Ông Shinzo Abe và liên minh cầm quyền của ông đã giành thắng lợi lớn với 2/3 số ghế tại cuộc bầu cử Hạ viện ngày 22/10, một điều kiện tiên quyết để ông tiếp tục nhiệm kỳ thủ tướng tiếp theo. Liệu ông Abe sẽ có những "đối sách" như thế nào trước Triều Tiên? Việc cải thiện mối quan hệ với Bắc Kinh có phải là mối ưu tiên của ông? Dưới đây là phần trả lời phỏng vấn của Atlantico với bà Céline Pajon, chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm châu Á thuộc Viện quan hệ quốc tế Pháp (Ifri), và ông Barthélémy Courmont, Giám đốc nghiên cứu tại Viện quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp (Iris), về vấn đề này.

Atlantico: 5 năm sau khi thắng cử vào năm 2012, ông Shinzo Abe đã quyết định giải tán Hạ viện vào tháng 9/2017. Cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản vừa diễn ra. Ông bà đánh giá như thế nào về quyết định nói trên, cũng như kết quả của cuộc bầu cử?

Céline Pajon: Quyết định giải tán Hạ viện, có thể được xem là một "quyết định khôn ngoan", đã có tiền lệ vào năm 2014. Năm đó, Shinzo Abe đã tổ chức bầu cử sớm khi Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông đang nắm đa số ghế tại Hạ viện, và uy tín của LDP đã được củng cố thêm sau cuộc bầu cử khi họ đã cùng với đối tác liên minh Komeito giành được 2/3 số phiếu trong Hạ viện. Kịch bản này vừa được lặp lại. Tuy nhiên, chiến thắng của ông Abe không phải là một chiến thắng huy hoàng: Người dân Nhật Bản đã đưa ra lựa chọn như một sự mặc định.

Quả thực, phe đối lập chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) đã rất suy yếu và chia rẽ từ năm 2012, sau 3 năm cầm quyền đầy tai tiếng. Tuy nhiên, lần này phe đối lập đã tái tổ chức sau khi bà Yuriko Koike, Thống đốc Tokyo, bất ngờ tuyên bố thành lập một đảng riêng và gây thách thức với LDP. Tuyên bố của bà Yuriko Koike đã gây xáo trộn trong DPJ: những thành viên bảo thủ nhất gia nhập Đảng Hy vọng, còn các thành viên thiên tả nhất thành lập đảng mới - đảng Dân chủ Lập hiến. Mặc dù việc tái tổ chức này đã cho phép xác định rõ ràng các đường lối về ý thức hệ, thì việc phe đối lập vẫn chia rẽ, đã mở ra cơ hội lớn cho Shinzo Abe. Giờ đây, ông có thể vui mừng vì được tín nhiệm cho một nhiệm kỳ mới - cho phép ông nắm quyền tới năm 2021 và thực hiện những cải cách mong muốn.

Barthélémy Courmont: Đây là một thắng lợi quan trọng đối với ông Abe, bởi LDP đã giành được 2/3 số ghế trong Hạ viện. Tuy nhiên, đây không phải là một bất ngờ lớn nếu chúng ta xét tới khó khăn của phe đối lập chính trị (vốn suy yếu kể từ khi DPJ thất bại trong bầu cử hồi năm 2012) và một bối cảnh an ninh bất ổn giúp ông Abe có một vị thế mạnh mẽ, cũng như sự không chắc chắn của một "giải pháp đan xen". Do vậy, quyết định tổ chức bầu cử sớm này là một quyết định sáng suốt.

Atlantico: Khi Nhật Bản rơi vào tình trạng bất ổn chính trị nặng nề trong những thập kỷ gần đây, ông Shinzo Abe đã giúp đất nước phục hồi. Giữa chính sách kích thích kinh tế Abenomics và tinh thần chủ nghĩa dân tộc, đâu là "công thức" mang lại sự thành công cho Thủ tướng Abe?

Céline Pajon: Ông Shinzo Abe đã rút ra được những bài học kinh nghiệm kể từ nhiệm kỳ đầu của ông, hồi năm 2007: Chỉ sau vài tháng nắm quyền, ông đã đối mặt với việc giảm mạnh mức độ tín nhiệm, và buộc phải từ chức. Lần này, ông đã biết cách tập hợp quanh mình những cố vấn khôn khéo, biết trau chuốt ngôn từ giao tiếp và luôn cố gắng xuất hiện như là một chính khách mạnh mẽ có những ý tưởng rõ ràng và chính xác để đưa Nhật Bản tiến lên, và để bảo vệ đất nước - đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng với Triều Tiên. Ông đã chú ý nhấn mạnh chính sách kinh tế Abenomics của mình - điều này đã giúp khôi phục niềm tin cho các doanh nghiệp, tuy nhiên những cải cách cơ cấu mà ông hứa hẹn vẫn đang được người dân Nhật Bản chờ đợi. Trong lĩnh vực ngoại giao, uy tín của ông Abe đã được khẳng định, ông thực hiện nhiều chuyến công du, mang lại cho Nhật Bản một vị thế rõ rệt trong cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, ông Abe cũng là một nhân vật bị phê phán: Những quan điểm theo chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa xét lại của ông bị chỉ trích, kế hoạch sửa đổi hiến pháp hòa bình của ông cũng gây nhiều tranh cãi. Cuối cùng, chủ trương của ông - có xu hướng tạo ra sự không minh bạch cho những vấn đề mà ông đảm trách và buộc Quốc hội thông qua các đạo luật ít được lòng dân, chẳng hạn luật bảo vệ bí mật nhà nước - bị chỉ trích ngay trong đảng của ông. Tuy nhiên, ông Shinzo Abe là một chiến thuật gia đủ khôn khéo để biết cách loại bỏ những nhân vật đối lập.

Barthélémy Courmont: Trước tiên, cần lưu ý rằng chiến dịch tranh cử này diễn ra rất ngắn ngủi, và nó không thu hút nhiều sự quan tâm. Tỷ lệ tham gia bầu cử thấp, như thường thấy trong các cuộc bầu cử ở Nhật Bản, điều này phản ánh thái độ của người dân Nhật Bản trước sự chi phối áp đảo của LDP kể từ giữa những năm 1950, và cảm giác của họ rằng giới chính trị gia không có các biện pháp phục hồi kinh tế hiệu quả. Nội các Abe cũng không là một ngoại lệ. Chính sách Abenomics mang lại kết quả không mấy khả quan, do vậy Thủ tướng Abe không thể sử dụng tấm bản đồ kinh tế theo cách tương tự như thời điểm năm 2012. Nhưng do không tồn tại phe đối lập đủ để người dân tin cậy, nên ông Abe không có đối thủ. Vấn đề đổi mới đất nước theo tinh thần chủ nghĩa dân tộc phức tạp hơn. Nếu như ông Abe nhận được sự ủng hộ của phe theo đường lối dân tộc chủ nghĩa, thì ngược lại ông chịu sự chỉ trích mạnh mẽ của phe theo đường lối hòa bình - những người được huy động mạnh mẽ chống lại mong muốn của ông về cải cách hiến pháp. Từ lâu, người dân Nhật Bản đã chia rẽ mạnh mẽ về vấn đề này. Trong bối cảnh được đánh dấu bởi những lo ngại lớn xung quanh vấn đề Triều Tiên, thì hơn bao giờ hết phe ủng hộ đường lối hòa bình không muốn nghe theo ông Abe. Điều đó không có nghĩa là đa số người dân Nhật Bản có thể tiếp nhận bài diễn văn theo tinh thần dân tộc chủ nghĩa, dù mối đe dọa Triều Tiên được sử dụng như một công cụ ở mức độ nào đi nữa.

Atlantico:  Những cải cách tiếp theo được người dân Nhật Bản mong đợi là gì? Làm thế nào để dự đoán được vị thế của Nhật Bản trên trường quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng xảy ra ở châu Á trong những năm qua?

Céline Pajon: Việc ông Abe và đảng LDP tiếp tục nắm quyền đã là điều chắc chắn, do vậy, người ta có thể mong đợi một sự tiếp nối chính sách kinh tế và những định hướng ngoại giao mà ông đã tuyên bố.

Trong lĩnh vực kinh tế-xã hội, ông Abe đặc biệt mong muốn thúc đẩy giáo dục miễn phí, bởi chi phí quá cao là một trong những yếu tố hạn chế tỷ lệ sinh ở Nhật Bản. Trong lĩnh vực ngoại giao, ông Abe sẽ nỗ lực giữ vững sự ổn định cho đất nước: Ông sẽ giữ đường lối cứng rắn trước Triều Tiên, đồng thời cho chính quyền nước này thấy rằng ông có sự trợ giúp của đồng minh Mỹ. Ông cũng sẽ tiếp tục đề cập tới vấn đề các công dân Nhật Bản bị Bình Nhưỡng bắt cóc vào những năm 1970. Đối với Trung Quốc, ông Abe sẽ áp dụng chính sách xoa dịu nhằm nhận được sự ủng hộ lớn nhất có thể để gây sức ép lên Triều Tiên. Tuy nhiên, những xung đột nghiêm trọng giữa hai nước xoay quanh các vấn đề như tranh chấp lãnh thổ, đối đầu chiến lược không hề được giải quyết, và sự trỗi dậy của Trung Quốc vẫn là thách thức lớn nhất đối với Nhật Bản. Một lần nữa, Shinzo Abe sẽ tiếp tục nỗ lực hợp tác với đồng minh Mỹ, cũng như các đối tác chiến lược như Úc, Ấn Độ, và một số nước Đông Nam Á và châu Âu như Pháp. Cuối cùng, Thủ tướng Abe sẽ khởi động lại dự án cải cách hiến pháp, đặc biệt Điều 9 của hiến pháp, nhằm chính thức công nhận sự tồn tại của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Để làm được điều đó, ông cần nắm 2/3 số ghế trong Hạ viện - mục tiêu đã đạt được - và một cuộc trưng cầu ý dân với kết quả có lợi cho ông - một mục tiêu khó đạt được hơn nhiều. Ngay từ bây giờ, ông Abe đã tuyên bố tiếp tục tăng cường năng lực quân sự của Nhật Bản thông qua việc tăng ngân sách quốc phòng nhằm phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa, và duy trì năng lực tấn công giới hạn.

Barthélémy Courmont: Ông Abe đã tuyên bố rằng mối ưu tiên của ông là vấn đề Triều Tiên, với một lập trường cứng rắn. Tuyên bố này không hề mới mẻ đối với một đất nước mà trong nhiều năm đã tăng cường các biện pháp trừng phạt đơn phương - ít hiệu quả - nhằm vào Bình Nhưỡng. Người ta có thể đặt câu hỏi về ý nghĩa liên quan đến lập trường của ông. Liệu ông Abe có ý định thúc đẩy quyết tâm cải cách hiến pháp? Liệu ông có dự định thực hiện một hành động quân sự nhằm vào Triều Tiên? Tất cả điều đó giống như một hành động khoa trương hơn là một chương trình chính trị thực sự, và rất có thể cuối cùng Nhật Bản sẽ không thay đổi lập trường đối với vấn đề hạt nhân Triều Tiên, bởi giờ đây cuộc khủng hoảng dường như có phần lắng xuống, trước khi một cuộc khủng hoảng mới xuất hiện.

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm hơn là tương lai của mối quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh. Gần đây, ông Abe đã có những động thái đáng khích lệ nhằm giảm bớt những căng thẳng giữa hai nước. Nếu hội đủ các điều kiện, mối quan hệ Trung-Nhật có thể sẽ là trọng tâm chi phối nhiệm kỳ mới này của Thủ tướng Abe.

Theo Atlantico

Hương Lan (gt)