Gần đây, nhiều quan chức trong chính phủ và quân đội Nhật Bản cho biết nước này đang củng cố chuỗi đảo xa tại khu vực biển Hoa Đông theo một chiến lược nhằm giành lợi thế so với Hải quân Trung Quốc và giữ Trung Quốc không thể xâm phạm vùng biển Tây Thái Bình Dương.

Hàng chục nhà hoạch định chính sách và thiết kế chiến lược quân sự Nhật Bản đã tiết lộ rằng mục tiêu lớn hơn của Thủ tướng Shinzo Abe để tăng cường tiềm lực quân sự của nước này là kiểm soát vùng biển và vùng trời xung quanh các đảo xa. Theo đó, Nhật Bản đã thiết lập một chuỗi tên lửa chống tàu và chống máy bay dọc theo 200 đảo trong khu vực biển Hoa Đông, kéo dài 1.400 km từ lục địa của Nhật Bản đến Đài Loan. Đây là lần đầu tiên những quan chức như vậy nói ra việc bố trí lực lượng nhằm ngăn cản Trung Quốc tiếp cận khu vực Tây Thái Bình Dương, được gọi là học thuyết "chống tiếp cận/ngăn chặn xâm nhập khu vực (A2/AD) phiên bản Nhật Bản” – A2/AD là một chiến lược mà Trung Quốc đã sử dụng để đẩy Mỹ và các đồng minh của Mỹ ra khỏi khu vực.

“Chuỗi đảo thứ nhất” và hoạt động quân sự của Trung Quốc

“Chuỗi đảo thứ nhất” được Mỹ xây dựng từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh với 4 điểm quan trọng: “đầu chuỗi đảo” là Hàn Quốc, “đuôi chuỗi đảo” là Philippines, “khóa chuỗi đảo” là Đài Loan và “trọng tâm chuỗi đảo” là Nhật Bản. Trong việc sắp đặt, bố trí của Washington, Nhật Bản đóng vai trò quan trọng then chốt. Mỹ tin rằng các đồng minh châu Á, cụ thể là Nhật Bản có thể giúp kiềm chế sức mạnh quân sự đang gia tăng của Trung Quốc. Những năm gần đây, trọng điểm hợp tác với Nhật Bản của Mỹ được đặt ở “nhất thể hóa quân sự”, đó là hỗ trợ Nhật Bản tổ chức lại thể chế chỉ huy và tác chiến của Lực lượng Phòng vệ để nâng cao khả năng phối hợp tác chiến giữa các lực lượng của Mỹ và Nhật Bản cũng như với quân đội của các nước đồng minh khác trong khu vực. Do đó, Mỹ đã thúc đẩy Nhật Bản dỡ bỏ lệnh cấm quyền phòng vệ tập thể để tăng cường khả năng quân sự của Nhật Bản ở châu Á.

Khi Trung Quốc gia tăng các hoạt động khẳng định chủ quyền ở Biển Đông với việc xây dựng căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo thì “chuỗi đảo thứ nhất” dường như trở thành ranh giới phân chia ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông Satoshi Morimoto - Giáo sư tại Đại học Takushoku, từng là Bộ trưởng Quốc phòng Nhật bản năm 2012 đã nói với Bộ trưởng Quốc phòng đương nhiệm, Tướng Nakatani rằng "Trong 5 hoặc 6 năm tới ‘chuỗi đảo thứ nhất’ sẽ trở nên vô cùng quan trọng trong cán cân quân sự giữa Trung Quốc với Mỹ-Nhật Bản".

Trung Quốc coi hoạt động hàng hải tại Tây Thái Bình Dương có tầm quan trọng chiến lược, vừa là một tuyến đường để đến các đại dương khác, vừa là mục tiêu tăng cường sức mạnh Hải quân Trung Quốc. Hải quân Trung Quốc ngày càng mở rộng phạm vi hoạt động, đã phản ánh sự phát triển sức mạnh quốc gia của họ. Tân Hoa Xã từng có bài viết cho rằng Hải quân Trung Quốc đang thực hiện chiến lược chuyển từ lực lượng phòng thủ duyên hải phát triển thành lực lượng phòng thủ biển xa. Quân đội Trung Quốc hy vọng bảo vệ tốt hơn an toàn tuyến đường vận tải và tuyến đường giao thông chủ yếu trên biển xung quanh Trung Quốc. Để thực hiện mục tiêu này, Hải quân Trung Quốc tăng cường phát triển các loại tàu chiến cỡ lớn và xây dựng khả năng toàn diện hơn. Trung Quốc cũng đang đầu tư vào tên lửa có độ chính xác cao vì nước này muốn ngăn chặn sự giám sát kỹ thuật của Hải quân Mỹ từ việc thường xuyên đi lại trên biển hoặc trên không gần Đài Loan hoặc trên Biển Đông. Tháng 9 vừa qua, Trung Quốc đã cho các quốc gia bạn bè và các đối thủ tiềm năng thấy sức mạnh quân sự của họ trong cuộc duyệt binh quân sự lớn nhất từ trước đến nay. Xuất hiện đầu tiên là tên lửa đạn đạo Đông Phong 21D - loại tên lửa đạn đạo chống tàu ngầm vẫn chưa được thử nghiệm nhưng được cho là có khả năng phá hủy loại tàu sân bay của Mỹ trị giá 5 tỷ USD. Tên lửa này nằm trong kho vũ khí mà Quốc hội Mỹ ước tính gồm 1.200 tên lửa tầm ngắn và tầm trung có thể tấn công bất cứ đâu nằm trong “chuỗi đảo thứ nhất”. Trung Quốc cũng đang phát triển các tên lửa hành trình tránh rađa có thể phóng từ mặt đất hoặc ngầm dưới biển.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong các phát biểu liên quan tiếp tục nhấn mạnh mục tiêu cao trong việc phát triển năng lực hải quân ở các vùng biển xa để bảo vệ các lợi ích toàn cầu của nước này. Chắc chắn là chẳng có gì cản nổi các tàu chiến Trung Quốc đi qua khu vực Tây Thái Bình Dương theo luật pháp quốc tế nhưng họ sẽ phải thận trọng hơn trong bối cảnh Mỹ và Nhật Bản củng cố khả năng quân sự tại các vùng biển này.

Cuối tháng 10, một tàu chiến Mỹ đã thách thức giới hạn chủ quyền do Trung Quốc tuyên bố đối với các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa có các căn cứ quân sự của nước này. Một quan chức quân đội cấp cao của Mỹ yêu cầu giấu tên cho biết: "Chúng ta có thể trì hoãn nhưng sớm muộn gì sự việc đó cũng không thể tránh khỏi". Ông Kevin Maher - Chánh Văn phòng phụ trách các vấn đề Nhật Bản thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ từ năm 2009-2011, hiện là cố vấn tại công ty Tư vấn Kinh doanh Quốc tế NMV ở Washington, nói: "Mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là quyền bá chủ trên Biển Đông và biển Hoa Đông. Nhân nhượng với Trung Quốc chỉ càng khiến nước này thêm kích động". Trong khi đó, một số chuyên gia và quan chức cho rằng Bắc Kinh đã tạo ra những "sự kiện thực tiễn" để đảm bảo kiểm soát quân sự trong khu vực Biển Đông.

Chiến lược ngăn chặn nhằm giành lại lợi thế của Nhật Bản

Chiến lược ngăn chặn Trung Quốc của Nhật Bản bắt đầu từ năm 2010, trước khi ông Shinzo Abe lên nắm quyền 2 năm. Chính phủ do người tiền nhiệm của Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) lãnh đạo đã không có chiến lược củng cố chuỗi đảo phía Tây Nam này. Ông Akihisa Nagashima - một nghị sỹ thuộc DPJ nói: "Ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc và sự thờ ơ của Mỹ chính là nhân tố tác động. Chúng tôi muốn làm những gì có thể và giúp bảo đảm sự bền vững trong triển khai quân sự của Mỹ".

"Uy lực hải quân và sự vượt trội về không quân là cụm từ chúng tôi hay dùng hơn là A2/AD", theo ông Yosuke Isozaki - cố vấn an ninh đầu tiên của Thủ tướng Abe, đồng thời là tác giả chính của Chiến lược Quốc phòng Quốc gia Nhật Bản được xuất bản vào năm 2013, trong đó lần đầu tiên sử dụng cụm từ này.

Trong vòng 5 năm tới, Nhật Bản sẽ tăng cường thêm khoảng 1/5 lực lượng quốc phòng trên các đảo tại biển Hoa Đông, lên tới 10.000 quân nhân. Đội quân này vận hành các ụ phóng tên lửa và trạm rađa - được hỗ trợ bởi các đơn vị lính thủy đánh bộ trên đất liền, các tàu ngầm, máy bay chiến đấu F35, các phương tiện chiến đấu cả dưới nước và trên bộ, tàu sân bay và cuối cùng là Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ đóng tại Yokosuda, phía Nam Tokyo.

Hải quân Nhật Bản và Mỹ vốn đã thân thiết nay lại càng xích lại gần nhau hơn bao giờ hết. Luật An ninh Quốc gia mới của Thủ tướng Abe đã hợp pháp hóa việc tự vệ và cho phép Nhật Bản cầu cứu sự hỗ trợ từ các đồng minh khi bị tấn công. Một sự thay đổi lớn nữa là quân đội Mỹ và Nhật Bản có thể lên kế hoạch và thực hành đối phó với chiến tranh nhằm gia tăng lực lượng.

Ông Toshi Yoshihara - Giáo sư tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ cho rằng Tokyo có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế Trung Quốc điều động lực lượng từ biển Hoa Đông sang phía Tây Thái Bình Dương, tăng cường sự tự do đi lại của Mỹ và trì hoãn tạm thời để các đồng minh có thêm thời gian phản ứng nếu có chiến tranh với Trung Quốc. Giáo sư Yoshitara nhấn mạnh: "Nhật Bản đang đẩy mạnh năng lực hải quân và sự vượt trội về không quân theo hướng phối hợp tác chiến với quân đội Mỹ. Có thể nói, đến nay Nhật Bản đang chiếm ưu thế so với Trung Quốc”.

Phó Đô đốc Joseph Aucoin - Chỉ huy Hạm đội 7 Hải quân Mỹ - coi việc phát triển của Nhật Bản tại biển Hoa Đông như là một sự bổ sung đối với chiến lược rộng hơn của Mỹ. Tướng Aucoin cho biết: "Quá trình lên kế hoạch của Mỹ cho bất kỳ cuộc chiến nào cũng xem xét rất kỹ khả năng và lực lượng của các quốc gia đồng minh và các đối thủ tiềm năng. Mỹ dự kiến mục tiêu duy trì hòa bình và sự ổn định không chỉ cho Nhật Bản mà còn cả khu vực".

Chi phí quân sự lớn hơn cũng có nghĩa là tiềm năng lớn hơn. Quân đội Nhật Bản đang tìm kiếm gói chi tiêu trong năm tài khóa tới lần đầu tiên chạm mức 5 nghìn tỷ yên (tương đương 40 tỷ USD), bao gồm khoản ngân sách cho loại tên lửa chống tàu tầm xa, máy bay săn tàu ngầm, máy bay cảnh báo sớm, máy bay không người lái, phương tiện bay và máy bay phản lực vận chuyển hạng nặng có tầm bay xa.

Tuy nhiên, quân đội Nhật Bản vẫn thiếu nguồn lực trong một vài lĩnh vực. Tên lửa chống tàu được thiết kế 30 năm trước thì nay vẫn được bố trí ở hàng rào phòng vệ dọc theo chuỗi đảo phía Tây Nam. Trong khi đó, suốt nhiều thế kỷ không được đầu tư nhiều nên Nhật Bản có rất ít tàu vận chuyển hải quân và máy bay quân sự có thể mang một số lượng lớn binh lính và trang thiết bị. Các nhà hoạch định chiến lược quân sự Nhật Bản cũng cần phải chỉ ra làm thế nào để biến một đội quân đã quen với việc gắn chặt ở các căn cứ quân sự trở thành một lực lượng viễn chinh cơ động.

Một nhiệm vụ nhạy cảm hơn của Chính phủ Nhật Bản có lẽ là thuyết phục người dân sống tại “chuỗi đảo thứ nhất” chấp nhận sự hiện diện của lực lượng quân sự lớn hơn, đặc biệt trước những phản đối mạnh mẽ gần đây của người dân tại Okinawa. Tuy nhiên, ông Ryota Takeda (một nghị sỹ Nhật Bản chuyên về lĩnh vực quân sự) cho biết ông thường xuyên đi đến các cộng đồng sinh sống tại “chuỗi đảo thứ nhất” - quê hương của 1,5 triệu người, để thuyết phục những người này ủng hộ chiến lược quốc phòng mới và ông thấy rằng người dân nơi đây đang rất hạnh phúc khi được đề nghị tiếp đón quân đội Nhật Bản.

Theo Reuters

Văn Cường (gt)