng lúc, cho thấy Nhật Bản sẽ không có những thay đổi tiêu cực đối với liên minh và sẽ thực hiện nghĩa vụ của mình để duy trì trật tự dựa trên các quy tắc. Những chỉ trích của Phó Tổng thống Mỹ Pence về việc Trung Quốc lợi dụng thành tựu kinh tế và can thiệp vào nền chính trị của Mỹ, mang hơi hướng của bài diễn văn Bức màn sắt năm 1946 của Winston Churchill, đã không bị Tokyo phớt lờ.

Nếu ông Abe có thể đạt được sự bình thường hóa với Trung Quốc, đó là vì ông đã rất nỗ lực để củng cố liên minh Mỹ-Nhật. Ngay cả khi gặp Tập Cận Bình, ông Abe không cần nhắc nhở rằng thách thức lớn nhất về lâu dài của Nhật Bản là Trung Quốc.

Yoichi Funabashi là Chủ tịch của Tổ chức Sáng kiến Châu Á – Thái Bình Dương, Nhật Bản. Bài viết đăng trên trang “Washington post.”

Nhật Linh (gt)